Kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nông sản nhập khẩu

Chưa kịp mừng vì gà loại thải nhập lậu "tạm lắng", thì những ngày gần đây, dư luận xã hội lại lần nữa "giật mình" vì cơ quan chức năng TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) đã thu giữ và buộc tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chlopyrifos cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế.

                             Phân loại khoai tây Trung Quốc tại chợ nông sản Đà Lạt.

Tiếp đến là chuyện gừng nhập khẩu nhiễm độc, cá tầm nhập lậu không qua kiểm dịch... và mới đây nhất, ngày 22-6, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh quyết định tiêu hủy lô hàng 900 kg thịt lợn sữa nhiễm khuẩn (mặc dù đã được cấp phép kiểm dịch). Rồi những vụ bơm nước vào thịt gia súc sau khi giết mổ,... Liên tục, liên tục những vụ việc được phanh phui, cho thấy tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm và thủy sản, khiến người tiêu dùng thật sự hoang mang, lo ngại.
Ðể "trấn an" người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá mức độ độc hại một số các mặt hàng không bảo đảm chất lượng và nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao như: Cá tầm, cá trê, cá quả nhập lậu, gừng nhiễm hóa chất độc hại... và bước đầu có những khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế và chưa giải quyết tận "gốc" vấn đề. Nhìn nhận một cách khách quan, không riêng nông sản nhập lậu mà trong công tác kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm đối với sản xuất và chế biến trong nước cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Do việc triển khai chưa đồng đều giữa các địa phương, thậm chí có những địa phương chưa quan tâm đúng mức và chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các văn bản, thông tư hướng dẫn cho các địa phương còn thiếu và chưa đầy đủ. Ngay trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (từ ngày 20-4 đến 15-5), kết quả thanh tra của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, 17 trong tổng số 25 bếp ăn tập thể, siêu thị, cơ sở chế biến nông sản tại chín tỉnh, thành phố chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm như: cơ sở vật chất không bảo đảm; sử dụng thịt không có dấu kiểm soát giết mổ; không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...


Việc cần làm là các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch tổng thể (tầm quốc gia) để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản qua biên giới. Trong đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền địa phương. Các chợ đầu mối cần kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa thông qua cam kết cụ thể của hộ kinh doanh với lực lượng y tế, thú y địa phương... Ðồng thời, tăng cường phối hợp thanh tra chuyên ngành kiểm soát tận gốc các sản phẩm liên quan nông sản trước khi đưa ra thị trường, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy để nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm nhất là thông tư phân tích nguy cơ và quản lý theo chuỗi hàng hóa đối với nông sản. Cần sự vào cuộc kịp thời của xã hội trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong tiêu dùng cũng như sản xuất... Từ đó, mới hy vọng ngăn chặn được tác động nguy hại của hàng nông sản nhập lậu đối với sản xuất trong nước và sức khỏe của người tiêu dùng.
Lê Kiên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"