Lâm Đồng: Doanh nghiệp ngang nhiên phá rừng, bán đất
QĐND - Gần đây, hàng trăm người dân ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bức xúc khi chứng kiến cảnh hàng chục héc-ta rừng phòng hộ và những vườn cà phê đang thu hoạch của họ bị Doanh nghiệp tư nhân Duy Hà (DNTN Duy Hà) ngang nhiên đốn hạ, san ủi để bán đất…
Doanh nghiệp “ủi nhầm” đất của dân?
Có mặt tại các tiểu khu của rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn cây thông và hàng chục héc-ta cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch của bà con bị ủi lấp nằm ngổn ngang.
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, từ đầu năm 2008, DNTN Duy Hà được UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho thuê 52,5ha đất rừng tại tiểu khu 114, thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương để triển khai dự án sản xuất nông lâm nghiệp công nghệ cao; chăn nuôi gia súc; trồng, khảo nghiệm một số loại cây, hoa đặc hữu kết hợp với quản lý bảo vệ rừng. Sau khi được thuê đất, doanh nghiệp không những không triển khai dự án theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp và tiểu khu đất đã được giao (tiểu khu 114) mà lại “ủi nhầm” đất tại tiểu khu 144, trong đó có rừng phòng hộ và vườn cà phê của dân để bán đất.
Rừng thông bị DNTN Duy Hà triệt hạ để cải tạo mặt bằng.
|
Ông Đặng Phước Lợi, ở phường 12, thành phố Đà Lạt bức xúc nói với chúng tôi: “Gia đình tôi chưa hề nhận được bất cứ giấy tờ gì về việc DNTN Duy Hà xin đất tại tiểu khu này. Thế nhưng, doanh nghiệp này đã ngang nhiên san ủi 8,5ha đất cà phê của gia đình tôi và cưa hạ cây rừng vô tội vạ”. Còn ông Yô Shol, một người dân có đất canh tác trong khu vực bị san ủi thì đặt câu hỏi: “Nếu diện tích đất của chúng tôi đã được cấp cho dự án thật, tại sao trước khi triển khai dự án, DNTN Duy Hà không thực hiện việc thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định mà lại ngang nhiên san, ủi đất của dân đang canh tác?”.
Ngang nhiên bán đất
Thay vì triển khai dự án theo đúng giấy chứng nhận đầu tư đã được phê duyệt, thì DNTN Duy Hà lại có hành vi san ủi, mua bán đất trái phép. Ông Đàm Trung Hoàng, một trong những “nạn nhân” của vụ mua bán đất trái phép này cho biết: “Nghe ông Phạm Ngọc Duy, chủ doanh nghiệp hứa sang nhượng xong sẽ có sổ đỏ đàng hoàng nên tôi mới dám bỏ ra 100 triệu đồng đặt cọc để mua 0,5ha đất của doanh nghiệp này để sản xuất, đến khi đi làm giấy tờ thì sự việc mới vỡ lở, nếu biết thế này thì dù cho không, tôi cũng không dám nhận”.
Tại biên bản kiểm tra hiện trạng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim do ông Phạm Tiến Vỹ, Tổ trưởng Tổ Quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 144, cũng đã xác nhận: Phần diện tích đất DNTN Duy Hà đang tranh chấp với người dân là thuộc tiểu khu 144, tức không thuộc tiểu khu 114 mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho doanh nghiệp này thuê để triển khai dự án. DNTN Duy Hà san ủi “nhầm” đất, không bồi thường thiệt hại cho người dân và sang nhượng đất trái phép đã diễn ra trong một thời gian dài, khiến những người dân bị mất đất sản xuất hết sức bức xúc, buộc họ phải làm đơn khiếu nại lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng.
Ngày 29-3-2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có văn bản số 190/CV-TU, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương kiểm tra, giải quyết vụ việc, nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng sẽ kiên quyết thu hồi dự án.
Ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Huyện hiện có 62 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê rừng, cấp phép đầu tư, với tổng diện tích giao cho các dự án này lên đến 9.023ha. Trong đó, có 32 dự án đầu tư vào du lịch, lâm nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, với tổng diện tích lên tới 4.504ha, chủ yếu trên địa bàn xã Đạ Sar. Hầu hết các dự án này đều trong tình trạng chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng, chậm tiến độ theo cam kết. Trước đó, huyện đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi 4 dự án, với lý do không triển khai thực hiện đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, có dấu hiệu đầu cơ để tìm đối tác sang nhượng kiếm lời.
Việc phá rừng, san ủi và mua bán đất trái phép của DNTN Duy Hà diễn ra công khai trong một thời gian dài, vi phạm lâm luật, làm thiệt hại đến quyền lợi của người dân. UBND tỉnh Lâm Đồng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với DNTN Duy Hà để bảo vệ rừng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Bài và ảnh: Cao Diên
http://www.baomoi.com/Doanh-nghiep-ngang-nhien-pha-rung-ban-dat/58/6364001.epi
Nhận xét
Đăng nhận xét