Giải pháp nào cho hoa Đà Lạt?

Năm 2001, hoa Đà Lạt xuất khẩu ra thị trường thế giới chiếm 5% tổng sản lượng hoa toàn thành phố. Mười năm sau (2011), sản lượng hoa xuất ngoại của Đà Lạt hằng năm cũng chỉ dừng lại ở con số này.

Ỳ ạch hoa tìm lối đi
Trong những năm qua, người trồng hoa Đà Lạt đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đóng gói, bảo quản hoa đã làm cho các loài hoa được trồng ở Đà Lạt cho năng Suất và chất lượng ngày càng cao, giảm thiệt hại sau thu hoạch đến mức thấp nhất. Hiện nay, gần 100%  diện tích hoa tại Đà Lạt đã được trồng trong nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới tiêu đều tự động. Đà Lạt hiện đã có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa các loại, trong đó có 70 giống hoa cúc, 30 giống hoa đồng tiền, 30 giống hoa cẩm chướng, hàng chục giống hoa hồng… đã có nguồn gốc lâu đời tại Đà Lạt và xuất xứ từ châu Âu.
Tuy nhiên, điều làm người trồng hoa và các công ty chuyên trồng, kinh doanh hoa tại Đà Lạt lo lắng nhất hiện nay là sản phẩm hoa của thành phố này đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường nội địa, trong đó lớn nhất là TP HCM và một số tỉnh miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết diện tích hoa của Lâm Đồng từ 1.731ha năm 2003 tăng lên 3.500ha vào năm 2010, doanh thu hằng năm theo đó cũng tăng nhanh. Đến năm 2010, sản lượng hoa toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 1,5 tỷ cành, kinh ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD, trong đó Đà Lạt chiếm tới 50% diện tích và 70% sản lượng hoa hằng năm.
Ông Trần Huy Đường, chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lạt cho hay: “Với tốc độ phát triển tự phát, diện tích trồng hoa của Đà Lạt hằng năm tăng lên 30%. Cả nước tỉnh nào cũng khuyến khích trồng hoa, và thị trường hướng tới của họ là chủ yếu là nội địa. Trong khi đó, tại thị trường hoa Đà Lạt, 10 năm trước trong báo cáo tổng kết, sản lượng hoa xuất khẩu chiếm 5% thì ngày nay cũng chỉ hoa 5%, số tăng tuyệt đối cũng chỉ ở các doanh nghiệp hoa 100% vốn nước ngoài”.
Cũng theo ông Trần Huy Đường, nếu so sánh Đà Lạt với cao nguyên Cameron của Malaysia thì ưu thế của Đà Lạt vượt trội hơn hẳn. Cao nguyên Cameron chỉ có khoảng 600ha hoa cúc nhưng sản lượng  xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hằng năm chiếm tới 60% tổng sản lượng hoa. Hiện nay, ngoài thị trường trong nước, một lượng nhỏ hoa Đà Lạt được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Úc, Mỹ và thị trường châu Âu.
Theo ông Nguyễn Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nguyên nhân khiến hoa Đà Lạt hàng chục năm qua vẫn cứ loay hoay tiêu thụ ở sân nhà chính là chất lượng hoa chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. Trình độ tay nghề những người trồng hoa có chất lượng chưa cao, chất lượng hoa thương phẩm thấp là hậu quả của việc thoái hóa giống. Các loại giống hoa mới, có chất lượng cao được gieo trồng tại Đà Lạt hiện nay lại phụ thuộc vào thị trường giống nhập nội nên giá thành sản phẩm này khá cao, khó cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp hoa trên thế giới.
Việc hoa Đà Lạt phục thuộc quá lớn vào thị trường tiêu thụ trong nước đã gây ra tình trạng được giá thì mất mùa và ngược lại. Đã có thời điểm hoa được mùa lại mất giá thê thảm khiến nhà vườn đành phải nhỏ bỏ hoa đem đốt.
Giải pháp nào cho hoa Đà Lạt?
Theo ông Phạm Ngọc Trung, phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, để hương hoa Đà Lạt bay xa, vươn tới những thị trường mới, khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu… việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng hoa Đà Lạt bằng cách thực hiện công tác quy hoạch phát triển vùng sản xuất hoa, nhất là hoa ứng dụng công nghệ cao, tránh phát triển hoa manh mún, tự phát ngoài vùng quy hoạch.
Thay đổi các giống hoa đã bị tha hóa bằng các giống mới nhập nội có chất lượng cao nhằm đầu tư phát triển hoa theo chiều sâu. Nhanh chóng đưa khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa ngay từ khâu trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ đến đảo bảo môi trường sinh thái, sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó phải xây dựng các kênh pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế, hỗ trợ, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia Hiệp hội ngành nghề nhằm đảm bảo lợi ích chung và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi thị trường hoa bất ổn. Đồng thời hình thành kênh lưu thông hàng hóa, mạng lượi tiêu thụ, gắn người sản xuất với hệ thống hợp tác xã, các đại lý, chợ đầu mối bằng các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoa cho người trồng hoa.
Công tác xúc tiến thương mại để quảng bá hoa Đà Lạt ra các thị trường trong nước và thế giới cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông Trần Huy Đường, chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lat, thương hiệu là tiêu chí quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn và qua đó hoa Đà Lạt có thể khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và thế giới, nên việc xây dựng thương hiệu, đăng ký thương hiệu hoa Đà Lạt là việc cần làm ngay lúc này.
Thấu rõ được nguy cơ tiềm ẩn khi cả nước tỉnh nào cũng khuyến khích trồng hoa, Hiệp Hôi hoa Đà Lạt đã đưa ra khẩu hiệu “Hoa Đà Lạt – Xuất khẩu hay là chết”. Tuy nhiên, để thực hiện được khẩu hiệu này không phải là chuyện sớm chiều mà đòi hỏi cả một quá trình mang tính lâu dài, tiến hành từng bước, từng giai đoạn. Nhưng điều quan trọng hàng đầu là phải nâng cao chất lượng hoa Đà Lạt ít nhất là ngang tầm với các nước có nền công nghiệp hoa phát triển trên thế giới thì mới đủ khả năng cạch tranh trên một sân chơi không biên giới.  
Cao Diên




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"