Lâm Đồng: Nông dân bán trâu, mất đất vì sân Golf?

Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng có tới 11 dự án sân golf được chấp thuận đầu tư, 1/3 số này đã và đang triển khai xây dựng. Khiến cho nhiều hộ nông dân trong vùng dự án rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất, tái nghèo và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội… 
Ngoài dự án sân golf Dalat Palace Golf Club của Công ty TNHH Khu nghỉ mát Đà Lạt (DRI) được cấp phép vào năm 1991 và đi vào hoạt động từ năm 1992, các dự án sân golf còn lại được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007. Để triển khai được 11 dự án sân golf này, tỉnh Lâm Đồng đã phải “hi sinh” đến gần 7.000ha đất nông nghiệp và lâm nghiệp, trong đó hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng vì có đất nằm trong vùng dự án.


Đến một lúc con trâu chỉ còn trong ký ức của người nông dân?
Không còn trâu cúng
Mặc dù dự án sân golf Đạ Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã thực hiện giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng gần 2 năm qua, nhưng đến nay đời sống của hơn 100 hộ dân nơi đây vẫn chưa được ổn định.
Anh Ha Rin, ở thôn Suối Thông A1, xã Đạ Ròn, có 4 sào đất nằm trong vùng dự án và đã nhận được 40 triệu đồng từ tiền đền bù. Do không đủ tiền mua đất sản xuất, Ha Rin sử dụng số tiền này vào việc mua xe máy và chi tiêu lặt vặt trong gia đình. Sau 2 năm kể từ ngày mất đất sản xuất, giờ đây gia đình Ha Rin đã rơi vào cảnh thiếu thốn trăm bề. Chiếc xe máy đã lỡ mua phải đắp mền vì không có tiền đổ xăng. Ông K’Úc, ở thôn Ròn, xã Đạ Ròn cho biết, ở đây nhưng trường hợp như anh Ha Rin là rất phổ biến. Hộ có đất ruộng thì thiếu trâu cày, có đất rẫy thì thiếu kỹ thuật canh tác, còn những hộ không đất thì đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Chỉ một số ít bà con sau khi nhận tiền đền bù là đi mua lại đất canh tác, đa phần là dùng tiền để xây nhà và mua sắm các phương tiên sinh hoạt đắt tiền. Kiểu này thì dù có cả núi tiền rồi cũng tiêu hết mà thôi.
Trong khi đó, ông K’Ming, Trưởng thôn Ròn thì lo lắng, mặt bằng để chăn thả trâu bò đã nhường hết cho dự án sân golf nên giờ chăn nuôi khó quá. Nếu trước đây ở thôn Ròn có trên 350 con trâu thì giờ đã bán gần hết, chỉ còn lại vài con nuôi làm kiểng mà thôi. Điều bức xúc là khi bán trâu thì giá rất rẻ, nhưng lúc cần mua lại thì rất mắc, mà đồng bào của mình luôn cần có trâu để tổ chức cúng kiến, mừng mùa, lễ hội... Giờ đây trâu cúng cũng không còn thì nói gì đến chuyện phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập?!   

Nhưng con trâu, bò còn sót lại của người dân chờ ngày di cư!
Ruộng vườn xác xơ
Cũng vì sân golf mà 350 hộ trên địa bàn vẫn chưa biết đến bao giờ mới được tiến hành thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Gây thiệt hại kinh tế đáng kể, ảnh hưởng lớn đến đời sống chung của nhân dân.
Đây là một dự án liên hợp, có diện tích đất sử dụng lên đến 280ha, do Công ty TNHH Jingsung Vina Contruction (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, điều mà bà con bức xúc hơn, đó là dự án này nằm dưới đường dây điện cao thế 500kV và một phần nằm chồng lên dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, nhưng không hiểu sao vẫn được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư? Đây là nguyên nhân khiến cho dự án bị treo lơ lửng trong gần 2 năm qua, đồng nghĩa với việc người dân trong vùng dự án phải ngồi chơi xơi nước, trong khi vườn chè, cà phê của gia đình thì ngày càng xơ xác, vì không dám tiếp tục đầu tư.
Ông Phạm Quang Tường, Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc bày tỏ, chính quyền địa phương đang rất lúng túng vì cũng không biết chính xác đến bao giờ dự án này mới triển khai xây dựng. Do đó, không thể khuyến khích người dân có đất trong vùng quy hoạch dự án sân solf này, nên hay không nên tiếp tục đầu tư canh tác để nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình.
Không chỉ ở thị xã Bảo Lộc, hiện hàng trăm hộ nông dân ở các địa bàn khác của tỉnh Lâm Đồng có đất “dính” trong khu quy hoạch các dự án sân golf như: Đạ Huoai, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt cũng đã và đang rơi vào tỉnh cảnh tương tự, nông dân đầu tư canh tác dè chừng, thậm chí bỏ hoang. 
Thấy trước cái nghèo
Mặc dù ở thời điểm này, dự án sân golf K’Rèn vẫn còn nằm trên giấy, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây dường như đã bị bóng tối của cái nghèo bao trùm và khủng bố. Bởi những hệ lụy mà các dự án sân golf đã mang lại, khiến cho bà con dân tộc thiểu số ở thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng phải rùng mình mỗi khi nghe ai đó nhắc đến 2 từ “sân golf”, vì họ cho rằng cuộc sống ổn định lâu nay cũng sẽ bị xáo trộn, bấp bênh một khi dự án sân golf K’Rèn khởi công xây dựng.
Ông Ha Đát, Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, đây là một dự án đã ngốn đi 440ha đất, trong đó có trên 120ha ruộng lúa màu mỡ và một phần canh tác rau, hoa đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của người dân thôn K’Rèn. Tuy chủ đầu tư dự án đã nhiều lần hứa hẹn là sẽ giải quyết công ăn việc làm cho toàn bộ người dân bị mất đất, thế nhưng làm sao đảm bảo cuộc sống khi xưa nay bà con nơi đây chỉ quen với cây cuốc, cái cày và trình độ dân trí thấp?!
Ông K’Phương, ở thôn K’Rèn vừa lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán, vừa nói: “dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi, giờ có nói nhiều, kiến nghị nhiều thì cũng thế mà thôi. Chỉ mong sao chủ dự án chịu chấp nhận phương thức bồi thường đất đổi đất để cho bà con được nhờ, chứ nếu lấy đất mà trả tiền như chủ trương đã định thì chắc rằng bà con sẽ bị cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Lớp con, lớp cháu làm gì để sống?!”
Việc tăng cường thu hút đầu tư đến với Lâm Đồng là một chủ trương đúng, thế nhưng là một tỉnh còn nghèo, hiện có số hộ thiếu đất sản xuất chiếm khá cao, hơn 10 nghìn hộ, trong khi có tới 11 dự án sân golf đã được chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích đất sử dụng lên đến gần 7.000ha thì quả là bất hợp lý và không cần thiết? Chưa kể hiệu quả kinh tế mang lại từ những dự án sân golf này là rất xa vời và mong manh.

Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"