Rau Đà Lạt lại chất đống..."làm phân" - Giải pháp nào cho rau Đà Lạt?

Từ đầu năm đến nay, những người vùng trồng rau Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng), lâm cảnh bi đát vì rau sản xuất không bán được, phải làm thức ăn cho bò hoặc chất đống vào các lối đi làm phân xanh. Mùi rau thối nồng nặc. Nhà nông đang lo sẽ rơi vào cảnh tay trắng, đầm đìa nợ nần.

Chua chát .... cà chua
Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT Lâm Đồng, diện tích trồng rau hằng năm của tỉnh vào khoảng 35.000ha với sản lượng 1,1 triệu tấn rau thành phẩm các loại. Được biết, ngay từ cuối 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 31 về quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” theo tiêu chuẩn “Dalat GAP” trên tinh thần nhãn hiệu độc quyền trong cả nước. UBND tỉnh Lâm Đồng vừa công bố chính thức nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” với 13 sản phẩm rau các loại và trên địa bàn Lâm Đồng. Đã có 6 mô hình chuẩn về rau an toàn đã được xây dựng để nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn là tiêu chuẩn ASEAN GAP hoặc Global GAP (tiêu chuẩn Châu Âu). Lâm Đồng đang phấn đấu để thực sự trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước và rau củ quả được xác định là “mũi nhọn” của trung tâm này.

Cà chua đổ đầy lối đi!
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngành chức năng luôn tính “chuyện lớn” nào là quy hoạch thành vùng nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất nước; nào là tìm hướng “xuất ngoại” cho rau Đà Lạt. Trong khi đó, người nông dân thì đang phải cắn răng để bán rau theo kiểu “được đồng nào hay đồng nấy” hoặc bỏ mặc vườn rau vì có bán cũng lỗ công thu hái. Dù chất lượng tốt, năng suất cao và hơn cả các loại rau được gắng mác “Rau Đà Lạt” nhưng cũng chất bỏ làm phân! Đã có một nghịch lý đã xảy ra là theo các chuyên gia thì lượng rau về chợ vẫn ổn định trên 1.500 tấn một ngày, và hơn 10 năm qua chưa khi nào người dân TP Hồ Chí Minh mua 1kg rau Đà Lạt với giá dưới 3.000 đồng. Thậm chí có nhiều loại rau củ có mức giá cao hơn từ 20 - 30 lần so với giá thu mua tại các nhà vườn Lâm Đồng, nhưng rau Đà Lạt vẫn phải bỏ thối ngoài vườn... Vì đâu nên nỗi!
Rau bỏ thối ngoài vườn.
Tiếp xúc chúng tôi, bà Lê Thị Tròn ở thôn Bắc Hội xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng cho biết: “Chưa năm nào nhà vườn lâm cảnh bi đát như năm nay. Từ đầu năm các loại rau, củ cà quả… liên tục rớt giá không đủ tiền công thu hoạch nên các hộ đành bỏ rục trên đồng hoặc cho người nuôi bò tự thu hoạch đưa về làm thức ăn cho bò. Nhưng cho bò ăn riết từ tết đến giờ đến nỗi bò ngán không muốn ăn”.

Cà chua đổ bỏ đầy lối đi
Ông Nguyễn Quốc Huy ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương ngửa mặt lên trời: “Cà chua nhà tôi đã chín rục trên ruộng mà không thấy thương lái nào đến hỏi thăm. Giá mỗi kg cà chua từ 5.000 đồng tháng trước rớt hôm nay chỉ còn 300 đồng/kg nhưng không ai mua. Không phải riêng tôi, nhiều bà con cũng rơi vào cảnh lao đao như thế này. Giá như vậy không đủ trả tiền công lao động nên không còn cách nào khác chúng tôi đành bỏ thối ngoài vườn hoặc hái dần cho bò ăn”!

Cà chua đổ cho bò ăn!
Ngồi trên vườn cà chua chín rục rơi rụng dưới gốc, chị Nguyễn Thị Thơ ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, ngao ngán nói: “Hơn 6 sào cà chua của gia đình đang “chín rục” ngoài vườn không bán được thì hỏi làm sao chúng tôi không đói được, giờ không có tiền để tái sản xuất”.
Trong khi đó Ông Lê Văn Quyết ở xã Đạ Ròn Đơn Dương cho biết, hiện 3ha cà chua đang cho thu hoạch nhưng rất khó tiêu thụ. “Cả nhà tui sống dựa vườn cà chua này nhưng không bán được. Không chỉ gia đình tui mà những người trồng rau đều như thế cả!”. Rất nhiều hộ gia đình trồng rau ở Lâm Đồng đang “khóc dở mếu dở” với việc rau thì đầy ứ ngoài đồng, nhưng lại không có người mua.

Bắp sú chất đống làm phân!
Ông Nguyễn Ngọc Thận, Chủ tịch Hội nông dân huyện Đơn Dương cho biết, toàn huyện có khoảng 5.500ha cà chua, với sản lượng hàng chục nghìn tấn. Trong khi theo tính toán, chi phí cho một cây cà chua là 8.000 đồng. Với tình trạng cà chua không có người mua như hiện nay, mỗi sào cà chua nông dân chịu lỗ trên 20 triệu đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo một số chủ vựa ở Đơn Dương, nguyên nhân giá cà chua giá xuống thấp là khoảng một tháng nay các thị trường lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không tiêu thụ nhiều, trong khi cà chua đang vào vụ chính nên giá cà chua xuống rất thấp. Ngoài ra, do cà chua Trung Quốc được bán với giá rất rẻ ở các tỉnh phía Bắc cũng khiến giá cà chua Lâm Đồng giảm giá mạnh. Hiện mỗi ngày các vựa chỉ thu mua tối đa khoảng 40-70 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên đã góp phần làm cho rau, củ, quả Lâm Đồng “chết đứng” phải đành lòng “đổ sông đổ biển”. Trong khi vào thời điểm cà chua được giá các vựa xuất bán 150 đến 200 tấn/ngày.

Hành tây bỏ đầy vườn!
Theo ông Trần Đức Quang – chủ nhiệm HTX Xuân Hương (Đà Lạt) cho rằng: “Tình trạng này xảy ra do Đà Lạt không quy hoạch cụ thể về vùng diện tích canh tác các loại rau cho phù hợp với nhu cầu và thổ nhưỡng. Do vậy, cứ qua một vụ rau củ nào được giá, nhiều người lại đổ xô vào trồng loại rau ấy. Kết quả là nguồn cung quá lớn, dư thừa nhiều khiến giá rau rẻ mạt. Người trồng rau lỗ nặng là tất yếu”.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, nông sản “gặp nạn” là chủ yếu rơi vào những nông dân đứng ngoài liên kết làm ăn giữa nhà phân phối - nhà cung ứng - nhà nông. Đặc điểm chung của những người phải đổ bỏ rau cho gia súc ăn là sản xuất theo từng hộ riêng lẻ, không có bất kỳ sự hợp tác nào với những nhà phân phối, chủ vựa tại Đà Lạt chuyên cung ứng cho siêu thị và các chợ nông sản trên toàn quốc. “Thường doanh nghiệp đến đặt vấn đề khi nông dân đang ăn nên làm ra nên nông dân không mặn mà hợp tác. Mặt khác, thua lỗ trong nghề trồng rau thường không làm nông dân kiệt quệ, họ gỡ được ở vụ sau nên nông dân chủ quan, không muốn liên kết hoặc chần chừ thay đổi cách làm ăn”, ông Sơn phân tích.
Giải pháp nào cho rau Đà Lạt?
Ông Lê Hữu Phan, chuyên gia sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt cho rằng, cần phải xác định lại những loại rau thế mạnh của Đà Lạt và tập trung vào đó sản xuất để tránh dư thừa. “Vụ đông xuân là vụ rất nhiều tỉnh thành trên cả nước sản xuất được cà rốt, cà chua, rau lá các loại và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh hoặc vùng lân cận. Cho nên vùng rau Đà Lạt cần chọn những loại nông sản khác, nhắm vào những loại nông sản mà chỉ Đà Lạt mới có thể sản xuất hoặc có thể dự trữ lâu được như khoai tây, hành tây, khoai lang. Còn rau lá và các loại củ thông dụng thì nên tùy vào vụ mùa, thị trường mà sản xuất. Đà Lạt có đất đai tốt, khí hậu đặc biệt, không nên sản xuất loại nông sản mà ở đâu cũng sản xuất được, làm vậy là giảm giá trị thương hiệu rau Đà Lạt”, ông Phan đề xuất.

Đem cà chua đi đổ!
Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, năm nay là thời điểm cái lợi, cái hại của liên kết và không liên kết sản xuất nông sản bộc lộ rõ nhất, trong đó giá cả phân hóa rất rõ: “Nếu nông dân không tham gia chuỗi liên kết sản xuất thì chúng tôi cũng khó hỗ trợ họ nâng cao chất lượng nông sản. Bởi các dự án đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp nhiều nhưng hỗ trợ nhỏ lẻ từng hộ dân thì khó làm được”, ông Việt kết luận.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã phê duyệt quy hoạch “vùng sản xuất rau và chè tập trung tỉnh Lâm Đồng” từ nay đến 2020, thì vùng sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh này rộng đến 13.174ha, tập trung ở Đức Trọng 6.000ha, Đơn Dương 4.500ha, Đà Lạt 2.000ha và Lạc Dương 674ha.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương bổ sung dự án Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt vào danh mục Khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tạo ra động lực thu hút hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Lâm Đồng.
Như vậy, bài toán về quy hoạch, dự báo, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân bao giờ mới có lời giải? và việc công bố nhãn hiệu độc quyền cho 13 sản phẩm “Rau Đà Lạt” trong khi sản phẩm này đang bị chất đống làm phân có hợp lý không? Nhiều người cho rằng hậu quả của việc rau đổ bỏ là lỗi do người nông dân “tự bơi” mà không có sự liên kết! Vậy ai là người giúp người nông dân tìm sự liên kết đó? Câu trả lời sẽ dành cho các nhà quản lý của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung trong thời gian tới.
Đem cà chua đi đổ!
Theo chúng tôi thì trước khi ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng nghĩ đến “chuyện lớn” thì việc trước tiên cần có quy hoạch một vùng chuyên canh cho từng loại rau, đồng thời có phương án hỗ trợ thỏa đáng để người nông dân yên tâm sản xuất. Và điều quan trọng hơn cả là phải tìm đầu ra cho rau nông dân trước khi nói đến chuyện xuất khẩu.
Lê Kiên

POX: Có nhiều nguyên nhân làm cho "canh bạc” trồng rau thua nhiều hơn thắng. Người thì đổ cho thời tiết, người thì cho là do thời vụ, cũng có ý kiến cho rau Đà Lạt lúc này không còn là sự độc quyền của người dân Đà Lạt. Thời gian gần đây, không ít giống rau Đà Lạt cũng đã cắm rễ được ở những vùng đất khác như Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ… và một lượng lớn rau củ từ Trung Quốc đổ về ồ ạt kiến cho rau Đà Lạt “ế ẩm”.... Còn theo một chuyên gia thuộc Sở Nông nghiệp -  Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thì do nông dân có thói quen sản xuất cái mình có chứ chưa biết sản xuất cái thị trường cần, nên mới rơi vào tình cảnh trồng rau như một “canh bạc may rủi”!


Như vậy câu chuyện của vùng nông nghiệp Đà Lạt lần này không gói gọn ở “được mùa mất giá”, mà là câu chuyện của lối canh tác thiếu kế hoạch, thiếu liên kết...và thiếu cả định hướng của ngành chức năng!

Nhận xét

  1. Đừng hi vọng gì ở Chính quyền những nông dân à! Hãy tự cứu lấy mình đi.

    Trả lờiXóa
  2. Giải pháp duy nhất là ....đọn vườn trồng lại lứa mới và cầu mong cho "canh bạc" không bị đổ bỏ cho bò ăn thôi nông dân à!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"