Lâm Đồng: Đìu hiu cây điều vùng Dự án

Năm 2006, từ dự án 393, huyện Đam Rông (một huyện mới của Lâm Đồng) đưa 80.000 cây điều ghép cao sản về cho người dân trồng, từ đó đã mở ra hy vong thoát nghèo cho người dân nơi đây. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn thì vì việc cho xuống giống một cách vô trách nhiệm, không đúng thời điểm của ngành chức năng địa phương dẫn đến 150ha/200ha điều bị chết - hàng tỷ đồng tiền đầu tư của Nhà nước đã trôi theo giấc mơ cây điều ghép và đẩy hơn 380 hộ dân tham gia dự án phải rơi vào tình cảnh điêu đứng…
Hy vọng thoát nghèo… tan thành mây khói!
Theo quyết định 393 của Chính phủ, huyện Đam Rông được phép chuyển đổi mục đích sử dụng 309ha đất rừng nghèo kiệt sang đất sản xuất nông nghiệp để cấp cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất tại địa phương. Sau khi thực hiện xong công tác giao đất, thông qua chương trình trợ giá, trợ cước giống cây trồng - vật nuôi, tháng 9/2006, ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông đã đưa về gần 80.000 cây giống điều ghép giống cao sản, cấp cho trên 380 hộ trong diện hưởng lợi từ Dự án 393 tại 5 xã: Rô Men, Đạ Long, Liêng Sronh, Đạ Tông và Đạ M’Rông. Đồng thời, mở lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân về cách trồng, chăm sóc cây điều. Thế nhưng, sau khi cây điều được trồng xuống đã bị chết hàng loạt trên diện rộng và đến thời điểm này đã có 150ha/200ha điều bị chết, diện tích cây điều còn lại thì cũng cằn cõi, úa tàn. Trong số 309ha đất được cấp cho người dân theo Quyết định 393 của Chính phủ thì có khoảng 200ha được đưa vào trồng điều ghép. Làm phép tính đơn giản là cứ 1 cây điều ghép cao sản có giá 7.000đ/cây giống, khi trồng 200ha chi phí cây giống lên tới gần 400.000.000đ. Cộng với trên 1,4 tỷ đồng hỗ trợ công tác khai hoang, cùng với kinh phí tập huấn, chuyển giao KHKT thì tổng số tiền đầu tư cho Dự án 393 đã lên tới 2 tỷ đồng. Đó là một số tiền không nhỏ nhưng niềm hy vọng xoá nghèo từ cây điều ghép cao sản của Dự án 393 thì đã tan thành mây khói. 
Bao năm thiếu đất sản xuất, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám dai dẳng, năm 2006, anh Cill Ha Hai (xã Đạ Long, huyện Đam Rông) được Nhà nước cấp 5 sào đất sản xuất và nhận 140 cây điều ghép cao sản về trồng. giờ đây vừa có đất, vừa được hỗ trợ cây trồng nên anh vui mừng hết sức, bởi những cây điều này sẽ không chỉ là cứu cánh cho 6 miệng ăn mà còn là đòn bẩy duy nhất để đưa kinh tế gia đình vươn lên cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, niềm hy vọng đã bị tắt lụi hoàn toàn. Nhìn xa xăm về phía ngọn đồi Anh Cill Ha Hai buồn rầu nói: “Vườn điều của mình hiện không còn một cây nào sống sót. Vườn của những hộ khác cũng vậy. Giờ mình chẳng biết lấy gì để nuôi con”.
Vì đâu nên nỗi?

Ông Cil Ha Nô En, Phó chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông không ngần ngại bày tỏ: “Trong thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trên địa bàn xã nói chung là chưa hiệu quả, nhất là cây điều đã bị thất bại nặng nề. Người ta đưa giống về muộn nên cây con trồng đều bị chết”.

Theo quy trình kĩ thuật thì cây điều cần được trồng vào khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 7, tức là đầu mùa mưa để cây dễ phát triển. Nhưng trên thực tế, ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông đã cấp giống cho người dân ở vào thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10 /2006. Một số người có kinh nghiệm trồng điều tại Đam Rông cho rằng, đây là thời điểm mưa ít, điều lại trồng ở những vùng đồi núi quá cao nên cây khó bén rễ. Ngoài ra, cây điều chỉ thích hợp với địa hình đất có độ dốc cao dưới 15độ. Trong khi đó, vùng đất trồng cây điều từ Dự án 393 của người dân ở Đam Rông có độ dốc lên tới trên 45 độ. Nói như Ong Kra Jăng Ha Văn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Long thì: “Giả sử như cây điều mà có sống được và cho trái thì người dân cũng chẳng biết thu hoạch bằng cách nào”!. Có ý kiến cho rằng, ý thức của những người dân được hưởng lợi từ Dự án 393 còn hạn chế, nhận cây điều về trồng nhưng không chịu chăm sóc cũng là yếu tố dẫn đến sự thất bại của dự án. Cần phải nhìn nhận rằng: bà con đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Dự án còn rất khó khăn, một khi cây điều được quy hoạch trồng ở những nơi quá cao, cách xa nguồn nước, lại là đất rừng nghèo kiệt thì lẽ đương nhiên người dân sẽ không thể có đủ năng lực về tài chính để đầu tư phân bón hay máy móc bơm nước tưới.
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, hiện tại các tiểu khu 65 ở xã Đạ Long, tiểu khu 191 ở xã Liêng Sronh, tiểu khu 89 ở xã Rô Men hay tiểu khu 71B ở xã Đạ Tông đều có địa hình quá dốc, cây điều đã chết hàng loạt và đang nhường chỗ cho cây bụi và cỏ dại. Trong khi đó, một cán bộ ở một xã có người dân tham gia Dự án 393 nhận định: “Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông, đơn vị chủ đầu tư dự án trồng điều này vẫn chưa có một động thái can thiệp tích cực nào”?!. Ông Hồ Thanh Phát -Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông thì cho rằng: “Phòng cũng có cử cán bộ theo dõi dự án 393”. Nhưng lại không trả lời được các câu hỏi cụ thể như: Tổng diện tích cây điều bị chết là bao nhiêu? Khu vực nào bị chết nhiều nhất? Còn về lý do vì sao lại đưa cây điều vào trồng ở những khu vực có địa hình quá cao, đất xấu và không có nguồn nước tưới? Ông Phát giải thích rằng: “Do số diện tích trên đã được quy hoạch từ trước năm 2004. Quy hoạch hồi đó thì đất dốc, không màu mỡ. Thời gian tới sẽ chuyển đổi sang trồng cây keo lai và trồng rừng”. Trước câu trả lời mập mờ của  ngành nông nghiệp huyện Đam Rông, nhiều hộ dân đặc câu hỏi răng: “ Có phải ngành nông nghiệp huyện Đam Rông lấy dân ra làm thí điểm hay triển khai dự án cho xong trách nhiên còn hiệu quả như thế nào không cần biết”?!. Câu trả lời xin được dành cho ngành chức năng huyện Đam Rông cũng như tỉnh Lâm Đồng
Hàng trăm ha đất đã khai hoang đang bị hoang hóa. Cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng với bà con nơi đây như là số phận, nhất là những hộ trong diện hưởng lợi từ dự án 393. Đấy là thực trạng đau lòng mà ngành chức năng huyện Đam Rông cũng như tỉnh Lâm Đồng cần thấy rõ trách nhiệm của mình.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"