Lâm Đồng: Cần sớm quy hoạch vùng nguyên liệu Dứa Cayenne

 Dứa Cayenne ở Đơn Dương (Lâm Đồng) đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa. Đây là tiền đề quan trọng để cây dứa Cayenne ở Đơn Dương ngày càng phát triển đi lên, trở thành một trong loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
* Khẳng định thương hiệu
Với ưu thế sinh trưởng và phát triển trên mọi địa hình đồi dốc, trồng xen với mọi loại cây trồng khác, cây dứa Cayenne đã có mặt ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) hơn 70 năm qua. Người tiêu dùng ở các tỉnh thành phía Nam cũng đã được thưởng thức hương vị thơm ngon có một không hai của loại sản phẩm này.
Cây dứa cayenne ở Đơn Dương người dân quen gọi là dứa Đơn Dương hay còn gọi là cây thơm có ưu điểm vượt trội so với nhiều giống dứa khác, như: trái lớn, thưa mắt, quả đều và đẹp, độ mật trong dứa cao, màu sắc vàng óng, hương thơm, ít đầu tư chăm sóc, phù hợp trên tất cả mọi địa hình đất, cho năng suất bình quân cao hơn nhiều so với các vùng dứa khác trong cả nước.
Trong khi đó, hầu hết những người trồng dứa cayenne tại khu vực Bình Chánh (TP.HCM), Đồng Nai đều lâm vào tình cảnh dở khóc, khi phần lớn ruộng dứa chỉ có thể cho trái 20-30% và số lượng trái nhỏ không bán được chiếm tỉ lệ rất lớn. Kể cả số chồi dứa được đánh giá sẽ đem lại nguồn thu lớn khi bán cho các hộ làm con giống cũng bị bỏ lăn lóc tại ruộng dứa.
Trái lại cây dứa Cayenne Đơn Dương có ưu thế vượt trội là tỷ lệ cho trái đạt cao, có thể trồng xen với nhiều loại cây trồng khác. Chính những ưu điểm vượt trội này đã giúp cây dứa Cayenne ở Đơn Dương tồn tại và phát triển trong suốt gần một thế kỷ qua tại thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương. Và cũng chính bởi hương vị đặc trưng riêng, năm 2009, dứa Cayenne Đơn Dương được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ công nhận bảo hộ quyền sở hữu “nhãn hiệu chứng nhận”.
Tuy đến nay, việc phát triển còn hạn chế, chưa ổn định về đầu ra nhưng cây trồng này đang được nông dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa kỳ vọng sẽ trở thành cây xóa đóa, giảm nghèo hiệu quả. Để vực dậy tiềm năng và thế mạnh của loại cây trồng này, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Đề án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm dứa Cayenne Đơn Dương”, mục tiêu hướng đến là nâng cao uy tín thương hiệu, từng bước mở rộng diện tích, tiến đến quy hoạch vùng nhiên liệu để phát triển, không chỉ hướng đến cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Ông Phạm Ngọc Quang, ở thôn Phú Thuận 2, thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương, một người đã trồng cây dứa Cayenne này hàng chục năm qua, cho biết: “Phòng công thương vừa rồi có hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng tiền phấn bón để duy trì cây dứa. Cây này thì rất dễ làm. Trước đây nông dân làm không có quy trình, kỹ thuật thì năng suất không đạt lắm. Giờ làm theo đúng kỹ thuật thì năng suất đạt rất khá, trên ký rưỡi một trái, năng suất cao và chất lượng cũng khá hơn. Nó phát triển ở độ dốc cao, dốc tới 45 độ vẫn phát triển được. Nói chung hiện cung không đủ cầu”
Theo ông Đoàn Văn Báo, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương, mặc dù cả thị trấn chỉ phát triển ổn định 300ha dứa Cayenne, nhưng có đến hơn 70% nông dân có trồng loại cây này. Phần lớn là trồng xen canh với một số loại cây khác như: hồng, cà phê và tận dụng trồng ở những khu vực đồi dốc.
Từ ngày được công nhận nhãn hiệu, nhất là khi Đề án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm dứa Cayenne Đơn Dương” triển khai xây dựng mô hình trình diễn thí điểm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thì hiệu quả kinh tế của cây dứa Cayenne đã vượt xa thấy rõ. Không chỉ cho ra sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng mà năng suất thu hoạch cũng đạt cao hơn.
Cũng theo ông Đoàn Văn Báu, quỹ đất cho cây dứa ở Đơn Dương hiện còn rất lớn, đặc biệt cây dứa không chỉ trồng xen canh với tất cả các loại cây trồng khác, mà còn có thể trồng dưới tán rừng theo hướng nông lâm kết hợp: “Đã có thương hiệu rồi, nhưng bước đầu đang đầu tư để phát triển theo dạng làm điểm. Cây dứa bán ký nên cũng rất hiệu quả. Loại cây trồng này lại chịu đất ẩm dưới táng rừng thông. Đại học Đà Lạt và các chuyên gia của Thái Lan vừa rồi có đi nghiên cứu để đưa ra mô hình nông lâm kết hợp, tạo tăng thêm thu nhập vì rừng hiện giờ đã khoán cho người dân rồi, họ sẽ tận dụng để trồng xen trong đó”.
Tuy chỉ là cây “ăn thêm”, nhưng bình quân với mức giá bán tại vườn từ 7 đến 10 nghìn đồng/kilogam, người nông dân trồng dứa cũng có khoản thu nhập thêm đáng kể từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm. Riêng đối với những vườn dứa chuyên canh thì năng suất vượt xa hơn, hiệu quả kinh tế mang lại lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
* Cần sớm quy hoạch vùng nguyên liệu
Không chỉ ở huyện Đơn Dương, cây dứa Cayenne còn sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất đồi dốc, cằn cỗi của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Khởi điểm từ vài chục gốc dứa được người dân mang từ huyện Đơn Dương vào trồng trên địa bàn thôn 3 và 5 của xã Rô Men, huyện Đam Rông hồi 10 năm trước, nay đã phát triển sang nhiều hộ với tổng diện tích lên đến gần 5ha.
Chị Lơ Mu Khuyên, ở thôn 5, xã Rô Men cho biết, thấy cây dứa này dễ trồng và không phải đầu tư chăm sóc nhiều nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng trên 1 sào đất trống. Tuy chỉ cung ứng cho người dân trong xã nhưng đã giúp gia đình tăng thêm thu nhập, nhờ đó, bữa ăn của gia đình cũng ngày càng được cải thiện hơn. Chị Lơ Mu Khuyên, nói: “Cây dứa này nếu trên thị trường có tiêu thụ rộng thì chắc chắn gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích hơn. Tại vì tôi thấy trồng dứa rất là dễ, nó cũng lên rất là tốt nữa, nếu mà mình chịu khó bỏ công sức chăm sóc”.
Ông Lò Minh Quốc, Thôn trưởng thôn 3, xã Rô Men khẳng định, tuy cây dứa Cayenne chỉ mới được trồng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể gọi là mang tính hàng hóa, nhưng nếu được Nhà nước quan tâm, đứng ra làm trung gian tạo mối liên kết sản xuất giữa người dân và các doanh nghiệp, thì cây dứa Cayenne này chắc chắn sẽ trở thành một loại cây trồng xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả cho người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. “Tôi thấy cây dứa này rất phù hợp, nó phát triển rất là nhanh và đây là cây trồng ngắn ngày thôi nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao đấy. Vùng đất này tôi thấy là rất thích hợp, nhưng muốn phát triển được thì phải đưa ra vùng nguyên liệu, phải có đầu ra. Chứ nếu trồng đại trà, không có đơn vị doanh nghiệp nào bảo lãnh, lúc trồng không có đầu ra thì dứt khoát là không đem lại hiệu quả kinh tế”. Ông Lò Minh Quốc nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, theo khảo nghiệm của các nhà khoa học thuộc nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài điều kiện tự nhiên, giống dứa Cayenne Đơn Dương thực sự là giống dứa có chất lượng cao dù đã được trồng tại cao nguyên Lâm Đồng gần một thế kỷ qua. Mặt khác, việc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa cho dứa Cayenne của Đơn Dương sẽ là nền tảng thuận lợi, để loại cây trồng đặc sản này trở thành một sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngoài việc quy hoạch và phát triển vùng nhiên liệu, yếu tố xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cũng cần phải xúc tiến song hành. Có vậy, cây dứa Cayenne mới trở thành loại cây trồng giảm nghèo bền vững nơi đây./.

Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"