Lâm Đồng: Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Chính phủ

Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT – TTg của Hội nông dân các cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Với tốc độ phát triển đô thị hoá ngày càng nhanh, nhiều khu đô thị mới được chỉnh trang và mở rộng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang từng bước theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết. Trong đó, tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp mà số đông là nông dân đã trở thành vấn đề bức xúc, có lúc, có nơi đã trở thành điểm nóng, phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương là việc khiếu nại, tranh chấp đòi lại đất cũ của dòng họ, ông bà để lại hoặc đòi lại tiền công khai phá trên đất cũ, nay Nhà nước đã giao cho tổ chức hoặc cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp trước đây.
Để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt được kết quả, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, tập trung vào các nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình, chính sách giải phóng mặt bằng, chính sách hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới,… Gắn việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho nông dân, để từ đó nông dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật. Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân như sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hòa giải, tuyên truyền pháp luật thông qua các cuộc thi “kiến thức nhà nông và pháp luật” được tổ chức định kỳ 2,5 năm/lần từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được đông đảo nông dân đồng tình tham gia hưởng ứng; cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về đất đai với số bài tham gia dự thi trên 27.000 bài, trong đó hội viên đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao.

Trển khai xã điểm thực hiện CT 26 tại xã Pró - Đơn Dương

Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, vùng dân tộc, giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm toàn tỉnh có trên 3000 đơn phát sinh giải quyết, trong đó số lượng đơn khiếu nại liên quan đến nông dân là 95 % chủ yếu lĩnh vực đất đai có 79,2%. Tổng số buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là 13.412 buổi với 715.568 lượt nông dân tham dự. Trong đó có 9.388 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với 500.897 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự. Trong thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hòa giải thành là 4.772/14.576 vụ việc; tham gia hòa giải thành 4.120/6.074 vụ việc.
Đến nay, Lâm Đồng có 244 ban hòa giải, 1.937 tổ hòa giải và 9.994 hòa giải viên cơ sở, tất cả đều có Hội Nông dân cơ sở tham gia. Riêng Hội Nông tự đứng ra thành lập 14 CLB “Nông dân với pháp luật”, trong đó có 8 CLB do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội NDVN đầu tư thành lập với 247 hội viên và 70 cộng tác viên tham gia sinh hoạt. Ngoài ra còn có 5 CLB do Hội Nông dân huyện Đức Trọng và Hội Nông dân huyện Lâm Hà thành lập với 150 hội viên xã và 40 cộng tác viên tham gia sinh hoạt. Bình quân mỗi CLB do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội NDVN xây dựng được cấp 30 triệu đồng/ 01 CLB. Nét mới của các CLB “Nông dân với pháp luật” tại các xã đã thành lập là đ/c Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm và đ/c Phó Chủ tịch HND xã làm Phó ban chủ nhiệm và hoạt động theo quy chế. Vì vậy, các CLB từ khi thành lập đến nay đã và đang hoạt động có hiệu quả. Các cấp Hội đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức 501 buổi tư vấn và trợ giúp pháp lý với 25.945 vụ việc và 26.144 số lượt người có nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Phát huy thế mạnh của tổ chức hội là vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở đã kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của từng đối tượng để có hình thức hoà giải phù hợp. Những vụ việc do nông dân chưa hiểu biết pháp luật dẫn đến khiếu kiện không đúng, các cấp Hội kiên trì vận động, giải thích cho hội viên, nông dân tự rút đơn, chấm dứt khiếu kiện. Nhờ vậy, Hội Nông dân đã góp phần hạn chế phần lớn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, giảm về số lượng và tính chất phức tạp.

Ông Trần Duy Việt - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội Nông dân các cấp phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và quan trọng. Hội phải thường xuyên tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và của Ban chấp hành Hội nông dân cấp trên, trên cơ sở Hội làm tốt công tác tham mưu các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Tập trung hướng về cơ sở, lấy chi hội là địa bàn hoạt động. Đổi mới nội dung sinh hoạt, hội họp của Hội. Thông qua các chương trình phối hợp tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các ngành, các cấp để Hội hoạt động ngày càng tốt hơn”. 
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"