Gia Lai: Vỡ nợ hay giở trò để "bợ” tài sản của dân?

Sau khi tuyên bố vỡ nợ hơn 7 tỉ đồng, gia đình bà Đoàn Thị Niềm liền tiến hành gán nợ cho các hộ dân vài tài sản bỏ đi được định giá như vàng nhưng nhiều người vẫn đặt bút vào ký nhận với tư tưởng “có còn hơn không” chứ chưa ai nhận được đồng nào bằng tiền mặt. Nhiều người đặt câu hỏi đây là vụ vỡ nợ thật hay là chiêu trò lừa gạt nhằm chiếm đoạt tài sản?

Nhiều ngày qua, hàng chục hộ nông dân bao vây nhà bà Niềm đòi nợ gây náo loạn cả khu vực. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số người kí gửi cà phê cho bà Niềm là 47 hộ bị “ăn trái đắng” với hơn 200 tấn cà phê tổng số tiền nợ là 7,5 tỷ đồng chủ yếu là các hộ gia đình nông dân nghèo ở xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai.

Người dân tụ tập trước nhà bà Niềm đòi nợ.

Tán gia bại sản vì đặt niềm tin không đúng chỗ!

Mấy nắm gần đây giá cà phê vào đầu mùa thấp, vì vậy người dân cứ kí gửi đợi khi cà lên giá sẽ bán. Bên cạnh đó nhiều hộ còn cho gia đình bà Niềm vay cả tiền mặt để đi thu mua nông sản trong vùng. Hầu hết các hộ dân trên hiện vẫn đang thế chấp “bìa đỏ” tại ngân hàng, hi vọng cà phê lên giá để đáo hạn cũng như để đầu tư tiếp tục vào năm tới. Và rồi khi gia đình bà Niềm tuyên bố vỡ nợ họ đối mặt với nguy cơ phải “ ra đường” vì đã vay nợ, cầm cố nhà cửa.

Ông Nguyễn Công Nam (thôn 4, xã Ia Krai) nghẹn ngào chia sẻ: “ Do mấy năm nay giá cả cà phê mất giá lên xuống thất thường, vì thế nhà tôi ký gửi cà phê cho bà Niềm từ năm 2014, tất cả là hơn 11 tấn. Trong hơn 2 năm đó gia đình chỉ mới ứng có 70 triệu, tính theo giá thời điểm hiện tại nhà bà Niềm còn nợ 400 triệu. Tôi làm được bao nhiêu cà phê là ký gửi hết, còn duy trì cuộc sống hàng ngày bằng cách đi làm thuê. Hiện gia đình tôi còn nợ ngân hàng số tiền 120 triệu đồng, đến tháng 10-2016 là đến hạn phải trả. Không những không có tiền trả, vụ tiếp theo không biết lấy vốn đâu để đầu tư. Căn nhà đang xây dở có nguy cơ bị mất ”.

Chứng từ cho thấy, trước ngày tuyên bố vỡ nợ, chồng bà Niềm đã bán tẩu tán một số tài sản

Bà Nguyễn Thị Vân trú Thôn 4, xã Ia Krái cho biết: “Là chỗ hàng xóm thân quen lại là đồng hương, bà Niềm có hỏi mượn cà phê của nhà mình để về trộn với cà phê nhà bà Niềm để bán không bị trừ phần % vì số cà phê trong kho nhà bà Niềm xấu. Không ngại ngần bà Vân cho bà Niềm mượn hơn 5,7 tấn cà phê. Khi nghe tin bà Niềm vỡ nợ, vợ chồng bà Vân lên thì được bà Niềm tuyên bố: “ Ký gửi hay mượn thì cũng như nhau, giờ không có cà để trả chỉ ghi giấy nợ thôi!”

Không cầm được lòng vợ anh Khiêm, khóc ròng mắt đã sưng húp: “Tôi ký gửi từ đầu vụ, tất cả hết 9 tấn cà phê nhân, so với giá hiện nay là 324 triệu đồng. Số tiền này đối với người lao động nghèo như công nhân chúng tôi phải gom góp, dành dụm để về thăm quê, sửa nhà, đóng tiền học cho con, đi chữa bệnh, hai vợ chồng làm lụng cực khổ nhiều năm, nhịn ăn nhịn mặc, để dành mãi mới được lại bị người ta lừa thế này không biết chúng tôi phải sống thế nào…”

Do nhà tôi không có kho bãi, với lại chỗ bà Niềm cũng quen biết lâu nay nên không nghĩ chuyện này lại xảy ra. Vợ chồng tôi cắm mấy cái “bìa đỏ”, dành dụm tiền đầu tư vào vườn tược nay không biết bấu víu vào đâu”.

Tài sản bỏ đi ... gán nợ thành vàng!

Trong những ngày diễn ra cảnh các hộ nông dân kí gửi nông sản đến bao vây nhà để đòi nợ, vợ chồng bà Niềm vẫn ung dung ngồi kí nhận nợ số tiền tương ứng với tài sản của các hộ dân đã kí gửi và gán lại một số tài sản của nhà mình cho các hộ dân với giá trên trời không hề do dự.

Cái quạt đã hoen gỉ được định giá 5 triệu đồng.

Ông Lý Minh Hoàng, Phó chủ tịch xã Ia Krai - cho biết, bà Đoàn Thị Niềm, chủ cơ sở thu mua, nhận ký gửi nông sản (ở thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị vỡ nợ đã thanh toán cho người dân được 4,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự thật của 4,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả của con nợ chỉ là miếng đất vườn và một vài tài sản cũ kỹ được định giá cao lên gấp nhiều người vẫn đặt bút vào ký nhận với tư tưởng “có còn hơn không” chứ chưa ai nhận được đồng nào bằng tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Vân (thôn 4, xã Ia Krai) bức xúc: “Cái dây băng chuyền để tải cà phê gia đình bà Niềm gán cho nhà tôi với giá 110 triệu đồng nhưng giá trị thực trên thị trường chỉ khoảng 30 triệu thôi, còn cái quạt cây và 1 cái xe kéo đã han rỉ nhưng bà Niềm tính cho nhà tôi với giá 10 triệu đồng thử hỏi như vậy có quá đáng không?”

Chiếc băng chuyền giá 30 triệu được bà Niềm gán nợ cho nhà ông Thiên lên 110 triệu.

Gia đình Ông Tươi cùng trú thôn 4 xã Ia Krái buồn bã tâm sự: “Khi thấy người ta “siết” tài sản của nhà bà Niềm tôi cũng vào lấy một bộ ghế đá thì được bà Niềm gán với số tiền lên 40.000.000đ- dù biết đó là sự vô lý như muốn gỡ gạc lên tôi mới lấy cho bỏ tức thôi chứ đời thuở nhà ai mà lấy mấy cục đá làm gì cho chật nhà…”

“Ngày nghe tin vỡ nợ, vợ chồng tôi còn lao động thuê vội bỏ việc chạy lên. Sau khi nhận được giấy ghi nợ, vợ chồng bà Niềm bảo cắt cho 5m ngang đất, giá của nó là 200 triệu, nghe mà chua xót. Đất ở cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà giá 200 triệu có 5m chiều ngang. Từ khi bất đắc dĩ nhận miếng đất nông nghiệp được định giá trên trời, tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Sau khi biết mình dính bẫy khi ký nhận miếng đất và mấy đồ vật không còn giá trị, chúng tôi đã đến trình báo UBND xã là không nhận số đồ trên. Khi nào cơ quan chức năng giải quyết, chúng tôi sẽ bàn giao lại”, ông Nam buồn bã nói.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Theo Ông Trần Xuân Bốn, hàng xóm của gia đình bà Niềm phản ánh, trường hợp của bà Niềm vỡ nợ không đúng mà là lừa gạt và có dấu hiệu lợi dụng sự tín nhiệm của người dân để trục lợi. Trước khi tuyên bố vỡ nợ vài ngày, bà Niềm còn tổ chức thu mua, vay mươn, nhận ký gửi cà phê của rất nhiều người với lý do “lấy cà phê mới trộn với cà phê cũ cho dễ bán”. Vì chỗ quen biết nhiều năm, làm ăn có uy tín nên được bà con tin tưởng mà ký gửi. Có bao nhiêu cà phê bà Niềm đều gửi cho đại lý ở thị trấn, trong kho bà Niềm giờ không còn hạt cà phê nào. Chúng tôi cũng đã tìm được các hóa đơn, phiếu cân do người nhà bà Niềm bán cà phê cho 1 công ty ở thị trấn giá hơn 4,6 tỷ và bán điều vào ngày 9-5-2016, vậy số tiền đó đã đi đâu?!”

Sau khi tuyên bố vỡ nợ, nông dân kéo đến nhà bà Niềm

Theo một cán bộ phòng đăng kí quyền sử dụng đất, huyện Ia Grai cho biết: “Trước khi tuyên bố vỡ nợ 3 ngày, gia đình bà Niềm đã trả nợ ngân hàng lấy “bìa đỏ” nhà đất về để chuyển hóa, trao tặng tài sản cho con cái. Theo chúng tôi, Cơ quan CA nên lưu ý vấn đề này vì đây có thể là dấu hiệu tẩu tán tài sản và câu chuyện vỡ nỡ đã được lên “ kịch bản” từ trước?

Theo quy định của pháp luật hình sự, những hành vi vay mượn, kí gửi tài sản hợp pháp rồi dùng thủ đoạn khác để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp hoặc có tài sản nhưng không chịu trả, tìm cách để chuyển hóa tài sản dưới mọi hình thức, thì được xem có dấu hiệu tội phạm ở tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 175 BLHS sửa đổi 2015.

Bên cạnh đó, việc vay mượn kí gửi tài sản hợp pháp nhưng không trả lại trong nhiều trường hợp vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “Sử dụng tài sản kí gửi khi chưa được sự đồng ý của người kí gửi ” theo điều 175 BLHS sửa đổi 2015.

Trên địa bàn Tây Nguyên trong vài năm qua có rất nhiều vụ đại lý thu mua nông sản tuyên bố vỡ nợ, nguyên do đều là làm ăn thua lỗ và người chịu thiệt luôn là nông dân, còn chủ cơ sở, đại lý thường phủi tay “coi như tai nạn ngoài ý muốn”. Do đó, người dân muốn lấy được tiền phải đơn từ, thưa kiện nhiều nơi, nhưng cũng khó đòi được. Trong khi chủ nợ lại thảnh thơi nói “tôi không lừa đảo, không chạy trốn, giờ tài sản không có trong tay… chờ khi nào có thì sẽ trả. Nếu muốn kiện thì sẽ theo hầu". Và dĩ nhiên, hành vi như vậy chỉ là “mang tính dân sự” nên người dân muốn thưa kiện, khép tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản rất khó.

Lê Kiên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"