THỦY ĐIỆN CHẶN DÒNG – NÔNG DÂN “CHẾT KHÁT”

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng khẳng định Sông Đồng Nai cạn kiệt, ruộng đồng không có nước là do Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 tích nước để phục vụ vận hành nhà máy, đã khiến cho hàng ngàn ha lúa của hàng trăm nông dân ở ba huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng (Đạ Hoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên)nơi được xem là vùng rốn lũ lâu nay đã kiệt quệ, với tổng mức thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.


 Cánh đồng "chết" vì Thủy điện chặn dòng

* Nhìn  dân “vật lộn” với hạn…

Không tính đến các máy bơm nhỏ do người dân tự bơm để sản xuất thì trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện có 4 trạm bơm lớn được xây dựng ở 4 xã để lấy nước từ sông Đồng Nai vào nội đồng phục vụ sản xuất, đó là Phước Cát 1, Phù Mỹ, Đức Phổ và trạm bơm Quảng Ngãi. Thế nhưng hiện nay cả 4 trạm bơm này đều bị “phơi vòi” do nước sông đã xuống dưới mực nước thiết kế tối thiểu của các trạm bơm hơn một mét. Theo số liệu của cơ quan chức năng, tại ba huyện phía nam, tính đến thời điểm này có hơn 4.000ha lúa và cây ăn quả thiếu nước tưới. Với diễn biến thời tiết hiện nay, con số này chắc chắn sẽ tăng lên trong những ngày tới.
Ông Hoàng Xuân Nghĩa, ở xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên cho biết, 3 sào lúa của gia đình đã nhịn “khát” suốt hơn một tuần qua nhưng mãi hôm nay, khi ông cùng 5 hộ nửa hùn tiền lại mua 600m dây, và thuê máy nổ mới bơm được nước vào đồng ruộng. Ngước mặt lên trời, ông Nghĩa ngao ngán: “Cứ nắng thế này thì biết ngày nào trời có mưa. Nhà nhà đua nhau hút nước cứu lúa rô mãi con mương cũng cạn nước, lúc đó lúa không những khát mà còn chết cháy”. Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Cảnh Dân – phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cát Tiên cho biết: “hạn đã làm đông xuân trên địa bàn huyện thiệt hại nặng, tại 2 xã Nam Ninh và Tiên Hoàng hiện nay có trên 10ha lúa đang trong thời kỳ trổ bông bị chết trắng, và 39ha còn lại mà người dân tìm mọi cách để “cứu” nhưng cũng không khả thi. Vì hiện Bàu Trắng là nơi cung cấp nước chính cho 2 xã này cũng đã báo động đỏ. Nếu trời tiếp tục nắng thì trong vòng 1 tuần nữa hồ cũng sạch nước (!).
Ngoài ra, còn một diện tích lớn lúa bị thiệt hại khắp nơi trong huyện chưa thể thống kê, nhưng chắc chắn là năng suất sẽ rất thấp”. Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp huyện này thì trong tổng số hơn 4.000ha lúa đông xuân của huyện trong vụ này sẽ có khoảng 1.500ha bị thiếu nước tưới một cách nghiêm trọng trong những ngày sắp đến; vả có khoảng 500ha ruộng cần xuống giống cho vụ Hè Thu không có nước để xuống giống trong khi thời điểm xuống giống theo đúng lịch.
Còn ở huyện Đạ Tẻh, Ông Nguyễn Hữu Hiền - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Mọi năm, vụ đông xuân, An Nhơn gieo cấy khoảng 500ha lúa; năm nay địa phương đã chủ động làm giảm áp lực về nước tưới trong vụ đông xuân bằng cách chuyển đổi 150ha lúa sang trồng ngô, nhưng nếu tình trạng khô hạn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới thì 350ha lúa đông xuân của địa phương còn lại cũng có khả năng mất trắng vì hồ Đạ Hàm cũng không đủ nước tưới”.

Vì lợi ích cục bộ mà xem nhẹ quyền lợi của người  dân?
Ông Phan Công Ngôn – Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Lâm Đồng - cho biết hiện nhiều khúc sông Đồng Nai, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Lâm Đồng đã bị cạn trơ đáy do các nhà máy thủy điện chặn hết nguồn nước mà không chịu xả về phía hạ lưu. Nhưng làm gì để đảm bảo lợi ích chung cho mọi đối tượng được thụ hưởng các nguồn lợi từ dòng sông này mang lại như từ bao đời qua, trực tiếp là những nông dân ở Cát Tiên, thì dường như chưa thấy nói đến.


Cánh đồng "chết" vì Thủy Điện chặn dòng

Trước tình trạng trên, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai khẩn trương xả nước đảm bảo đủ lưu lượng, tổng lượng và mực nước để phục vụ sản xuất. Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai cũng đã có công văn chuyển cho huyện Cát Tiên là “Cố gắng chờ. Đến ngày 1/4 tới đây, nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 vận hành tua bin thì sẽ có nước.”. Tuy nhiên,  nếu như Nhà máy thủy điện Đồng Nai cũng chỉ hứa suông như họ đã từng hưa với hàng trăm hộ dân ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã vì lợi ích chung mà chấp nhận di dời, nhường đất cho dự án thế nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền đền bù, giải tỏa hay tái định canh từ chủ đầu tư, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn và đối mặt với cái đói... Việc lùi lại lịch thời vụ hơn một tháng làm ảnh hưởng xấu đến mùa vụ, đặc biệt là nguy cơ mất mùa rất lớn do lũ tràn về khi mùa vụ này, ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân? Và việc thủy điện Đồng Nai chặn dòng như thế có phải hoàn toàn vì lợi ích cục bộ phát triển kinh tế của đơn vị mình mà xem nhẹ những thiệt hại từ việc chặn dòng gây ra?  
Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền tỉnh Lâm Đồng sớm tìm ra một giải pháp hữu hiệu để đem lại cho người dân niềm hy vọng mới – niềm huy vọng được sản xuất như lâu nay!
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"