Lâm Đồng: Hãy cứu lấy loại cây đặc sản có một không hai tại Việt Nam!

Hồng là loại cây sống ở vùng ôn đới nhờ vào bàn tay người Pháp đem đến vùng đất Đà Lạt này vào những năm đầu thế kỷ 20. Từ đó, hồng Đà Lạt được mở rộng ra cả nghìn héc ta, tập trung phần lớn ở các xã vùng ven như Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung, phường 3, phường 7, rồi vươn tới huyện Lạc Dương, một phần của huyện Đơn Dương. Thời gian này, một cây hồng trưởng thành mỗi vụ có thể cho gia chủ thu về 2 triệu đồng không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, do nhiều năm liền giá hồng liên tục rớt giá nên việc nông dân không còn mặn mà đã chặc bỏ loại cây đặc sản có một không hai ở Việt Nam tại vùng đất Nam Tây nguyên này như là một tất yếu.
Gía cả bấp bên!
Dọc đèo Prenn và đèo Mimosa, từ huyện Đức Trọng lên TP Đà Lạt, trái hồng đặc sản Đà Lạt đang được nhiều người dân đổ ra bán với giá cao nhất cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, giảm một nửa so với đầu vụ. Trong khi đó tại các nhà vườn, giá hồng chỉ dao động ở mức 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại, chỉ bằng một phần ba giá so với mười năm về trước, thậm chí những loại hồng giống cũ như hồng trứng chỉ còn 500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trần Bá Thịnh (xã Xuân Thọ) buồn bã cho biết nhà có 1ha hồng nhưng tới giờ chưa có thương lái vào ngã giá mua. Ông Thịnh, cho biết them, những năm 2000, khi thị trường ổn định, nhiều thương lái ở Hà Nội tìm vào mua với mức giá cao từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg. Giá hồng hiện nay thấp hơn 3 lần so với 10 năm trước chưa bao giờ giá hồng rớt thê thảm như mấy năm gần đây.

Loại cây đặc sản chỉ có duy nhất ở Việt Nam vẩn phải chịu cảnh "đứng đường"
Bà Trần Thị Xuân Mai, xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) chủ vườn hồng hơn 1,5ha, than thở “Ngày trước, bán vụ hồng sống khỏe cả năm. Giờ bán 2kg hồng mà không mua được cho con cây kem loại thường thường. Năm nay gia đình Tôi thu hoạch được 10 tấn bán được 40 triệu đồng. Trừ công, phân bón là huề vốn”.
Ông Đỗ Minh Tâm - chủ vựa thu mua hồng lớn tại xã Xuân Thọ - cho biết hiện lượng hồng thu mua tại Đà Lạt chủ yếu được tiêu thụ tại TP.HCM, nhưng sức tiêu thụ rất kém. Trong khi đó, hồng lại đang vào vụ thu hoạch rộ dẫn đến hiện tượng dội chợ, giá hồng bán ra do vậy cũng giảm hơn một nửa so với đầu vụ.
… Nguy cơ xoá sổ!
Nhiều nhà vườn chuyên canh cây hồng đang tính đến chuyện tiếp tục phá bỏ loại cây đặc sản này để chuyển sang các loại cây nông nghiệp khác có thu nhập ổn định hơn.
Theo Chi cục Thống kê TP Đà Lạt, diện tích trồng hồng ăn trái trên địa bàn hiện chỉ còn trên 300ha với sản lượng khoảng 4.592 tấn, giảm mạnh so với con số gần 524ha và sản lượng hơn 6.700 tấn vào năm 2010. Theo nhận định của cơ quan này, diện tích và sản lượng loại cây hồng đặc sản Đà Lạt vẫn tiếp tục sụt giảm nhẹ theo từng năm, do nhiều người chặt bớt cây hồng để chuyển đổi sang các loại cây khác cho thu nhập ổn định hơn.

Những vườn hồng vắng khách mua!
Bà Đặng Thị Thu Hường ở xã Xuân Thọ (Đà Lạt), người "có thâm niên" với đặc sản hồng Đà Lạt 26 năm nay, cho biết hiện giá hồng thấp và liên tục giảm xuống, nếu như năm 2005 khoảng 7.000 đồng/kg, năm nay giảm xuống còn 2.500 đồng/kg. Chi phí như công thu hái, công vận chuyển, phân bón ngày càng tăng, giá hồng lại giảm xuống, nhiều gia đình phải chặt bỏ cây hồng để trồng càphê.
Ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt) lo lắng, “Đã đến lúc chính quyền địa phương các cấp là cần tìm đầu ra ổn định, giúp đời sống người trồng hồng ổn định. Nếu giá cả thấp như hiện nay, bà con trồng hồng sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế hơn thì cây hồng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ”.
Giải pháp nào để cứu loại cây đặc sản này?
Theo ông Nguyễn Đức Công, chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt: “Trái hồng là đặc sản có tiếng của vùng có khí hậu đặc biệt như Đà Lạt, nhưng từ nhiều năm nay trên địa bàn này chẳng có nhà máy chế biến nào hoặc các lò sấy đủ khả năng hấp thụ hết nguồn cung dư thừa, mà số lượng lò sấy tại Đà Lạt hiện nay đều hoạt động theo phương thức thủ công, hộ gia đình nên khâu chế biến hồng khô tại địa phương chỉ đáp ứng nhu cầu khách du lịch, nên cứ đến hẹn lại lên, vào vụ thu hoạch rộ là hồng ế ẩm và rớt giá.”. Theo ông Công thì ngành chức năng nên xây dựng một nhà máy chế biến hồng xuất khẩu.
Ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thì: “Tại Đài Loan, người trồng hồng có thể thu hoạch quanh năm, nhất là các dịp rằm hoặc đầu tháng âm lịch. Trong khi đó, nông dân Đà Lạt thường thu hoạch rộ hàng trăm hecta, nguồn cung trên thị trường tăng vượt so với nhu cầu, giá hồng giảm là điều khó tránh khỏi”. Theo ông Việt thì ngành chức năng cần hướng dẫn giải pháp kỹ thuật nào để can thiệp điều chỉnh mùa vụ thu hoạch một cách hiệu quả.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, hồng là loại trái chín nhanh và phải ăn liền, người dân lại chưa được hướng dẫn cách bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch nên chỉ có thể bán quanh quẩn tại Đà Lạt cho du khách và người dân địa phương.
Trước tình hình đó, UBND TP Đà Lạt  đang triển khai và sắp nghiệm thu đề án xử lý hồng sấy khô theo chuẩn Nhật, với mục tiêu xuất khẩu hồng Đà Lạt sang các thị trường trong khu vực.
Dừ chỉ dừng lại ở đề án nhưng rõ ràng việc tìm hướng tiêu thụ sản phẩm của người dân của TP Đà Lạt là việc đáng làm. Tuy nhiên, việc nông dân ồ ạt chặc bỏ cây hồng sang trồng một số loại cây công nghiệp khác hiệu quả kinh tế cao hơn thì liệu đến lúc phương án này được áp dụng thì còn hồng để sấy hay không? Đây là vấn đề mà ngành chức năng địa phương cần xem xét và có định hướng cho người nông dân.
Lê Kiên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"