Vì sao tỉnh Lâm Đồng từ chối trồng 200.000ha siêu dự án mắc ca?

Ngày 8-4, Ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng đã có cuộc họp bàn về việc trồng mắc ca tại địa phương, có rất nhiều ý kiến được đặt ra là trồng với diện tích bao nhiêu cho đúng với nhu cầu thực tế. Và con số cuối cùng được Ban chỉ đạo tỉnh này đưa ra là sẽ trồng dao động quanh mức 22.000ha, tức là giảm gần 90% so với dự kiến. Vì đâu Lâm Đồng thay đổi quyết định như trên?

Thực hiện trồng ồ ạt 200.000ha mắc ca là không thể.

Trước đó hai tháng, ngày 7-2, tại Lâm Đồng, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Cty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Post Bank) tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”.


Toàn cảnh tại hội thảo

Theo “chiến lược” này, trong vòng 5 năm tới Ngân hàng Lienviet Post Bank sẽ đầu tư cho Tây Nguyên khoảng 22.000 tỷ đồng cho nông dân, từ đó phát triển khoảng 250.000ha cây mắc ca. Dự kiến sẽ có khoảng 90% diện tích là của nông dân, phần còn lại là của doanh nghiệp, trong đó diện tích trồng xen sẽ chiếm đến 67%. Tỉnh Lâm Đồng sẽ được giao trồng 200.000ha và bắt đầu triển khai cụ thể từ năm 2015.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng sáng 8.4, Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trưởng ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng, cho biết tỉnh Lâm Đồng chỉ  đồng ý sẽ quy hoạch vùng trồng mắc ca, trước mắt dự kiến quy hoạch 22.025 ha giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở tái canh một số cây trồng đã già cỗi, hiệu quả kinh tế kém. Trong đó, trồng xen là 20.530 ha (chiếm 93% tổng diện tích), trồng thuần là 1.470 ha (chiếm 6% tổng diện tích) và 25ha là để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống (chiếm 1% tổng diện tích), chứ không thể thực hiện trồng ồ ạt 200.000ha mắc ca trong toàn tỉnh với ý định nâng diện tích mắc ca tại tỉnh gấp đôi diện tích toàn thế giới nhằm chiếm ưu thế chi phối thị trường nguyên liệu. Ông Phạm S lý giải việc không thể thực hiện dự án với con số 200.000ha: “Quy hoạch đất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 300.000ha, trong đó tổng diện tích cà phê và chè 170.000ha. Dù có trồng xen canh vào chè, cà phê cũng không đạt. Ưu thế sản lượng không phải là ưu thế cạnh tranh, chi phối toàn cầu. Thực tế cho thấy gạo, cà phê của Việt Nam có sản lượng hàng đầu thế giới nhưng chỉ số cạnh tranh dưới 10%. Trồng mắc ca cần thận trọng vì quá mới và thị trường chưa rõ, chú trọng công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu”.

Ông Nguyễn Đức Ba, (áo trắng) ở thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp khuyến cáo cần thận trọng với cây mắc ca vì thị trường còn quá mới mẻ và chưa rõ ràng. Him Lam phải có chương trình hợp tác cụ thể và lộ trình thật khoa học, bài bản để tránh những thiệt hại cho nông dân. Ít nhất người trồng phải biết được mắc ca dùng để làm gì, Him Lam sẽ thu mua ra sao, nhà máy chế biến sản phẩm ở đâu, công xuất thế nào, liệu nông dân trồng có được hợp đồng bao tiêu hay không..., vì đây là loại cây trồng cần nhiều vốn và kỹ thuật. Do đó, để tránh rủi ro không nên trồng ồ ạt.
Trước quyết định của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án phát triển cây mắc ca tại Lâm Đồng ngày 8.4, Ông Lê Văn Liền, giám đốc dự án mắc ca Lâm Đồng (Tập đoàn Him Lam), lo ngại 22.000ha thì chỉ cho sản lượng khoảng 40% sản lượng toàn thế giới hiện nay, do đó không điều phối được thị trường. Ông nói: “Ít nhất cho chúng tôi thực hiện trên diện tích 150.000ha”.

Những trái mắc ca đầu tiên tại Lâm Đồng

Còn ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CTCP Him Lam cho biết, mục đích của Him Lam là muốn đồng hành và giúp việc làm giàu chính đáng của bà con nông dân, dựa trên cơ sở thực tế đã chứng minh. Trong mọi trường hợp rủi ro xảy ra, nhờ có bảo hiểm nên người nông dân đều không bị thiệt, nếu không may bị mất mát thì chỉ có công ty bảo hiểm và Him Lam chịu. “Nếu địa phương nào ở Tây Nguyên còn do dự, chưa sẵn sàng triển khai và có quỹ đất phù hợp, Him Lam sẵn sàng đầu tư trồng 10.000 héc-ta nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân”, Chủ tịch Him Lam khẳng định.

Bình tĩnh để tránh rủi ro là cần thiết.

Tại hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, ngày 7.2, tại Lâm Đồng, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song họ cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này.

GS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha. “Trước mắt chỉ nên trồng khoảng 1/5 diện tích với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Quá trình phát triển cần phải thận trọng, trong đó coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả; coi trọng khâu chế biến”.

Vườn mắc ca đang cho trái bói của gia đình anh Bình (thôn 5, Lộc Nam)
Đáng chú ý, ở khâu chế biến, hiện nay, chưa có nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao tại Tây Nguyên, mới chỉ có 1 nhà máy chế biến đang được đưa vào xây dựng tại Đắk Lắk và 2 nhà máy chế biến đã được đưa vào hoạt động được 2 năm tại Đắk Nông. Xét về mặt thị trường tiêu thụ, vì sản lượng mắc ca Việt Nam còn thấp nên hạt mới chỉ được dùng để làm giống chứ chưa có giá trị thương mại cao. Ngoài ra, phần lớn số hạt mắc ca Việt Nam này mới chỉ được sử dụng trong thị trường nội địa. 
Hiện tại Việt Nam mới chỉ có các dự án nghiên cứu ở quy mô nhỏ lẻ tại các Viện Nghiên cứu chứ chưa có những đề án có quy mô rộng cấp quốc gia. Trong khi đó, cây mắc ca chủ yếu vẫn được trồng ở quy mô nhỏ, chủ yếu là xen canh với các loài cây công nghiệp như cà phê, điều, ca cao, hồ tiêu và một số cây ăn quả. Tỷ lệ trồng mắc ca là chưa lớn so với diện tích vườn (bình quân 0.5 - 2 ha, chiếm khoảng 20% - 30% diện tích đất cây lâu năm hiện có).

Theo Giáo sư Hoàng Hòe, “Cần phải rút kinh nghiệm từ việc canh tác các cây nông nghiệp khác để xây dựng chuỗi giá trị cho cây mắc ca, theo hướng bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá”

Việc đưa vào trồng loại cây mới như Mắc ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê. Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nếu tăng được diện tích, và năng suất thì Mắc ca là loại cây mũi nhọn đột phá, giúp Việt Nam quy hoạch lại bản đồ chiến lược nông nghiệp. Tuy nhiên, việc khuyến khích trồng Mắc ca cũng cần theo quy hoạch, tránh sự ồ ạt, dẫn đến những hệ lụy đã xảy ra đối với các loại cây trồng khác, gần đây nhất là cây cao su.
Như vậy, dự án đầy tham vọng của Him Lam ở Lâm Đồng, sau những hứng khởi ban đầu, giờ đây đã bắt đầu có sự phản biện, kể cả sự do dự cần thiết, để tránh mọi khả năng rủi ro có thể xảy ra, mà nói gì đi chăng nữa, người nông dân cũng bị thiệt hại. Đây là động thái rất cần thiết của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Lê Kiên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"