Xét xử Vụ án “Thẩm mỹ viện Cát Tường”

Sáng nay (4.12), TAND TP.Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và bị cáo Đào Quang Khánh (SN 1996, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử. Đây là phiên tòa được dư luận quan tâm, dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày (4-5.12).
Nguyễn Mạnh Tường (nguyên bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố hai tội: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội Xâm phạm thi thể; tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 242 và khoản 2 Điều 246 Bộ luật Hình sự. Đào Quang Khánh(SN 1996, nguyên bảo vệ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố tội Trộm cắp tài sản và Xâm phạm thi thể; tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 138 và khoản 2 Điều 246 Bộ luật Hình sự.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Thị Hợp, đại diện VKS là ông Đỗ Minh Tuấn. Có 5 luật sư tham gia bào chữa: Luật sư Vũ Gia Trưởng và luật sư Phạm Hương Giang bào chữa cho gia đình bị hại Lê Thị Thanh Huyền; luật sư Chu Thị Trang Vân bào chữa cho Nguyễn Mạnh Tường; luật sư Nguyễn Anh Thơm và luật sư Tạ Anh Tuấn bào chữa cho Đào Quang Khánh.
So với phiên tòa sơ thẩm lần trước (mở và bị hoãn để điều tra bổ sung, tháng 4.2014), vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường mở lần này có 2 điểm mới.
Điểm mới đầu tiên là vào ngày 18.7, thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bất ngờ được phát hiện ven sông Hồng thuộc thôn Trung Quang, xã Vân Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Mặc dù thi thể nạn nhân được tìm thấy nhưng do ngâm nước quá lâu (khoảng 10 tháng) nên đang trong quá trình phân hủy mạnh. Các cơ quan chuyên môn đã xác định chính xác thi thể tìm thấy là của chị Huyền với xác suất trên 99%, nhưng không thể chỉ ra đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết và cũng không thể xác định được nạn nhân chết trước hay chết sau khi bị vứt xuống sông. Chính vì thế việc tìm thấy thi thể chỉ có thể khẳng định nạn nhân đã chết và mang ý nghĩa về mặt tâm linh với gia đình, chứ không giúp làm sáng tỏ khúc mắc trong vụ án.
Điểm mới thứ hai là Nguyễn Mạnh Tường bị thay đổi điều khoản truy tố từ khoản 1 Điều 242 lên khoản 3 Điều 242 - Bộ luật Hình sự tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Hình phạt ở mức truy tố cũ từ 1 - 5 năm tù, với mức truy tố tăng mức hình phạt là 7 - 15 năm tù.
Hai con nạn nhân và di ảnh mẹ
Theo cáo trạng, trưa 19.10.2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đi xe máy đến TMV Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ. Nhân viên TMV đưa chị vào phòng thử HIV và thử phản ứng thuốc tê thấy bình thường.
Đến 12h30’, bác sĩ Tường yêu cầu nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê, thử phản ứng thấy bình thường nên đã tiêm thuốc gây tê để tiến hành ca mổ.Khi ca mổ kết thúc, chị Huyền được đưa ra ngoài phòng chờ. Khoảng 30 phút sau, chị có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép nên bác sĩ Tường tiêm cho chị một mũi thuốc an thần loại Diafegam 10mg. Thấy chị Huyền bình thường, ông Tường đi lễ cùng bạn tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Đến khoảng 17h45’ cùng ngày, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, không đo được huyết áp. Nhân viên TMV đã gọi điện cho bác sĩ Tường và được chỉ định tiêm cho chị Huyền hai ống thuốc trợ tim loại Adrenalin 2ml và hai ống thuốc chống dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.
Sau đó, ông Tường quay về TMV, gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Quang Thành (bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai) đến để cùng Tường cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên việc này đã không đạt kết quả.
Sau khi chị Huyền tử vong, Tường điện thoại báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên TMV Cát Tường biết. Ông ta chỉ đạo nhân viên thu dọn đồ đạc gồm máy tính, camera, sổ sách, các dụng cụ y tế... mang đi phi tang.
Khoảng 23h30', bác sĩ Tường cùng Đào Quang Khánh đem thi thể chị Huyền lên ôtô đưa đến Bệnh viện Bưu điện. Thấy có nhiều người qua lại, hơn nữa thi thể nạn nhân đã bị cứng nên cả hai không dám mang xác nạn nhân vào gửi.
Khánh gợi ý bác sĩ Tường nên ném xác phi tang. Tường đồng ý và lái ôtô chở xác chị Huyền, trong khi Khánh chở chị Hằng đi theo sau. Trên đường đi, chị Hằng đã ngăn cản việc vứt xác nạn nhân nhưng cả Tường và Khánh đều không đồng ý.
Riêng Khánh bị xác định đã lợi dụng lúc mọi người không để ý, lấy trộm chiếc điện thoại iPhone của nạn nhân.
Bản cáo trạng cho rằng, do có hành vi ngăn cản chồng ném xác nạn nhân nên chị Hằng không phạm tội.
Đối với một số nhân viên trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp ông Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền là tội phạm thực hiện với lỗi vô ý nên không có căn cứ xử lý đồng phạm.
Đối với bác sĩ Thành, cơ quan điều tra xác định, vị bác sĩ này biết sự việc nhưng không tố cáo với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hành vi này không cấu thành tội danh nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự.
Ngày 14.4, sau khi đưa bị cáo Tường và Khánh ra xét xử, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra lại với lý do, còn một số vấn đề chưa thể làm rõ tại phiên tòa.Trong bản cáo trạng điều tra bổ sung, có sự điều chỉnh điều khoản của tội danh.
Cáo trạng lần 1, bác sĩ Tường bị truy tố tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo khoản 1, Điều 242 BLHS. Theo đó, khung hình phạt nặng nhất chỉ là 5 năm.
Gần 10 tháng kể từ ngày xảy ra vụ án (19.10.2013 - 4.8.2014) thi thể nạn nhân trong vụ TMV Cát Tường vứt xác khách hàng được tìm thấy.
Ở bản cáo trạng lần này, bác sĩ Tường vẫn bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2.
Nhưng ở tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, ông bác sĩ bị truy tố theo điều 242, khoản 3 - BLHS. Theo đó, bác sĩ Tường phải đối mặt với khung hình phạt cao hơn, từ 7-15 năm.
Riêng bị can Đào Quang Khánh vẫn bị truy tố về 2 tội danh giống như bản cáo trạng trước là tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138, khoản 1 - BLHS. 
Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường và nhân viên đổ lỗi cho nhau
Sáng 4/12:

HĐXX đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
8h35: Thư ký đọc nội dung phiên tòa, các bị cáo vẫn chưa được đưa vào phòng xét xử.
Tiếp đó thẩm phán Lê Thị Hợp thay mặt HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
8h50: HĐXX bước vào phòng làm việc, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp đã đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
9h07': Kết thúc phần thủ tục, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi, trước khi xét hỏi vị đại diện VKS đọc bản cáo trạng dài 15 trang.
Trước khi lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Tường nói xin lỗi gia đình nạn nhân, nhưng thẩm phán, chủ tọa Lê Thị Hợp nói hãy dành cho phần sau, còn hãy trả lời nội dung cáo trạng nêu hành vi của bị cáo đúng hay sai. Bị cáo Tường cho rằng có chỗ đúng, chỗ không đúng.
Chủ tọa phiên tòa tiếp tục xét hỏi xung quanh nội dung về điều kiện mở thẩm mỹ viện. Bị cáo Tường khai điều kiện để mở thẩm mỹ viện thì cần phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu, các trang thiết bị để cấp cứu, thiết bị phòng cháy chữa cháy... "Về thủ tục hành chính cần giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề, có giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Trong những giấy tờ này, bị cáo chưa có giấy chứng nhận của Sở Y tế vì đang làm thủ tục" - bị cáo Tường khai.
Về chuyên môn bị cáo Tường khai có bằng thạc sĩ y khoa, có chứng chỉ hành nghề về ngoại khoa và phẫu thuật chỉnh hình. "Bị cáo có biết thông tư 41 của Bộ Y tế thủ thuật hút mỡ chứ không phải là phẫu thuật hút mỡ. Theo bị cáo hiểu việc làm của bị cáo không bị cấm" - bị cáo Tường nói. 

Nguyễn Mạnh Trường và Đào Quang Khánh trước vành móng ngựa
Về công thức pha thuốc và dung dịch để phẫu thuật cho khách hàng, bị cáo Tường cho biết công thức này học của các giáo sư Hàn Quốc, nó mới du nhập vào Việt Nam, chưa được đưa vào giảng dạy nhưng bị cáo tự áp dụng.
9h50: Sau khi vị đại diện VKS đọc xong bản cáo trạng, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Tường. 
10h30: Trả lời câu hỏi của HĐXX việc tại sao khi nạn nhân Huyền tử vong bị cáo không đưa vào bệnh viện hay báo cho gia đình nạn nhân mà lại mang xác đi vứt, Bị cáo Tường khai rằng lúc đầu định mang thi thể nạn nhân vào Bệnh viện Bạch Mai gần thẩm mỹ viện của bị cáo nhưng ở đó đông người bị cáo sợ không dám đưa vào. Còn quyết định mang xác nạn nhân đi vứt, bị cáo Tường nói quyết định lúc đó không rõ ràng. "Khánh bảo với bị cáo hay phi tang, bị cáo hỏi làm thế nào, Khánh nói vứt xuống sông. Lúc đó bị cáo không nghĩ được gì cả" - bị cáo Tường khai. 
Bị cáo Tường khai tiếp đã dùng ô tô chở thi thể nạn nhân vào Bệnh viện Bưu điện mục đích để gọi gia đình đến.
10h45: HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Đào Quang Khánh. Bị cáo Khánh cho biết làm việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường không hợp đồng lao động, nhiệm vụ chỉ là trông xe, khi chị Huyền phẫu thuật thì bị cáo không được vào. 
"Là người làm thuê anh Tường bảo giúp đưa một khách hàng đi cấp cứu nên bị cáo làm, mặc dù bị cáo biết nạn nhân đã chết. Bị cáo còn giúp chuyển đồ của nạn nhân" - bị cáo Khánh khai. 
Bị cáo Khánh khai, khi Tường đưa thi thể nạn nhân đến Bệnh viện Bưu điện, Khánh đi xe máy theo sau. Khi không thấy bị cáo Tường đưa thi thể nạn nhân vào, Khánh nói: "Anh là bác sĩ người ta cũng là bác sĩ, cái xác đã cứng thế này sao mang vào được".
Bị cáo Khánh nói không phải là người gợi ý đưa xác đi vứt, trong khi các lời khai ở quan điều tra thì bị cáo Khánh khai là người gợi ý. "Anh Tường nói là hay là đi vứt nên bị cáo đồng ý" - bị cáo Khánh nói. Bị cáo Khánh cũng khẳng định được khai thoải mái, không bị ép cung, mớm cung. Khi khai đều có LS Nguyễn Anh Thơm có mặt giám hộ. 
Bị cáo Khánh còn khai Tường là người bảo Khánh bỏ xe máy nạn nhân vứt trên đường Cổ Linh, Gia Lâm, Hà Nội để lên xe ô tô cùng Tường. Trên xe có 3 người là Tường, vợ Tường và Khánh, trong quá trình chở thi thể chị Huyền đi 3 người không nói với nhau câu nào. Trong khi Nguyễn Mạnh Tường khai được vợ can ngăn khi có ý định ném xác nạn nhân Huyền để phi tang.
"Tại sao không mang thi thể vào?" - thẩm phán Lê Thị Hợp vặn hỏi. "Vì lúc đó đông người sợ, đầu óc bị cáo lúc đó không suy nghĩ được gì" - bị cáo Tường nói. 
Về việc ai là người bảo Khánh để xe máy nạn nhân lại ở đường Cổ Linh, bị cáo Tường khai không biết. "Vợ bị cáo khuyên can không được làm như thế nhưng lúc đó tâm lý sợ nên bị cáo cứ vứt xác. Khánh là người đưa ra ý kiến, bị cáo là người quyết định vứt xác phi tang. Còn việc lái xe chạy lòng vòng là hoảng sợ cứ lái đi" - bị cáo Tường khai tiếp. Khi ra cầu Thanh Trì Khánh giúp khênh xác vứt xác, còn vợ bị cáo do sợ ngồi co rúm trên ghế xe" - bị cáo Tường khai. 
Thẩm phán Lê Thị Hợp nói: "Lời khai của bị cáo nghe vậy nghe có được không, bị cáo đã khai khác tại cơ quan điều tra". Tuy nhiên thẩm phán không công bố lại lời khai của bị cáo Tường tại cơ quan điều tra.
11h10: HĐXX hỏi chị Nguyễn Thị Hằng, vợ bị cáo Tường. Chị Hằng có mặt tại tòa với tư cách là nhân chứng. 
Vẫn khẳng định lời khai như tại cơ quan điều tra, chị Hằng cho biết khi thấy chồng mình có ý định đưa xác nạn nhân Huyền đi vứt, chị đã khuyên can không được làm như thế. 
Khi HĐXX hỏi, thấy chồng chở xác nạn nhân đi sao không báo cơ quan chức năng mà lại đi theo, chị Hằng cho rằng vì lúc đo hoảng sợ quá không nghĩ được, việc tiếp tục đi theo chồng là nhằm mục đích khuyên can. Chị Hằng cũng cho biết ngày hôm sau có khuyên bị cáo Tường ra đầu thú, nhưng người chồng đã không nghe. 
Lý giải về lời khai của Khánh rằng không thấy chị nói câu nào khi 3 người đi trên xe ô tô, chị Hằng cho rằng do bị cáo Khánh nghe không rõ chuyện chị khuyên chồng nên mới khai như vậy. 
11h20: Tòa nghỉ. 13h30 chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.
Bị cáo Đào Quang Khánh nói không phải là người gợi ý đưa xác đi vứt, trong khi các lời khai ở quan điều tra thì bị cáo Khánh khai là người gợi ý.
Chiều 4/12:
Chiều nay (4.12), phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tiếp tục. 13h50: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp tiếp tục thẩm vấn bị cáo Tường về phương pháp phẫu thuật mà Tường áp dụng khi làm cho chị Huyền. Bị cáo Tường cho rằng phương pháp phẫu thuật mới chỉ cần sếp (là quản lý cấp trên) cho phép là làm được. Phương pháp bị cáo áp dụng phẫu thuật cho chị Huyền không phải là phương pháp mới mà chỉ là giản lược đi.
"Khi làm việc gì thì phải nghiên cứu cái gì được phép làm, cái gì không, rõ ràng bị cáo đã sai phạm" - thẩm phán Lê Thị Hợp giải thích.
Về phần dân sự, khi nghe tòa hỏi, chồng nạn nhân Huyền cho biết đã nộp bản kê chi phí cho tòa là hơn 1,38 tỷ đồng. Chồng nạn nhân Huyền cho biết chị Hằng, vợ của bị cáo Tường đã bồi thường 200 triệu chứ không phải là 250 triệu. Còn 50 triệu là tiền đặt cọc phẫu thuật được nhận lại chứ không phải tiền bồi thường.
Về khoản tiền yêu cầu bồi thường trên bị cáo Tường nói không thể đồng ý vì không biết rõ những khoản chi phí mà gia đình nạn nhân đã thực hiện và đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật. 
Tòa hỏi đại diện Sở Y tế Hà Nội, tuy nhiên, vị đại diện này cho hay: “Đến trưa nay tôi mới nhận được ủy quyền nên không thể trả lời. Còn đồng chí sáng nay đại diện cho Sở Y tế chiều đi vắng”.
 14h02: Tiếp tục thẩm vấn bị cáo Tường, HĐXX hỏi: "Bị cáo cho biết tại sao bị cáo pha dung dịch vượt quá tiêu chuẩn cho phép gấp tới 1,5 lần, tại sao bị cáo lại chỉ đạo pha dung dịch cao như thế?". Bị cáo Tường: "Thưa quý tòa, do câu hỏi của cơ quan điều tra là bị cáo pha 5 chai dung dịch. Tuy nhiên bị cáo chỉ sử dụng có 3,5 chai thôi". "Tại sao bị cáo lại pha 5 chai?". "Vì bị cáo sợ quá trình sử dụng sẽ bị đổ vỡ".
14h07: Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội hỏi bị cáo Tường: "Bị cáo khai với cơ quan điều tra có đúng không?". "Dạ đúng!". "Thẩm mỹ viện có đủ điều kiện để hoạt động không?". "Dạ không ạ!"...
14h16: Đại diện Viện KSND tiếp tục hỏi bị cáo Tường: “Khi mở trung tâm thẩm mỹ viện, bị cáo có đọc quy định của ngành y không?". "Dạ có đọc". "Bị cáo thấy việc làm của bị cáo phẫu thuật thẩm mỹ, hút mỡ bụng... dẫn đến hậu quả chị Huyền chết thì đúng hay sai?". "Câu hỏi của quý tòa có nhiều câu trả lời. Việc bị cáo thực hiện thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ có thể đúng, có thể sai. Còn việc phi tang xác chị Huyền, bị cáo thừa nhận là sai" - Tường nói.
14h20: Luật sư Chu Thị Trang Vân, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị cáo Tường, hỏi Nguyễn Mạnh Tường: “Bị cáo cho biết, bị cáo có chỉ đạo nhân viên dọn đồ đạc phi tang hay không?”. "Bị cáo không chỉ đạo". "Bị cáo Khánh nói bị cáo hứa tăng lương cho Khánh, đúng không?". "Không ạ!".
14h23: Luật sư Vân tiếp tục hỏi bị cáo Khánh: “Bị cáo có bị ép cung, dụ cung hay không?”. "Không ạ!". "Bị cáo khai tại bản khai trước đây rằng bị cáo có nói Tường mang đi vứt xác. Tại sao hôm nay bị cáo thay đổi lời khai?". "Do trước đây bị cáo không nhớ hết".
14h34: Luật sư Nguyễn Anh Thơm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đào Quang Khánh, thẩm vấn Nguyễn Mạnh Tường về quy trình hút mỡ bụng và nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền. "Bị cáo thấy cáo trạng của Viện KSND truy tố bị cáo có đúng không?". "Không đúng!". "Không đúng có nghĩa là sai?". "Nếu muốn làm rõ được hành vi phạm tội của tôi thì phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền", Tường trả lời.
15h08: Luật sư Tạ Anh Tuấn - người bảo vệ cho bị cáo Khánh hỏi bị cáo Tường: "Sáng nay, bị cáo Khánh khai chính bị cáo Tường mới là người bảo đi vứt xác. Bị cáo nghĩ gì về lời khai này?". Nguyễn Mạnh Tường: "Khánh khai không đúng sự thật". "Tại cơ quan điều tra, Khánh với Tường có được đối chất không?". "Không, tại cơ quan điều tra, tôi và Khánh khai trùng nhau. Ra đây (tòa), Khánh mới khai như vậy".
14h57: Các luật sư tập trung làm rõ hành vi trộm cắp tài sản của bị cáo Khánh và quy trình bảo vệ tài sản của khách hàng khi đến Thẩm mỹ viện Cát Tường.
14h40: Sau khi thẩm vấn các nhân chứng về việc chị Huyền bị mất chiếc điện thoại iPhone, luật sư Nguyễn Anh Thơm tiếp tục hỏi bị cáo Khánh: “Lúc bị cáo vào lấy điện thoại chị Huyền thì mọi người trong thẩm mỹ đang làm gì?". Bị cáo Khánh: "Đang thu dọn đồ để đi phi tang. Lúc đó, xác chị Huyền cũng đang nằm ở đó". "Bị cáo tham gia đi vứt xác với mục đích gì?". "Bị cáo chỉ nghĩ mình trung thành với người chủ của mình chứ bị cáo không biết như vậy là mình phạm tội".
LS Vũ Gia Trưởng bào chữa cho phía gia đình bị hại đặt vấn đề với bị cáo Tường rằng công văn của Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế để khẳng định chứng chỉ của Nguyễn Mạnh Tường không được phép tiến hành phẫu thuật hút mỡ bụng nâng ngực. Bị cáo Tường cãi công văn của Bộ Y tế là không đúng. Câu trả lời của bị cáo khiến cả hội trường rộ lên.
15h25: Trả lời các câu hỏi của các vị luật sư tham gia bào chữa, bị cáo Tường vẫn khăng khăng cho rằng phương pháp và quy trình phẫu thuật của mình làm là đúng, còn nguyên nhân chị Huyền tử vong không rõ do chăm sóc sau giải phẫu hay sốc thuốc tê hoặc bệnh gì của chị Huyền. Bị cáo Tường cho rằng việc truy tố vào tội tại Điều 242 Bộ luật Hình sự là không đúng, đến nay chưa rõ nguyên nhân mà chị Huyền đã tử vong. "Cần phải làm rõ nguyên nhân cái chết" - bị cáo Tường lập luận.
Trả lời câu hỏi nếu chị Huyền được đưa đi cấp cứu kịp thời có bị tử vong không, bị cáo Tường nói không ở đó không biết thế nào, không đánh giá được.  Nghe thế luật sư Trưởng đọc lại bản cung của Tường tại cơ quan điều tra, bị cáo Tường cho rằng nếu có thiết bị hiện đại có thể cứu được.
Trả lời câu hỏi của luật sư Trưởng, bị cáo Tường khai rằng trong khi phẫu thuật và sau phẫu thuật chị Huyền không có biểu hiện gì, sau 30 phút ra phòng hậu phẫu mới có biểu hiện co giật. Trong khi y tá lại khai là co giật liên tục, Nguyễn Mạnh Tường đo huyết áp cho chị Huyền.

Chị Hoa, nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường khai, khi ra khỏi phòng hậu phẫu chị Huyền vẫn lên cơn co giật nhưng tỷ suất không rõ. Đáp lại những lời khai trên, bị cáo Tường nói các y tá khai không đúng sự thật. 



Bị cáo Tường cho rằng những biểu hiện của chị Huyền như giật mí mắt, sùi bọt mép, đó là biểu hiện của bệnh động kinh nên sau đó Tường ra ngoài. Khi đi, Tường nói dặn các y tá theo dõi chị Huyền và mua thuốc động kinh.
Về chứng chỉ gây mê hồi sức cấp cứu Tường khai có vì khi học cao học được cấp. Luật sư Trưởng vặn lại tại sao trong hồ sơ lại không thấy, bị cáo Tường trả lời đó là việc cơ quan điều tra. 


Về câu hỏi của luật sư Trưởng tại sao khi chị Huyền có biểu hiện bất thường lại không đưa đi cấp cứu, chị Mai cho biết có gọi xe taxi để đưa chị Huyền đi cấp cứu, khi xe đến chị gọi điện hỏi bác sĩ Tường và Tường bảo "đợi anh về". 
Bị cáo Tường nói lúc nhận được điện thoại báo về việc chị Huyền thì đang ở khu vực chùa Trấn Quốc, nếu đi về đến nơi mất khoảng 30 phút. "Bị cáo không ở đó nên không biết tại sao không đưa chị Huyền vào cấp cứu" - bị cáo Tường nói. 
16h: Luật sư Trưởng tiếp tục thẩm vấn bị cáo Tường về việc thời điểm nào thì chị Huyền biểu hiện bị sốc, co giật, tím tái chân tay... Sau đó, luật sư Trưởng tiếp tục hỏi các nhân chứng khác.
Khi luật sư hỏi lỗi không đưa chị Huyền đi cấp cứu do ai, chị Mai cho rằng khi gọi điện cho bác sĩ Tường thì được nói đợi, còn bản thân chị không có chuyên môn, không biết cấp cứu thế nào. Nghe thấy có bất lợi cho mình, bị cáo Tường lập luận không bảo phải đợi, thấy khách hàng gặp nguy hiểm thì các y tá phải đưa đi cấp cứu chứ không phải đợi...

16h55: Tòa tạm dừng.
Sáng 5/12:
Sáng 5.12, HĐXX vụ án “Thẩm mỹ viện Cát Tường” tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn và luận tội của công tố viên đối với các bị cáo.
Luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và nhân chứng về việc đưa thi thể nạn nhân Huyền đi phi tang.
Đối với việc đưa thi thể chị Huyền vào bệnh viện Bệnh viện, nhân chứng Lê Thị Thùy Mai cho hay: Đó là động thái để dễ dàng đàm phán với gia đình hơn so với việc để trong trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường. “Cứ đưa vào bệnh viện, để anh (Tường) giải quyết. Mọi việc còn lại không cần quan tâm”, chị Mai nhắc lại lời nói của Tường thời điểm xảy ra vụ án. Tuy nhiên, bị cáo Tường tiếp tục bác bỏ lời khai tại tòa của nhân chứng Lê Thị Thùy Mai.
 Luật sư Vũ Gia Trưởng tiếp tục hỏi bị cáo Tường và nhân chứng Mai về mục đích đưa xác chị Huyền vào bệnh viện. Bị cáo Tường trả lời: "Đưa xác chị Huyền vào bệnh viện để thương lượng với gia đình nạn nhân".
 Bị cáo Tường liên tục bác bỏ lời khai của bị cáo Đào Quang Khánh và nhân chứng về vai trò chủ mưu của mình. Khi luật sư hỏi đưa vào viện rồi thì ai sẽ báo cho gia đình nạn nhân? Bị cáo Tường nói rằng sẽ có hai người trung gian thông báo việc này.
Về việc này, nhân chứng Lê Thị Thùy Mai cũng nói: "Anh Tường nói đưa xác vào bệnh viện để đàm phán với gia đình chị Huyền"
Luật sư Trưởng hỏi  bị cáo Tường: "Tất cả chứng cứ đã bị phi tang, làm giả cả giấy tờ, vậy lấy căn cứ nào để thương lượng với gia đình?". Bị cáo Tường trả lời kiên quyết: "Việc chỉ đạo tiêu hủy bị cáo không biết". Trong khi đó, nhân chứng Mai nói rằng: " Quyết định đưa vào viện là do anh Tường. Anh Tường sẽ có cách giải quyết". 
Luật sư tiếp tục thẩm vấn việc phi tang xác đối với Lê Văn Công – người cùng đưa xác chị Huyền đến bệnh viện. Lê Văn Công nói trước tòa: Thời điểm đưa xác lên xe ô tô, do thi thể dài hơn so với chiều ngang của xe, nên bác sĩ Tường phải dùng cửa ép thi thể nạn nhân cho vừa với chiều rộng của xe.
"Tại phòng hậu phẫu, Tường có tác động đến thi thể của chị Huyền. Tường đã gập thi thể nạn nhân lại nhưng bất thành do thi thể tử vong đã cứng", Lê Văn Công nói.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường phản bác rằng lời khai không đúng. "Do thi thể của chị Huyền không ai bê vào được xe nên bị cáo phải vào xe để nâng phần đầu. Còn việc đóng cửa xe, tôi đoán do Nguyễn Phương Long", Tường nói. Chị Hằng – vợ Tường trả lời luật sư và cho biết: Chị đã khuyên ngăn chồng nhưng bất thành. 
Luật sư hỏi chị Hằng: “Theo chị, ai là người quyết định ném xác nạn nhân xuống sông Hồng”. Chị Hằng ngập ngừng trong vài giây rồi mới trả lời: “Chồng tôi là người quyết định ném xác phi tang”
Việc đưa xác từ bệnh viện ra sông Hồng, Nguyễn Mạnh Tường khai trước tòa: "Thời điểm đó tôi đi một cách vô định, không có ý nghĩ đưa xác ra bờ sông. Đến khu vực đèn xanh, đèn đỏ ở phố Kim Ngưu tôi mới biết có Khánh đi sau".
Khi đến địa phần phường Thạch Bàn, quận Long Biên, bất ngờ Khánh vượt lên ra hiệu dừng xe và bỏ xe máy của chị Huyền lại. Tường nói rằng, không hiểu vì sao Khánh lại để xe ở khu vực đấy.
Sau lời khai này của bị cáo Tường, bị cáo Đào Quang Khánh lập tức bác bỏ và nói trước HĐXX: "Thời điểm đó bị cáo đang chở chị Hằng (vợ bị cáo Tường) và đường vắng thì làm sao xe máy của Khánh có thể vượt mặt ô tô"
Viện kiểm sát đề nghị 17 - 19 năm tù cho bị cáo Tường
Sau khi đọc bản luận tội cho các bị cáo, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Mạnh Tường 13-14 năm tù về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và 4-5 năm về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 17-19 năm tù giam.
Bị can Khánh bị đề nghị xử phạt 18-24 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và 30-36 tháng tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 48-60 tháng tù giam.
Chiều 5/12
Chiều nay (5.12), phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư, bị cáo, gia đình nạn nhân với đại diện Viện kiểm sát.
Bào chữa cho bị cáo Đào Quang Khánh, luật sư (LS) Tạ Anh Tuấn nhận định: Việc truy tố bị cáo Đào Quang Khánh 2 tội danh “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”  vẫn chưa có cơ sở vững chắc, do chưa làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Huyền. “Để quy kết một bị cáo có hành vi phạm tội là phải có căn cứ khoa học cụ thể”, LS Tuấn nói.  Theo LS Tuấn, hành vi của Khánh liên quan đến trách nhiệm hình sự của Tường, trong khi việc định danh tội của Tường chưa vững chắc. Do đó, LS Tuấn đề nghị trả hồ sơ điều tra lại, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Huyền.
LS Tạ Anh Tuấn cho rằng: "Sau nhiều lần trả hồ sơ, cơ quan điều tra đã tích cực làm rõ nguyên nhân nạn nhân tử vong, xin cả ý kiến các cơ quan chuyên môn. Sở Y tế Hà Nội cũng có công văn trả lời nhưng công văn này chỉ mang tính tham khảo". LS Tuấn đề nghị HĐXX dừng phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung, trưng cầu giám định quy trình phẫu thuật, nguyên nhân cái chết của nạn nhân Huyền, để có căn cứ vững chắc kết tội các bị cáo.
LS Tuấn lập luận về hành vi Trộm cắp tài sản của  bị cáo Khánh. Liên quan đến tội danh này, luật sư đề nghị làm rõ quyền quản lý tài sản của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền là ai. Có như vậy mới làm rõ hành vi Trộm cắp tài sản. Ngoài ra, thời điểm lấy, điện thoại được chị Hoa nhận quản lý đã không được chị này làm hết trách nhiệm. LS Tuấn phân tích, việc quy kết tội Trộm cắp tài sản không đúng bản chất của tội danh này vì Khánh không có hành vi lén lút. LS Tuấn đề nghị chuyển tội danh của Khánh từ Trộm cắp tài sản sang tội Cố ý chiếm giữ tài sản mới đúng hành vi của bị cáo.
LS Vũ Gia Trưởng - luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại nói rằng thất vọng với bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Bởi theo luật sư này, trước khi phiên tòa diễn ra, ông đã có bản kiến nghị dài khoảng 30 trang phân tích sâu về vụ án, gửi các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị thay đổi tội danh đối với Nguyễn Mạnh Tường. LS Vũ Gia Trưởng tiếp tục lập luận, hành vi của Tường phải bị truy tố tội danh Giết người. Tường không thuộc chủ thể của tội danh 242.
"Bởi lẽ Nguyễn Mạnh Tường không phải làm nghề khám bệnh chữa bệnh về phẫu thuật thẩm mỹ vì chưa được cơ quan chức năng công nhận. Tường mới chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật ngoại khoa", LS Trưởng nói. LS Trưởng đưa ra dẫn chứng về việc thẩm mỹ viện Cát Tường nơi bác sỹ Tường làm giám đốc không có đầy đủ giấy phép hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ có giấy phép hành nghề về chuyên khoa ngoại. “Đây là một cơ sở chui, bác sỹ giả mạo về hút mỡ bụng, nâng ngực”  – LS Trưởng nhận định.
Đối đáp lại các quan điểm của luật sư và bị cáo, điện diện Viện kiểm sát bác lập luận của LS và bị cáo.
Trước đề nghị của LS Vũ Gia Trưởng về việc đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường tội “Giết người”, đại diện VKS cho rằng tội giết người là tội cố tình tước đoạt mạng sống của người khác. Ở đây, hành vi của bị cáo làm là vì kinh tế, dẫn đến hậu quả chị Huyền tử vong. Cho nên, đại diện VKS khẳng định, Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là đúng người, đúng tội. Cũng theo đại diện Viện KSND TP Hà Nội, yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung của luật sư Tạ Anh Tuấn là không có căn cứ để xem xét.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội tham gia tranh luận, phản bác lại những lời bào chữa của Nguyễn Mạnh Tường cho rằng sau khi được phẫu thuật khoảng 30 phút, chị Huyền mới có biểu hiện co giật. Đại diện Viện KSND TP Hà Nội khẳng định, căn cứ vào lời khai của các y tá, các cơ quan công tố có cơ sở để xác định chị Huyền bị co giật khi bị cáo Tường đang thực hiện phẫu thuật.
 “Hành vi của bị cáo gây phẫn nộ trong dư luận, gây phản cảm đối với hình ảnh của ngành y tế, làm cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân mất rất nhiều thời gian tìm kiếm nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hết. Gia đình nạn nhân phải bỏ ra số tiền hơn 1 tỷ đồng để tìm kiếm… Cho nên, việc truy tố bị cáo Tường theo khoản 3 Điều 242 là có căn cứ” - đại diện Viện KSND TP Hà Nội nói.
Đánh giá quá trình, diễn biến vụ việc, qua lời khai các nhân chứng, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định chị Huyền chết là do bác sỹ Tường gây ra, do việc phẫu thuật gây ra.
“Bị cáo khai báo thành khẩn nhưng không ăn năn hối cải nên không cho hưởng tình tiết giảm nhẹ như luật sư bào chữa là bị cáo thành khẩn, ăn năn hối cải” - đại diện VKS nhấn mạnh.
Đối với bị cáo Khánh, qua phần bào chữa, tranh luận của các luật sư, căn cứ tài liệu của cơ quan công tố, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Khánh phạm tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” như VKS quy kết.
Sau phần tranh tụng của đại diện VKS các luật sư tiếp tục có những bổ sung cho phần tranh tụng của mình, bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi của bị hại. Nhưng đã bị KSV bác và giữa nguyên quan điểm
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường: 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 19 năm tù giam.
Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và 24 tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 33 tháng tù giam.
Về dân sự, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường bị buộc phải bồi thường cho người đại diện hợp pháp của chị Huyền là anh Nguyễn Hữu Huy hơn 585 triệu đồng chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, chi phí tìm kiếm; phải cấp dưỡng nuôi 2 con chị Huyền mỗi cháu 1 triệu/tháng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Nhận xét

  1. Vẫn chưa thả đáng. Bọn này phải kết tội giết người có tổ chức mới đúng với tội danh.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"