Ông thợ rèn - “cha đẻ” máy tách vỏ cà phê

Trong một chuyến công tác tìm tư liệu để viết bài về nghề rèn, Chúng tìm đến ông thợ rèn Trương Diên Tỵ (58 tưổi) tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi hết sức bất ngờ khi được biết chính ông là “cha đẻ” của chiếc máy tách vỏ cả phê mà hiện nay có mặt trên mọi miền đất nước..

* Từ anh thợ rèn…

“Chú cứ hỏi bất cứ ai ở cái xã này, từ già đến trẻ họ đều biết ông Trương Diên Tỵ đấy, vì ông ấy là người đầu tiên sáng chế ra máy tách vỏ cà phê mà… Đó là người đã làm ra nhiều cái rất hay khiến ai cũng phải thán phục!..” – Đó là khẳng  ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường với chúng tôi. Để kiểm chứng thông tin trên chúng tôi đã hỏi thêm nhiều người lớn tuổi khác ở xã Xuân Trường, tất cả đều khẳng định ông Trương Diên Tỵ chính là người đầu tiên đã sáng chế ra máy tách vỏ cà phê vào những năm sau giải phóng.

Cuộc đời của ông Trương Diên Tỵ đã gắn liền với nghề rèn gia truyền từ nhỏ. Quê gốc ông vốn ở làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) - một vùng đất nức tiếng về nghề rèn từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Từ thuở còn thơ, ông Trương Diên Tỵ đã theo cha rong ruỗi nhiều nơi trong tỉnh Lâm Đồng để rèn liềm, cuốc, sẻng, thuổng… thuê để kiếm sống. Đến năm 15 tuổi ông đã trở thành thợ rèn lành nghề, được cha truyền hết bí kip nghề cơ khí, kể từ đó ông trở thành “vua rèn liềm” cắt trà ở các đồn điền tại Xuân Trường, Bảo Lộc, Di Linh cho người Pháp. Vì theo ông Tỵ thì các ông chủ người Pháp rất khó tính, liềm phải thật bén mới mua, mà để làm được chiếc liềm cho đúng chuẩn không phải ai cũng làm được mà phải có “bí quyết” trong việc sử dụng nước tôi. Sau giải phóng, các đồn điền trà của người Pháp được giao cho người Việt tiếp quản, nhiều diện tích trà cũng theo đó chuyển sang trồng cà phê Arabica.

* …. Cha đẻ máy tách vỏ cà phê

Ý tưởng về chiếc máy tách vỏ cà phê đến với ông Tỵ qua một lần nhìn mẹ già chân yếu, tay mềm mà vẫn phải dùng sức lực để nện cối tách vỏ cà phê lấy nhân. Ông nghĩ đến chiếc máy xay củ dong riềng mà trước đó ông đã chế tạo ra cũng có thể tách được hạt vỏ cà phê.

Nghĩ là làm. Ông đã ngay lập tức bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Từ chiếc máy xay củ dong riềng bằng gỗ mà trước đó ông đã chế tạo, để “nâng cấp” lên thành máy tách vỏ cà phê bằng tay quây. Sau một tháng tỉ mẩn nghiên cứu, tháo ra lắp vào, với  nhiều lần để thử nghiệm, chiếc máy tách vỏ cà phê bằng tay quây đầu tiên đã được hoàn thiện. Nhưng khi cho hoạt động thử, ông phát hiện ra nhược điểm là hạt cà phê theo võ ra ngoài nhiều và hạt bị dập nát cao. Ông Tỵ đã nghĩ cách khắc phục, cuối cùng ông phát hiện ra vì cây đinh trong vòng xoắn dài quá nên dẫn đến tình trạng trên. Sau khi điều chỉnh, chiếc máy tách vỏ cà phê của ông Tỵ coi như thành công. Với một nhà khoa học thì có thể dựa vào các công thức để tính toán tốc độ của lô xoắn, còn với một nông dân như ông thì công việc này hoàn toàn là làm mò.

Khi chiếc máy xay vỏ cà phê bằng tay quây của ông hoạt động “trơn tru” thì một buổi đi hái cà phê trong rẫy, thấy dòng nước suối chảy róc rách dưới chân đồi, ông Tỵ liền nghĩ ra cách lợi dụng lực nước để thay sức người quay trục máy tách vỏ cà phê. Về nhà ông Tỵ rèn thêm một bộ cánh quạt gắn vào trục gỗ để khi sức nước chảy qua trục gỗ tự động quay mà không cần sự can thiệp của con người lại có thể tách vỏ cà phê ngay tại rẫy.

Sau khi có máy nổ, rồi có điện, máy tách vỏ cà phê nhanh chóng được ông Tỵ cải tiến, nâng cấp lên một bước mới. Tất cả các bộ phận đều được ông chuyển sang thay thế bằng sắt, thép để chịu được sức rung đập khi chạy bằng điện. Máy gồm một thùng trên cùng dùng để đựng quả cà phê, sau khi mô tơ chạy sẽ kéo trục sắt quay cà phê trong thùng sẽ tự chảy xuống cọ sát làm dập quả sau đó đẩy ra ngoài sàng làm nhân sẽ lọt xuống phía dưới, vỏ theo một lối khác ra ngoài.


Thấy máy tách cà phê của ông Tỵ sáng chế và sản xuất rất thực dụng, nhiều gia đình ở Xuân Trường rồi các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… nườm nượp tìm đến đặt ông sản xuất đã tới đặt ông làm, kể từ đó ông Tỵ chuyển hẳn sang nghề sản xuất máy tách vỏ hat cà phê bán cho người dân. Ông Tỵ ước tính đã sản xuất trên 2.000 máy tách cà phê bán cho người dân trong và ngoài tỉnh. Ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường - cũng là khách hàng của ông Tỵ cho biết: “Ngày nay đã nhiều người có thể sản xuất được máy tách vỏ cà phê nhưng máy do ông Tỵ sản xuất lượng hạt sót theo vỏ rất ít và không bao giờ bị dập”. Đến nay, từ chiếc máy của ông đã  có mặt khắp trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên kể cả những các hãng cơ khí cũng không hề biết “cha đẻ” của chiếc máy này đến từ đâu!
* Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tâm – Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi có nghe nhiều người nói ông Trương Diên Tỵ chính là tác giả của chiếc máy nói trên, tuy nhiên do ông Tỵ không đi đăng ký Quyền sở hữu trí tuệ nên Sở không nắm”.

Còn ông Ngô Văn Đức – Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt thì cho biết: “Hàng năm Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có tổ chức cuộc thi “Sáng tạo nhà nông” nhưng Hội Nông dân xã Xuân Trường cho rằng đây là sáng tạo đã cũ nên không đăng ký, vì vậy Hội Nông dân thành phố không biết để đăng ký dự thi và hướng dẫn cho ông Tỵ làm thủ tục đăng ký Quyền sở hữu trí tuệ - đây là điều đáng tiếc”.

Ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường cho biết: “Rất tiếc là ông Trương Diên Tỵ đã không đi đăng ký Quyền sở hữu trí tuệ nên hiện nay quyền lợi của ông đã không được bảo hộ”. Trong khi đó nhà sáng chế Trương Diên Tỵ chỉ cười hóm hỉnh, nói: “Mình làm ra chẳng qua là giúp cho gia đình và nông dân bớt khổ trong sản xuất chứ có chủ trương thành nhà sáng chế gì đâu”.

CAO DIÊN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"