Lâm Đồng: Thủy điện Đồng Nai 3 phớt lờ quyền lợi của nông dân?

Đã hơn nửa năm từ khi tổ máy số 2 – tổ máy cuối cùng của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Hàng trăm hộ dân ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã vì lợi ích chung mà chấp nhận di dời, nhường đất cho dự án thế nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền đền bù, giải tỏa hay tái định canh từ chủ đầu tư, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn và đối mặt với cái đói...

Dự án thủy điện Đồng Nai 3, có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, công suất 180 MW. Với diện tích lưu vực 2.441km2, dung tích ứng với mực nước dâng bình thường (+590m) là 1.612 triệu m3. Sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã xuống điều tra, khảo sát, diện tích mặt hồ gần 60 km2, thuộc địa bàn Quảng Khuê, Đắk Som, Đắk Plao - huyện Đắk Glong (Đắk Nông), Lộc Lâm, Lộc Phú – huyện Bảo Lâm, Tân Thanh - huyện Lâm Hà, Đinh Trang Thượng – huyện Di Linh (Lâm Đồng) để lên phương án đền bù, giải toả. Lúc này đa số hộ dân đều có suy nghĩ để tạo điều kiện cho công trình sớm được triển khai, nên họ sẵn sàng giao đất. Thế nhưng, đến nay Thủy điện đóng điện tổ máy số 2 đã hơn nửa năm (11/6/2011) mà 107 hộ dân ở huyện Di Linh vẫn chưa được đền bù hay tái đinh canh.

Thu hồi đất không có Quyết định!


Dân mất nhà vì thủy điện

UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 1248/QĐ-UBND “Về việc thu hồi đất để tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện Đồng Nai 3”. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Di Linh ban hành quyết định thu hồi đất cụ thể đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thuộc khu vực dự án trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà chính quyền huyện Di Linh thu hồi đất của dân chỉ bằng một  thông báo di dời ra khỏi vùng dự án?. Ông Phan Tấn Hải – một trong hàng trăm người là nạn nhân của Dự án này bức xúc nói: “Chúng tôi không nhận được Quyết định nào về việc thu hồi đất và tài sản gắn liền với đất, mà chỉ nhận được thông báo số 231/TB-DATĐ6-KT ngày 16/09/2010, với nội dung: “Tích nước hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3, đề nghị nhân dân khu vực bị ảnh hưởng tránh đi lại, sản xuất, sinh sống làm ăn trong khu vực trên, đồng thời khẩn trương di dời vật kiến trúc, gia súc gia cầm ra khỏi vùng bị ảnh hưởng để tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng”.
Đến nay, đối với 107 ha liên quan đến 37 hộ đã được “kiểm kê” thì có 58 ha liên quan đến 21 hộ đã được UBND huyện Di Linh quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chuyển đến Ban QLDATĐ 6 nhưng không biết vì lý do gì mà đơn vị này vẫn chưa giải quyết tiền cho dân (?). Số diện tích của các hộ còn lại đã được huyện Di Linh “rà soát” thêm được 7 hộ với diện tích 8,3 ha thì đang “chờ” lên phương án?! Đối với diện tích 29 ha của 20 hộ đã có bản đồ giải thửa nhưng chưa có biên bản kiểm kê hiện trạng mà đã ngập sâu dưới nước sau khi bà con tự kê khai và đã đối thoại trực tiếp thì có 13,9 ha của 12 hộ được xem xét. Đối với  40 ha của 28 hộ chưa có bản đồ giải thửa; chưa có biên bản kiểm kê hiện trạng nhưng đã nằm sâu dưới lòng hồ thì tổ công tác “sẽ” tổ chức đối thoại với dân và hướng dẫn kê khai!. Ngoài diện tích liên quan đến dự án, hiện nay còn 34 hộ dân có đất bị ngập nước từ lúc thủy điện chặn dòng nhưng lại nằm ngoài khu vự thu hồi đã làm đơn đề nghị được đền bù nhưng cả chủ dự án cũng như chính quyền huyện Di Linh đều cho rằng “ngoài vùng phủ sóng” nên không giải quyết – dù chính diện tích này đã nằm dưới hồ thùy diện từ ngày đóng nước.

Như vậy, việc thu hồi đất thiếu tinh thần trách nhiệm của UBND huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng có đúng với tinh thần Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 không?

Phớt lờ quyền lợi của người dân?


Nhà của dân ngập trong nước

Theo quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 22/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Ban quản lý rừng Tân Thượng cùng với các ngành liên quan tiến hành bàn giao 163,7 ha đất tái định canh (tại tiểu khu 611 và 615) cho Ban QLDATĐ 6 để tiến hành giải quyết tái định canh cho người dân. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận khu đất tái định canh, Ban BLDATĐ 6 đã buông lỏng việc quản lý, không kịp thời giải quyết đất tái định canh, nên đã bị nhiều người dân lấn chiếm trồng cà phê. Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích đất tái định cư nói trên hiện nay chỉ còn 93 ha(!).

Giữa tháng 3/2011, sau gần 6 năm dài mòn mỏi chờ đợi, người dân vùng Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 lại được chủ đầu tư - Ban BLDATĐ 6 tổ chức họp dân một lần nữa và đưa ra bảng chiết tính giá đền bù cho dân. Cùng với bảng giá đền bù là lời hứa đến cuối tháng 3/2011, người dân sẽ được nhận tiền. Thế nhưng, cũng như bao nhiêu lần hứa trước, người dân nơi này đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng của chủ đầu tư đâu.

Bức xúc, giận dữ và không còn đủ kiên nhẫn là cảm giác chung của 109 hộ dân trong vùng giải tỏa, vì họ đã khốn đốn không biết bao nhiêu lần vì những lời hứa suông của chủ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ở xã Đinh Trang Thượng, chua xót kể: từ ngày 12ha cà phê và nhà cửa bị nhấn chìm dưới lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, gần 20 con người trong đại gia đình của bà rơi vào cảnh tứ tán. Từ đó đến nay, gia đình bà vẫn chưa nhận được một đồng tiền nào từ việc bồi thường, tái định canh, định cư như chưa từng nghe ai nhắc đến. Không còn tấc đất cắm dùi, mọi thành viên trong gia đình phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống qua ngày, cuộc sống khốn khổ trăm bề.

Bà Ka Thôn, một người dân tộc thiểu số Kơ Ho đưa tay chỉ vào biển nước mênh mông của lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, cho biết: gia đình bà có tới 8 miệng ăn, lâu nay đều trông cậy vào 9 sào cà phê, nhưng đã bị hồ thủy điện nuốt chửng mất rồi. Vì chưa nhận được tiền đền bù nên hiện cuộc sống của gia đình chưa biết trôi về đâu...

Trước tình trạng trên, ngày 27/10/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – Nguyễn Xuân Tiến đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Sở, ngành liên quan, các đơn vị liên quan đã thống nhất phương án là bằng mọi giá Ban QLDATĐ 6 phải có trách nhiệm cắm mốc và giao đất tái định cư cho bà con trong tháng 11/2011. Tuy nhiên, một lần nữa người dân lại “leo cây” với chủ dự án.

Có phải chính quyền đành “bó tay”?

Thủy điện Đồng Nai 3 đi vào hoạt động mà nông dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù

Ông K’Rim, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng - huyện Di Linh, cho biết, Ban QLDATĐ 6, đơn vị chủ đầu tư công trình Thủy điện Đồng Nai 3 đã nhiều lần trực tiếp hứa hẹn với dân là sẽ nhanh chóng thực hiện chi trả tiền bồi thường, nhưng rồi lại thất hứa, hết lần này đến lần khác khiến người dân mất niềm tin và bức xúc khi phải đối mặt với trăm bề khó khăn trong suốt thời gian dài qua, đã có hàng chục trẻ em phải nghỉ học.

Ông Tạ Văn Thành, Trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Di Linh cho chúng tôi biết: “chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 3 chỉ nghĩ đến lợi ích của họ mà chưa thật sự quan tâm đến đời sống của người dân trong vùng dự án”. 

Vì sự chây ì của chủ dự án, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 145/UBND-GT yêu cầu Ban QLDATĐ 6 xử lý vướng mắc, tồn tại trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Công văn nêu rõ “Yêu cầu Ban QLDATĐ 6 khẩn trương thực hiện hoàn tất việc khai hoang để giao đất tái định canh và giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có diện tích bị ngập trong lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 theo đúng cam kết, thống nhất của đơn vị tại cuộc họp do UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì vào ngày 27/10/2011 (Kết luận cuộc họp tại Thông báo số 129/TB-UBND ngày 2/11/2011 của UBND tỉnh) và các buổi làm việc với các ngành, địa phương có liên quan.

Những tồn tại nêu trên của dự án đã liên tục kéo dài, không được đơn vị quan tâm, tích cực phối hợp cùng địa phương để giải quyết, dẫn đến việc khiếu kiện gay gắt của người dân và gây bức xúc trong dư luận. Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về Ban QLDATĐ 6 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nếu tình hình trên vẫn không được cải thiện, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi và an sinh cho người dân bị ảnh hưởng của dự án”.

Khi nào người dân mới được nhận tiền đền bù và đất tái định canh? Câu hỏi này Ban quản lý Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 cần phải sớm trả lời cho người dân nơi đây. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo giải quyết sớm. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý đối với những người dân đã hy sinh lợi ích riêng để phục vụ cho lợi ích chung của đất nước. Lẽ nào chủ đầu tư lại làm ngơ trước quyền lợi chính đáng của hàng trăm hộ nông dân như thế?

Cao Diên 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"