Lâm Đồng: Thay đổi chủ trương bồi thường, dân chưa thông

QĐND - Dự án sửa chữa, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Mađagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng được khởi công xây dựng vào tháng 12-2009, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11-2010. Để thi công dự án, 37.862m2 đất của 412 hộ dân ở thị trấn Mađagui bị thu hồi và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho ngành chức năng địa phương thực hiện lập hồ sơ, thủ tục để tiến hành bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, với tổng số tiền lên đến 22,4 tỷ đồng. Số tiền này do Công ty 7/5 - đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả cho người dân.
 Văn bản “đá” nhau
Để triển khai dự án này, từ tháng 2-2009 đến tháng 4-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công văn số 787, ngày 12-2-2009; công văn số 3929, ngày 9-6-2009 và công văn số 1831, ngày 18-4-2011, với nội dung chỉ đạo các ngành chức năng xúc tiến việc triển khai bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất bị thu hồi của 412 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên. Trong công văn số 1831, ngày 18-4-2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty 7/5 giải quyết dứt điểm kinh phí chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân trong tháng 5-2011. Quá thời hạn trên, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ có thời hạn việc thu phí đường bộ đối với dự án cho đến khi giải quyết xong công tác chi trả tiền bồi thường.
Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty 7/5 vẫn chưa chi trả số tiền này khiến người dân có đất bị thu hồi liên tục gửi đơn kiến nghị, đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng chi trả tiền đền bù.
Do người dân chưa nhận được tiền đền bù nên nhiều đoạn vỉa hè qua thị trấn Mađagui vẫn chưa thi công xong. Ảnh: Lê Cao Diên

Dự án đưa vào hoạt động được hơn một năm, chủ đầu tư đã tổ chức thu phí, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết thì bỗng dưng, ngày 1-8-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có công văn số 3977, trả lời các hộ dân: “Chủ trương của UBND tỉnh không thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có đất phải thu hồi nằm trong hành lang bảo vệ Quốc lộ 20, kể cả những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Văn bản này mâu thuẫn và đi ngược lại với chủ trương từ các văn bản trước đó của UBND tỉnh Lâm Đồng đã khiến hàng trăm hộ dân nơi đây bức xúc.
Ông Đoàn Văn Thanh, ở thị trấn Mađagui, có 90m2 đất ở bị thu hồi để triển khai dự án này cho chúng tôi biết: “Trong suốt quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh liên tục ra văn bản đốc thúc chủ đầu tư triển khai việc bồi thường cho dân, nhưng khi dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nay UBND tỉnh lại thay đổi chủ trương là không đền bù nữa. Vì lợi ích chung, chúng tôi đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công, nhưng đến bây giờ UBND tỉnh Lâm Đồng lại thay đổi, khiến người dân chúng tôi bị thiệt thòi.
Sớm bảo đảm quyền lợi cho người dân
Ông Khắc Đình Vĩnh có 150m2 đất bị thu hồi, có số tiền áp giá đền bù hơn 115 triệu đồng, cho biết: Sự đổi thay chủ trương về việc không bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án này của UBND tỉnh Lâm Đồng, đã khiến nhiều người dân trong vùng dự án rơi vào tình cảnh khốn đốn. Do tin là sẽ nhận được tiền bồi thường nên nhiều hộ dân có tên trong danh sách được nhận tiền đền bù đã lên kế hoạch đầu tư làm ăn, thậm chí nhiều hộ đã vay nóng khắp nơi để sửa chữa nhà ở, mua sắm xe gắn máy cho con đi học đại học. Bây giờ, khi không nhận được tiền đền bù, không có tiền trả nợ, khiến lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần ngày thêm chồng chất.
Ông Nguyễn Văn Phiên, ở khu phố 2, thị trấn Mađagui, có 1.250m2 đất bị thu hồi, với số tiền áp giá đền bù là 440 triệu đồng buồn rầu nói với chúng tôi: “Cách điều hành quản lý trước sau không như một của UBND tỉnh Lâm Đồng là khó có thể chấp nhận. Chúng tôi cần một lời giải thích cho thật thỏa đáng. Tuy nhiên, đã nhiều tháng qua, người dân chúng tôi vẫn chưa thấy đại diện cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng trả lời".
Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Mađagui, huyện Đạ Huoai, cho biết: “Từ khi nhận được chủ trương không đền bù diện tích đất bị thu hồi từ dự án sửa chữa, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Mađagui của UBND tỉnh, chính quyền địa phương cũng đã từng bước giải thích cho người dân nhưng họ không những không tin mà còn cho rằng chúng tôi đã nhận được tiền bồi thường nhưng không chịu chi trả, gửi ngân hàng để lấy lãi suất ăn chia. Chúng tôi mong UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm về trực tiếp đối thoại, giải thích cho người dân rõ”. 
Người dân trong vùng dự án rất cần câu trả lời của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"