KHU DI TÍCH QUỐC GIA - HỒ XUÂN HƯƠNG (ĐÀ LẠT) LẠI KÊU CỨU!

Trong những năm gần đây, hồ Xuân Hương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp cứu hồ Xuân Hương, tuy nhiên đến nay chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Trong những ngày qua, du khách đến du xuân Đà Lạt không khỏi lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến tại thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương, cá, ốc chết trôi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối.
Hồ Xuân Hương, thắng cảnh đẹp nổi tiếng tại thành phố du lịch Đà Lạt và là cảnh quan thiên nhiên đầu tiên ở Lâm Đồng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Hồ Xuân Hương có chu vi hơn 7 km và diện tích mặt nước là 38 ha. Đây là một công trình nhân tạo có lịch sử hình thành từ khi người Pháp bắt tay vào xây dựng Đà Lạt từ đầu thế kỷ XX. Thắng cảnh này không chỉ có ý nghĩa sinh thái, môi trường mà còn là công trình độc đáo vì ở Việt Nam ít có địa phương nào có hồ nước nằm ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển như thành phố Đà Lạt. Chính vì vậy, hồ Xuân Hương được xem như là “hòn ngọc” của đô thị xanh này, thu hút sự tham quan, thưởng lãm của hầu hết du khách trong nước, quốc tế khi đến thành phố sương mù này. Thế nhưng, trong những năm gần đây hồ Xuân Hương đã xuất hiện một loài “hoa lạ” trôi lềnh bềnh váng xanh và bốc mùi hôi thối khiến du khách phải bịt mũi khi qua đây! Điều đáng nói hơn là dù Chính quyền địa phương đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhưng vẫn không tìm được thuốc đặc trị “căn bệnh lạ” cho lá phổi của thành phố này.
* Vì đâu Hồ Xuân Hương “kiêu cứu”?
Theo giả thiết của nhiều nhà khoa học, lượng rác thải đã chìm xuống lòng hồ và phân hủy thành chất hữu cơ, tạo môi trường phú dưỡng (lượng phốt-pho và ni-tơ cao), thuận lợi để nhiều loài sinh vật phát triển, nhất là tảo lam (Microcystis aeruginosa) thuộc nhóm vi khuẩn lam Cyanobacteria. Đây là loài tảo độc thuộc nhóm độc tố gan, có thể gây rối loạn tuần hoàn gan, sốt xuất huyết gan đối với động vật máu nóng và tạo các khối u. Theo đó, mỗi khi có nắng, hiện tượng quang hợp diễn ra thì mặt nước hồ chuyển toàn bộ sang màu xanh rêu lềnh bềnh váng xanh và bốc mùi hôi thối. Mùi hôi thối do tảo phân hủy từ lâu và bốc lên nồng nặc.
Tảo Lam đang "tấn công" hồ Xuân Hương
Tại một cuộc hội thảo tìm giải pháp “cứu” hồ Hương năm 2011, Thạc sĩ Lâm Ngọc Tuấn (ĐH Đà Lạt) cho biết: “Ô nhiễm hồ Xuân Hương là biểu hiện hiện tượng dư thừa dinh dưỡng, chủ yếu do nước thải, nước chảy bề mặt; nguồn nước từ các lưu vực sông, suối, nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất – chế biến… hầu như đổ trực tiếp ra hồ mà không qua hệ thống lọc …việc ô nhiễm này còn gọi đó là hiện tượng “nước nở hoa” – một hiện tượng đáng sợ của bất kỳ hồ thắng cảnh nào trên thế giới”.
Bà Nguyễn Thị Anh Hoa, Trưởng phòng Môi trường (Sở TN-MT Lâm Đồng) nhận định: “Có thể do phân bón, thuốc trừ sâu khu vực xung quanh và đồi Cù (sân Golf). Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo sân Golf báo cáo việc họ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào nhằm mục đích bảo vệ hồ Xuân Hương. Không loại trừ một số đơn vị, cơ quan đã xả ngầm nước thải xuống hồ”.
Ông Lương Văn Ngự – Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng cho biết: Hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất rau hoa, chế biến nông sản phát triển rất nhiều ở thượng nguồn lưu vực hồ Xuân Hương và phần lớn nước thải ở những nơi này đã thải trực tiếp vào hồ mà chưa qua xử lý. Ông Ngự cho biết thêm: “hồ Xuân Hương chứa khoảng 800 ngàn khối nước, 4 hồ lắng xung quanh chứa gần 100 ngàn khối nước, trong khi lưu lượng nước đến và đi qua hồ hàng năm lên đến 30 triệu khối nước. Việc xử lý phải giải quyết tại gốc (khu vực thượng nguồn), trong cả hệ sinh thái chứ không phải xử lý tại hồ, đồng thời phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất về chủ trương và giải pháp. Việc này không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà phải lâu dài, nhất là các nguồn gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Cũng theo ông Ngự, qua số liệu phân tích, nguyên nhân tổng hợp thì thấy rõ nhưng nguyên nhân cụ thể để đánh giá tổ chức hay cá nhân gây ra ô nhiễm thì rất phức tạp, chưa thể kết luận do ai gây ra!
* Giải pháp nào để  “cứu” hồ Xuân Hương?
Cho dù chính quyền địa phương và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp “cứu” Hồ Xuân Hương nhưng đến nay chưa có phương pháp đặc trị nào hữu hiệu để trị căn “bệnh lạ” xuất hiện ở Hồ Xuân Hương.
Theo UBND thành phố Đà Lạt, hiện các công trình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xung quanh hồ Xuân Hương có hệ thống xả thải ra mặt hồ đều do cấp tỉnh quản lý, hơn nữa thành phố chưa có trang thiết bị để phục vụ công tác quan trắc, mặt khác nhân sự của Phòng Tài nguyên & Môi trường chưa thể thực hiện được công tác này. Thành phố đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc xả thải gây ô nhiễm nước hồ Xuân Hương đối với các hộ sản xuất kinh doanh và dịch vụ có hệ thống xả thải ra hồ, chỉ đạo trạm quan trắc tiến hành lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước làm cơ sở xác định mức độ ô nhiễm và tìm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm để có biện pháp ngăn chận và xử lý kịp thời.
Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và quản lý môi trường TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình xử lý nước được triển khai với kinh phí 292 triệu đồng, nhưng nguồn nước vẫn chưa được cải thiện, chẳng bao lâu sau tảo lam lại xuất hiện. 
Cá, ốc chết trôi lềnh bềnh trên mặt hồ trong những ngày đầu năm
Trước tình hình đó, Sở KH&CN Lâm Đồng tổ chức đấu thầu đề tài  “Điều tra ô nhiễm nước hồ Xuân Hương” với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Nhóm các nhà khoa học (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) do TS Nguyễn Văn Minh phụ trách đã trúng thầu. Sau hơn một năm nghiên cứu, mới đây, các nhà khoa học kiến nghị: Cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải  hoàn chỉnh cho các khu dân cư; hạn chế hoặc di dời các cơ sở sản xuất rượu bia, rau hoa ở khu vực đầu nguồn.
Để khắc phục tình trạng này, tác giả Phạm Thế Anh (Khoa Khoa học Môi trường, Đại học Yersin Đà Lạt) đã thực hiện đề tài "Ứng dụng năng lượng gió vào quá trình tự làm sạch của môi trường nước mặt hồ Xuân Hương”. Theo tác giả, gió là một nguồn năng lượng sạch được xếp vào nhóm năng lượng tái tạo và rất dồi dào. Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nơi nào sử dụng năng lượng gió vào quá trình tự làm sạch môi trường. Hơn nữa, ở phương pháp này hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường, chi phí lắp đặt, vận hành thấp so với những phương pháp khác phù hợp với điều kiện tự nhiên ở thành phố Đà Lạt. Dự án được triển khai sẽ là cơ sở lý luận ứng dụng năng lượng gió vào quá trình tự làm sạch của môi trường nước, lắp đặt một mô hình thử nghiệm ứng dụng năng lượng gió tại hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Vào năm 2010, chính quyền thành phố Đà Lạt đã chi hàng chục tỉ đồng để nạo vét, sửa chữa hồ, đập cầu và 4 hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương để chỉnh trang và khắc phục tình trạng ô nhiễm nước, đặc biệt là nhằm khắc phục hiện tượng tảo lam nhưng đều không khắc phục đươc, người dân địa phương liên tục ghi nhận tình trạng tảo lam xuất hiện với mật độ dày đặc và bốc mùi khó chịu.
Ông Lê Xuân Thám - phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lâm Đồng Theo Sở Khoa học và công nghệ Lâm Đồng, vào tháng 3-2012 tới đây, sở sẽ chủ trì một cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước để phân tích nguyên nhân phú dưỡng của hồ Xuân Hương, đồng thời tìm ra các biện pháp đặc trị tảo lam - vốn đã xuất hiện nhiều năm ở hồ này nhưng vẫn chưa có “thuốc” chữa.
Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt sớm có các giải pháp quyết liệt để “cưu” một thắng cảnh đã có thương hiệu, có ấn tượng trong lòng hàng triệu du khách và người dân địa phương, đừng đánh mất dần hình ảnh đẹp mà thậm chí có nguy cơ biến thành “nỗi ám ảnh” trong lòng du khách.
………..
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"