Xôn xao Biệt thự "Triệu đô" của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - Huỳnh Đức Hòa

Chuyện lạ ở Lâm Đồng: Bí thư Tỉnh uỷ thuê đất thổ… trồng hoa!
Gần một năm trở lại đây, dư luận tại TP Đà Lạt, đặc biệt trong giới cán bộ hưu trí, xôn xao về việc Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Huỳnh Đức Hoà xây biệt thự hoành tráng gần Dinh Toàn quyền Đông Dương, mặc dù đã có nhà mặt tiền trên con phố buôn bán vào loại sầm uất nhất, nhì phố núi mộng mơ!…
Biệt thự triệu “đô”

Tiếp xúc với chúng tôi, một Đại tá Quân đội về hưu bức xúc: “Ông Hoà đã có nhà lầu mặt phố trên đường Phan Đình Phùng nhưng lại mới xây căn biệt thự to trên khuôn viên đất rộng ngàn m2 trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, khiến không ít người phải gọi con đường này là đường… Hoà Thân!”. Theo chỉ dẫn của ông, chúng tôi tìm đến đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn.

Đó là con đường yên tĩnh vắt ngang một đồi thông tuyệt đẹp, dẫn lên khu dinh thự sang trọng, cổ kính của viên Toàn quyền Đông Dương Decoux (Dinh II) – một địa danh du lịch nổi tiếng trên đất ngàn hoa. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi dễ dàng “cận cảnh” được ngôi nhà 3 tầng, có lối kiến trúc hiện đại, chỉ cách cổng Dinh II chưa đầy 100m, gắn biển đề: “UBND P.10 TP Đà Lạt, biệt thự Thanh Dung, 17 Khởi Nghĩa Bắc Sơn” (đọc những chữ này, chúng tôi cứ nghĩ khối địa ốc có… cơ quan chủ quản là chính quyền phường)!


Cổng phụ thứ hai và phía sau dinh thự của ông Huỳnh Đức Hòa ở đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Quả thật, trên lô đất bề ngang chừng 26 – 28m, bề dài hơn 32m, 2 mặt tiền (một đường, một hẻm), biệt thự Thanh Dung với nhiều cửa sổ, tường ốp gạch, ngói thẫm nâu (theo nhiều người, ngói là loại sinh thái cao cấp nhập về từ Pháp), có nhà phụ 4 mái phía sau (dạng lầu thưởng trà, ngắm nguyệt) khá nổi bật giữa triền thông xanh biếc…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, nếu so với biệt thự nguy nga như lâu đài của  cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền; biệt thự tráng lệ như cung điện của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung thì biệt thự của đương kim Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Huỳnh Đức Hoà chỉ thuộc dạng “đàn em”! Song, như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng nói, với mức lương 12 triệu đồng/tháng của ông thì phải dành dụm đến 40 năm mới mua nổi một căn chung cư thu nhập thấp. Vậy, với đồng lương của người đứng đầu một tỉnh, ông Hoà lấy tiền đâu mua đất, tạo dựng biệt thự Thanh Dung (mà theo một số người, trị giá cả triệu đô-la)?

Thuê đất thổ… trồng hoa

Chưa hết, qua điều tra, chúng tôi còn phát hiện một chuyện “lạ” liên quan đến ngôi biệt thự này. Như đã nói, tổng diện tích khuôn viên là gần 1.000m2. Nhưng, hầu như không ai biết, trong đó lại có 385m2 là đất công. Và, “ác thay”, diện tích (27,5m x 15m) ấy lại “trấn” hết mặt tiền lô đất của ông Hoà (tức, toàn bộ mảnh sân vườn phía trước ngôi biệt thự của vị Bí thư là đất Nhà nước). Điều đáng nói, mới cách đây 4 năm, tháng 12/2009 chính quyền TP Đà Lạt đã đưa ra đấu giá quyền sử dụng lô đất này với giá sàn 3,9 tỉ đồng. Và, qua 30 vòng đấu quyết liệt, một khách hàng tên Huyền tại Đà Lạt đã thắng với giá hơn 7,7 tỉ đồng (gần gấp đôi). Thế nhưng, thật lạ, không rõ vì lí do gì, người “đăng quang” lại “bỏ của chạy lấy người”, không mua nữa. Đồng thời, chính quyền cũng “quên” luôn việc phải tiến hành đấu giá tiếp, để mảnh thổ cư “tấm món” ấy chuyển hoá ngược thành đất… nông nghiệp (vườn hoa, cây cảnh) như hiện thời!

Tiếp xúc với chúng tôi, các cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Lạt cũng như ông Hoàng Lợi, Trưởng phòng Địa chính địa phương này cũng không trả lời được câu hỏi “vì sao?”. “Vậy, ông Hoà đã mua lô đất này của Nhà nước để tạo mặt tiền cho biệt thự Thanh Dung?”, chúng tôi hỏi. “Không, anh Bẩy (tên thân mật của ông Hoà) chỉ thuê thôi, không mua” – ông Lợi trả lời. “Thuê ra sao? Giá cả thế nào?…”. “Thuê lâu dài 50 năm, còn giá thuê ra sao thì bên tài chính nắm”! Cũng theo ông Lợi, chính quyền cho thuê đất để “gia đình anh Bẩy trồng hoa và bảo vệ… 7 cây thông trên đất”(!). Thế nhưng, tìm đỏ con mắt chúng tôi cũng chỉ bấm được 2 đốt ngón tay (2 cây) trên khu sân vườn thoáng rộng của biệt thự Thanh Dung. Vậy, 5 cây còn lại (nếu có) đi đâu?

Điều nữa, bên hông ngôi biệt thự cũng là đất công (hẻm đá), song “ai đó” đã cẩn thận làm cổng sắt, suốt ngày cửa đóng, then cài (ngoài cổng chính trên đất thuê, biệt thự còn có cổng phụ phía sau “ăn” ra hẻm này)…

Được biết, biệt thự có tên thật đẹp Thanh Dung do bà Vân, vợ ông Hoà đứng tên. Còn căn nhà lầu mặt tiền, số 149 Phan Đình Phùng của vợ chồng ông, đang là một cơ sở kinh doanh
MHK (NCT)
……………………………………………..

Cuộc “phiêu lưu” của lô đất vàng và biệt dinh triệu đô của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng

Báo Người cao tuổi số 41 (1358) ra ngày 12/3/2013 có bài “Chuyện lạ ở Lâm Đồng: Bí thư Tỉnh ủy thuê đất thổ cư trồng hoa!”, phản ánh việc đương kim Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa xây dinh thự triệu đô gây xôn xao dư luận… Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến những chuyện khó ngờ khác xung quanh dinh cơ “khủng”, sang trọng “hơn Dinh toàn quyền Đông Dương Decoux” (lời một cán bộ từng là lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng)…

Bí thư Tỉnh ủy mượn người đấu giá thành lô đất rồi bỏ

Lô đất thổ cư mặt tiền đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn rộng gần 400m2, đối diện với Dinh Toàn quyền Decoux (còn gọi là Biệt điện số 2 hay Dinh 2), do tọa lạc ở vị trí đắc địa nên đã được UBND thành phố Đà Lạt tổ chức bán đấu giá. Từ giá sàn 3,9 tỉ đồng người ta đã đấu lên 7,7 tỉ đồng. Thế nhưng, không hiểu sao, ngay sau đó vị khách đấu thắng thường trú tại Đà Lạt lại “bỏ của chạy lấy người”, chịu mất tiền đặt cọc. Đồng thời, chính quyền cũng không tiến hành đấu giá lại mà “mang” cho ông Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa “thuê” lâu dài “để trồng hoa và bảo vệ cây thông”… Chính điều này cùng với việc lương tháng “chẳng bao nhiêu” mà vị công bộc đầu tỉnh xây dinh thự trên lô đất có giá đến hàng chục tỉ đồng đã khiến dư luận (đặc biệt là các cán bộ lão thành, hưu trí) hết sức bất bình cho rằng, ông có biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn… vụ lợi cá nhân mà “xin” thuê nguyên vẹn lô đất đã đấu giá 7,7 tỉ đồng để dinh thự của mình “tiến” ra mặt tiền, gây thiệt hại cho ngân sách…
Theo điều tra của chúng tôi, chính người khách đấu giá thành lô đất ấy là một phụ nữ, do có quan hệ “thân cận” nên được ông Huỳnh Đức Hòa “mượn”, thay ông đứng ra đấu giá. Với “phương châm” phải đấu thắng, người phụ nữ “thế nhân” tên Huyền, thường trú tại thành phố Đà Lạt đã vượt qua 7 đối thủ với 30 vòng quyết đấu để chiến thắng với giá 7,7 tỉ đồng (tăng gần gấp đôi giá khởi điểm). Tuy nhiên, có lẽ do tiếc tiền và đã nghĩ ra cách khác “hay hơn”, “hiệu quả hơn” (là xin thuê đất lâu dài để… “trồng hoa”) nên ông Huỳnh Đức Hòa đã bỏ, chấp nhận mất hàng trăm triệu đồng đặt cọc nhờ bà Huyền thực thi đấu giá.
Xây dựng sai phép?

Tiếp xúc với phóng viên, một số cán bộ hưu trí cho rằng, dinh thự của ông Hòa, chỉ riêng tiền xây dựng công trình cũng khoảng 40 – 50 tỉ đồng. Bởi, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất toàn loại cao cấp, nhập ngoại. “Tôi đã đến nhà ông ấy rồi. Sang trọng lắm, có tầng hầm, thang máy, phía sau trồng cỏ ngoại xanh mướt… Còn sang hơn cả Dinh toàn quyền Decoux sát đó”! Cũng lời vị cựu lãnh đạo tỉnh này, dinh thự của ông Huỳnh Đức Hòa xây mất gần 2 năm trời và theo “đám thợ”, chỉ tính giá trị những hạng mục xây xong nhưng không ưng, đập bỏ rồi làm lại “cũng lên tới nhiều tỉ đồng”.
Một cán bộ hưu trí khác nói: “Sau khi Báo Người cao tuổi có bài đăng, chúng tôi tìm hiểu và được biết lô đất ông Hòa thuê không hoàn toàn vuông vắn mà có hình thước thợ. Vậy, rất có thể một phần dinh thự của ông xây lấn lên diện tích đất chỉ được phép “thuê để trồng hoa” này. Và, như thế là sai phạm!?”…
Cần nói thêm, của nổi công khai của ông Huỳnh Đức Hòa, ngoài dinh thự “khủng” nói trên, còn 2 căn nhà khác: Một căn mặt phố 3 tầng ở đường Phan Đình Phùng và một căn ngay tại chợ Đà Lạt. “Tôi biết ông ta có nhiều nhà, nhiều đất. Ông nổi tiếng về sự giàu có từ khi làm Giám đốc Công an. Ngay con trai ông ấy là Huỳnh Đức Khánh, mới chỉ vào biên chế nhà nước khoảng 2 năm nay nhưng cũng sở hữu một biệt thự không thua kém cha ở Phường 7, thành phố Đà Lạt và đứng tên một số trang trại nuôi cá hồi…” – một chủ doanh nghiệp có “máu mặt” ở Lâm Đồng cho biết!

Biệt thự hoành tráng (chưa có số nhà, biển hiệu) mới xây xong tại Khu Nghệ Tĩnh, Phường 7 TP Đà Lạt cho là của con trai ông Hòa sinh năm 1982 Huỳnh Đức Khánh.


Căn nhà tại Chợ trung tâm Đà Lạt được gia đình ông Huỳnh Đức Hòa
 cho thuê từ hàng chục năm nay.


Ngôi nhà 3 lầu mặt tiền phố (149 Phan Đình Phùng) theo nhiều người trị giá xấp xỉ 15 – 20 tỉ đồng ông Hòa cho thuê.
Trong quá trình xác minh “vụ” thuê đất… trồng hoa, chúng tôi đã hết đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một trong những bất ngờ là lô đất có vị trí đắc địa, rộng cả ngàn mét vuông lại có nguồn gốc bất minh nên bị người dân tố cáo gay gắt suốt chục năm trời!
Hứa với người này, cấp đất cho kẻ khác

Ngày 16/1/1974 ông Lê Phỉ, một thầy giáo cao niên, người được ví như “Nhà Đà Lạt học” ở Việt Nam được Tòa Thị chính thị xã Đà Lạt ra Văn bản số 293 đồng ý cho thuê 500m2 đất tại số 2 đường Trịnh Minh Thế (nay thuộc số 30 Khởi Nghĩa Bắc Sơn, Phường 10; là địa chỉ nhà của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa bây giờ). Tiếp đó, ngày 11/3/1975, Hội đồng thị xã cũng ra Văn bản số 104, chấp thuận điều chỉnh diện tích đất thuê lên 697m2… Sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận, ông Lê Phỉ thuê máy san ủi lô đất, đóng cọc bê-tông và rào lại… Theo ông Phỉ, do “biến cố” 1975, giấy tờ cho thuê của chế độ cũ bị thất lạc nên ông chưa có điều kiện làm nhà, song vẫn thường xuyên quản lí, coi ngó và ngăn chặn những người từ nơi khác đến lấn chiếm đất của ông.
Cho tới đầu năm 2004, sau khi tìm lại được giấy tờ, ông làm đơn xin được cấp sổ đỏ và được cán bộ UBND thành phố Đà Lạt thụ lí, hướng dẫn, hứa hẹn. Thế nhưng, lạ thay, trong khi hồ sơ của ông bị xếp xó hơn 2 năm (mãi thượng tuần tháng 3/2006 UBND thành phố Đà Lạt mới trả lời, không chấp nhận đơn) thì cũng chính thời gian này, một người đã có nhà ở và hộ khẩu thường trú tại một huyện, lại được nhanh chóng giao đất, cấp sổ đỏ?
Cố tình giao đất trái pháp luật

Điều đáng nói, ông Huỳnh Ca (người được ưu ái cấp đất) lại là “nhân vật” mà chỉ trước đó một năm đã bị UBND thành phố Đà Lạt bác đơn “xin lại đất cũ”! Cụ thể, sau khi xác minh kĩ càng, Phòng Địa chính thành phố Đà Lạt đã có báo cáo số 22 tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố là Nguyễn Tri Diện ra Quyết định số 143 ngày 11/2/2004 không chấp nhận đơn xin đất của ông Huỳnh Ca. Bởi, ông này “không cung cấp được giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, quá trình khai phá, sử dụng”. Song, không rõ căn cứ vào đâu, đến ngày 7/6//2005 ông Hoàng Sỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (khi đó, ông Huỳnh Đức Hòa đang đương chức Chủ tịch UBND tỉnh, “sếp” trực tiếp của ông Sơn) ra Văn bản 2494, ngày 6/10/2006 “chấp thuận giao đất” để làm “gậy” cho ông Lê Chinh (Phó của ông Nguyễn Tri Diện) kí sổ đỏ cấp cho ông Huỳnh Ca.
”Tôi đã viết đơn và trực tiếp gặp ông Chinh ngăn chặn việc này, song họ vẫn bất chấp pháp luật, cấp đất khi đang tranh chấp!” – ông Lê Phỉ bức xúc. Cũng theo lão giáo viên 87 tuổi, người được cho là trước đây đã hiến cả một ngôi trường tư thục cho Nhà nước: Ngoài việc cấp 250m2 cho ông Huỳnh Ca, lô đất của ông còn bị xé nhỏ để cấp cho ông Đinh Văn Bảo (cán bộ công an?). Và, giống như ông Huỳnh Ca, năm 2004 ông Bảo cũng bị Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt ra quyết định thu hồi 682m2 cho rằng “đất tự ý lấn chiếm” (thậm chí, sau 10 ngày nếu ông Bảo không “khôi phục lại hiện trạng” sẽ bị cưỡng chế theo pháp luật)!
Vậy, câu hỏi đặt ra: Vì sao ông Lê Phỉ, với đầy đủ giấy tờ lại không được giao đất, còn ông Ca, ông Bảo không một mẩu giấy lận lưng và đã từng bị chính quyền thẳng thừng bác đơn, cũng như quyết liệt thu hồi đất, thì lại được? Tương tự, đường đi của hàng trăm mét vuông đất (được cấp một cách đầy khuất tất) “díc dắc” ra sao để “đến được tay” Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa rồi ông ta xây lên dinh thự?
Vi phạm Luật Khiếu nại – Tố cáo

Theo nguồn tin của chúng tôi, cả ông Huỳnh Ca và Đinh Văn Bảo đều đã có nhà cửa ổn định, do đó họ không có nhu cầu thực sự về đất ở. Bằng chứng là, sau khi được cấp đất chưa đầy một tuần, ông Huỳnh Ca đã tiến hành sang nhượng (và lạ thay, cũng được chính quyền chấp nhận)… Điều này càng thể hiện động cơ cấp đất là mờ ám, là trái luật, là tùy tiện cần phải xử lí!
Đưa cho nhà báo tấm ảnh lô đất bị “xẻ thịt” với những lóng cây thông bị đốn hạ, ông Lê Phỉ cho hay: “Họ tráo trở, lường gạt. Vì, đã cấp đất cho ông Ca, ông Bảo rồi nhưng vẫn giả đò mời tôi lên hứa hẹn để tôi không biết mà tố cáo. Thế nhưng, tháng 4/2006 khi tôi đến lô đất, thấy mấy kẻ “cò” địa ốc xây tường, chặt thông tôi lấy máy chụp ảnh và ngăn cản thì bị họ hung hăng dọa đánh…”. Được biết, ngay sau đó ông Lê Phỉ liền phát đơn tố cáo “ổ tham nhũng đất đai”. Tuy nhiên, mãi đến ngày 24/8/2007, đích thân ông Hòa, với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh mới ra văn bản trả lời: “Việc giao đất cho ông Ca là… đúng(!)”.
Hãy khoan bàn nội dung văn bản nói trên khách quan, trung thực đến mức nào, mà có thể khẳng định: “Quan” đầu tỉnh Huỳnh Đức Hòa đã vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại – Tố cáo (trong vòng 60 ngày phải trả lời và bằng quyết định)!
MHK (NCT)
……………………………………………..
“Chưa bình luận” về biệt thự của bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng

 Bài báo “Cuộc phiêu lưu của lô đất vàng và biệt thự triệu đô của bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng” và các hình ảnh được khẳng định là biệt thự, nhà cửa của ông Huỳnh Đức Hòa - bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - đăng trên báo Người Cao Tuổi ngày 30-5 đã làm xôn xao dư luận.
Ngày 31-5, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với một số đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Một đại biểu xác nhận  trong số các hình ảnh báo Người Cao Tuổi đăng tải có dinh thự của ông Huỳnh Đức Hòa đang ở.

Tuy nhiên, đại biểu “chưa bình luận về nội dung bài báo và những tài sản được cho là của bí thư tỉnh ủy” vì thứ nhất là chưa có đầy đủ cơ sở, tài liệu, căn cứ để bình luận; thứ hai là ông Hòa thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.

Hơn nữa đến thời điểm này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chưa nhận được đơn tố cáo, khiếu nại gì liên quan đến ông Hòa và tài sản của gia đình ông.

Cũng trao đổi với phóng viên qua điện thoại, tổng biên tập báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa cho biết ông và các cộng sự thực hiện bổn phận của người làm báo, cung cấp đến bạn đọc những thông tin, chứng cứ dựa trên hồ sơ, tài liệu, điều tra của phóng viên; còn việc kiểm tra, xem xét, xử lý thế nào là công việc và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Cùng ngày, phóng viên đã tìm gặp ông Huỳnh Đức Hòa để trao đổi về biệt thự liên quan đến ông nhưng ông đang đi công tác nước ngoài.
…………………………………………….
"Biệt thự triệu đô của Bí thư Lâm Đồng": Trách nhiệm thuộc UBKT

Trước thông tin về "biệt thự triệu đô của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng", ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Điều chúng ta cần quan tâm là đã có quy định về vấn đề kê khai tài sản và chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra trên cơ sở đó”.
Liên quan đến thông tin về biệt thự triệu đô của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa do báo Người cao tuổi phản ánh, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực UBPL Quốc hội nói: "Trên thực tế người ta có thể có nhiều nguồn tiền khác nhau. Việc quản lý cán bộ, công chức phải thực hiện trên cơ sở “kê khai tài sản” của họ như thế nào. Bởi đôi khi người ta có những nguồn tiền chính đáng nào đó, như của hồi môn chẳng hạn... Bây giờ chúng ta cứ nói tài sản to, tài sản bé, nhưng biết đâu tài sản đó là do con cái họ ở nước ngoài, hay có một nguồn tiền nào đó nên người ta có thể xây dựng được như vậy". 

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật
"Điều chúng ta cần quan tâm là đã có quy định về vấn đề kê khai tài sản và chúng ta sẽ kiểm tra trên cơ sở đó” -- ông Cương nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phân tích: "Nếu như khối tài sản đó tăng thêm bất thường, thì dù có nhỏ hơn như thế mình vẫn phải có ý kiến, để trên cơ sở đó kiểm tra xem người ta có kê khai tài sản hàng năm đầy đủ hay không ? Việc kê khai lần đầu thế nào, kê khai bổ sung ra làm sao?...".
Để góp phần làm rõ khối tài sản của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa, theo ông Cương, trên cơ sở về chủ trương kê khai tài sản, việc đầu tiên cần làm là tỉnh ủy, trong đó UBKT tỉnh ủy phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin đó và thông tin rộng rãi cho dư luận.
Thậm chí, ông Cương cũng cho rằng, cơ quan kiểm tra trung ương khi thấy thông tin có thể cho kiểm tra, trên cơ sở đó xác định việc kê khai tài sản ra sao, tài sản đó minh bạch hay bất minh.
Để minh bạch hóa tài sản của công chức hiện nay, theo ĐB Cương: “Các quy định về kê khai tài sản, nếu thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ ra vấn đề ngay. Anh phải thực hiện rất chặt việc kê khai tàn sản của công chức, viên chức nói chung. Đó là cái gốc và là cơ sở để khẳng định khối tài sản đó tăng lên có bất thường hay không. Thứ nữa, trong quá trình kê khai anh có công khai, xác minh khi người ta thực hiện việc kê khai lần đầu hay không?”.
“Không nên quá câu nệ vào khối tài sản lớn của công chức. Quan trọng là khối tài sản anh có bất minh hay minh bạch” – ông Cương một lần nữa nhấn mạnh.
Một giải pháp khác được đặt ra là có nên thực hiện mô hình nhà công vụ cấp tỉnh không? Không đồng tình với chủ trương này, ĐB Cương cho rằng việc này có liên quan đến Luật nhà ở và ông đã phát biểu nhiều lần trước đó. “Điều này dễ sinh ra đặc quyền đặc lợi. Cho thuê nhà công vụ mà cứ như cho không. Cái đó đâu phải  nhà công vụ, cũng không đúng tính chất và nó chỉ mang lại quyền lợi cho một số lãnh đạo. Trong khi đó người nghèo hơn là cán bộ công chức, người có nhu cầu hơn thì lại không đến lượt”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề: "Nếu bây giờ mở rộng mô hình nhà công vụ ra thì phải quản lý như thế nào? Cái quan trọng nhất là vấn đề giá cho thuê nhà công vụ. Tôi đã phát biểu ở UBPL khi thẩm tra việc này. Khi anh quản lý chặt chẽ về nhà công vụ còn có thể phòng chống được tiêu cực. Vì sao? Bây giờ được hưởng ưu đãi từ nhà công vụ trong khi anh đương chức đương quyền. Nhưng đến một ngày sau khi anh nghỉ hưu thì anh phải thực hiện như người dân, chứ không phải căn nhà đó giá thuê trên thị trường lên đến mười mấy triệu, nhưng anh lại chỉ thuê với mức vài trăm nghìn".
ĐB Cương cho rằng, nếu quy định sau khi nghỉ hưu áp dụng mức giá thuê tương đương với mức giá thị trường, thì người cán bộ đó sẽ tự trả lại nhà công vụ mà chẳng cần phải yêu cầu, đề nghị.
.............................................................

Qua bài “Dinh thự triệu đô của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng”
Cần làm rõ và thu hồi lô đất cho thuê Đọc bài viết về dinh thự khủng và những ngôi nhà của gia đình ông Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa của nhà hai báo.
Cần làm rõ và thu hồi lô đất cho thuê

Đọc bài viết về dinh thự khủng và những ngôi nhà của gia đình ông Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa của nhà hai báo Vũ Phong và Mạc Hồng Kỳ trên Báo Người cao tuổi, tôi chợt nghĩ: Thay vì phê phán, báo chí phải ca ngợi, biểu dương và tuyên truyền nhân rộng hành động của ông Hòa như "một điển hình tiên tiến"! Vì sao? Vì, trước bối cảnh môi sinh môi trường bị ô nhiễm, hủy hoại từng ngày; trước thực trạng hệ sinh thái rừng bị tàn phá nghiêm trọng từng giờ thì động thái thuê gần 400m2 đất thổ mặt tiền để bảo vệ một số cây thông "còn sót lại" của người đứng đầu một tỉnh là vô cùng dũng cảm… hiếm hoi!

Nhưng đó chỉ là nghĩ đi (cho vui), còn ngẫm lại, bỏ qua chuyện minh bạch hóa nguồn kinh phí xây những khối nhà bề thế, thoạt đầu, tôi thấy thật khó hiểu cho hành vi của vị Bí thư Hòa (tại sao đã đấu giá thành - tất nhiên phải thông qua người khác - lại bỏ, chịu mất hàng trăm triệu đồng tiền cọc rồi đi thuê?). Nhưng rồi tôi cũng tự tìm được câu trả lời: Chẳng có gì khó hiểu! Bởi, nếu cứ chân chất chấp nhận kết quả đấu giá thì sẽ mất toi 7,7 tỉ đồng (uổng?). Còn nếu thuê, sẽ chỉ phải trả tiền thuê (rẻ hều) theo giá Nhà nước (giá đất nông nghiệp, thậm chí là đất rừng). Đã thế, nếu đóng một lần sẽ được cấp ngay sổ đỏ. Như vậy, chả khác nào, đất công "chuyển dịch" nhẹ nhàng thành đất riêng "ông" lâu dài, "bền vững"!

Song, vốn lẽ đời, thường kẻ này được lợi thì người kia bị hại. Và, bên "bị hại" ở đây là Nhà nước. Cụ thể, ngân sách sẽ thất thu một khoản không nhỏ do lô đất không tiếp tục được tiến hành bán đấu giá. Điều nữa, có bị hại, tức có "nạn nhân" thì ắt có "vụ án". Có "vụ án" tất phải có xét xử. Nhưng, xét xử ở đây sẽ là gì, xử ai, xét thế nào?

Theo tôi, ngoài việc kiểm điểm ông Huỳnh Đức Hòa (về hành vi tư lợi, cá nhân), cần phải xem xét trách nhiệm của những người không tiến hành bán đấu giá tiếp mà "dâng đất" cho Bí thư Tỉnh ủy. Đồng thời, cần thu hồi hơn 384m2 đất này để đấu giá lại, tạo nguồn thu ngân sách, tránh lãng phí. Ngoài ra, cũng cần "rà soát" trách nhiệm của người giao phần đất phía sau lô đất thuê (hiện dinh thự của ông Hoà đang "ngự") cho ông Huỳnh Ca, ông Đỗ Văn Bảo một cách trái luật (giao đất cho người không có nhu cầu thực sự, giao  khi đang có tranh chấp), v.v…
Nguyễn Thúy Âu
(Quận 6,  thành phố Hồ Chí Minh)
.............................................................

Phải kiểm điểm,  xử lí nghiêm túc ông Huỳnh Đức Hòa

Sau khi đọc các bài viết trên Báo Người cao tuổi: "Biệt dinh triệu đô của ông Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng", cùng bài điều tra "Cuộc phiêu lưu của lô đất vàng và biệt thự triệu đô của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng" (số 1404 ra ngày 30/5/2014) và bài "Chuyện lạ ở Lâm Đồng: Bí thư Tỉnh ủy thuê đất thổ… trồng hoa" (số 1358 ra ngày 12/3/2014) cùng những bài báo viết về tài sản của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Hà Đức Toại, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP… tôi Trịnh Lương Hy, Trung tướng, cựu Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an thực sự thán phục tinh thần dũng cảm, dám nói lên sự thật của các nhà báo Vũ Phong, Mạc Hồng Kỳ, Ngân Hà… và tập thể Báo Người cao tuổi. Bởi lẽ, trong tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng đầy gian khổ và phức tạp như hiện nay, các phóng viên Báo Người cao tuổi thể hiện được vai trò xung kích, là mũi tiến công sắc bén, nhanh nhạy, can đảm dám phanh phui trước công luận những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; tạo tiền đề để các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

Nhân đây tôi cũng nói rõ, ông Huỳnh Đức Hòa vốn là cán bộ, Công an nhân dân. Cách đây 20 năm, khi tôi là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng thì ông Hòa là cấp dưới của tôi. Khi ấy tôi thường xuyên căn dặn anh em trong đơn vị phải luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; hết lòng phụng sự nhân dân, đất nước và phải gương mẫu về mọi mặt để giữ lòng tin của quần chúng đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, lực lượng công an nói riêng… Vậy mà, giờ đây khi là người đứng đầu của tỉnh, ông Hòa có những dấu hiệu vun vén lợi ích cá nhân, lợi dụng chức vụ quyền hạn "chiếm đoạt" gần 400m2 đất… Ông lấy tiền ở đâu, từ nguồn thu nhập nào để có những dinh thự, khối bất động sản trị giá hàng chục tỉ đồng như thế?

Những ngày này, tôi thường xuyên nhận được điện thoại của bạn bè, đồng nghiệp cũ ở nhiều tỉnh, thành phố hỏi về chuyện "biệt dinh của quan ở Lâm Đồng" mà thực sự thấy bất bình, đau lòng rồi xót xa tự hỏi: Phải chăng đây chính là những người trong "một bộ phận không nhỏ" cán bộ suy thoái về lối sống, đạo đức, tác phong cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu? Phải chăng chính những cán bộ như ông Hòa, ông Truyền, ông Toại, ông Khánh… đã góp phần làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên?

Lâm Đồng là một tỉnh Tây Nguyên. Số hộ nghèo khó còn nhiều, cơ sở hạ tầng thiếu thốn… Vậy, người dân sẽ nghĩ gì khi thấy hình ảnh cơ ngơi "to vật vã" và "sang hơn Dinh Toàn quyền Đông Dương Đờ-cu" của vị lãnh đạo cao nhất tỉnh? Tôi cho rằng, người dân sẽ nghĩ và so sánh. Nhưng tôi lại không biết Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa có nghĩ gì, có tự vấn lương tâm không?

Sau cùng, tôi đề nghị: Các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương cần sớm xác minh làm rõ những vấn đề Báo Người cao tuổi đã nêu. Nếu thông tin trên báo sai thì phải xử lí theo quy định của Luật Báo chí. Còn nếu đúng thì trước hết, có phần trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Cơ quan Kiểm tra Đảng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng và phải kiểm điểm, xử lí nghiêm túc ông Huỳnh Đức Hòa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp…
Trung tướng Trịnh Lương Hy

(Cựu Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an)
Người Cao Tuổi thực hiện

Nhận xét

  1. Nghe đâu ông Bí thư này mới học hết lớp 7 rồi đi bộ đôi. Vậy mà giờ đến Lâm Đông mà nghe danh anh Bảy là xanh mặt hết.

    Trả lờiXóa
  2. Ông Bí thư tỉnh nào nhà nhỏ đâu bạn? Thậm chí năm bảy căn biệt thự nữa là khác. Có đều ông này xui xẻo bị phát hiện thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đã đi qua lại khu vực này nhiều lần vì rất thích khung cảnh ở đó.
    Tôi cũng đã có ý định mua mảnh đất đằng sau biệt thự này.
    Hiện đang có hai mãnh với giá kêu tám tỷ.
    Nhưng đọc xong những bài báo này rồi thì tôi không còn mặn mà gì nữa.
    Tôi không muốn ở khu nhà đẹp làm bằng tiền thiếu minh bạch.

    Trả lờiXóa
  4. Lương 12tr/tháng mà có những cơ ngơi thế này chỉ lũ cầm quyền XHCN mới không biết và chấp nhận.

    Trả lờiXóa
  5. Ha ha, xem mấy cái khách sạn mang tên Dream ở Đà Lạt ai đang đứng tên nhé.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"