Lâm Đồng: Hiệu quả từ một Dự án

Có những người như anh Tuấn, anh Thuỷ, chị Nguyệt …bao năm đầu tắt mặt tối với rẫy cà phê nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bám riết gia đình anh như là số phận. Âý vậy mà từ tháng 6 năm 2008, khi Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với tổ chức  Heifer “Tổ chức phát triển công đồng dựa trên các giá trị của Heifer” triển khai Dự án nuôi bò ở xã Gia Lâm đã mở ra cho các hộ dân nghèo này cơ hội thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Theo đó, dự án thực hiện dựa trên 12 điều cơ bản, đó là: “ chuyển giao tặng phẩm”; “trách nhiệm quản lý dự án”; “san sẻ và chăm lo”; “bền vững và tự túc”; “cải tiến công tác chăn nuôi”; “ dinh dưỡng và lợi nhuận”; “quan tâm gia đình và vấn đề giới”; “ Nhu cầu thực sự và công bằng”; “cải thiện môi trường”; ‘Tham gia đầy đủ”; “Huấn luyện và giáo dục”; “ tinh thần và niềm tin”. Với phương pháp tiếp cận cộng đồng độc đáo “Chuyển giao sản phẩm”: nghĩa là sau 3 năm thực hiện dự án, mỗi gia đình thành viên tham gia dự án sẽ chuyển giao một con bê cái con, và được tập huấn đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, vốn vay …và những hỗ trợ kỷ thuật  mà họ nhận được từ Heifer cho một gia đình nghèo khác. Sau khi được tập huấn các kiến thức về quản lý nhóm, khoa học kỷ thuật về chăn nuôi bò, trồng cỏ…Dự án đã đầu tư cho 60 hộ 60 con bò cái, 3 con bò đực. Bên cạnh đó mỗi hộ còn được vay vốn 2 triệu đồng để đầu tư sản xuất, lấy ngắn nuôi dài; được hỗ trợ vật tư làm chuồng bò; trùn giống để nuôi nhằm tận dụng nguồn phân chuồng và lấy thức ăn chăn nuôi ngan, gà… Dự án đã tiến hành các lớp tập huấn kỷ thuật trồng cỏ, chăn nuôi bò, trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi gà thả vườn….Các hộ thành viên tham gia dự án còn xây dựng quỹ tiết kiệm với số tiền mỗi hộ 20.000đ/tháng. Số tiền này được xoay vòng cho những hộ trong dự án có khó khăn vay với lãi suất thấp. Đến nay tổng số tiền mà các tổ tiết kiệm được  trên 19 triệu đồng cho 30 lượt hộ vay.

Chúng tôi trở lại Gia Lâm sau 1 năm triển khai dự án, câu nói “Thích nuôi bò” – cũng là tâm trạng chung của những người nông dân ở xã Gia Lâm nói riêng và bà con nông dân ở huyện Lâm Hà nói chung. Đơn giản vì nuôi bò có thể giúp họ ổn định cuộc sống, xoá đói giảm nghèo, một hướng đi vươn lên để phát triển kinh tế. Cuộc sống nơi dự án đi qua đã thay đổi từng ngày, thay đổi từ nếp nghĩ, cách làm. Chúng tôi thấy được niềm tự hào trong câu nói của anh Tuấn, nhóm trưởng nhóm 1 của dự án : “Từ khi có Heifer gia đình tôi mới biết đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả”. Để làm được điều đó, bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát của Hội Nông dân các cấp, của Ban quản lý dự án, nhưng cũng không thể không nhắc đến vai trò của chính các tổ nuôi bò nơi đây. Vào những ngày trăng tròn hàng tháng, các tổ tiến hành họp định kỳ, thông qua đó để kiểm điểm đánh giá hoạt động của các gia đình trong phát triển kinh tế, chăm sóc đàn bò; trao đổi kinh nghiệm làm ăn, đóng góp xây dựng quỹ tiết kiệm; động viên thăm hỏi lẫn nhau… Thông qua hoạt động của dự án, các gia đình thành viên đã gắn bó với nhau hơn, sẵn sàng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống; đôn đốc, nhắc nhở nhau cùng chăm sóc đàn bò. Nhờ đó đàn bò mới đưa về hơn 1 năm nhưng đến nay đã phát triển tốt. Có 47/60 con đã được phối giống và đã có 6 con bê con ra đời, trong đó có 5 con bê cái.
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều gia đình đã đầu tư trồng rau, chăn nuôi ngan, gà, đan lát đem lại hiệu quả kinh tế cao như nhà anh Hoàng Anh Tuấn, anh Nguyễn Công Thuỷ… Nhiều gia đình , nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Heifer đã tiết kiệm chi tiêu, tăng cường đầu tư phát triển chăn nuôi như nhà chị Nguyễn Thị Nguyệt; gia đình có bốn mẹ con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn với hơn 3 sào cà phê, được hỗ trợ một con bò cái, chị đã  vay mượn và từ nguồn bán cà phê mua thêm một cặp bò để tiện việc chăm sóc, theo chị, chỉ một năm nữa là chị sẽ có 5 con bò và đủ nguồn phân chuồng để bón cà phê. Chị tâm sự: “Trước đây, khi chưa có dự án cũng muốn mua bò về nuôi, nhưng do chưa có kiến thức về chăn nuôi, hơn nữa trong thôn cũng chưa có nhiều người nuôi nên không tự tin lắm. Bây giờ vừa được trang bị kỷ thuật lại được tham gia sinh hoạt trong nhóm cộng đồng nên thấy tự tin hơn”.
Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao  khoa học kỷ thuật, các buổi sinh hoạt của các tổ, Hội nông dân đã kết hợp tuyên truyền các nghị quyết, pháp luật của Đảng, nhà nước, Nghị quyết của Hội. Từ đó thu hút nông dân vào với Hội, tham gia các phong trào do Hội Nông dân phát động. Theo ông Nguyễn Hữu Dân, đại diện Heifer Việt Nam : hiệu quả qua gần một năm mà dự án đem lại không phải chỉ là tác động bề mặt, đó là về mặt phát triển kinh tế mà đã có những tác động về chiều sâu, đó là các thành viên đã đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, quan tâm đến nhau, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường. Các thành viên trong ban điều hành đã biết quản lý nhóm, tổ chức sinh hoạt nhóm và các hoạt động nhóm theo 12 nguyên tắc cơ bản của Heifer
Sau gần một năm đi vào hoạt động - thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đưa đàn bò của xã Gia Lâm lên hàng trăm con và đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi huyện Lâm Hà. Tuy khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng một hướng đi mới đã mở ra từ những bước đi vững chắc ban đầu, vững chắc niềm vui từ những giọt mồ hôi lấp lánh trên nụ cười của những người nông dân. Chúng tôi hy vọng sự thành công của dự án Herfer trong những năm tiếp theo đúng như cái tên của dự án: “ Phát triển cộng đồng toàn diện theo mô hình của Heifer”.
                                                           Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"