Lâm Đồng: “mua” thông tin tham nhũng giá 10 triệu đồng – Thêm một Quyết định gây nhiều tranh cải

Ngày 22-5-2014, Ban nội chính tỉnh ủy Lâm Đồng đã công bố quy định “về việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Theo đó, người dân có nguồn tin về tham nhũng có thể liên hệ Ban nội chính tỉnh ủy Lâm Đồng và nơi này sẽ tiếp nhận, xác minh và “mua” lại với giá từ 500 ngàn đồng đến tối đa là 10 triệu đồng nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng của địa phương.
 Thông tin về việc Ban Nội chính tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định “mua tin” phục vụ công tác phòng chống tham nhũng đã được đông đảo bạn đọc theo dõi và hưởng ứng. Chúng tôi đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Xuân Tùng, trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Lâm Đồng về các vấn đề cụ thể của quy định này.
* Vì sao Lâm Đồng lại quyết định “mua tin để phòng chống tham nhũng” thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Tùng: Mong muốn của chúng tôi là thông qua quy định này, ban Nội chính tỉnh ủy Lâm Đồng sẽ tiếp cận nhiều hơn với nguồn tin phòng chống tham nhũng. Mặt khác đây cũng là một hình thức mang tính răn đe với các đối tượng tham nhũng.
Thông điệp được gửi đến các đối tượng này là việc theo dõi, giám sát sẽ được mở rộng từ phía nhân dân.
* Nhiều người băn khoăn hiện điều kiện bảo vệ bí mật, bảo vệ cá nhân cung cấp thông tin tố cáo nói chung chưa thật sự đáng tin cậy. Ban Nội chính đã nghĩ đến phương án để người dân thật sự an tâm cung cấp thông tin?
Ông Tùng: Chúng tôi biết việc đó và đã tính toán rất kỹ khi tiếp nhận thông tin tố cáo. Người dân cung cấp thông tin có hai dạng: Một là muốn công khai và hai là yêu cầu bí mật.
Trong nội bộ ban, chỉ có người tiếp nhận mới biết người đó đến làm gì, bán mua… ra sao. Ngay cả việc chi tiền, nếu họ yêu cầu, cũng sẽ có người ký thay. Mọi thông tin về người nhận tiền sẽ không được tiết lộ. Toàn bộ hồ sơ sẽ được bảo quản theo chế độ mật.
* Thưa ông, ai là người sẽ tiếp nhận thông tin?
Ông Tùng: Bất kỳ ai có thông tin phản ảnh qua các cách thức điện thoại, fax, mail… hoặc có thể đến trực tiếp hoặc chỉ cần hẹn ở bất cứ một nơi nào đó, chúng tôi cũng sẽ cử người tiếp cận.
Tại cơ quan, cấp trưởng cơ quan hay trưởng phòng theo dõi công tác Phòng chống tham nhũng sẽ trực tiếp làm việc. Nếu cấp trưởng cơ quan đi vắng, sẽ có cấp phó tiếp nhận thông tin. Khoản tiền mua tin sẽ được hạch toán vào ngân sách.
* Quy định mua thông tin phòng chống tham nhũng của tỉnh có nội dung: “Các thông tin tài liệu phải được xác minh đảm bảo tính chính xác và tin cậy” - Vậy thời gian để xác minh là bao lâu? Việc “định giá” một thông tin sẽ căn cứ vào yếu tố nào, thưa ông?
Ông Tùng: Vì yếu tố phức tạp của công tác phòng chống tham nhũng, không thể đưa ra một thời gian tuyệt đối nhưng chúng tôi sẽ tranh thủ tối đa để làm rõ thông tin sớm nhất. Cũng nên nói thêm, việc xác minh ban đầu chỉ mang tính chất kiểm tra thẩm định sơ khởi nguồn tin chứ không phải kiểm tra và xử lý.
Việc “định giá” thông tin có tính “hai mặt” của nó. Ví dụ, một người phát hiện tham nhũng nhỏ dưới 5 triệu đồng thì phải định giá mua thông tin đó ít hơn 5 triệu - nếu mua cao hơn là “có vấn đề”. Nếu nguồn thông tin về một vụ tham nhũng có giá trị 5 triệu đồng nhưng kèm theo nó là những ảnh hưởng tới giá trị tư tưởng, ảnh hưởng tới các quan hệ xã hội rộng lớn hơn… thì sẽ được cộng thêm giá trị vào tiền mua tin.
Khoản tiền “mua tin” sẽ được hạch toán vào ngân sách và nếu người quyết định “mua” mà nguồn tin không có ích thì chính người đó phải chịu trách nhiệm.
* Cũng có ý kiến cho rằng số tiền tối đa để bán tin cho cơ quan chức năng là 10 triệu - quá nhỏ nếu dùng nó để đánh đổi với kẻ tham nhũng?
Ông Tùng: Thật ra, việc “mua tin” ở đây bản chất không phải là việc “bán mua” như một thứ hàng hóa bình thường mà chúng chỉ mang tính tượng trưng về quyết tâm chống tham nhũng. Chúng tôi biết, đa số những người báo thông tin chống tham nhũng đều làm vì cái tâm xây dựng xã hội chứ không thuần về giá trị tiền bạc!
Và thật ra, đây cũng là một cách làm mới mà chúng tôi đã bàn bạc, cân nhắc thật kỹ rồi tiến hành. Chưa thể nói được nhiều, bước đầu, qua các cơ quan thông tin đại chúng, người dân đã quan tâm ủng hộ. Đó là điều khích lệ, sắp tới chúng tôi sẽ làm vừa cải tiến để việc phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu quả hơn!
...................................................................................
Mua tin chống tham nhũng từ chỉ đạo của Ban Nội chính T.Ư
"Việc Ban Nội chính của tỉnh Lâm Đồng triển khai quy định về việc mua tin tức tố cáo về tham nhũng là triển khai từ chỉ đạo của Ban Nội chính T.Ư", ĐBQH Vũ Công Tiến (Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) chia sẻ bên lề Quốc hội chiều nay (4.6).
 "Việc Ban Nội chính của tỉnh Lâm Đồng triển khai quy định về việc mua tin tức tố cáo về tham nhũng là triển khai từ chỉ đạo của Ban Nội chính T.Ư. Ban Nội chính T.Ư có văn bản gửi xuống Ban Nội chính các địa phương. Ban Nội chính T.Ư cũng đã triển khai việc này rồi chứ không phải do Lâm Đồng tự nghĩ ra đâu, chúng tôi chỉ chấp hành và nghiên cứu vận dụng thôi".
Trước khi có quy định về mua tin tố cáo tham nhũng, về lượng tin báo tố giác tội phạm tham nhũng ở Lâm Đồng có nhiều không, thưa ông? Ông có cho rằng biện pháp này mang lại hiệu quả?
- Trước đây chúng tôi cũng đã xử lý một số vụ việc trên cơ sở đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, qua xem xét cụ thể cũng giải quyết cũng được nhiều vấn đề. Còn về hiệu quả, theo tôi, đây là một vấn đề mới, nhưng cũng hết sức quan trọng. Triển khai quy định này, chúng ta sẽ có thêm một kênh để tiếp nhận thông tin hết sức quan trọng, sau đó nghiên cứu để xử lý. 
Ông đánh giá thế nào về tình hình PCTN tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua?
- Cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã có những nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng gắng sức thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi cho là việc tổ chức thực hiện quy định này của tỉnh cũng là một trong những biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra hiện nay trong công cuộc PCTN của Lâm Đồng nói riêng, đặc biệt là với những cơ quan dễ nảy sinh những vấn đề nhạy cảm. Nếu không có những biện pháp chặt chẽ, sẽ tạo ra những sơ hở để cán bộ công chức lợi dụng và tham nhũng. Việc mua tin tố cáo tham nhũng, theo ông liệu có nảy sinh những hạn chế gì trong quá trình thực hiện? Tiền để trả cho nguồn cung cấp thông tin được lấy từ đâu, thưa ông?
- Tôi cho là những thông tin PCTN từ phía người dân hết sức quan trọng, nhưng để thẩm định những thông tin này cho chính xác thì lại phải cần có nhiều giải pháp nữa. Đây là việc mới nên hiệu quả tới đâu thì phải có một thời gian để chứng minh. Nhưng tôi cho đây là một việc cần thiết. Tiền để trả cho các nguồn cung cấp thông tin chính xác được lấy từ ngân sách của địa phương.
...................................................................................
Viện trưởng Viện KSND tối cao phản đối chuyện “mua tin tham nhũng 10 triệu đồng”

Trước việc có địa phương loan tin từ nay sẽ công khai mua tin tức về phòng, chống tham nhũng, tối đa trả 10 triệu đồng để tăng cường nguồn tin phục vụ công tác này, ông Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã phản đối giải pháp này.


Trao đổi bên lề Quốc hội, ông Bình nói, phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của mọi người dân, không nên đặt vấn đề mua tin. Tham nhũng khiến người dân rất bức xúc, người ta sẽ sẵn sàng hợp tác với cơ quan  chức năng mà không phải đặt ra chuyện mua bán ở đây. “Nếu ai đó đặt ra cậu chuyện để người dân bán thông tin chống tham nhũng theo tôi có vẻ như xúc phạm nhân dân”- ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, những người dân chân chính lương thiện sẽ không coi đó là cách để có thu nhập. Cho nên không nên khuyến khích chuyện này. Người dân sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng, không nên coi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là một kế sinh nhai. Cũng cần phân biệt giữa mua bán với khen thưởng. Khi người dân có thành tích về phòng, chống tham nhũng thì được khen thưởng. Cùng với đó, bảo vệ nhân chứng, bảo vệ nguồn tin đặc biệt trong đấu tranh chống tham nhũng là câu chuyện đặt ra không phải chỉ đối với Việt Nam mà thế giới cũng đặt ra việc phải bảo vệ nhân chứng, tố giác tội phạm. Trên thực tế chúng ta cũng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ họ…

Nhận xét

  1. Theo tôi chính quyền chỉ cần mở một website cho dân gởi tin, video, băng thâu thì sẽ đựơc rất nhiều tin.
    Riêng tôi cũng có thể cung cấp bốn vụ do chính tôi chứng kiến và tham gia. Rất nhiều ngừơi như tôi muốn đưa tin nhưng sợ bị hại. Sợ nhất là kẻ gian trong chính cơ quan chống tham nhũng.
    Đầy dẫy là:
    - công an giao thông làm tiền trắng trợn
    - hải quan làm tiền việt kiều
    - quan chức đi quán ăn sang trọng, hộp đêm, karaoke rồi lấy hóa đơn đỏ cho cơ quan thanh toán
    - phường địa chính ăn tiền để làm lơ cho dân xây nhà trái quy định ...

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"