Lâm Đồng: Rừng thông Lạc Dương bị chặt phá

QĐND - Đi trên đường 723 nối liền hai thành phố du lịch Nha Trang và Đà Lạt, du khách không khỏi xót xa bởi những cánh rừng thông đẹp như tranh ngày nào giờ đang bị chặt phá nham nhở. Cả trăm héc-ta rừng với hàng chục nghìn cây thông đã bị tiện gốc, cắt đứt toàn bộ phần mô biểu bì dẫn nhựa nuôi cây khiến cây thông bị chết dần chết mòn…
CƠN LỐC PHÁ RỪNG, CHIẾM ĐẤT
Có mặt tại tiểu khu 118, thuộc địa phận xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cây thông ba lá khoảng 20 năm tuổi trong những vạt rừng nằm sát tỉnh lộ 723 đã bị chặt hạ. Với những cây thông lâu năm có đường kính gốc từ 20 đến 50cm thì bị tiện gốc còn đang “rỉ máu”. Cạnh những gốc thông vừa bị chặt hạ là những rẫy cà phê vừa được trồng còn chưa bén rễ.


Ông Liêng Jrang Ha Phim, người dân tộc K’ho cho biết: Đầu mùa khô, nơi đây vẫn còn là một rừng thông xanh tốt, nhưng thời gian gần đây, cả cánh rừng thông này đều bị chết đứng. Để qua mặt cơ quan chức năng, bọn lâm tặc không dùng lửa đốt thân, hoặc ken gốc cho cây thông chết như trước đây, mà dùng thuốc diệt cỏ Paraquat, vừa khó bị cơ quan chức năng phát hiện, vừa khiến cây thông bị chết nhanh hơn.
Tại các tiểu khu thuộc các xã Đạ Sar, Đa Nhim của huyện Lạc Dương, dọc hai bên đường 723, chúng tôi thấy nhiều vạt thông đã bị chết đứng, trong đó có nhiều khoảnh đã được trồng cà phê, thậm chí là san ủi mặt bằng, treo biển bán đất. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, trên tuyến tỉnh lộ 723  đoạn thuộc tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 7000 cây thông với gần 5000m3 gỗ đã bị người dân và lâm tặc “ken” chết để lấy đất trồng cà phê.
Chỉ riêng tại xã Đạ Sar, có hơn 85ha rừng thông ba lá bị người dân phá trắng lấy đất trồng cà phê.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, tổ trưởng tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra tình trạng chặt phá rừng ở huyện Lạc Dương, cho chúng tôi biết: Không chỉ người dân địa phương phá rừng, sang nhượng đất rừng trái phép, mà ngay cả các tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư ở huyện Lạc Dương cũng tham gia phá rừng. Toàn huyện có 62 dự án liên quan đến rừng, trong đó có 32 dự án nằm dọc quốc lộ 723 nối Đà Lạt với Nha Trang. Hầu hết các dự án này đến nay đều chưa lập các phương án quản lý, bảo vệ rừng, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng… thậm chí, nhiều chủ dự án không chỉ để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, mà còn trực tiếp phá rừng và khai thác rừng trái phép.
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ

Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Dọc tuyến đường 723 hầu hết là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn và khu vực rừng bảo tồn thiên nhiên thuộc Rừng quốc gia Bidoup-Núi Bà nên có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng và ngăn chặn lũ đầu nguồn. Trước tình trạng hàng chục nghìn cây thông bị đầu độc chết dần, chết mòn, Sở đã chỉ đạo Cục Kiểm lâm tỉnh và Chi cục Kiểm lâm huyện Lạc Dương tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp làm chết thông để chiếm đất rừng. Riêng những diện tích thông đã bị chết và lấn chiếm để trồng cà phê, địa phương sẽ kiên quyết giải tỏa, thu hồi và tiến hành trồng lại để giữ được rừng, giữ được màu xanh của tuyến đường du lịch này.
Để  xảy ra tình trạng phá rừng này là do UBND huyện Lạc Dương và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thiếu kiên quyết ngăn chặn và chưa nêu cao trách nhiệm. Tỉnh Lâm Đồng cần phải có biện pháp cưỡng chế, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng, có như vậy, tình trạng lấn chiếm đất rừng, hủy hoại rừng thông trên địa bàn huyện Lạc Dương mới có thể chấm dứt.
Lê Cao Diên
http://www.qdnd.vn/QDNDSite/en-us/75/43/56/57/57/140702/Default.aspx
                                                                                                   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"