LÂM ĐỒNG: NÔNG SẢN BẤP BÊNH – NÔNG DÂN ƯỚC GÌ CÓ “CÂY CẦU”!

Nghị quyết 26 về “tam nông” nêu rõ: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, người nông dân phải là chủ thể. Nông dân không chỉ là lực lượng chủ đạo trong sản xuất mà còn là đối tượng được thụ hưởng xứng đáng với những thành quả lao động của chính mình. Ấy vậy mà trong năm qua khi chứng kiến người nông dân Lâm Đồng hết cảnh đổ rau, quả… làm phân, sữa bò mang đi đổ bỏ, rồi đến mức Trung Quốc “tấn công” và ngang nhiên mang thương hiệu “đặc sản Đà Lạt”, rồi nay đến lược chè của họ không bán được … mà không khỏi xót thương! Và người nông dân đang ước có một “cây cầu” - Cây cầu ở đây là cây cầu liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông).

Nông dân ngậm ngùi đổ bỏ cà chua

Có nhiều nguyên nhân làm cho "canh bạc” nông sản của nông dân làm ra thua nhiều hơn thắng. Người thì đổ cho thời tiết, người thì cho là do thời vụ, cũng có ý kiến cho rằng nông sản Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung lúc này không còn là sự độc quyền của địa phương mà cũng đã cắm rễ được ở những vùng đất khác … và một lượng lớn rau, củ từ Trung Quốc đổ về ồ ạt kiến cho nông sản Lâm Đồng “ế ẩm”.... Còn theo một chuyên gia thuộc Sở Nông nghiệp -  Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thì do nông dân có thói quen sản xuất cái mình có chứ chưa biết sản xuất cái thị trường cần, nên mới rơi vào tình cảnh trồng rau như một “canh bạc may rủi”!

Như vậy câu chuyện của vùng nông nghiệp Đà Lạt lần này không gói gọn ở “được mùa mất giá”, mà là câu chuyện của lối canh tác thiếu kế hoạch, thiếu liên kết...và thiếu cả định hướng của ngành chức năng!

Vì họ là... nông dân!

Người nông dân Cao Nguyên - Lâm Đồng - họ là những nông gia chính gốc trên đất này không có tham vọng khẳng định mình trên vũ đài chính trị, họ không nổi bật với mái đầu kiêu hãnh chốn thị thành, họ không hào phóng khi mơ ước. Họ chỉ âm thầm lặng lẽ trên những mảnh vườn thửa đất. Họ cần mẫn chắt chiu từng chút kinh nghiệm hầu mong tạo ra những món đặc sản đặc trưng cho Lâm Đồng.

Hàng ngày trên đất nước có biết bao đổi thay ở mọi lĩnh vực, song họ ít khi quan tâm, họ mặc cho những giọt mồ hôi lăn trên gò má. Việc sương gió hằng lên trán họ những nếp nhăn, họ nào thấy muộn phiền, họ chỉ mong sao cho những sản phẩm họ làm ra kia ngon hơn, thơm thảo hơn trong mỗi gói quà lưu niệm của du khách. Mong ước được đóng góp cho đời quả là mong ước chân chính, cao cả và đáng quý. Nhưng để thực hiện được những mong ước này nào có dễ dàng gì?

Nông dân không còn cách nào khác phải đổ bỏ sữa

Trong thực tế sở dĩ họ phải chấp nhận cuộc sống cơ cực phần lớn là do sản phẩm mà họ làm ra kia chỉ được mua với giá bằng một phần ba – thậm chí có khi chỉ bằng một phần mười – trị giá mà người tiêu dùng phải trả. Họ ngậm ngùi nhìn sản phẩm của mình làm ra phải chịu bao phen “phù phép” nổi trôi của chợ mồi cò. Nhìn người tiêu dùng đón nhận sản phẩm do chính tay họ làm ra nhưng lại được bán với giá “cắt cổ” cho du khách nhiều khi họ không còn tin sản phẩm kia là của chính mình.

Họ bị tư thương ép giá trăm bề, nhiều lúc đầu tư xong cho một vụ mùa họ bổng dưng thành “vô sản”, phải chấp nhận cảnh trắng tay mà chẳng dám than phiền. Giá cả thị trường lên xuống bấp bênh, họ như luôn nằm trên mặt sóng, cứ lênh đênh, trôi nổi. Họ chỉ biết sản xuất, còn chuyện hoạch định cho mình những chiến lược lâu dài quả là điều xa lạ, lắm lúc phải “ngậm đắng nuốt cay” mà chứng kiến cảnh chụp giựt giữa chợ đời.  Liệu một thành phố Cao Nguyên, nên thơ, vô cùng tĩnh lặng, có nên xuất hiện thêm những cảnh xô bồ, chụp giựt chà đạp lên bao kiếp người cần cù chăm chỉ. Thậm chí lùa họ vào cảnh cơ hàn để phải giật gấu vá vai?

... Ước mơ có “cây cầu”!

Bao giờ cho tới ngày xưa - cái ngày mà cảnh đẹp “cứ dồn thêm, cứ dồn thêm bước bước / lời ngợi khen mỗi lúc một thay thay”. Đi trên mặt sóng, tất phải lênh đênh chìm nổi đó là quy luật ngàn đời. Và dĩ nhiên không dễ gì trong một sớm một chiều mà khắc phục được ngay. Nhưng không thể vì thế mà họ đành phải bó tay, cam chịu. Để khỏi phải lội sông, vì sao chúng ta không bắt lấy một cây cầu. - cây cầu liên kết “4 nhà” 

Bắp sú không bán được dân bỏ hư tại vườn

Điều này có thể sẽ tốn nhiều thời gian, công, của chất xám… và đặc biệt là phải có những con người đầy nhiệt tình và bản lĩnh - dám nghĩ dám làm. Đây là ước mơ chính đáng đâu chỉ của nông dân. Vì  ít ra nó sẽ tạo được sự an toàn cho việc đầu tư, tạo điều kiện cho bao tiềm năng trong dân được phát huy tác dụng và đặc biệt là nó sẽ tạo niềm vui cho du khách, hứa hẹn sẽ đem lại nụ cười trên gương mặt đầy sương gió của những nông gia.

Chiếc cầu mà nông dân  mong ước đó chính là những Quyết định của các cơ quan chức năng về một cơ sở chuyên thu mua nông sản tại Đà Lạt, với giá cả ổn định hầu tạo đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy nông dân mới an tâm sản xuất, chính quyền dễ giải quyết những vấn đề có liên quan, tạo được niềm tin và sự thoả mái cho du khách.

Ước mơ trên là chính đáng và có tính khả thi vì thế vấn đề còn lại là thời gian. Vậy ngay bây giờ thay vì buông xuôi cả hai tay, ngồi ngóng đợi, nên chăng hơn ai hết những nông gia giàu kinh nghiệm hãy tham kế cho các cơ quan  chức năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Nhà nước đi vào cuộc sống. Hy vọng tiếng nói trên đây – tiếng nói của những người con lớn lên từ gốc rau, cây sú, vườn dâu… này sẽ không rơi tỏm vào khoảng không im vắng mà sẽ được các cấp các ngành hữu quan đón nhận bằng tất cả tấm lòng.

Vâng! niềm tin của chúng ta là hoàn toàn có cơ sở vì Đảng ta, Nhà nước ta luôn lấy lợi ích của dân làm thước đo cho mọi hoạt động của mình. Từ đây chúng ta có quyền ước mơ về những gì tốt đẹp – hy vọng những miếng mứt cay sẽ không làm “đắng lòng” du khách;  nông sản cả nhà ta vun trồng sẽ không phải gánh đi đổ trôi sông.

Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"