CẦN BÌNH TỈNH VỚI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÂY MẮC CA TẠI TÂY NGUYÊN

Ngày 7.2, tại Lâm Đồng, Ban Kinh tế TƯ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Post Bank) tổ chức Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. Từ hội thảo này bước đầu gợi mở một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, và đến thành vùng nguyên liệu “triệu đô” cho người nông dân Tây Nguyên. Song nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này để tránh những hệ lụy đã từng xảy ra đối với các loại cây trồng khác, mà gần đây nhất là cây cao su.

Ông Nguyễn Đức Ba, (áo trắng) ở thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)
Mắc ca có tên khoa hoc là Macadamia - Loài cây gốc Úc mới được nhập vào Việt Nam chừng 10 năm trở lại. Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là “cây tỷ đô” tại Việt Nam, với nhu cầu lớn trên thị trường thế giới.
Đất lành chờ… quả ngọt!.
Mặc dù hạt nhân mắc-ca được sử dụng cho các ngành chế biến thực phẩm, đồ ăn khô, hóa mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp nhưng trên thế giới không phải nơi nào cũng trồng được. Vì mắc ca rất “kén” điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu,k ể cả những khu vực được cho là trồng được, thì cũng chỉ có những nơi có tiểu vùng khí hậu phù hợp.
Tại hội nghị, ông Martin Novak - một chuyên gia trong ngành mắc ca đến từ Australia cho biết, cây mắc ca phải trồng trên loại đất tốt nên rất nhiều nước không thể trồng được loại cây này. Ông đánh giá, Tây Nguyên có thuận lợi là mắc ca có thể trồng xen vào các loại cây công nghiệp khác. Hơn nữa, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Việt Nam rất thuận lợi nên có thể nâng cao được sản lượng. Ông tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.

Vườn mắc ca trĩu trái của ông Nguyễn Đức Ba
Điều đó đã được chứng minh qua thực tế, cách đây 8 năm, ông Nguyễn Đức Ba, ở thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) nhận hạt giống và mắt ghép cây mắc ca của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mắc Đá, ở thành phố Đà Lạt, về trồng xen với cây chuối trên diện tích 8 sào. Sau 6 năm (2012), vườn mắc ca này đã cho quả bói. Đến năm nay, cây đậu quả chi chít, ước tính  vườn mắc ca 8 sào này sẽ cho thu hoạch trên 2,5 tấn quả khô, nếu giá như hiện nay, trừ chi phí  gia đình ông lãi trên 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Ba, phấn khởi nói: “Tôi trồng xen với cây chuối, mình chăm sóc cây chuối là chính, không phải đầu tư nhiều phân bón và nước tưới như cây cà phê”. Với kinh nghiệm nhà nông, ông Nguyễn Đức Ba cho rằng: “Trồng Mắc ca đem lại nhiều lợi ích hơn trồng cây cà phê. Điểm nổi bật của loại cây mắc ca này là thời gian thu hoạch cây khá dài. Do là loại cây rừng, nên sức sống của cây Mắc ca kéo dài ít nhất 80 năm. Hơn nữa, sức chịu hạn của cây cũng tốt hơn so với các loại cây trồng hiện tại ở địa phương”.
Ông Huỳnh Ngọc Thận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương cho biết: “Cây Mắc ca phù hợp với vùng đất này, những vườn măc ca của nông dân đều phát triển rất tốt, và cho năng suất khá cao”.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Him Lam cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam, cây mắc ca được trồng chủ yếu tại các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên với diện tích khoảng hơn 1500 ha; nhiều nhất tại các tỉnh Đăk Nông (600 ha), Đăk Lăk (500 ha), Lâm Đồng (400 ha).
Phát triển thành vùng nguyên liệu “triệu đô”.
Phát biểu tại hội thảo, GS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban kinh tế trung ương, cho biết cây mắc ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu. “Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển cây mắc ca để trở thành trung tâm mắc ca không chỉ của khu vực mà còn thế giới. Chúng ta có thể tin tưởng mắc ca Việt Nam có vị trí xức đáng trên bản đồ thế giới”.
Ông Trần Vinh, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mắc Đá cho biết: “1 ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi thu 5 tấn. Với giá chỉ cần 120.000 đ/kg đã thu được trên dưới 600 triệu đồng. Mắc ca cho doanh thu lớn hơn, trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc thấp hơn trồng cà phê. Nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao”.

Toàn cảnh tại hội thảo
Theo các chuyên gia thì cây Mắc ca có thể đạt năng suất cao trên 5 tấn hạt/ha/năm, đặc biệt là phải có tỷ lệ thu hồi nhân trên 40% sản lượng hạt, chất lượng tốt, bắt đầu cho thu hoạch sau 3 đến 4 năm trồng. Đến năm thứ 10 năng suất phải đạt 5 tấn hạt/ha/năm và từ năm thứ 15 trở đi có khả năng đạt tới 15 tấn hạt/ha/năm. Với giá bán của thị trường trên thế giới như hiện nay, một kg mắc ca nhân khoảng 33 đô la Mỹ, như vậy giá trị kinh tế mang lại là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, nhu cầu thị trường toàn thế giới đến 2020 cần khoảng 220 nghìn tấn nhân, tương đương 650 nghìn tấn hạt vỏ; trong khi nhu cầu đáp ứng đến thời điểm đó chỉ đáp ứng được 25 - 30%.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký các ngành sinh học Việt Nam, tỏ ra rất tin tưởng về giá trị kinh tế của cây mắc ca. Ông cho rằng nên chăng cần phải có một cuộc cách mạng cho Tây Nguyên và khẳng định chỉ cần mỗi hộ nông dân có 50 cây mắc ca thì cả Tây Nguyên sẽ được xóa đói giảm nghèo. Cây mắc ca sẽ là thế mạnh, đòn bẩy giúp Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công An, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm cùng với nhu cầu trong nước và trên thế giới về hạt mắcca, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên,” 
Cần tỉnh tỉnh táo khi phát triển thành vùng nguyên liệu “triệu đô”.
Tại hội thảo, theo Lienviet Post Bank, trong vòng 5 năm tới ngân hàng này sẽ đầu tư cho Tây Nguyên khoảng 22.000 tỷ cho nông dân để phát triển khoảng 250.000 ha cây mắc ca. Dự kiến sẽ có khoảng 90% diện tích là của nông dân, phần còn lại là của doanh nghiệp, trong đó diện tích trồng xen sẽ chiếm đến 67%. Đầu năm 2014, LienVietPostBank và Him Lam đã xây dựng đề án với trù tính quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó trực tiếp tham gia trồng 5.000 ha. Qua quá trình khảo sát, quy mô này được mở rộng dự kiến từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai cụ thể từ 2015. Đây là đề án đầu tiên hướng đến việc phát triển quy mô lớn loại cây này tại Việt Nam, được tổ chức từ tạo giống, quy hoạch vùng nguyên liệu và cho vay vốn, cũng như trực tiếp tham gia với các hộ nông dân trên địa bàn.
Hiện tại Việt Nam mới chỉ có các dự án nghiên cứu ở quy mô nhỏ lẻ tại các Viện Nghiên cứu chứ chưa có những đề án có quy mô rộng cấp quốc gia. Trong khi đó, cây mắc ca chủ yếu vẫn được trồng ở quy mô nhỏ, chủ yếu là xen canh với các loài cây công nghiệp như cà phê, điều, ca cao, hồ tiêu và một số cây ăn quả. Tỷ lệ trồng mắc ca là chưa lớn so với diện tích vườn (bình quân 0.5 - 2 ha, chiếm khoảng 20% - 30% diện tích đất cây lâu năm hiện có).
Đáng chú ý, ở khâu chế biến, hiện nay, chưa có nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao tại Tây Nguyên, mới chỉ có 1 nhà máy chế biến đang được đưa vào xây dựng tại Đắk Lắk và 2 nhà máy chế biến đã được đưa vào hoạt động được 2 năm tại Đắk Nông. Xét về mặt thị trường tiêu thụ, vì sản lượng mắc ca Việt Nam còn thấp nên hạt mới chỉ được dùng để làm giống chứ chưa có giá trị thương mại cao. Ngoài ra, phần lớn số hạt mắc ca Việt Nam này mới chỉ được sử dụng trong thị trường nội địa. 
Một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha. Theo khảo sát tại Tây Nguyên có 1 triệu ha phù hợp với cây mắc ca. Tuy nhiên theo giáo sư Hoàng Hòe, trước mắt chỉ nên trồng khoảng 1/5 diện tích với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Quá trình phát triển cần phải thận trọng, trong đó cần coi trọng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả; coi trọng khâu chế biến…

Cây mắc ca lâu năm nhất vừa phát hiện tại Đà Lạt
Đề cập tới chiến lược phát triển cây mắc ca, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam cho rằng, chỉ có công nghệ tiên tiến mới là chìa khóa cho chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Ông Minh đề xuất “Chính phủ cần có chính sách quy hoạch và sản xuất quy mô lớn cho mắc ca, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách cổ phần hóa đặc thù với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó quy định nông dân có thể góp cổ phần bằng ruộng/đất và trong trường hợp doanh nghiệp cổ phần thua lỗ hoặc phá sản, người nông dân không bị mất ruộng/đất”.
Theo ông Minh, Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể để kích thích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn trong nông nghiệp, nông thôn như chính sách ưu đãi thuế, vốn. Tăng cường thu hút đầu tư trong nước, khuyến khích các mô hình liên doanh nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, mang công nghệ mới, phương thức canh tác mới để cải tiến các yếu tố lạc hậu cũng như tạo ra sức ép cạnh tranh cho sản phẩm.
Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng: “Muốn có một vùng nguyên liệu lâu dài và bền vững, trước tiên cần có quy hoạch, phân vùng, ưu tiên và tạo điều kiện cho các công ty đã được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương triển khai vùng nguyên liệu trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến mắc-ca tại địa phương”.
Việc đưa vào trồng loại cây mới như Mắc ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê. Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nếu tăng được diện tích, và năng suất thì Mắc ca là loại cây mũi nhọn đột phá, giúp Việt Nam quy hoạch lại bản đồ chiến lược nông nghiệp. Tuy nhiên, việc khuyến khích trồng Mắc ca cũng cần theo quy hoạch, tránh sự ồ ạt, dẫn đến những hệ lụy đã xảy ra đối với các loại cây trồng khác, gần đây nhất là cây cao su.
Lê Kiên 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"