Lâm Đồng: Tiếp tục đẫy mạnh phát triển Nông nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhằm “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển giao các tiến bộ KH-KT để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp”. Đặc biệt là chương trình Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) làm tăng giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, một đơn vị sản phẩm, góp phần không nhỏ vào quá trình thay đổi diện mạo của nông thôn toàn tỉnh.


Đ/c Tổng bi thư thăm mô hình sản xuất rau công nghệ cao tại Đà Lạt
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020” theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng(khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh và các Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Ngày  tháng 01 năm 2010, Hội Nông dân và Sở NN&PTNT tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển giao các tiến bộ KH-KT để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp”. Sau 3 năm triển khai chương trình, nhờ tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ KHKT, thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu hình thành sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm nhưng giá trị tuyệt đối không ngừng được nâng lên. Cơ cấu trong nội bộ ngành Nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực, giá trị giữa các lĩnh vực, nhất là trồng trọt và chăn nuôi ngày càng được cân đối hơn. Đặc biệt là  chương trình Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) làm tăng giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, một đơn vị sản phẩm.
Kết quả rõ nét nhất về chương trình phối hợp là trước khi áp dụng Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào sản xuất nông nghiệp, (từ 2004 trở về trước), mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh chỉ đạt thu nhập ở con số 20 triệu đồng mỗi năm thì sau đó, khi đã áp dụng NNCNC vào sản xuất, tính trung bình Lâm Đồng đã đạt đến 70 triệu đồng/ha năm 2010 và 76 triệu đồng/ha năm 2011, ước khoảng 80 triệu đồng năm 2012. Hiện toàn tỉnh có 150.000 ha đạt doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/năm, trong đó trên 10.000 ha đạt từ 200 triệu đồng - 2 tỷ đồng/ha/năm. Có hơn 26.000 ha ứng dụng công nghệ cao (chiếm hơn 8% diện tích sản xuất nông nghiệp) với năng suất gấp 3 đến 10 lần so với sản xuất bình thường và doanh thu tăng cao (chè từ 250 đến 300 triệu đồng/ha, rau từ 400 đến 500 triệu đồng/ha, hoa từ 800 đến 1 tỷ đồng) đưa doanh thu bình quân trên 1 ha tăng từ 50 triệu lên 89 triệu đồng. Điểm đáng chú ý, Lâm Đồng hiện đang có nhiều sản phẩm NNCNC có khả năng cạnh tranh cao như trà Blao, cà phê Di Linh, rau và hoa Đà Lạt, lúa gạo Cát Tiên, rượu cần Langbiang, nấm Đơn Dương, chuối La Ba…; và nhiều sản phẩm mới có triển vọng như cá nước lạnh, cá lăng Cát Tiên, sâm Đà Lạt, sâm Ngọc Linh, chè dược liệu Thiên Kim, diệp hạ châu Cát Tiên, cam đường không hạt Đam Rông…

Thông qua chương trình NNCNC, Lâm Đồng đã tạo được cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 2.000 lượt người về kiến thức sản xuất NNCNC; triển khai được nhiều mô hình sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn quốc gia như ORGANIK, HACCP, GlobalGAP, 4C, Utz Kapeh, VietGAP… Đến nay cả tỉnh đã đạt được 150 chứng nhận các loại trên quy mô 13.500 ha rau, 2.500 ha chè, 43.000 ha cà phê và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chủng loại nông sản được SX có chứng nhận; góp phần đưa nông sản Lâm Đồng nâng cao uy tín thương mại, tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia vào thị trường quốc tế và khu vực.

Một nội dung quan trọng của chương trình phối hợp đã mang lại hiệu quả là các đơn vị trong ngành Nông nghiệp phối hợp với các cấp Hội Nông dân tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng và chuyển giao  hàng trăm mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là giúp cho người nông dân hận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hoá, trang trại, công nghiệp một cách sâu sắc; không còn sản xuất theo tập quán cũ; hay tính trông chờ, ỷ lại sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Có thể khẳng định, nông dân thực sự đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu sản xuất của tỉnh, đã thể hiện rõ tinh thần làm chủ trong sản xuất, với ý chí quyết tâm và tinh thần vượt khó cao, điều đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy giá trị sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi rõ nét đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Ông Trân Duy Việt, TUV – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở NN&PTNT tỉnh đã góp phần vào xoá đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, và xây dựng củng cố tổ chức hội cơ sở. Đặc biệt đã phát huy quyền làm chủ của người dân trong các quyết định sản xuất, bán sản phẩm và nâng cao năng lực quản lý cho nông dân, góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của cán bộ, hội viên nông dân trong sản xuất và đời sống. Đồng thời, tạo cơ hội cho nông dân sản xuất nhỏ trong tỉnh tiếp cận tốt hơn với các phương tiện trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển ổn định bền vững”.
Lâm Đồng được đánh giá là một trong những trung tâm NNCNC hàng đầu của cả nước. Trong thực tế những năm qua, việc ứng dụng NNCNC trong sản xuất nông nghiệp đã tạo nên bước đột phá đáng kể để nền nông nghiệp của địa phương có bước phát triển vượt bậc đáng ghi nhận. Và đây cũng chính là một trong những nền tảng cơ bản để tỉnh tiến hành xây dựng Nông thôn mới một cách thuận lợi, bền vững.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"