Biến rác thành phân bón

(Dân Việt) - Xem quy trình biến rác thành phân của ông Nguyễn Hòa, bên hồ Xuân Hương ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều người phải thốt lên: Đơn giản thế mà lâu nay chẳng ai biết tận dụng.

Ông Nguyễn Hòa (trái) bên chiếc máy xay rác.

Cứ sau những đợt mưa lũ, có hàng trăm, thậm chí cả nghìn tấn rác các loại từ thượng nguồn đổ dồn về hồ Xuân Hương. Mỗi tháng, thành phố Đà Lại phải chi vài chục triệu đồng vận chuyển rác về bãi rác. Nhưng từ khi chiếc máy xay với công suất 10 mã lực, hàng trăm tấn rác trôi dạt trên mặt hồ Xuân Hương Đà Lạt đã được biến thành phân hữu cơ cung cấp cho nông dân và cả Nhà máy Chế biến phân bón.
Ông Nguyễn Hòa thổ lộ: "Tôi ấp ủ việc chế tạo máy chế biến rác thành phân từ lâu rồi vì điều này hạn chế được ô nhiễm ở hồ và trong quá trình vận chuyển rác đến nơi tiêu hủy. Chưa kể phân còn tạo nguồn thu nhập nữa"
Nói là làm đúng với bản chất của một người nông dân, sau nhiều năm mày mò, tháng 7-2010, chiếc máy xay rác đầu tiên của ông Hòa đã ra đời. Rác được đưa vào máy xay nhuyễn, sau đó được ủ chung với vôi, men vi sinh trong 20 ngày là thành phân hữu cơ.
Hiện nay, mỗi ngày có từ 15-20 tấn rác được biến thành 800kg đến 1 tấn phân hữu cơ. “Sản phẩm phân chế biến từ rác của tôi đưa đi thử nghiệm không có vi khuẩn gây bệnh, hàm lượng đạm mùn tốt nên nhiều chủ trang trại trồng cà phê, rau hoa đặt hàng mua. Giá bán 500 đồng/kg phân, sản xuất tới đâu hết hàng tới đó” - ông Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Quang Hiệp - Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền (Lâm Đồng) cho biết, Công ty Bình Điền đang đàm phán bao tiêu toàn bộ sản phẩm phân rác hữu cơ mà ông Hòa đã xay nghiền và ép khô để bổ sung vào quy trình chế biến phân hữu cơ vi sinh.
Một dự án về vệ sinh môi trường ở tỉnh Bình Định đã cử người vào Đà Lạt tham quan chiếc máy xay rác, học tập quy trình biến rác thành phân của ông Hòa. Họ đang nghiên cứu, nếu phù hợp sẽ đặt ông Hòa chế tạo máy. Công ty Quản lý đô thị ở Tuyên Quang cũng liên hệ với ông Hòa để tìm hiểu về chiếc máy xay rác.
Ông Trần Đình Văn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt nhận định: "Sáng kiến của ông Nguyễn Hòa rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường sinh thái cho thành phố du lịch Đà Lạt; đồng thời cung cấp cho nông dân phân hữu cơ để canh tác rau, hoa".
Ông Hòa tiết lộ, ông đang nghiên cứu chế tạo máy ép chai nhựa, nilon (phân loại trong khi thu gom) để biến chúng thành những vật dụng hữu ích như tấm lót đường hoặc vách ngăn nhà.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"