Lâm Đồng: Giải pháp nào cho cây điều


Cả các cơ quan có trách nhiệm lẫn người trồng điều ở Lâm Đồng đang bận lòng với nỗi trăn trở “bỏ thì thương, vương thì tội”. Thực trạng tệ hại của cây điều ở Lâm Đồng là không thể chối cãi. Rõ ràng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập nhập cho người dân là việc đáng làm. Tuy nhiên, việc ồ ạt chuyển đổi cây điều sang trồng một số loại cây công nghiệp khác có phải là lựa chọn tốt nhất hiện nay? Vì đây là loại cây công nghiệp lâu năm, cần phải duy trì, nhất là trên đất đồi gò như ở 3 huyện phía Nam ?

cây điều thời hoàng kim

 
Cây điều đã được nhắc đến như kỳ tích vì cây điều là loại nông sản duy nhất được chế biến sâu trước khi xuất khẩu, đem lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, nước ta còn phải hơn 90% các loại nông sản khác vẫn được xuất khẩu thô hay chỉ mới sơ chế. Và ngành chế biến hạt điều xuất khẩu đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn công nhân tại chỗ ở khắp vùng Tây nguyên. Hơn thế nửa, cây điều từ lâu đã gắn liền với chính sách định canh định cư và di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới - được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” đối với đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên và Lâm Đồng nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay việc nông dân không còn mặn mà đã chặc bỏ cây điều.
* Thực trạng cây điều ở Lâm Đồng
Cây điều đã có mặt ở vùng đất phía Nam tỉnh Lâm Đồng đã trên 30 năm. Tính đến thời điểm này, diện tích điều của cả tỉnh chỉ còn chưa đầy 16.000ha; trong đó, ba huyện phía nam chiếm cao nhất: Đạ Huoai 6.400ha, Cát Tiên 4.700ha và Đạ Tẻh 2.400ha. Tại huyện Đam Rông, nếu không kể diện tích điều đã trồng từ sau 1975 thì diện tích điều được trồng từ các chương trình và dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hơn mười năm qua cũng chỉ còn 600ha. Một thời gian dài loại cây này đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, nhờ có loại cây điều mà nhiều gia đình từ chỗ đói ăn quanh năm đã vươn lên thoát nghèo từng b ước giàu.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây hàng trăm hecta điều đã bị người dân phá bỏ để trồng các loại cây nông nghiệp khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này là do giá cả bấp bênh. Hiện tại, 1kg điều tươi loại đẹp chỉ được bán với giá 8.000đ, trong khi đó 1ha điều trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch 2,5 tạ. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh liên tục phá hoại khiến cho nhiều năm điều bị mất trắng.
Ông Đặng Thanh Minh ở xã Đạ Tồn huyện Đạ Huoai cho biết: Lý do gia đình ông chặt bỏ vườn điều là một hecta mỳ cao sản cho thu nhập mỗi năm không dưới 120 triệu đồng; con số này của cây cacao là 100 triệu đồng; một số cây ăn quả trên 100 triệu đồng... Vậy, không vì bất kỳ lý do gì để ông giữ lại vườn điều với mỗi năm chỉ mang lại lợi ích kinh tế không quá 15 triệu đồng trên mỗi hecta.
Theo ông Cil Ha Chang, người từng gắn bó với cây điều hàng chục năn nay, dịch bệnh trên cây điều xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó điều trị. Ông nói: “Dù chúng tôi đã phun rất nhiều loại thuốc theo hướng dẫn của ngành chức năng nhưng không có kết quả dẫn đến thu nhập không quá 10 triệu đồng/ha, không phá để làm gì!...”.
Dịch bệnh trên cây điều đã xuất hiên từ nhiều năm nay, nhưng những năm gần đây thì bùng phát mạnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân trồng điều. Trong khi đó, ngành chức năng cũng đành “bó tay” nhìn hàng nghìn hecta điều của nông dân chết mòn. Ông Tô Đức Viện – Chủ tịch Hội Nông đân xã An Nhơn, huyện Đạ Huoai cho biết: “Cây điều đang phải đối mặt với hàng loạt thứ bệnh như thán thư, xì mủ, cháy lá, khô đọt... nhưng lại chưa có thuốc đặc trị tận gốc căn bệnh, khiến cho không chỉ người trồng điều nản lòng, mà ngay cả cơ quan chuyên môn cũng “mệt mỏi”.
Theo ông Lê Văn Khương – GĐ Trung tâm NN&PTNT huyện Đạ Tẻh, từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng của huyện này đã tìm nhiều biện pháp để cứu chữa cây điều nhưng hiệu quả mang lại không cao. Trong khi đó, một cán bộ chuyên môn của Sở NN&PTNT Lâm Đồng “tiết lộ”: “Bệnh trên cây điều thì chúng tôi biết rất rõ rồi đấy, nhưng để tìm ra cách chữa trị dứt điểm thì chúng tôi chưa làm được!...”.
Giải pháp nào cho cây điêu?
 Cây điều ở Lâm Đồng trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nếu như khoảng hơn mươi năm về trước, người dân thi nhau đi chặt bỏ cà phê, cây ăn trái không hiệu quả để trồng điêu, thì những năm gần đây, họ lại chặt phá điều để trồng những cây khác như: cao su, cà phê, mắc cao, măng cụt … Tuy nhiên, “bài toán” này cũng cho thấy không mấy hiệu quả do các loại cây thay thế có thời gian thu hoạch khá lâu, giá cả lại không ổn định.
 Mới đây, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng đã công bố sự lựa chọn hợp lý là phải thay thế ít nhất 2.200ha điều kém chất lượng bằng cây cao su theo chương trình phát triển cây cao su của tỉnh. Bên cạnh đó, một diện tích điều có thể giữ lại, nhưng phải được trồng xen với một số loại cây trồng khác nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cây trồng. Đạ Tẻh là một huyện có diện tích cây điều thấp nhất trong ba huyện phía nam Lâm Đồng nhưng cũng đã đưa ra sự lựa chọn trong thời gian tới, trong 2.400ha điều hiện nay của huyện sẽ có 800ha được thay thế bằng các loại cây trồng khác, diện tích còn lại sẽ được trồng xen canh thêm một số cây nông nghiệp ngắn ngày để tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó, huyện Cát Tiên đã đề ra giải pháp “khắc phục” hiện tượng điều chết hàng loạt hiện nay là sẽ chuyển đổi 2.000ha trong tổng số 4.500ha điều của huyện sang trồng cây ca cao. Huyện Đam Rông đưa ra chiến lược phát triển là toàn bộ 600ha điều hiện có thay thế bằng cây cao su.
Để khôi phục lại những ưu thế của loại cây được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” này, ngoài trồng mới, thay thế bằng giống tốt, ngành chức năng cũng sớm tìm ra thuốc đặc trị dịch bệnh trên cây điều. Nếu làm được như vậy chúng tôi tin rằng một ngày không xa, cây điều sẽ nhanh chóng hồi sinh.
                                                                                 Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"