XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI – NHÌN TỪ XÃ ĐIỂM TÂN HỘI

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng đã có những bước chuyển tích cực, đã khẳng định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, làm chuyển biến mạnh mẽ nhiều mặt từ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội đến đời sống người dân ở nông thôn. Phải nói rằng để góp phần trong thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của “chủ thể” là người dân nông thôn.
Cùng với Tân Hội, tỉnh Lâm Đồng cũng chọn 11 xã ở các huyện, thành để thí điểm xây dựng NTM, 41 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 đến năm 2015 và mở rộng triển khai ở tất cả các xã còn lại trong tỉnh. Trong số các xã ưu tiên đầu tư có 2 xã đã đạt từ 14 tiêu chí trở lên; 4 xã đạt từ 10 - 11 tiêu chí; 8 xã đạt 8 - 9 tiêu chí; 20 xã đạt 5 - 7 tiêu chí; 7 xã dưới 5 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã và đến năm 2020 có 84% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí NTM.
* Thành công bước đầu…
Về xã Tân Hội hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự thay đổi diện mạo nông thôn ở đây so với mấy năm trước. Toàn bộ đường thôn được cứng hoá phong quang sạch sẽ, các thôn đều có nhà văn hoá, nhà ở khang trang, nhiều hộ có cổng vào được thiết kế theo mẫu chung khiến làng quê trở nên tươi mới.
Theo UBND xã Tân Hội, sau hơn 2 năm thực hiện, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cùng với sự tham gia đóng góp tích cực của người dân cơ sở hạ tầng của xã đã có bước phát triển nhanh, mạnh. Qua đối chiếu với 19 tiêu chí, đến nay, Tân Hội đã đạt được 16/19 tiêu chí Quốc gia, 2 tiêu chí về môi trường và thủy lợi cơ bản đạt, dự kiến đến cuối năm 2011 hoàn thành. Duy nhất về tiêu chí cơ cấu lao động chưa đạt bởi không phù hợp với đặc điểm của xã chủ yếu sản xuất cây cà phê, rau, hoa.
Để có được gương mặt mới này, đã huy động nguồn vốn đầu tư trên hơn 409 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã đầu tư hơn 5 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu 20,5 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động trong dân, vốn vay tín dụng và do doanh nghiệp đầu tư. Nhìn tổng thể bức tranh đầu tư xây dựng mô hình thí điểm nông thôn Tân Hội đến thời điểm này có thể nhận ra rằng, chỉ với 60% vốn đầu tư trong hai năm qua, so với nhu cầu 679 tỷ đồng theo đề án được phê duyệt, thành quả mang lại từ chương trình này là không nhỏ. Nếu phân tích cơ cấu trên vốn, bóc tách nguồn vốn vay tín dụng phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất ra, (bởi vốn đầu tư sản xuất được thu hồi sau thời kỳ canh tác thu hoạch) thì nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ sẽ không cao, chỉ chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư vào Tân Hội. Điều đó cho thấy, người dân đã được đặt vào trung tâm của công cuộc xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách Nhà nước, mà cụ thể ở đây Tân Hội đã huy động vốn lên tới 190  tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư.

Nói về kết quả sau gần ba năm triển khai thực hiện chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới ở xã, đồng chí Nguyễn Mậu Thế - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hội khẳng định: "Cùng với việc mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân Tân Hội có đời sống văn hoá tinh thần phong phú, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong đó, điều quan trọng nhất là đã tăng cường, mở rộng và phát huy dân chủ ở nông thôn. Từ chỗ  bị động, hầu như đứng ngoài cuộc thì nay người dân đã thực sự quan tâm đến việc chung của thôn, xã, ý thức cộng đồng được nâng lên rõ rệt, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết; vai trò của người dân thể hiện rõ qua tham gia ý kiến, giám sát từ khâu quy hoạch đến các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; chủ động, tự giác tham gia các sinh hoạt văn hoá, đầu tư cải tạo vườn tược, công trình vệ sinh, xây dựng cổng ngõ, chỉnh trang nhà ở sạch đẹp và trực tiếp tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới".
* Kinh nghiệm được rút ra!
Từ thành công của chương trình thí điểm ở xã Tân Hội có thể thấy, để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả mong muốn, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Công tác chỉ đạo phải đồng bộ, trong quá trình chỉ đạo thực hiện, công tác kiểm tra, đôn đốc và đánh giá, rút kinh nghiệm cần được duy trì thường xuyên để kịp thời phát hiện, phổ biến cách làm mới, hiệu quả và những bất cập cần điều chỉnh. Xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn cấp xã nên ban quản lý chương trình cấp xã đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện thành công chương trình. Đội ngũ cán bộ cấp xã và tiểu ban ở các thôn phải am hiểu chính sách, pháp luật, có trình độ, năng lực và tâm huyết với công việc. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, việc xây dựng đề án, kế hoạch phải thống nhất và bám sát quy hoạch, tập trung cao để thực hiện, nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc để chủ động tháo gỡ ngay từ cơ sở.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn nhưng thực sự hợp lòng dân, do người dân nông thôn là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò tổ chức, khuyến khích và hỗ trợ. Vì vậy cần tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích và duy ý chí. Mọi hoạt động trong xây dựng nông thôn mới phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ, thực hiện triệt để nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi".
* Cần tháo gỡ những khó khăn.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, có nhiều khó khăn vướng mắc đặt ra cần phải giải quyết. Đó là, tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa gắn với thực tiễn, đặc thù của từng vùng, miền; các tiêu chí về giao thông, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, chợ và giao thông nông thôn là khó khăn nhất đối với các địa phương hiện nay. Chẳng hạn, chỉ tiêu tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn mới bằng 1,4 lần bình quân chung của cả tỉnh. Bình quân thu nhập toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay đạt 25,5 triệu/người. Như vậy vùng nông thôn mới phải đạt trên 32 triệu/người. Đây là một chỉ tiêu khó và các địa phương đều băn khoăn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có tới hơn 60% người dân làm nông nghiệp và để đạt cơ cấu lao động theo tiêu chí nông thôn mới đồng nghĩa với việc phải giảm còn 35% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp. Đối với các xã thuần nông, việc chuyển đổi ngành nghề là vấn đề lớn, không dễ thực hiện được trong một thời gian ngắn.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, ngoài vai trò chỉ đạo theo chức năng của các ngành và Ban chỉ đạo cấp huyện, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhiệm vụ trọng tâm là phải sớm hoàn thành công tác quy hoạch, lập kế hoạch hàng năm và kế hoạch thực hiện theo tinh thần các văn kiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Xây dựng nông thôn mới không phải chỉ là xây dựng được các đề án khả thi, quá chú trọng vào xây dựng hạ tầng mà không chú ý đến phát huy năng lực sản xuất của người nông dân; quan tâm chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất tập trung với quy mô lớn để cho năng suất cao trên một đơn vị diện tích đồng thời, phải cụ thể hóa các tiêu chí, gắn với thực tế địa phương, triển khai thông qua hội nghị, sinh hoạt chi hội, tờ rơi đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, để các cấp, các ngành, các hộ dân thấy được mình có phần trách nhiệm trong kế hoạch tổng thể đó và thực hiện như thế nào.
Có thể nói, việc triển khai xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể người dân địa phương. Cần tránh tâm lý ỷ lại, trông chờ nguồn đầu tư của Trung ương, bởi thực tế vẫn có nhiều địa phương nghĩ rằng đây là chương trình đầu tư, có sự trợ giúp về vốn của cấp trên là chủ yếu. Trong huy động vốn, cần chú ý kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn ngân sách của Trung ương với tận dụng nguồn lực trong dân và đóng góp của doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, chính quyền và người dân địa phương cần nỗ lực hơn nữa để phát huy vai trò chủ thể của mình ra sức xây dựng nông thôn mới toàn diện về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"