LÂM ĐỒNG: NHÀ NÔNG TRẮNG TAY VÌ RAU

Những ngày này, đến vùng trồng rau Đà Lạt, Đức Trong, Đơn Dương (Lâm Đồng), cảnh tượng dễ nhận thấy nhất là những đống rau nằm ngập tràn các lối đi. Mùi rau thối nồng nặc. Nhà nông đang lo sẽ rơi vào cảnh tay trắng, đầm đìa nợ nần.
Ông Nguyễn Quốc Huy ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương ngửa mặt lên trời: “Cà chua nhà tôi đã chín rục trên ruộng mà không thấy thương lái nào đến hỏi thăm. Giá mỗi kg cà chua từ 5.000 đồng tháng trước rớt hôm nay chỉ còn 300 đồng/kg nhưng không ai mua”. Giá này không đủ để trả tiền công thu hoạch vì vậy nhiều nhà vườn đành bỏ thối ngoài vườn!

Nhiều nhà vườn đành  bỏ rau thối ngoài vườn!

Ngồi trên vườn rau sắp trổ bông, chị Nguyễn Thị Thơ ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, ngao ngán nói: “hơn 3.000 của gia đình đang “trổ bông” ngoài vươn không bán được thì hỏi làm sao chúng tôi không đói được, giờ không có tiền để tái sản xuất”.
Trong khi đó tại Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Châu ở phường 8 cho biết sau 3 tháng chăm sóc thấy rau tươi tốt ai cũng mừng, nào ngờ giá rẻ thế này “Mới trước Tết, giá xà lách bán tại vườn gần 22.000 đồng/kg, nay chỉ còn một 500 đồng cũng chẳng thấy bóng dáng người mua khiến nhiều nhà vườn Đà Lạt đổ nợ:
Gần 1 tháng qua, giá rau rẻ đang khiến người trồng rau như ngồi trên lửa, rau không bán được trong khi cánh đồng rau thì ngày một đầy. Anh Lê Văn Trắng, một người trồng rau, ở phường 9 TP Đà Lạt nói: “Cả nhà tui sống dựa vườn rau này nhưng rau không bán được. Không chỉ gia đình tui mà những người trồng rau đều như thế cả!”. Rất nhiều hộ gia đình trồng rau ở Lâm Đồng đang “khóc dở mếu dở” với việc rau thì đầy ứ ngoài đồng, nhưng lại không có người mua.



Những vườn rau dang "chờ chết" vì không có người mua

Không chỉ cà chua, sú lơ, hành tây, khoai tây mà các loại rau khác như xà lách cũng rớt giá thảm hại. Chị Hồng (Hiệp An, Đức Trọng) cho biết, các chủ vựa mua các loại rau này theo bao chứ không cân đong gì cả. Một bao 40 - 50kg chỉ bán gần 20.000 đồng. nhiều nhà vườn đang phải cắn răng để bán rau theo kiểu “được đồng nào hay đồng nấy” hoặc bỏ mặc vườn rau vì có bán cũng lỗ công thu hái.
Trưởng phòng NN& PTNT huyện Đơn Dương Lê Thị Bé tính toán: “Huyện Đơn Dương hiện có hơn 5.000h rau các loại với hàng trăm ngàn tấn rau đang thời kỳ thu hoạch ngoài ruộng trong vụ này không bán được. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hậu quả này là nông dân không có thông tin về thị trường”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cứ, trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết từ đầu năm đến nay, lượng nông sản Đà Lạt xuất khẩu sang Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên đã góp phần làm cho rau, củ, quả Lâm Đồng “chết đứng”. Ông Cứ cũng thừa nhận, đây không phải lần đầu người trồng rau Đà Lạt phải đành lòng “đổ sông đổ biển”.
Theo ông Trần Đức Quang – chủ nhiệm HTX Xuân Hương (Đà Lạt) cho rằng: “Tình trạng này xảy ra do Đà Lạt không quy hoạch cụ thể về vùng diện tích canh tác các loại rau cho phù hợp với nhu cầu và thổ nhưỡng. Do vậy, cứ qua một vụ rau củ nào được giá, nhiều người lại đổ xô vào trồng loại rau ấy. Kết quả là nguồn cung quá lớn, dư thừa nhiều khiến giá rau rẻ mạt. Người trồng rau lỗ nặng là tất yếu”.

Hành tây không bán được đành bỏ chết ngoài vườn

Có nhiều nguyên nhân làm cho "canh bạc” trồng rau thua nhiều hơn thắng. Người thì đổ cho thời tiết, người thì cho là do thời vụ, cũng có ý kiến cho rau Đà Lạt lúc này không còn là sự độc quyền của người dân Đà Lạt. Thời gian gần đây, không ít giống rau Đà Lạt cũng đã cắm rễ được ở những vùng đất khác như Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ… và và một lượng lớn rau củ từ Trung Quốc đổ về ồ ạt kiến cho rau Đà Lạt “ế”.... còn theo một chuyên gia thuộc Sở Nông nghiệp -  Phát triển Nông thôn Lâm Đồng,thì do nông dân có thói quen sản xuất cái mình có chứ chưa biết sản xuất cái thị trường cần, nên mới rơi vào tình cảnh trồng rau như một canh bạc may rủi!
Như vậy, bài toán về quy hoạch, dự báo, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân bao giờ mới có lời giải? Câu trả lời sẽ dành cho các nhà quản lý của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung trong thời gian tới.
CAO DIÊN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"