SÂN GOLF – THỦ PHẠM CHÍNH GÂY Ô NHIỄM HỒ XUÂN HƯƠNG?

Trong những năm gần đây, Chính quyền tỉnh Lâm Đồng và các nhà khoa học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và đưa ra nhiều giải pháp “cứu” hồ Xuân Hương, tuy nhiên đến nay chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Ngày 4/4, tỉnh Lâm Đồng lại tổ chức hội thảo “Các giải pháp xử lý bền vững ô nhiễm hồ Xuân Hương”, và lần này với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học đến từ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học phía Nam nhưng hình như một lần nữa giải pháp “cứu” hồ Xuân Hương lại bất thành!
* Sân Golf - thủ phạm chính gây ô nhiễm hồ Xuân Hương?
Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng, lượng rác thải đã chìm xuống lòng hồ và phân hủy thành chất hữu cơ, tạo môi trường phú dưỡng (lượng phốt-pho và ni-tơ cao), thuận lợi để nhiều loài sinh vật phát triển, nhất là tảo lam (Microcystis aeruginosa) thuộc nhóm vi khuẩn lam Cyanobacteria. Đây là loài tảo độc thuộc nhóm độc tố gan, có thể gây rối loạn tuần hoàn gan, sốt xuất huyết gan đối với động vật máu nóng và tạo các khối u. Theo đó, mỗi khi có nắng, hiện tượng quang hợp diễn ra thì mặt nước hồ chuyển toàn bộ sang màu xanh rêu lềnh bềnh váng xanh và bốc mùi hôi thối.



Hồ Xuận Hưng "lâm bệnh" 
Các nhà khoa học đều cho rằng nguyên nhân chính gây ô nhiễm Hồ Xuân hương là do Sân Golf. Vì hàng năm đơn vị này sử dụng là 9.087kg phân bón các loại, và hàng trăm kilogam thuốc trừ sâu, chất kích thích cũng đã được đơn vị chủ quản sử dụng để chăm sóc, bảo vệ mặt cỏ sân Golf. Sau khi sử dụng, một khối lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích và phân bón không kịp tan ngấm xuống đất đã theo nước mưa (hoặc nước tưới) chảy thẳng ra hồ Xuân Hương.
Bên cạnh đó, một lượng chất thải nông nghiệm từ phía thượng nguồn có lưu vực đất canh tác rộng khoảng 2.800ha vẫn theo dòng chảy đổ về hồ sau mỗi trận mưa.  Một nguyên nhân khác cũng góp phần làm hồ Xuân Hương ô nhiễm là phần lớn những mương nước thải chảy qua các khu dân cư chung quanh vẫn chưa được xử lý mà chảy thẳng vào hồ. Một số lò giết mổ trên đường Phan Chu Trinh cũng đã đẩy chất thải ra hồ Xuân Hương qua đường mương thái nước mưa.
* Lại lúng túng trong việc khắc phục ô nhiễm hồ Xuân Hương
Từ việc phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hồ Xuân Hương như ở trên, các nhà khoa học đã đóng góp hàng chục ý kiến về cách khắc phục ô nhiễm. Các nhà chuyên môn đã đưa ra các phương pháp tiêu diệt tảo lam từ chất hóa học bằng cách dùng hóa chất để xử lý; phương pháp ức chế sinh trưởng của tảo; sử dụng vi sóng để thu gom tiêu diệt tảo; trồng thự vật thủy sản trên hồ để hạn chế sự sinh sôi của tảo lam…
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân (Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để cải thiện và từng bước phục hồi chất lượng nước hồ Xuân Hương đòi hỏi phải xử lý triệt để nguồn thải trên lưu vực hồ. Tiến sĩ Quân đề xuất thử nghiệm công nghệ sinh thái kết hợp (đất ngập nước kiến tạo và đảo nổi thực vật) để xử lý ô nhiễm. Công nghệ này xây dựng và vận hành đơn giản, chi phí năng lượng thấp nhưng mang lại hiệu quả cao.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Hòa (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường) đề xuất giải pháp tổng hợp, trong đó cần có quy hoạch hợp lý về môi trường, xem xét kỹ các dự án phát triển kinh tế xã hội trong lưu vực hồ. Chú trọng quy hoạch thủy lợi, cải tạo hồ lắng, cải tạo ổn định hệ thủy sinh trong hồ, ngăn chặn dòng chảy từ sân golf về hồ và thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước hồ.
Có ý kiến cho rằng, nên tận diệt tảo lam bằng cách trồng… bèo tây trên hồ Xuân Hương. Bởi theo lập luận của nhà khoa học này, bèo tây có khả năng loại trừ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là hiện tượng phú dưỡng – nguyên nhân chính dẫn đến tảo lam xuất hiện ở hồ Xuân Hương.
Tuy nhiên, đề xuất trên ngay lập tức bị PGS. TS Lê Xuân Thám, phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng bác bỏ: “Tôi cho rằng bèo tây còn nguy hại hơn tảo lam hiện nay nếu chúng ta cho chúng sinh sôi nảy nở ở hồ”.
Như vậy, một lần nữa giải pháp “cứu” hồ Xuân Hương lại bất thành! Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt sớm có các giải pháp quyết liệt để “cưu” một thắng cảnh đã có thương hiệu, có ấn tượng trong lòng hàng triệu du khách và người dân địa phương, đừng đánh mất dần hình ảnh đẹp mà thậm chí có nguy cơ biến thành “nỗi ám ảnh” trong lòng du khách.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"