Nguy cơ “xóa sổ” cây a-ti-sô ở Đà Lạt

Nằm ở độ cao trên 1.500 mét, Đà Lạt là “vùng đất hứa” cho những loại nông sản ôn đới. Ngoài các loại rau, hoa, Đà Lạt còn có một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm mà nhiều nơi trên đất nước ta không trồng được-đó là cây a-ti-sô. Điều đáng nói ở đây là do giá cả bấp bênh nên những người trồng loại cây này đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống..

Đến Đà Lạt những ngày này, chúng tôi nhận thấy sự thất vọng hiện trên nét mặt lam lũ của những người nông dân đã gắn bó với những vườn a-ti-sô từ bao đời nay, bởi giá hiện nay đã xuống đến mức thấp không thể thấp hơn, khiến người trồng loại dược liệu này lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì nợ”.


Những vườn A-ti-sô còn sót lại
Không giống như một số loại cây thực phẩm, dược liệu khác, cây a-ti-sô từ thân, lá đến bông đều hữu ích, trong đó đáng chú ý nhất là phần lá – phần chứa hợp chất Cynaphytol nhiều nhất và là nguyên liệu chính để chế biến các sản phẩm dược liệu đặc biệt. Nhưng đối với đa số người dân Đà Lạt thì lợi ích dễ thấy nhất mà cây a-ti-sô đem lại là họ có thể thành lập ngay các cơ sở tư nhân và dễ dàng tạo ra các loại trà thanh nhiệt vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Đây là loại thức uống dùng rất tiện lợi. Đến nay nhiều người đã dùng a-ti-sô thay cho các loại trà truyền thống. Ngoài ra, hoa a-ti-sô còn là một món ăn cao cấp không thể thiếu trên bàn ăn của những thực khách khó tính. A-ti-sô luôn được coi là thứ quà thơm thảo vừa bình dị lại vừa sang trọng, có mặt ở khắp mọi miền đất nước.
Là cây có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay trên địa bàn cư trú của loại cây này đang diễn ra một nghịch lý, trong lúc các sản phẩm chế biến từ a-ti-sô được tiêu thụ mạnh thì người trồng a-ti-sô lại càng điêu đứng. Liên tục trong ba năm trở lại đây, giá a-ti-sô ở nhà vườn bán ra luôn ở mức thấp, có lúc 1kg bông khô chỉ còn 18.000 đồng; thân, rễ phơi khô có giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg, còn lá khô thì không có người mua. Giá a-ti-sô xuống thấp, nông dân không còn chỗ nào khác ngoài việc bán cho Công ty dược Lâm Đồng. Nhưng công ty cũng chỉ mua được một lượng rất nhỏ lá tươi để nấu cao trong thời gian ngắn đầu vụ, số còn lại, nông dân chỉ biết phó mặc cho trời.
Để trồng được một cây a-ti-sô thành phẩm, những người trồng phải bỏ biết bao công sức, họ âm thầm lặng lẽ trên những mảnh vườn, thửa đất. Họ cần mẫn chắt chiu từng chút kinh nghiệm mong tạo ra món hàng đặc sản đặc trưng cho Đà Lạt. Họ mong sao những sản phẩm họ làm ra ngày càng chất lượng hơn trong mỗi gói quà lưu niệm của du khách. Đó là mong ước chính đáng, nhưng để thực hiện được thì không dễ. Trong thực tế sản phẩm mà họ làm ra chỉ được các đại lý mua với giá bằng một phần ba – thậm chí có khi chỉ bằng một phần mười so với giá mà người tiêu dùng phải trả. Họ bị tư thương ép giá trăm bề, lắm lúc phải ngậm đắng nuốt cay nhìn sản phẩm của mình nổi trôi.
Trong khi đó, mỗi vụ mùa kể từ khi trồng đến khi thu hoạch, phải kéo dài từ 7 đến 9 tháng. Tháng nào cũng bận rộn nhưng có thể nói thời gian lo lắng nhất là khi cây ra hoa. Đây là thời kỳ cao điểm của mùa khô, lúc này hầu hết các vùng sản xuất đều thiếu nước trầm trọng. Như vây việc trồng cây a-ti-sô đã khó, lại phải chịu thua thiệt về giá bán, nên xem ra loại cây này có hiệu quả kinh tế không bằng các loại cây rau thương phẩm khác. Có lẽ vì vậy mà đến nay diện tích gieo trồng loại cây này ở Đà Lạt giảm sút nghiêm trọng. Ở phường 11, trong năm 2004, nông dân chỉ trồng chừng khoảng 5ha. Đây là thực trạng đáng được các nhà chức trách quan tâm. Vì trước đây ở vùng này trồng a-ti-sô có đến hàng chục héc-ta. Riêng ở phường 12, nơi có diện tích sản xuất a-ti-sô lớn nhất thành phố Đà Lạt, đến nay chỉ còn trên 10ha (trước đây bình quân mỗi năm có đến hơn 50ha). Diện tích trồng a-ti-sô giảm, sản lượng ít, trong tương lai sẽ làm cho các cơ sở chế biến lao đao vì thiếu nguyên liệu. Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, thành phố Đà Lạt lo lắng: “Nếu giá cả thấp như hiện nay, bà con trồng a-ti-sô sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế hơn thì cây a-ti-sô Đà Lạt có nguy cơ bị xóa sổ”.
Trước mắt cần giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của nông dân và các nhà sản xuất, chế biến nông sản. Theo đó, một việc làm có lẽ tối ưu nhất hiện nay là triển khai chiến lược sản xuất cây a-ti-sô thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá giữa người trồng và người chế biến a-ti-sô. Chỉ có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng và người chế biến a-ti-sô mới có thể ổn định tình hình sản xuất loại dược liệu quý hiếm này. Điều mong mỏi của người trồng a-ti-sô Đà Lạt hiện nay là chính quyền thành phố cần quy hoạch một vùng chuyên canh cây a-ti-sô, đồng thời có phương án hỗ trợ thỏa đáng để người nông dân yên tâm sản xuất. Và điều quan trọng hơn cả là phải giữ cho được thương hiệu a-ti-sô để phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu để khôi phục lại những ưu thế của loại cây đã một thời góp phần tạo nên những nét rất riêng cho thành phố Đà Lạt.
Bài và ảnh: Lê Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"