Lâm Đồng: Nông dân "lao đao" vì rau rớt giá

Mấy ngày nay, người trồng rau ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Tp Đà Lạt (Lâm Đồng) lại thêm một lần lao đao vì rau rớt giá liên tục, Không ít hợp tác xã và hộ sản xuất rau đang phải ngậm ngùi nhổ bỏ các loại rau ... để tiếp tục đầu tư vụ mới. Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra là nông dân thì nhổ bỏ vì không bán được còn giá bán các loại rau này  tại TP HCM và nhiều nơi khác vẫn cao ngất ngưởng…
Nông dân nhổ rau đi đổ…
Tại cánh đồng rau Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập, Ka Đô, Tu Tra, Próh, Thạnh Mỹ (Đơn Dương), chúng tôi gặp Ông Nguyễn Quốc Huy, nghe chúng tôi hỏi, như cởi được tấm lòng, ông cho biết: “Trước Tết, tôi mua hết 25 triệu đồng tiền giống cây giống. Đến bây giờ, mất 3 tháng trồng, chăm sóc cải thảo nhà tôi đã sắp trổ ngồng trên ruộng mà không thấy thương lái nào đến hỏi thăm. Giá mỗi kg cải thảo từ 5.000 đồng tháng trước rớt dần xuống còn 700 đồng/kg và hôm nay chỉ còn 300 đồng/kg nhưng cũng không có ai mua”. Cũng giống như ở huyện Đơn Dương, cánh đồng rau ở Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa (Đức Trọng) mấy ngày nay trở nên xơ xác. Với tổng diện tích hơn 100ha cà chua cũng đang trong tình trạng quả chín đỏ vườn và rụng kín mặt đất mà chẳng ai thu hoạch. Chỉ có một số ít người mang rau về cho bò ăn.
Không chỉ cải thảo, cà chua mà các loại rau khác như xà lách cũng rớt giá thảm hại. Chị Hoa (Hiệp An, Đức Trọng) cho biết, các chủ vựa mua các loại rau này theo bao chứ không cân đong gì cả. Một bao 40 - 50kg chỉ bán gần 20.000 đồng. Cùng cảnh ngộ, nhiều nhà vườn Đà Lạt đang phải cắn răng để bán rau theo kiểu “được đồng nào hay đồng nấy” hoặc bỏ mặc vườn rau vì có bán cũng lỗ công thu hái, trong khi đó người tiêu dùng vẫn phải ăn rau với giá cao. Các thương lái mua xà lách quăn với giá 3,5 triệu đồng/sào, cải dưa 500 đồng/kg, tất cả đều thấp hơn hồi sau tết 50-70%.
 Nhiều nông dân chua chát ví việc trồng rau của nông dân tựa như đánh bạc bởi được - mất vô chừng, mỗi khi đến mùa thu hoạch lại lo âu, thắc thỏm. 
… Người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao!
Theo khảo sát của một số tờ báo kinh tế, thì từ năm 2006 đến nay chưa bao giờ người dân TP HCM mua 1kg rau Đà Lạt dưới 2.000 đồng. Hiện tại, với mức giá trên các thương lái đã thu gom cải thảo bán lại cho tiểu thương chợ đầu mối tại TP.HCM với giá 2.000-2.500 đồng/kg. Giá cải thảo lại tăng một mức khi các tiểu thương chợ đầu mối bán cho những người bán lẻ tại các chợ và cửa hàng, người bán dạo ở TP.HCM với giá 3.000 đồng/kg. Từ đây, cải thảo đi khắp các địa bàn tại TP.HCM và được bán với đủ mức giá khác nhau. Mức giá cao nhất tại chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) là 8.000 đồng/kg, tức cao gấp 2,6 lần so với chợ đầu mối và gấp 8 lần so với giá bán của người trồng rau tại Đà Lạt.
Ông Võ Trần Ngọc, Phó giám đốc Phòng kinh doanh hàng thường xuyên, ngành hàng thực phẩm tươi sống của Saigon Co.op, thông tin, bình quân mỗi ngày, toàn hệ thống gồm 38 siêu thị của Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 50 tấn rau quả các loại. Nguồn cung rau này được lấy từ 40 nhà cung cấp khác nhau trong toàn quốc, trong đó, chủ lực là rau Đà Lạt. Vì rau Đà Lạt đẹp và về nhiều, song sức mua yếu nên ế ẩm. Hiện giá một kg xà lách lô lô xanh bán sỉ tại chợ này khoảng 6.000 - 7.000 đồng một kg, còn tại Hệ thống Saigon Co.op, giá bán niêm yết là 10.000 đồng. Như vậy có thể thấy, so với giá gốc tại vườn là 300 - 400 đồng, người trồng rau là lỗ nặng trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua rau với giá cao.
Nhiều xã viên, hợp tác xã đã nỗ lực mọi cách để bán hàng, nhưng khó ở chỗ, trong số 43 đơn vị sản xuất rau sạch tại Đà Lạt, chỉ một số ít là có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị, xuất khẩu hoặc bỏ mối cho các nhà hàng tại TP HCM. Phần đông còn lại vẫn chịu cảnh bấp bênh do không có lượng tiêu thụ ổn định, phải bán qua tiểu thương hoặc bán trôi nổi ngoài chợ với giá rất thấp.
Tuy nhiên, những hộ sản xuất cá nhân tại Đà Lạt, vốn quen với việc bán hàng ra chợ e ngại rằng, việc sản xuất rau sạch theo tiêu chí của siêu thị phải đầu tư nhiều, rất tốn kém nhưng lại không được thu mua hết. Ngay cả các hợp tác xã cũng cho rằng hiện nay, việc đưa nông sản vào siêu thị là cả một vấn đề khó khăn mà không phải cứ hàng hóa đủ tiêu chuẩn là vào được.
… Vì đâu nên nổi?
Chủ nhiệm một số hợp tác xã thừa nhận, đây không phải lần đầu người trồng rau Đà Lạt phải đành lòng “đổ sông đổ biển”. Theo ông Trần Đức Quang – chủ nhiệm HTX Xuân Hương (Đà Lạt) cho rằng: “Tình trạng này xảy ra do Đà Lạt không quy hoạch cụ thể về vùng diện tích canh tác các loại rau cho phù hợp với nhu cầu và thổ nhưỡng. Do vậy, cứ qua một vụ rau củ nào được giá, nhiều người lại đổ xô vào trồng loại rau này. Kết quả là nguồn cung quá lớn, dư thừa nhiều khiến giá rau rẻ mạt. Người trồng rau lỗ nặng là tất yếu”.
Một nguyên nhân nửa là nông dân và thương lái gom hàng tại Đà Lạt hoàn toàn rơi vào thế bị động về giá cả. Dù bị các tiểu thương chợ đầu mối ép giá thấp cũng đành phải chấp nhận vì đó là nguồn tiêu thụ và hàng đã chuyển xuống. Do đó, trong đợt rau giảm giá vừa qua, không chỉ các nhà vườn điêu đứng mà các đại lý rau ở địa phương nhiều khi cũng chung số phận. Một đại lý rau ở Đà Lạt cho biết chỉ làm công việc mua rau của nông dân rồi chuyển về cho các vựa ở Cần Thơ đúng số lượng và chủng loại rau. Vài hôm sau các vựa rau này mới gửi “bông” (báo giá bán) về, khi đó mới biết rau của mình bán được giá bao nhiêu.
Có nhiều nguyên nhân làm cho "canh bạc” trồng rau thua nhiều hơn thắng. Người thì đổ cho thời tiết, người thì cho là do thời vụ, cũng có ý kiến cho rằng, các vùng ngoại ô TP.HCM, các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ đều trồng được rau xanh để tự cung tự cấp nên giá rau Đà Lạt đương nhiên phải hạ... còn theo một chuyên gia thuộc Sở Nông nghiệp -  Phát triển Nông thôn Lâm Đồng,thì do nông dân có thói quen sản xuất cái mình có chứ chưa biết sản xuất cái thị trường cần, nên mới rơi vào tình cảnh trồng rau như một canh bạc may rủi!
Như vậy, bài toán về quy hoạch, dự báo, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân bao giờ mới có lời giải? Câu trả lời sẽ dành cho các nhà quản lý của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung trong thời gian tới.
Cao Diên


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"