Lâm Đồng:Lũ nhỏ … thiệt hại lớn, vì đâu?

Mặc dù đợt mưa lũ lần này ở Lâm Đồng không diễn biến phức tạp như các năm trước, thiệt hại về vật chất cũng không đáng kể nhưng ngược lại đã đến có 3 người bị chết do mưa lũ gây ra. Vậy đâu là yếu tố dẫn đến sự trái ngược - lũ nhỏ nhưng thiệt thiệt hại tính mạng người dân lại lớn đến như vậy?

Thi thể của nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi khi bơi qua sông Đạ Lây vào chiều tối ngày 10/9 là anh Đặng Văn Đoàn, 23 tuổi, ở thôn Ninh Trung, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên vừa được lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tìm thấy. Trước đó, bà Trần Thị Vân, 35 tuổi, ở xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh cũng bị chết do nước cuốn trôi. Trường hợp khác là anh Nguyễn Đình Trung, 25 tuổi, ở huyện Đạ Tẻh bị chết do sét đánh. Như vậy, chỉ trong một đợt lũ nhỏ nhưng Lâm Đồng đã có đến 3 người bị chết do mưa lũ gây ra.

          * Tai họa bất ngờ!

Người nông dân đầu tiên gặp,  anh Nguyễn Tấn Hồng, ở xã Phước Lộc – huyện Đạ Huoai, nói trong vẻ bàng hoàng: những ngày rồi, ở nơi đây mưa không lớn, nhưng chẳng biết nước từ đâu mà chừng 3 giờ sáng (10/9) nước từ sông Đồng Nai “ập” vào, và rồi  cả xã phải chạy… lụt. “Không kịp lấy gì cả, bỏ lại tất !”. Vào bên trong một chút, gặp  một người nông dân của huyện Đạ Tẻh: “ … Khi mở mắt dậy đã thấy một nhà tồn nước!”. Đang chứng kiến cảnh chạy lũ của bà con nhân dân huyện Đa Tẻh thì lòng dạ sốt ruột vì  nghĩ đến miền Cát Tiên bên trong nữa, nơi được biết đến là vùng đất vừa nghèo nhất lại vừa “nếm” lũ lụt cay nhất hàng năm ở Tây Nguyên. Vậy là chúng tôi lại hối hả đội mưa lên đường, phía trước là hàng chục cây số nữa. Chúng tôi chấp nhận… “lội bộ”, may mắn lắm lại gặp người ta cho lên bè chuối, bè tre, hay xuồng nhỏ để băng qua những  biển nước.
 …Điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là nơi những ngọn đồi ven đường, hay đường giao thông nằm trên cao đều được dân dựng “hạ trại”, cất liều làm nơi cư trú né lũ.  Khi tiếp xúc với những người dân đang phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” tôi mới hay  lũ về quá đột ngột, bà con  mình không kịp chuẩn bị lương thực nên có một số gia đình dựng lều chưa xong thì phải đối mặt với cái đói. “ …nước về quá đột ngột, và lên rất nhanh, gia đình chỉ kịp di dời người và gia súc chứ đâu kịp chuẩn bị lương thực. Lúa thì có đó nhưng biết làm sao mà xay gạo! Mới lên đồi buổi tối, sáng ra đã mơ ước có một cái cối. Tất nhiên cái cối ấy để mà xay lúa, lấy gạo”! – Đó là tâm trạng chung của nhiều người dân “chạy lũ” nơi đây.

* Chính quyền thiếu khả năng dự báo?

Theo nhận định của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, mặc dù tình hình mưa lũ không diễn biến phức tạp, chỉ gây ngập úng cục bộ một số khu vực dân cư nhưng chính quyền các huyện đã triển khai ngay các phương án phòng chống lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời vận động và tổ chức di dời tài sản và con người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Vì sao đợt lũ lần này không lớn nhưng trên địa bàn đã có đến 3 người bị chết do mưa lũ gây ra? Ông Nguyễn Mạnh Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng: “đây chỉ là những sự cố đáng tiếc, vì  lũ năm nay đổ về nhanh và bất ngờ so với trướ”!
Theo ông Ngô Văn Thùy, ở xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên, người dân sống trong vùng rốn lũ thì sẽ hiểu hơn ai hết về mức độ nguy hại do bão lũ gây ra. Do vậy, nếu nói người dân thiếu kinh nghiệm, hoặc chủ quan trong công tác phòng chống lũ, dẫn đến thiệt hại tính mạng là chưa đủ. Theo ông còn có nguyên nhân khách quan khác là: “Do rừng bị phá hết rồi nên lượng nước mới đổ dồn về cùng một lúc nên nó mới nhanh và lớn đến như vậy. Mọi năm cũng đều có lũ quét nhưng riêng năm nay là mạnh hơn cả. Ở địa phương thì năm nào mà không cảnh báo, trong đó công tác tuyên truyền là chủ yếu”.
Cần nói thêm rằng, đối với người dân ở 3 huyện phía Nam gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng lâu nay được xem là rất có “kinh nghiệm” trong việc sống chung với lũ, bởi hầu như năm nào nơi đây cũng đều xảy ra lũ lụt. Thậm chí có những đợt lũ lớn và kéo dài đến gần tháng trời nhưng người dân nơi đây vẫn bình yên vô sự, thừa sức đối phó.
Hiện mực nước tại các sông, suối trên địa bàn 3 huyện phía Nam của Lâm Đồng đã rút giảm đáng kể, gần 200 hộ dân đã di dời đến nơi ở an toàn trước đó cũng đã quay về nhà. Chính quyền 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên đang tích cực khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định sinh hoạt và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nguy cơ tái lũ quét vẫn còn ở mức cao. Riêng huyện Đạ Huoai, hiện vẫn còn hơn 80 hộ dân ở ven sông Đạ B’Sar, xã Đạ Ploa đang bị đe dọa tính mạng và tài sản bởi nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao. Mặc dù kế hoạch di dời này đã được chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng dự tính từ trước nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xúc tiến triển khai.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như rút kinh nghiệm từ những trường hợp bị thiệt mạng trong đợt lũ vừa qua, thiết nghĩ tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường hơn nữa khả năng dự báo, giúp người dân kịp thời lường trước những nguy cơ bất ngờ khi có bão lũ xảy ra.
………….
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"