Lâm Đồng: Nhiều dự án phá nát rừng bán đất

Sau 3 năm tuyến đường 723 nối liền hai thành phố Đà Lạt – Nha Trang được khai thông, hàng trăm hecta rừng thông đang xanh tươi bỗng chốc biến thành đồi trọc, nhiều doanh nghiệp đổ xô lập dự án đầu tư, sau đó công khai phá rừng, san ủi, phân lô và bán đất dự án.
Nóng bỏng nhất là tại các tiểu khu 114, 115, 118, 143, 144 và 144A của rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng – nơi tuyến đường du lịch 723 đi ngang qua. Nơi đây còn có vị trí địa lý khá thuận lợi cả về điều kiện khí hậu lẫn thổ nhưỡng, lại là khu vực nằm giáp ranh với TP. Đà Lạt nên được xem là miếng mồi béo bở của nhiều doanh nghiệp. Điều đáng nói là sau khi được cấp phép đầu tư, hầu hết các dự án đã triển khai không đúng mục đích hoặc chậm triển khai, có dự án còn triển khai sai lệch địa điểm và ngang nhiên san ủi mặt bằng, phân lô, bán đất... nhưng ngành chức năng chưa chịu vào cuộc, khiến dư luận địa phương vô cùng bức xúc.
    * Cấp đất một nơi, triển khai một nẻo!
     Đầu năm 2008, doanh nghiệp tư nhân Duy Hà được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định cho thuê 52,5ha đất rừng tại tiểu khu 114, thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương để triển khai dự án sản xuất nông lâm nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, trồng khảo nghiệm một số loại cây, hoa đặc hữu kết hợp với quản lý bảo vệ rừng. Sau khi được cấp phép đầu tư, thay vì triển khai dự án theo đúng vị trí đã được nhà nước cho thuê là tiểu khu 114, doanh nghiệp tư nhân Duy Hà lại triển khai trên đất nông nghiệp của người dân thuộc tiểu khu 144. Ngay khi phát hiện có sự nhầm lẫn này, người dân trong vùng đã trình báo với chính quyền địa phương nhưng vẫn không được quan tâm giải quyết.
Trước đó, tại biên bản kiểm tra hiện trạng của ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim do ông Phạm Tiến Vĩ, tổ trưởng Tổ  quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 144, cũng đã xác lập: phần diện tích mà doanh nghiệp tư nhân Duy Hà đang tranh chấp với người dân rõ ràng là thuộc tiểu khu 144, tức không thuộc tiểu khu 114 mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho doanh nghiệp này thuê để triển khai dự án.
Ông Đặng Phước Lợi, ở phường 12, TP. Đà Lạt chua chát nói: “Riêng gia đình tôi có tới 8,5ha đất nông nghiệp nằm tại tiểu khu 144 nhưng đã bị doanh nghiệp tư nhân Duy Hà khăng khăng cho là đất của dự án nên ngang nhiên lấn chiếm. Đã vậy, sau đó doanh nghiệp này lại đi kiện ngược vì cho rằng chúng tôi đã lấn chiếm đất của dự án. Bức xúc nhất là từ đó đến nay, tôi đã trực tiếp đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để nhờ can thiệp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.
Còn ông Yô Shol, một người dân có đất canh tác trong khu vực thì bức xúc và đặt câu hỏi: “Nếu diện tích đất của chúng tôi có đúng đã được cấp cho dự án thật, tại sao trước khi triển khai dự án không được thực hiện bước bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định?!
* Đầu cơ, bán đất.
     Huyện Lạc Dương hiện có 62 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê rừng, cấp phép đầu tư, với tổng diện tích giao cho các dự án này lên đến 9.023ha. Trong đó, có 32 dự án đầu tư vào du lịch, lâm nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi nằm trên địa bàn các xã dọc tuyến đường 723, với tổng diện tích đất đã được cấp lên tới 4.504 ha, chủ yếu trên địa bàn xã Đạ Sar.
Ông Phạm Triều, phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, hầu hết các dự án này đều trong tình trạng chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng, chậm tiến độ theo cam kết. Trước đó, huyện đã đề nghị tỉnh thu hồi 4 dự án, với lý do không triển khai thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư, có dấu hiệu đầu cơ để tìm đối tác sang nhượng kiếm lời. Đặc biệt, thời gian qua giá trị đất tại xã Đạ Sar không ngừng tăng cao và có lúc tăng đột biến, khiến tình trạng mua bán, sang nhượng đất trái phép luôn nóng lên từng ngày. Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý, song tình hình vẫn không được cải thiện.
Giá đất tăng, không chỉ có người dân thực hiện sang nhượng bằng hình thức viết giấy tay, mà ngay cả doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất cũng lén lút bán đất dự án dưới hình thức này.
Ông Đàm Trung Hoàng, ở phường 12, thành phố Đà Lạt, người đã mua 0,5ha đất tại tiểu khu 114, thuộc xã Đạ Sar từ chủ của một dự án được nhà nước cho thuê đất nói: “Vì nghe ông Phan Ngọc Duy, chủ doanh nghiệp tư nhân Duy Hà hứa là sẽ có sổ đỏ đàng hoàng nên tôi mới dám mua, nhưng đã chờ một năm nay rồi vẫn chưa thấy sổ đâu. Nếu mà biết là đất dự án thì dù có cho cũng không ai dám nhận. Số tiền 100 triệu đồng đã đặt cọc trước coi như mất”.
Tan nát rừng phòng hộ đầu nguồn.
      Ngoài tình trạng chặt phá, ken cây rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, khai thác gỗ trái phép của người dân địa phương đang diễn biến phức tạp trên tuyến đường 723, điều đáng nói là vấn nạn này còn có sự góp sức tích cực của các dự án có liên quan đến rừng trên địa bàn. Cụ thể trong năm 2010, ngành chức năng huyện Lạc Dương đã phát hiện có tới 15 doanh nghiệp phá rừng trái phép và 4 doanh nghiệp khai thác rừng trái phép dưới nhiều hình thức. Mặt khác, tình hình khai thác khoáng sản trái phép cũng là nguyên nhân khiến rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim vốn đã tiêu điều nay lại càng thêm tan nát.
Tuy nhiên, theo ông Hà Phước Toản, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, để công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các vùng rừng xung yếu, rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn được thực thi hiệu quả, trước hết cần phải tiếp tục rà soát và xử lý nghiêm đối với các chủ dự án có liên quan đến rừng vi phạm. Bởi lẽ đây là đối tượng có khả năng tác động đến rừng với quy mô lớn nhất so với các đối tượng khác. Mặt khác, sự xử lý kiên quyết này sẽ góp phần chấn chỉnh, làm sạch môi trường thu hút đầu tư các dự án có liên quan đến rừng tại địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29.3.2011, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết qua đơn của người dân tố cáo một số dự án trên địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã bán đất dự án, triển khai dự án không đúng địa điểm đã được cấp phép đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, giải quyết vụ việc. Nếu có phát hiện sai phạm nghiêm trọng sẽ kiên quyết thu hồi dự án./.
                                                                                                          Cao Diên

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"