Lâm Đồng: Nguy cơ xóa sổ cây điều
(Dân Việt) - Nguy cơ xóa sổ cây điều ở Lâm Đồng đang trở thành hiện thực khi nông dân không còn mặn mà với loại cây “xóa đói, giảm nghèo” này.
Giá bấp bênh, dịch bệnh hoành hành
Cây điều đã có mặt ở vùng đất phía nam tỉnh Lâm Đồng trên 30 năm. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây hàng trăm ha điều đã bị người dân phá bỏ để trồng các loại cây nông nghiệp khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này do giá cả bấp bênh. Hiện tại, 1kg điều tươi loại đẹp chỉ bán được với giá 8.000 đồng, trong khi đó 1ha điều trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch 2,5 tạ. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh liên tục phá hoại khiến nhiều năm điều bị mất trắng.
Cây điều từng là cây xóa đói giảm nghèo của Tây Nguyên.
Ông Đặng Thanh Minh, ở xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai cho biết: Lý do tôi chặt bỏ vườn điều vì 1ha mì cao sản cho thu nhập mỗi năm không dưới 120 triệu đồng; con số này của cây ca cao là 100 triệu đồng; một số cây ăn quả khác trên 100 triệu đồng... Vậy chả có lý do gì để ông giữ lại vườn điều chỉ mang lại lợi ích kinh tế không quá 15 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Cil Ha Chang - người từng gắn bó với cây điều hàng chục năm nay: "Dù chúng tôi đã phun rất nhiều loại thuốc theo hướng dẫn của ngành chức năng, nhưng không có kết quả, dẫn đến thu nhập không quá 10 triệu đồng/ha, không phá để làm gì...”.
Dịch bệnh trên cây điều đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng những năm gần đây thì bùng phát mạnh, khó điều trị, gây thiệt hại lớn cho nông dân trồng điều. Trong khi đó, ngành chức năng cũng "bó tay" nhìn hàng nghìn ha điều của nông dân chết mòn.
Ông Tô Đức Viện - Chủ tịch Hội ND xã An Nhơn, huyện Đạ Huoai cho biết: "Cây điều đang phải đối mặt với hàng loạt thứ bệnh như thán thư, xì mủ, cháy lá, khô đọt... nhưng lại chưa có thuốc đặc trị tận gốc căn bệnh, khiến cho không chỉ người trồng điều nản lòng, mà ngay cả cơ quan chuyên môn cũng "mệt mỏi".
Theo ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm NNPTNT huyện Đạ Tẻh, từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng của huyện đã tìm nhiều biện pháp để cứu chữa cây điều nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Sẽ chuyển sang cây trồng khác...
Mới đây, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng đã công bố sự lựa chọn hợp lý là phải thay thế ít nhất 2.200ha điều kém chất lượng bằng cây cao su theo chương trình phát triển cây cao su của tỉnh. Bên cạnh đó, một diện tích điều có thể giữ lại, nhưng phải được trồng xen với một số loại cây trồng khác nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cây trồng.
Hiện tại, 1kg điều tươi loại đẹp chỉ bán được với giá 8.000 đồng, trong khi đó 1ha điều trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch 2,5 tạ. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh liên tục phá hoại khiến cho nhiều năm điều bị mất trắng.
Đạ Tẻh là một huyện có diện tích cây điều thấp nhất trong 3 huyện phía nam Lâm Đồng nhưng cũng đã đưa ra sự lựa chọn trong thời gian tới, trong 2.400ha điều hiện nay huyện sẽ có 800ha được thay thế bằng các loại cây trồng khác, diện tích còn lại sẽ được trồng xen canh thêm một số cây nông nghiệp ngắn ngày để tăng thu nhập cho người dân. Còn huyện Cát Tiên đã đề ra giải pháp "khắc phục" hiện tượng điều chết hàng loạt hiện nay bằng cách sẽ chuyển đổi 2.000ha trong tổng số 4.500ha điều của huyện sang trồng cây ca cao. Huyện Đam Rông đưa ra chiến lược phát triển là toàn bộ 600ha điều hiện có thay thế bằng cây cao su.
Rõ ràng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập nhập cho người dân là việc đáng làm. Tuy nhiên, việc ồ ạt chuyển đổi cây điều sang trồng một số loại cây công nghiệp khác có phải là lựa chọn tốt nhất hiện nay? Theo chúng tôi, biện pháp tốt nhất và cần được triển khai ngay là cứu chữa cho cây điều, nhằm ổn định tình hình sản xuất và khôi phục lại những ưu thế của loại cây được xem là cây "xóa đói, giảm nghèo" này trên vùng đất Tây Nguyên.
Cao Diên
Nhận xét
Đăng nhận xét