Đà Nẵng: Nhức nhối "nạn" xe dù - bến cóc!

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây “nạn” côn đồ bao kê cho “xe dù, bến cóc” bùng phát trở lại trên địa bàn TP. Ðà Nẵng, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về vận tải khách. Điều đáng nói hơn là lợi dụng sự cạnh tranh không lành mạnh của các hãng vận tải và tâm lý chủ xe muốn “mua đường” làm ăn, nhiều kẻ có máu mặt đã đứng ra thâu tóm các băng nhóm, thao túng hoạt động làm ăn phi pháp.

Bát nháo xe “cò”, bến “cóc”.

Chiều 19-8, có mặt tại trước cổng Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, trước Trạm kiểm soát Cảnh sát trật tự, (đường Tôn Đức Thắng) chưa đầy 30 phút đã có hơn chục xe dù tấp vào các quán cà phê cạnh đó. Có chiếc tấp vào lề đường, chiếc chạy từ từ giữa đường rồi lơ xe vọt xuống bắt khách. Lúc chưa đủ người, nhiều xe cứ đậu lỳ một chỗ, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Ông Nhân, một chủ quán cà phê ở khu vực bức xúc: “Ngày nào cũng vậy, xe dù ngang nhiên chiếm đường,có lúc đậu chình ình trước quán. Vừa nhắc xong chiếc này, chiếc khác lại lù lù tiến tới khiến chúng tôi không thể buôn bán gì được”.

14 giờ ngày 20-8, chúng tôi có mặt tại ngã ba cầu vượt Hòa Cầm (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), chứng kiến một lúc có tới 4 chiếc xe khách loại 16 chỗ chạy các tuyến cố định “vô tư” đậu bên lề đường, hoặc đi như “rùa bò” để các phụ xe và đội quân "cò mồi" tranh nhau ra đứng đón khách ngay giữa lòng đường, gây cản trở việc lưu thông của các loại phương tiện khác.



Không chỉ đậu nhan nhản hay chạy như … “rùa bò” giữa đường, xe dù còn nẹt pô, lạng lách giành khách. Bất chấp luật giao thông và sự an toàn của các phương tiện khác, phát hiện có khách đứng hai bên đường là tài xế “đá” đèn, bấm còi inh ỏi, ngang nhiên cúp cua tấp vào lề, lơ xe nhoài người ra hò hét giành khách. Nhiều xe vô tư vượt đèn đỏ, lạng lách, phanh gấp, dừng đậu rất tùy tiện.



Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu như trước đây, xe “dù” chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường khu vực ngã ba Huế, thì nay, xe “dù” đã vươn tầm hoạt động đến các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Trường Chinh,  cảng cá Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), Bệnh viện Hoàn Mỹ (quận Hải Châu), ngã ba Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), Bệnh viện C17... hoạt động của đội ngũ “xe dù, bến cóc" rất bác nháo làm mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Xuất hiện “bao kê” và những “điều luật” phi pháp.

Trong vai của một hành khách, 13h ngày 11/8, chúng tôi có mặt tại “điểm nóng” đoạn giao giữa đường Trường Chinh và Lê Trọng Tấn. Thấy tôi mang chiếc ba lô trên trên vai, vưa xuất hiện, bốn gã trong dãy quán cóc lập tức bám theo. Một người dồn dập hỏi “về đâu?”, người kia chộp lấy ba lô của tôi chỉ về phía xe dù đang đợi sẵn bên đường. Chúng tôi đành phải nói đã gọi xe quen, ngay lập tức một trong bốn người đàn ông này nói: “quen nào không phải qua bọn này”!



Vừa thấy khách mới, nhóm này chạy ra đường chèo cò, Anh Đức - chủ quán cà phê – nói với chúng tôi rằng: “Ngày nào bọn chúng cũng cắm chốt ở đây gần như 24/24. Thấy khách là xáp tới chèo kéo, bố trí các nhà xe đến đón. Để được rước khách, nhà xe phải chi cho cò từ 30 - 50 ngàn đồng/khách nên ở đây thường xuyên diễn ra cảnh tranh giành, lôi kéo, ăn chặn tiền của khách”.

Chúng tôi hỏi lái xe tên H, chạy tuyến Đà Nẵng – Quy Nhơn:  “Vì sao chúng tôi tự đến đây đón xe mà Nhà xe phải trả tiền cho những người đó”? Anh H cho biết: “Hầu hết các xe chạy tuyến Đà Nẵng đều phãi qua hai loại “cò” là “cò đứng đường” như anh thấy. Còn một loại “cò” nữa là “cò bảo kê”. Cò này tự đưa ra một điều “luật” riêng đối với các nhà xe là: Xe của tỉnh nào thì được quyền ưu tiên bắt khách tỉnh đó (xe BKS 76 theo “luật” bắt khách Quảng Ngãi, BKS 43 bắt khách Đà Nẵng…). Nếu xe nào “léng phéng” làm sai “luật” nếu được báo tới các đối tượng này sẽ bị xử lý ngay”. Nếu không qua hai “ông cò” này thì không có một “mống” khách nào bước lên xe được vì bị một “đội quân” này cản trở.

Anh H, cho biết thêm, để được “ân huệ” như vậy các Nhà xe phải đóng phí theo “luật” của nhóm này đề ra, cụ thể: Xe chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam 10.000 đồng/ngày; Đà Nẵng - Quảng Ngãi 20.000 đồng/ngày, Đà Nẵng - Quy Nhơn 30.000 đồng/ngày. Đối với những xe chạy hướng Bắc như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... mức “phí” thu nhỉnh hơn từ 35 - 65 ngàn đồng/xe/ngày. Hình thức đóng tiền là hàng ngày có người cầm sổ thu tiền xuất hiện nhan nhản trước và trong bến xe, công khai đi lại ở các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào thành phố. Xe nào không chấp hành “điều Luật” này sẽ bị cả bọn “trừng phạt” bằng nhiều thủ đoạn như: ngăn cản không cho bắt khách, chửi bới thô tục, hăm dọa, thậm chí bị “ăn đủ”, bị đánh cho trầy người, trầy xe”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây là một dạng “đâm thuê giết mướn”, sẵn sàng động thủ nếu quyền lợi “thân chủ” bị xâm hại. Cầm đầu nhóm “cò” này là một người phụ nữ có tên Nga Dũng.

Ngành chức năng ….bất lực?

Ông Bùi Thanh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng phát hiện trên nhiều xe có cả tập hợp đồng khống. Tức là, ngoài hợp đồng vận chuyển có tên hành khách cụ thể, trên xe còn có rất nhiều hợp đồng được soạn sẵn, được chủ nhiệm một HTX vận tải các tỉnh ký và đóng dấu đỏ, nhưng tên hành khách, thời gian, địa điểm đi và đến lại để trống. Điều này cho thấy, HTX vận tải này chỉ làm “dịch vụ” là bán hợp đồng khống để kiếm tiền chứ không thực hiện hợp đồng chở hành khách. Với “lá bùa” này trên tay, các chủ phương tiện ở các tỉnh rất thuận lợi trong việc chở hành khách dưới danh nghĩa “xe hợp đồng”, vì lực lượng chức năng không thể xử phạt được do xe chạy hợp đồng với đầy đủ tên hành khách. Đó chính là kẽ hở trong công tác quản lý hiện nay khiến cơ quan chức năng khó xử lý được tình trạng “xe dù, bến cóc”. Kẽ hở này tạo thuận lợi cho “xe dù, bến cóc” ngang nhiên hoạt động”.

Còn theo Đại tá Nguyễn Đến - Trưởng Phòng CSGT- Công an thành phố Đà Nẵng thì cho rằng: “hiện chưa có quy định xử lý cụ thể về việc xử “xe dù, bến cóc” nên rất khó xử lý”!.

Ngày 10/8, chúng tôi tiếp cận với tổ tuần tra giao thông chốt tại đường Tôn Đức Thắng (thuộc phường Hòa Khánh Nam), khi đề cập đến việc xử lý tình trạng này, một cán bộ CSGT - Công an thành phố cũng phải thừa nhận rằng: “Việc xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” như hiện nay chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Khi thấy chúng tôi xuất hiện thì xe lại từ từ “bò”, mà trong TP không có quy định tốc độ tối thiểu thì làm sao chúng tôi xử lý? Luật không cho phép”! (có video clip kèm theo bài).


Xem video
Với cách trả lời của cơ quan chức năng và cán bộ CSGT- Công an thành phố Đà Nẵng như thế, nhiều người dân lại đặt câu hỏi: Liệu ngành chức năng địa phương “bó tay” với việc xử lý “nạn” “xe dù, bến cóc”?; và đến bao giờ cái “án treo”, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao đối với người dân được dẹp bỏ? Câu hỏi này xin danh cho ngành chức năng TP Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng rằng Chính quyền TP này sớm tìm ra giải pháp để sớm xử lý “nạn” Côn đồ bao kê cho “xe dù, bến cóc” đang “hoành hành”, để ổn định an ninh trật tự cho người dân ở nơi đây.
Lê Kiên

Nhận xét

  1. Nghe nói TP Đà Nẵng an ninh trật tự tốt lắm mà. Chẳng lẽ ông Bá Thanh đi mọi thứ theo ông rồi sao?

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"