Cái chết bất ngờ của nữ doanh nhân thành đạt - dư luận xôn xao, nông dân điêu đứng!

Trong những ngày cuối tháng 9, thông tin bà Hà Thúy Linh giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng chết đột ngột tại Trung Quốc đã gây xôn xao trong giới doanh nhân và người dân, còn người nông dân  trồng chè ở 2 xã Xuân Trường, Trạm Hành TP Đà Lạt thì điêu đứng!

Nữ doanh nhân Hà Thúy Linh
Nữ doanh nhân thành đạt....
Sinh ra và lớn lên từ vùng sông nước Đồng Tháp, năm 2002, bà theo chồng người Đài Loan  về  Cao nguyên Đà Lạt sinh sống rồi bén duyên với cây trà Ô Long từ đó. Bà bắt tay vào giúp chồng kinh doanh, phát triển chế biến trà cao cấp.
Với vai trò phó giám đốc, rồi giám đốc Công ty TNHH Haiyih, bà Linh đưa Công ty phát triển khá nhanh. Từ số vốn 1 triệu USD ngày đầu, sau gần tám năm hoạt động kinh doanh, năm 2010, tổng thu nhập của công ty đã đạt con số 8 triệu USD. Cũng trong năm 2010, bà Linh còn đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy chế biến trà Ô Long cao cấp với tổng vốn hơn 35 tỉ đồng vùng nguyên liệu tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt).
Thành công là vậy nhưng về tình duyên cũng khá lận đận. Năm 2008, sau khi chia tay chồng, bà Linh đã thành lập Công ty TNHH Hà Linh, có trụ sở đóng tại TP Đà Lạt. Công ty của bà chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu. Hiện Công ty Hà Linh đang sở hữu khoảng 200ha chè ô long tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long lớn nhất trên địa bàn Lâm Đồng.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bà Linh còn liên kết với hàng trăm nông dân Cầu Đất để trồng, chế biến trà Ô Long cao cấp xuất khẩu với diện tích hơn 250 ha; giải quyết cho gần 500 công nhân thường xuyên và hợp đồng thời vụ với mức thu nhập bình quân 3-7 triệu đồng/người/tháng.
Dù thành lập công ty sản xuất, chế biến trà ô long xuất khẩu chưa lâu nhưng Hà Thúy Linh đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu trà ô long Hà Linh và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến trà ô long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Lâm Đồng và có tiếng trong nước và thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn, nữ doanh nhân này đã nhiều lần nhận được cúp, bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Doanh nhân Việt Nam…Lần gần đây nhất, Công ty TNHH Hà Linh được trao "Thương hiệu phát triển bền vững ASEAN 2015".

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu trà Ô Long cao cấp, bà Linh còn kinh doanh cà phê và spa làm đẹp cho chị em.
Hàng chủ yếu bán cho Trung Quốc và khoản nợ khổng lồ?
Theo thống kê từ Công ty Hà Linh, mỗi ngày đơn vị này sản xuất khoảng 14 tấn trà ô long thành phẩm và thô. 60% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Trung Quốc. Công ty Hà Linh xác nhận đa số đối tác của công ty tại hai thị trường này đều có nợ một số tiền nhất định với công ty của bà Linh.

Công ty Hà Linh vẫn hoạt động bình thường
Theo một số người thân cận với Hà Thúy Linh, thời gian gần đây họ có nghe bà Linh than phiền là thị trường tiêu thụ trà của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu trong năm 2015 được Hà Thúy Linh đưa ra là quyết tâm xuất khẩu khoảng 120 tấn trà ô long, cao hơn 30 tấn so với năm 2014. Nếu "thuận buồm xuôi gió", đây chỉ là con số nhỏ, nhưng vừa qua trà xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan bị bịa đặt chuyện "nhiễm dioxin", rồi đến chuyện "dư lượng hoạt chất fipronil - độc tố 2" nên nhiều sản lượng trà làm ra chưa tiêu thụ được.
Vào giữa năm nay, trà ô long Việt Nam xuất sang Đài Loan bị trả về 22 lô khoảng 80 tấn. Nguyên nhân bị cho là dư lượng hoạt chất fipronil cao hơn mức Đài Loan cho phép - mức 0,002ppm (một phần triệu). Riêng Công ty TNHH Hà Linh trong kho vẫn đang tồn đọng khoảng 20 tấn chưa thể xuất bán trong khi nhiều hợp đồng bán trà ô long ra thị trường nước ngoài trước đó vẫn chưa lấy được hết tiền.
Luật sư Trương Quang Quý, người đại diện pháp lý cho Công ty TNHH Hà Linh, cho biết, cách đây hơn 10 ngày, bà Linh có xuất 3 tấn trà ô long qua thị trường Trung Quốc nhưng chưa lấy được tiền hàng.
Vị đại diện trên cũng cho biết: “Các DN Việt Nam làm việc với DN Trung Quốc thường chủ quan, hợp đồng sơ sài, hàng giao sang nước họ nhưng tiền thì mới nhận một nửa. Có nhiều công ty Việt bị đối tác Trung Quốc, Đài Loan chiếm dụng tiền vốn rất lớn mà chưa đòi được. Vì vậy DN làm ăn với Trung Quốc cần tiền trao cháo múc, bắt buộc bên mua phải mở L/C (tín dụng thư) bảo đảm” - vị đại diện này cảnh báo.
Cái chết bất ngờ và những nghi vấn!
Luật sư Trương Quang Quý, người hỗ trợ pháp lý cho Công ty Hà Linh, cho biết bà Linh rời khỏi công ty vào ngày 19-9 đi Quảng Châu (Trung Quốc) để xử lý các công việc liên quan đến công ty với các đối tác tại Trung Quốc. Đến khoảng 10g ngày 22-9 thì nhân viên của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM thông báo với Công ty Hà Linh rằng cơ quan chức năng tỉnh Quảng Châu tìm thấy một thi thể nghi là bà Hà Linh. Đồng thời mô tả các dấu hiệu nhận dạng, cũng như các thông tin cá nhân lấy từ hộ chiếu. Sau khi đối chiếu với các thông tin cá nhân của bà Hà Linh tại công ty thì thấy trùng khớp.
Theo đại diện Công ty TNHH Hà Linh, bà Linh qua Trung Quốc để tìm thị trường tiêu thụ trà, đồng thời giải quyết một số vụ việc với các đối tác liên quan đến công ty. Ngày 19-9, nhân viên công ty vẫn liên lạc được với bà Linh nhưng sau đó đã mất liên lạc.
Ông Trần Thanh Hoài, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Đồng cho biết, trước thông tin về cái chết hết sức bất ngờ của Hà Thúy Linh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng như nhiều người dân địa phương đặc biệt quan tâm. Ngay trong ngày 22/9, Sở Ngoại vụ Lâm Đồng đã có công văn cung cấp thông tin và đề nghị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), hỗ trợ xác minh thông tin và tiến hành các thủ tục liên quan theo pháp luật.

Ngày 23/9, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã có công điện khẩn thông báo về trường hợp một phụ nữ Việt Nam có tên Hà Thúy Linh (có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin cá nhân gia đình bà Hà Thúy Linh cung cấp cho Sở Ngoại vụ Lâm Đồng) bị cướp tài sản tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nội dung công điện nêu rõ: Hà Thúy Linh được bạn hàng buôn bán mời uống nước sau đó hôn mê và bị cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu. Sau đó, bà Linh được đưa tới bệnh viện cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi, tử vong vào sáng sớm ngày 22/9.

Theo chẩn đoán y tế, bà Hà Thúy Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng do ngoại lực tác động. Để làm rõ nguyên nhân tử vong cần giải phẫu tử thi để khám nghiệm. Hiện thi thể bà Hà Thúy Linh được bảo quản tại Nhà tang lễ TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Chắp nối các tình tiết, sự kiện có liên quan đến chuyến đi Trung Quốc và cái chết bất thường của bà Hà Thúy Linh nơi đất khách, luật sư Trương Quang Quý đặt ra nhiều nghi vấn. Có thể các đối tượng đã có dã tâm sát hại bà Linh từ trước nên cố tình sắp đặt ra một hợp đồng làm ăn với bà Hà Thúy Linh tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để làm "mồi nhử" bà Linh qua để chúng ra tay. 
Ông Quý cho biết: “Trước đây cũng có trường hợp đại diện một công ty Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đi đòi nợ các đối tác mua hàng, bị một nhóm côn đồ truy sát, may mắn thoát chết. Nhưng người này phải cố thủ trong văn phòng đại diện của công ty hơn ba ngày trời mới yên tâm trở về Việt Nam”.
Theo nghi vấn của luật sư Quý, đối tượng phạm tội đã lên kế hoạch rất chi tiết, có tính toán kỹ lưỡng và mục đích cuối cùng của hành vi phạm tội có thể không phải để cướp tài sản mà là cố tình sát hại bà Linh vì những động cơ khác. Vì nếu đơn thuần đây chỉ là một vụ cướp tài sản thông thường thì khi bỏ thuốc mê vào nước uống, bà Linh uống phải và bất tỉnh nhân sự là các đối tượng dễ dàng đạt được mục đích phạm tội, chứ tại sao lại đánh đập, gây ra những vết thương nghiêm trọng trên cơ thể? Vì vậy nghi vấn mục đích cuối cùng của đối tượng phạm tội ở đây là giết người chứ không phải cướp tài sản.

Có lẽ cơ quan chức năng sở tại phải tìm ra manh mối ai là "người bạn hàng" đi cùng bà Hà Thúy Linh? Người này mời bà Linh uống nước gì mà lại dẫn đến mê man, bất tỉnh? Khuất tất của vấn đề đang nằm ở "người bạn hàng" đầy khả nghi và bí ẩn kia...

Luật sư Trương Quang Quý cho biết thêm, trước khi tử vong tại bệnh viện, bà Linh có tỉnh lại vài phút và kịp cho các bác sĩ biết thông tin bà bị đầu độc bằng thuốc mê, bị đánh đập hết sức dã man và để lại số điện thoại của người thân ở Việt Nam.

Nông dân trồng chè điêu đứng.

Ngày 2/10, ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt) cho biết, việc bà Hà Thùy Linh (Giám đốc Cty TNHH Hà Linh) đột tử ở Trung Quốc khiến các hộ nông dân liên kết trồng chè với Cty hoang mang vì không rõ việc bao tiêu nguyên liệu có tiếp tục hay không.



Nông dân điêu đứng không biết bán chè cho ai?

Ngay sau khi xảy ra sự cố ở Cty Hà Linh, mới đây Cty TNHH Fusheng (doanh nghiệp Đài Loan đóng tại xã Trạm Hành) ra thông báo sẽ ngừng việc thu mua nguyên liệu chè từ tháng 1/2016. Điều này khiến có thêm hàng chục hộ nông dân của hai xã trên điêu đứng. Lý do mà Fusheng đưa ra là không còn khả năng chi trả chi phí thu mua chè tươi cho hộ nông dân do lượng chè khô sản xuất vẫn còn tồn kho đến 60 tấn. Thời gian tới Fusheng sẽ phát triển sang lĩnh vực trồng, chăm sóc lan vũ nữ.

Theo một số nông dân này cho biết, vốn trồng và chăm sóc chè cao cấp rất lớn. Trung bình cứ 2 tháng một lần phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để chăm bón 1ha chè. Loại chè này phải thu hoạch đúng ngày, đúng giờ, nếu chậm 5 ngày thì chè không còn giá trị. Nhiều nông dân phản ánh Cty Hà Linh đang nợ tiền gối đầu mua chè của họ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm S. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) nói cũng vừa nghe phản ánh tình trạng này. Chủ doanh nghiệp Hà Linh bị nạn là việc ngoài ý muốn, nay lại thêm sự cố ở Cty Fusheng thì nông dân sẽ rất khó khăn. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xuống kiểm tra tình hình thu mua nguyên liệu chè cao cấp tại các xã Xuân Trường và Trạm Hành (thành phố Đà Lạt) và sớm đề xuất phương án xử lý.
Lê Kiên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"