Vì đâu nông dân đem sữa bò đi đổ bỏ?

Trong những ngày đầu năm 2015, hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) phải đem hàng ngàn lít sữa bò nguyên liệu đi đổ vì một phần là để phản ứng công ty “lật kèo”, và một phần là do việc phát triển đàn bò thiếu định hướng của địa phương, dẫn đến “khủng hoản thừa” làm cho người nông dân điêu đứng. Giải pháp nào cho nông dân nuôi bò?

Những con bò sữa trăm triệu có nguy cơ bị bán tháo!
Doanh nghiệp “lật kèo” – nông dân lãnh đủ!
Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi về huyện Đơn Dương, khi phãi chứng kiến cảnh hàng chục hộ dân chăn nuôi bò sữa của hai xã Tu Tra, Đạ Ròn đã tập trung tại trạm thu mua sữa của Cty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk; đã chuyển nhượng lại cho TH True Milk) để phản đối về việc công ty này “lật kèo” đưa ra hạn mức chỉ thu mua giới hạn 16 lít sữa/con bò/ngày. Quy định đó hoàn toàn ngược với hợp đồng đã được ký kết trước đó giữa Dalat Milk với những nông hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương, là đơn vị sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, mà chúng tôi cảm thấy xót xa.

Nông dân đổ sữa trước trạm thu mua sữa để phản ứng
Theo phản ánh của những nông dân này, họ đã ký kết hợp đồng với với Công ty sữa Dalat Milk đóng chân trên địa bàn sẽ "thu mua toàn bộ lượng sữa nguyên liệu” của họ làm ra. Tin vào cam kết của Công ty, nông dân đổ xô nuôi bò, và mọi việc suôn sẽ được một thời gian thì dung một cái, ngày 7/1/2015, Công ty sữa Đà Lạt Milk đột ngột “lật kèo” và ra thông báo chỉ thu mua ở mức khống chế 16 lít sữa trên một con bò cho sữa đã ký kết (trong khi trung bình mỗi ngày một con bò sữa ở Lâm Đồng cho thu không dưới 20 lít, có con cho đến 30 - 35 lít). Số sữa thừa còn lại những hộ này phải đem cho hoặc đổ bỏ vì chỉ sau 2 tiếng nếu không được đưa vào kho lạnh bảo quản sữa sẽ bị chua, hư hỏng.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Chủ nhiệm HTX Bò sữa thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra cho biết, địa phương có hơn 180 hộ chăn nuôi bò sữa đã ký hợp đồng bán sữa nguyên liệu cho TH True milk (trong đó hơn 100 hộ được Công ty Sữa Đà Lạt milk chuyển nhượng lại). Hợp đồng này hiện vẫn còn thời hạn. Ngày 7/01/2015, TH True milk thông báo chỉ mua 16 lít sữa/con bò/ngày. Việc này khiến người chăn nuôi bị thừa sữa nguyên liệu bởi mỗi ngày 1 con bò có thể cho đến 25 lít sữa. Lượng sữa thừa này gần như không thể bán được ra ngoài. Không chỉ thế, giá sữa nguyên liệu cũng giảm xuống khoảng 2.000 đồng/kg, còn chừng 12.000-12.500 đồng/kg đã khiến người dân bị thiệt hại kép. Ông Nhật nói trong bức xúc: “Lúc triển khai hợp đồng với nông dân thì Công ty giới thiệu hay quá. Vì tin vào công ty nên mình mới đi vận động người dân tham gia nuôi bò, ai ngờ…. Hành động đổ bỏ sữa của nông dân là do quá bức xúc. Họ bị thiệt hại không nhỏ”.
Anh Trịnh Văn Trọng ở thôn 2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) nói với giọng buồn rầu: "Năm 2013, thấy nghề nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định, tôi đánh liều cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua mấy con bò. Đến nay, đàn bò của tôi lên đến 12 con. Trong số đó, có gần một nửa đã cho sữa. Hiện mỗi ngày tôi thu gần 100 lít sữa. Tôi chưa ký được hợp đồng với công ty sữa nào cả nên hằng ngày phải mang sữa bán cho các cơ sở làm sữa chua với giá trên dưới 5.000 đồng/lít nhưng vẫn cứ bị họ chê ỏng chê eo. Có hôm ế ẩm phải mang về cho hàng xóm nhưng rồi cũng không ai thèm nhận, đành phải đổ bỏ. Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều nhà khác ở trong xã này cũng phải ngậm đắng nuốt cay!”

Dù phải đêm đi đổ nhưng nông dân phải lấy sữa hàng ngày
Tương tự, ông Phạm Hải Thái, thôn Cầu Sắt, phản ánh: “Tôi có 10 con bò, mỗi ngày thu được hơn 200 lít sữa, nhưng họ chỉ mua 160 lít. Số sữa dư tôi không thể bán được và cũng rất khó bảo quản nên chỉ còn cách mang đi đổ. Với giá hiện tại, một ngày gia đình tôi mất gần cả triệu đồng”.
Chị Trần Thị Liễu ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) than thở: "Dốc toàn bộ vốn liếng, gia đình tôi mua 2 con bò sữa với giá hơn 80 triệu đồng một con để mong được "đổi đời". Nào ngờ, đến nay, bò bắt đầu cho sữa, chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng sữa không thể tiêu thụ được nên tôi đành kêu người bán bò để mong thu hồi lại chút vốn nào hay chút đó. Trước, mua đến hơn 80 triệu một con; nay kêu bán với giá không đến 50 triệu đồng, vẫn không có người dám mua".
Ông Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: “Chưa kể các chi phí khác thì mỗi con bò sữa có giá lên đến gần trăm triệu đồng. Trước tình trạng ế ẩm nguyên liệu như hiện nay, những người nuôi bò sữa tự phát đang đứng trước những khó khăn rất lớn”. 
Công ty sữa “né” trách nhiệm - Ngành chức năng bất lực?
Trước việc hàng ngàn lít sữa phải đem đi đổ hàng ngày, bà con nông dân đã nhiều lần  đến công ty sữa khiếu nại, yêu cầu đơn vị này lý giải về nguyên nhân khiến doanh nghiệp này hạn định số lượng sữa thu mua, và phải bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đã ký kết. Thì ông Ngô Minh Hải - Tổng giám đốc Dalat Milk cho rằng việc khống chế lượng sữa mua vào là nhằm tránh tình trạng sữa trôi nổi (của các hộ dân không có hợp đồng) len lỏi vào. Hơn nữa, lượng sữa nguyên liệu tăng nhanh đang gây sức ép cho việc tiêu thụ và sản xuất của công ty. Ông Minh giải thích thêm: "Công suất tối đa của nhà máy chế biến sữa của Công ty chỉ 4 tấn sữa mỗi ngày. Nhưng mấy ngày qua, có ngày chúng tôi "buộc phải" thu mua đến những 9 tấn nên gây quá tải, khiến chúng tôi bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế; bởi sữa thu mua không thể bảo quản lâu được".
Trong khi đó, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lại khẳng định. Số bò sữa nuôi tự phát ước chừng chưa đến 1.000 con. Như vậy, lượng sữa trôi nổi len lỏi vào các công ty (nếu có) thì cũng không đáng kể. “Trên địa bàn có đến 3 công ty thu mua sữa nguyên liệu. Tôi không nghĩ rằng chỉ với hơn 13.000 con bò sữa mà đã thừa nguyên liệu đến mức đó. Có lẽ có điều bất ổn khác ở đây!”.

Người chăn nuôi nói từ trước đến nay chưa nhận được cảnh báo từ chính quyền
Bà Đinh Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Cầu Sắt (xã Tu Tra) rất bức xúc, khi cho rằng quy định mới này của Dalat Milk đã đẩy người chăn nuôi bò sữa ở đây vào con đường cùng. Bởi chu kỳ sữa của một con bò bình quân 20 lít/ngày, cao nhất có thể lên đến 35-40 lít/ngày. Nhưng Dalat Milk chỉ thu mua như vậy, nên số sữa còn lại chỉ có cách đổ bỏ. “Trong khi chúng tôi khuyến khích nông dân nâng cao chất lượng và sản lượng sữa thì công ty lại ép sản lượng xuống. Điều đó thật vô lý”.
Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng không đến mức thừa sữa nguyên liệu. Tuy nhiên do việc người dân tự phát quá nhiều khiến doanh nghiệp lo ngại. “Phản ứng vừa qua của TH True milk cũng dễ hiểu, chỉ có điều cách làm của họ không được tế nhị nên khiến nông dân bức xúc” - ông Minh nói.
Cách trả lời né tránh trách nhiệm của đơn vị thu mua sữa khiến bà con nông dân rất bất bình. Họ đặt câu hỏi vì sao công suất nhà máy chế biến sữa của Công ty nhỏ sao công ty vẫn tiếp tục ký hợp đồng và khuyến khích nông dân tiếp tục phát triển đàn bò? Đó là chưa nói đến việc hiện nay, ngành sữa Việt Nam mới chỉ cung cấp được 25-30% nhu cầu nguyên liệu sữa trong nước. Tình trạng trong khi DN vẫn thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu sữa mà nông dân lại ào ạt đổ sữa đi như trên có vẻ khá nghịch lý.
Hậu quả của việc phát triển thiếu định hướng?
Tại cuộc họp tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng ngày 16.1 tại huyện Đơn Dương, ông Nguyễn Văn Yên- Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định: Tỉnh Lâm Đồng xác định ngành chăn nuôi bò sữa sẽ là ngành chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Dựa trên cơ sở thực tế, khả năng của nông dân và doanh nghiệp  và theo lộ trình phát triển ngành bò sữa, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển trên 30 ngàn con bò sữa. Tuy nhiên, việc tăng đàn quá nhanh đã dẫn đến sự việc người dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sữa nguyên liệu, một số hộ bức xúc đã đổ sữa ra đường: “Theo lộ trình, đến năm 2020, tổng đàn bò sữa của tỉnh sẽ phát triển hơn 30.000 con. Con số 13.600 con trong hiện tại không phải là con số quá lớn so với kế hoạch đến năm 2020, nhưng lại là con số tăng trưởng “nóng” khiến cho các doanh nghiệp chế biến sữa không theo kịp”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên chủ trì cuộc họp
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận việc phát triển đàn bò sữa của tỉnh đã vượt quy hoạch. Điều này đã dẫn đến nguồn cung cấp sữa tươi vượt quá nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa thô cho người chăn nuôi gồm Vinamilk, Cô gái Hà Lan và Dalatmilk. Tuy nhiên, đến nay cả 3 công ty đều không có nhu cầu ký thêm hợp đồng thu mua sữa mới mà đang siết chặt quản lý chất lượng sữa. Riêng Công ty Vinamilk thu mua tới 70% lượng sữa toàn tỉnh.
Theo số liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh hiện nay là 13.600 con, bằng 148% so với kế hoạch (kế hoạch là 9.200con) và tăng 78% so với năm 2013. Trong đó, tổng đàn bò vắt sữa chiếm khoảng 50% tổng đàn, sản lượng sữa tươi sản xuất ra khoảng 100 tấn/ngày, tổng sản lượng sữa tươi năm 2014 ước đạt khoảng 35.000 tấn. Trong đó, huyện Đơn Dương có số lượng bò sữa nhiều nhất khoảng 8.448 con, được nuôi tập trung ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn, Quảng Lập và xã Lạc Xuân. Số lượng bò cái cho sữa chiếm khoảng 4.000 con với sản lượng sữa tươi sản xuất ra 70 tấn/ngày. Trong đó, 3 công ty đóng chân trên địa bàn huyện chăn nuôi bò sữa tập trung có quy mô trang trại với số lượng 2.850 con, cho sản lượng sữa tươi 25 tấn/ngày. Hơn 68% tổng đàn bò sữa của huyện được gần 700 hộ dân chăn nuôi, sản lượng sữa tươi mà người dân sản xuất ra trong ngày lên tới 45 tấn. 
Ngoài tiêu thụ lượng sữa sản xuất ra, ba công ty bao gồm: Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và Công ty FrieslandCampina Việt Nam (Cô gái Hà Lan) ký kết hợp đồng thu mua sữa tươi trong dân phục vụ chế biến, kinh doanh  tiêu thụ sữa. Các công ty này đã đặt 7 trạm thu mua có tổng công suất thiết kế khoảng 47 tấn sữa/ngày với giá thu mua dao động từ 12-14 ngàn đồng/kg sữa tươi. Nguyên nhân của sự gia tăng đột biến này là do sự phát triển tự phát, chủ quan của người chăn nuôi. Đàn bò sữa tăng quá nhanh khiến các công ty thu mua sữa bị quá tải đã dẫn đến sự việc người dân bức xúc đổ sữa ra đường để phản đối trong những ngày vừa qua. 
Nguyên nhân của sự đột biến này vẫn là do sự chủ quan của người chăn nuôi và sự định hướng mất kiểm soát của ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù vốn đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận đem lại từ nghề nuôi bò sữa lại rất cao, do vậy nhiều hộ chăn nuôi đã không ngần ngại đổ hết vốn liếng, thậm chí vay ngân hàng để tậu bằng được cho mình vài con bò sữa giống. Đáng lo ngại là cả tỉnh có hơn 200 hộ nuôi khoảng 1.000 con bò chưa được ký hợp đồng với các Cty (VinaMilk, DalatMilk Cô gái Hà Lan) nên đang phải bán đổ bán tháo sữa bò.
Ông Lê Văn Minh, GĐ Sở NNPTNT Lâm Đồng, cho biết, mặc dầu vốn đầu tư nuôi bò sữa là không nhỏ (trước đây, một con bò sữa có giá những 70 - 100 triệu đồng) nhưng vì lợi nhuận, nhiều hộ đã dồn toàn bộ vốn liếng và cả vay nợ ngân hàng để mua bò về nuôi. "Số hộ có nuôi bò nhưng không "khai báo" chắc chắn là còn nhiều lắm. Còn theo số liệu thống kê được từ các hộ đã "khai báo" thì hiện cả tỉnh có hơn 200 hộ nuôi khoảng 1.000 con bò chưa được ký hợp đồng với các công ty (VinaMilk, DalatMilk Cô gái Hà Lan) nên đang phải bán đổ bán tháo sữa bò".
Bà Lê Thi Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương nói trong bất lực: "Đạ Ròn nói riêng và huyện Đơn Dương nói chung, đàn bò sữa trong dân phát triển quá nhanh, phát triển ngoài tầm kiểm soát của địa phương”.
Giải pháp nào cho người nôi bò sữa?

Nông dân nuôi bò đứng trước công ty sữa phản ứng việc lật kèo
Dù nguyên nhân do đâu thì người nông dân vẫn là những người phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Sau khi sự việc xãy ra, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc để tìm cách tháo gỡ những khó khăn mà ngành bò sữa đang gặp phải. Ngay sau đó, các cấp chính quyền, các ngành tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng vào cuộc để giải quyết những khúc mắc của bà con. Đến nay, về cơ bản các hộ chăn nuôi đã ký kết hợp đồng với các công ty thu mua sữa đã bán sữa ổn định trở lại. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tức thời, còn về lâu dài thì thiết nghĩ ngành chức năng cần có định hướng cụ thể để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân. Cần nhanh chóng thành lập HTX và tổ hợp tác nhằm liên kết giữa doanh nghiệp - HTX và xã viên nhằm liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển; khuyến cáo người chăn nuôi bò sữa không tăng đàn cơ học vào thời điểm hiện tại; tích cực tuyên truyền cho người chăn nuôi về chủ trương quy hoạch phát triển ngành bò sữa; chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là kiểm soát con giống; các công ty thu mua sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để nâng công suất chế biến, tăng thời gian tiêu thụ các sản phẩm sữa và tìm cách phát triển thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu phía các công ty thu mua sữa cần tôn trọng hợp đồng với người chăn nuôi, khi hợp đồng cũ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có sự thương lượng với các hộ chăn nuôi có mặt của chính quyền địa phương để nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên. Với tất cả những giải pháp xử lý như trên, hy vọng trong thời gian tới ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung sẽ ổn định.
Lê Kiên (Cao Diên) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"