Toàn cảnh vụ xét xử đại án "bầu" Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Bầu Kiên nhận 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng

Ngoài việc xác định Nguyễn Đức Kiên dùng thủ đoạn xảo quyệt thực hiện 4 tội danh, tòa tuyên bố khởi tố thêm 2 vụ án liên quan ACB và Huỳnh Thị Huyền Như.

8h20 hôm nay, sau nửa tháng xét xử, TAND Hà Nội đã ra phán quyết với 8 người bị cáo buộc kinh doanh trái phép, cố ý làm trái gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng.

Mở đầu phần tuyên án, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (Phó chánh án TAND Hà Nội) thay mặt HĐXX tóm tắt lại nội dung vụ án. Bị cáo đầu vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) nghe luận tội với thái độ bình tĩnh, thi thoảng cười mỉm.
Sau hơn nửa tiếng đứng nghe bản án, trong 7 bị cáo xin ngồi, riêng cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải vẫn đứng.


Theo tòa, ngày 15/5/2007 đến 3/8/2008, Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch hội đồng thành viên để tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái quy định với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Cũng thông qua một trong các công ty này, ông Kiên bị cáo buộc trốn thuế hơn 25 tỷ đồng trong thương vụ kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ngân hàng ACB. Ông Kiên còn bị truy tố đã lừa đảo bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp tại ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát, chiếm đoạt 264 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, bị cáo Kiên còn cùng cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải, 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) chiếm đoạt.

Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các sếp của ACB còn bị cáo buộc đã ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.

9h40, khép lại phần đọc nội dung vụ án, chủ tọa nêu lại quan điểm của luật sư Bầu Kiên cho rằng thân chủ không phạm tội Kinh doanh trái phép, việc góp vốn là hoạt động đầu tư theo quy định của luật doanh nghiệp, không phải là kinh doanh tài chính như cáo trạng nêu. Còn việc kinh doanh vàng là kinh doanh vàng phái sinh, vàng trạng thái (sản phẩm bình thường) nên không phạm tội.

Về cáo buộc 6 cựu quan chức ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank khiến bị Huyền Như chiếm đoạt, theo quan điểm của luật sư, việc này "không trái quy định tại luật các tổ chức tín dụng năm 1997". Ngày 1/1/2011, luật này mới có hiệu lực nên Bầu Kiên và đồng phạm không làm trái. Việc chiếm đoạt 718 tỷ đồng theo các luật sư là do lỗi của Vietinbank nên phải trả lại ACB số tiền này.

Về việc đầu tư cổ phiếu, các luật sư cho rằng, không có sai phạm trong chủ trương này của các thành viên HĐQT ngân hàng ACB.

Bản án cũng cho biết, tại tòa, Vietinbank không thừa nhận có sai phạm trong quá trình nhận tiền do các nhân viên của ACB gửi. Vietinbank cho rằng các nhân viên trên không thực hiện đầy đủ các quy định về việc gửi tiền dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền. Vì thế, Vietinbank không có trách nhiệm gì về số tiền trên...

 Tuy nhiên, HĐXX nhận định, Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty đã kinh doanh không đúng đăng ký hơn 21.400 tỷ đồng. Các công ty này không có giấy chứng nhận kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, thực tế không có hoạt động kinh doanh gì khác ngoài lĩnh vực này. Điều đó cho thấy, mục đích lập các công ty trên Bầu Kiên chủ yếu kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Hành vi kinh doanh của bị cáo Kiên núp dưới hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, thoả mãn đầy đủ dấu hiệu kinh doanh trái phép. Qua đây, việc phát hành cổ phiếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có sự giúp sức của Ngân hàng Vietbank và Kienlongbank. Tòa đề nghị cơ quan điều tra làm rõ việc này, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý.

Về hoạt động kinh doanh vàng, HĐXX cho rằng Công ty Thiên Nam (một trong 6 công ty trên) không đăng ký kinh doanh "mặt hàng" này. Ngoài kinh doanh giá vàng qua tài khoản nước ngoài, Thiên Nam còn kinh doanh vàng trong nước với ngân hàng ACB.

Tại toà, đại diện Ngân hàng nhà nước cho rằng việc kinh doanh vàng phải chịu sự quy định của nhà nước. Kinh doanh vàng nói chung đều phải đăng ký. Theo biên bản thỏa thuận của HĐQT, Công ty Thiên Nam đã uỷ quyền cho Bầu Kiên đặt lệnh trên hệ thống ghi âm của Ngân hàng ACB. Điều đó cho thấy, việc thực hiện ký các lệnh của giám đốc Thiên Nam Lê Quang Trung chỉ là hình thức, Bầu Kiên mới là người quyết định. Cho nên, việc bị cáo Kiên cho rằng ông Trung phải chịu trách nhiệm là không có căn cứ.

HĐXX cho rằng bị cáo Kiên không thành khẩn khai báo nên cần có bản án nghiêm khắc về hành vi này.

Về hành vi trốn thuế, theo tòa, Công ty B&B do Bầu Kiên làm chủ tịch đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính với ACB thực hiện giao dịch tài chính để kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2009-2010, B&B kinh doanh có lãi, trong đó có cả kinh doanh vàng trạng thái có lãi nhưng không kê khai. Kết luận của Bộ Tài chính cho thấy, thuế thu nhập phát sinh mà B&B phải nộp là hơn 25 tỷ đồng. Từ sự phân tích trên, HĐXX nhận thấy bầu Kiên đã trốn thuế 25 tỷ đồng theo đúng truy tố của VKSND Tối cao. Hậu quả gây ra đến nay chưa khắc phục, cần phạt gấp 3 lần số thuế đã trốn là hơn 75 tỷ đồng, sung công quỹ nhà nước.

Về hành vi lừa đảo của Bầu Kiên, tòa nhận thấy, theo tài liệu và lời khai của ông Trần Đình Long (Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát) và Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc Thép Hòa Phát), hai người tham gia thoả thuận với Bầu Kiên, khi đàm phán, hai ông này không biết 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát mua của ACBI đang được thế chấp tại ACB.

Bầu Kiên khai không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng bán cổ phiếu trên cho phía Hòa Phát. Thực tế bị cáo hoán đổi cổ phần khác cho ACB. Qua các lời khai, tài liệu, tòa xác định, Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát đã chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI. Trong khi đó, khi nhận tiền, Chủ tịch HĐQT ACBI là bị cáo Kiên không có bất cứ hành vi nào về việc đề nghị giải chấp số cổ phần này. "Điều đó cho thấy ý thức chiếm đoạt của bị cáo", bản án nhận định. HĐXX cho rằng bị cáo Kiên không thành khẩn nên đề nghị có hình phạt nghiêm khắc, phạt bổ sung 100 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.

Về hành vi cố ý làm trái của bị cáo Kiên, HĐXX cho rằng căn cứ biên bản làm việc giữa thanh tra Ngân hàng nhà nước và ACB, xác định việc HĐQT ACB ra nghị quyết đồng ý uỷ thác cho nhân viên gửi tiền là "hoàn toàn sai".

Dù Vietinbank hay Huyền Như phải chịu trách nhiệm số tiền trên thì ACB vẫn chưa thu hồi được. Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến hậu quả mất 718 tỷ đồng nên HĐXX nhận thấy các bị cáo Kiên, Quang, Kỳ, Hải, Cang, Tuấn.. có đủ dấu hiệu phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Về trách nhiệm dân sự, 718 tỷ đồng đã được giải quyết trong vụ án Huyền Như nên không giải quyết trong vụ án này.

Theo HĐXX, vụ án này Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB) là người trực tiếp liên hệ với Huyền Như về việc gửi tiền, thoả thuận lãi suất vượt trần, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt. Việc Huyền Như chiếm đoạt trót lọt có sự giúp sức của người này nên cần khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá hành vi cố ý làm trái của 6 cựu quan chức ACB trong việc mua cổ phiếu, HĐXX cho biết theo quy định công ty sở hữu 50% cổ phần của một công ty khác thì không được đầu tư mua cổ phiếu. Bản chất Công ty ACBS (Công ty chứng khoán ACB) do ACB sở hữu 100% cổ phiếu. Vì muốn mua cổ phiếu của chính mình, để lách luật, ACB cho Vietbank, KienLongbank vay rồi hai ngân hàng này cho ACI và ACI Hà Nội vay. Điều này cho thấy ACB không thể chuyển trực tiếp tiền sang ACBS mà phải qua trung gian là hai ngân hàng (dưới hình thức mua trái phiếu của ACI và ACI Hà Nội), như vậy "tiền của ACB vẫn là của ACB".
Qua lời khai của những người liên quan khác, tòa thấy có cơ sở xác định việc mua cổ phiếu trên là trái quy định. Toàn bộ việc mua trái phiếu ACI, ACI Hà Nội được mã hoá dưới hình thức hoạt động liên ngân hàng. HĐXX cho rằng đủ cơ sở xác định việc thống nhất ban hành chủ trương đầu tư mua chứng khoán của các thành viên HĐQT ACB đã gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
Theo HĐXX, Bầu Kiên với tư cách phó chủ tịch Hội đồng sáng lập  giữ vai trò quan trọng trong việc ra các nghị quyết, thực hiện chủ trương đầu tư cổ phiếu. Ông này tuy không còn không tham gia HĐQT nhưng là cổ đông lớn nên có ảnh hưởng lớn tới các quyết định, nghị quyết của ACB.
11h40, HĐXX xác định bị cáo Kiên giữ vai trò quan trọng, chủ mưu, không khai báo thành khẩn.
Bị cáo Lý Xuân Hải có vai trò sau bị cáo Kiên nhưng cao hơn những đồng phạm khác. Ông Hải bị xác định là người điều hành uỷ thác cho nhân viên gửi tiền, tham gia chủ trương mua cổ phiếu... Theo tòa, hai bị cáo này cần áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt. Tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo Kiên tại TP HCM. Các bị cáo còn lại được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo đó, ông Kiên bị phạt 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng về tội Trốn thuế, 20 năm về tội Lừa đảo, 18 năm do Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 30 năm; nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán ACBI) nhận 5 năm.
Đồng tội danh Cố ý làm trái, cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải lĩnh 8 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ án 5 năm, Trịnh Kim Quang lĩnh 4 năm, Phạm Trung Cang án 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn chịu hình phạt 2 năm.

Tòa kiến nghị qua vụ án, Ngân hàng nhà nước cần rà soát lại các văn bản, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn kịp thời chủ trương cho các ngân hàng. Bộ Kế hoạch & đầu tư cũng cần rà soát các văn bản pháp luật.

TAND Hà Nội tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Huỳnh Thị Huyền Như của Huỳnh Thị Bảo Ngọc".

Sau khi tòa tuyên án, các bị cáo nhanh chóng bị áp giải ra xe đi về trại giam. Một số người thân của họ đã bật khóc khi rời phòng xử.
............................................................................... 
Lời cuối tại tòa, bầu Kiên "mơ" Việt Nam vào World cup

Trong lời nói sau cùng tại tòa sáng nay, bầu Kiên đã xin lỗi người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là cổ động viên bóng đá Hà Nội. Bầu Kiên cũng tiếp tục khẳng định mình vô tội.
Sáng nay (2/6), Tòa sơ thẩm TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các bị cáo liên quan. HĐXX cho phép 8 bị cáo nói lời sau cùng tại tòa và chuyển sang phần nghị án. Trước đó, chiều 30/5, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đã tuyên bố kết thúc phần tranh tụng của luật sư các bên với cơ quan công tố.


Bầu Kiên nói lời cuối tại tòa sáng nay
Ước mơ đưa bóng đá Việt Nam dự World cup

Trước vành móng ngựa sáng nay, lời nói cuối cùng của bầu Kiên đã kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ. Bầu Kiên ngỏ lời xin lỗi đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Đặc biệt, bầu Kiên gửi lời xin lỗi đến cả những cổ động viên bóng đá tại Hà Nội.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Hơn bao giờ hết, tôi cần bạn bè người thân giúp đỡ vợ con tôi vượt qua khó khăn này. Tôi khẳng định tôi không bao giờ phá sản. Cho phép tôi được xin lỗi các cổ động viên đội bóng Hà Nội. Tôi đã yêu cầu vợ tôi tiếp tục duy trì đội bóng, đó là tâm nguyện của tôi.

Tôi đề nghị các đồng nghiệp còn lại của tôi sẽ làm tốt những gì chúng tôi đã dự định để làm sao trước khi nhắm mắt xuôi tay, một lần tôi được nhìn đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu tại World Cup. Đây là hoài bão lớn nhất của tôi.

Xin gửi lời tri ân tới tất cả khách hàng tại Ngân hàng Á Châu. ACB là ngân hàng tốt nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Một số cổ đông nhỏ có thể thiệt hại, có thể bại sản. Tôi thành thật xin lỗi vì đây là điều bất khả kháng đối với tôi. Tôi chắc cổ đông lớn không có bất kỳ thiệt hại nào vì đây là những nhà đầu tư lâu dài.

Với hơn 15 ngàn cán bộ nhân viên của ACB, những người đã rất thành công 20 năm qua, tôi mong anh chị em tiếp tục làm việc tận tâm. Tôi yêu cầu vợ tôi, con tôi không bao giờ được bán cổ phần của ACB. Gia đình tôi sẽ tiếp tục cùng các anh chị em xây dựng ACB, xây dựng đất nước.

Chúng tôi có thể gặp sai sót nhưng ACB không bao giờ kiện tôi hay tố cáo tôi. Hơn 15 ngàn cán bộ công nhân cũng không ai kiện tôi, tố cáo tôi. Ai đứng sau họ, nặc danh kiện tôi sẽ bị khui ra ánh sáng. Họ hiểu rằng tôi đã đóng góp gì cho ACB hơn 20 năm qua.

Với gia đình tôi, các em tôi, tôi không cho họ tham gia kinh doanh hay giữ các vị trí quan trọng của ngân hàng. Vì tôi cho rằng họ không đủ năng lực trình độ. Tôi nhìn thấy các rủi ro trong kinh donah tại Việt Nam nên tôi không muốn các em tôi phải chịu”.

Tôi không trốn tránh trách nhiệm
Trong những lời cuối cùng tại tòa, có lúc giọng nói của bầu Kiên như nghẹn lại. Thỉnh thoảng, bầu Kiên cúi xuống, như nuốt cái gì đó đang mắc ở cổ họng. Nghỉ lấy hơi vài giây, bầu Kiên mới nói tiếp.

Trong phần nói về những cáo buộc đối với mình, bầu Kiên hùng hồn: “Tôi không bỏ chạy, tôi không trốn tránh trách nhiệm. Vì tôi tin đất nước này có kỷ cương, phép nước. Tôi chờ cái gì sẽ đến với mình. Tôi chịu trách nhiệm với những gì mình làm.

Tôi không khoe khoang nhưng kết luận của cơ quan điều tra và cáo trạng của VKS đã xúc phạm đến tôi, buộc lòng tôi phải nói. Khi còn rất trẻ, đầu những năm 90, do tình cờ, tôi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao sứ mệnh rất khó khăn: Làm sao tham gia xóa được nợ với Liên Xô cũ, nối lại được quan hệ thương mại Việt - Nga, quan hệ mua được vũ khí củng cố quốc phòng.

Tôi không biết việc tôi làm có tốt hay không, nhưng lúc đó tôi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là làm rất tốt. Việc thứ 2 là đầu những năm 90, ngành điện đã rất nỗ lực đưa 4 tổ máy của thủy điện Hòa Bình đúng tiến độ phát điện, xây dựng đất nước. Tôi và anh Lê Vũ Kỳ đã góp phần đưa 4 tổ máy này về nhanh nhất, đảm bảo tiến độ.

Cơ quan điều tra nói rằng, tôi có ý định thâu tóm hệ thống ngân hàng Việt Nam, lũng đoạn hệ thống tài chính Việt Nam. Tôi xin chứng minh, vào những năm thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở để chúng tôi có thể thao túng. Tôi biết nhưng đã không làm. Tôi và anh Lý Xuân Hải đã viết 1 bản báo cáo gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ đó, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có thư gửi các bộ xem xét… Rồi Chính phủ đã có những giải pháp cho điều này.

Tôi đã có những ý kiến cho Ngân hàng Nhà nước ngay từ khi xây dựng đề án báo cáo Bộ Chính trị chiến lược phát triển 2005-2010, tầm nhìn 2015-2020. Ngay cả việc sắp xếp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, tôi và một số chuyên gia đã có báo cáo góp ý.

Về 4 tội danh tôi bị truy tố, riêng tội lừa đảo, xin nói rằng, tôi, anh Thanh và chị Yến không lừa đảo chiếm đoạt của ai cả. Sai sót dẫn đến vụ này là do sai sót của Thép Hòa Phát. Về các tội danh khác, một lần nữa tôi cũng khẳng định tôi không phạm tội kinh doanh trái phép, không cố ý làm trái, không trốn thuế. Tôi không phạm tội như thế nào trong phiên tòa đã được các luật sư đưa ra luận cứ, các lý lẽ cụ thể”.

Như đã đưa tin, trong phần tranh tụng của mình, cả 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đều đã đưa ra lý lẽ, chứng cứ nhằm khẳng định bầu Kiên không phạm tội nào như cáo buộc của Viện Kiểm sát tối cao.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, 50 tuổi, ở phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về nhiều tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Trốn thuế" và "Kinh doanh trái phép".

Ngày 9/6, Tòa sẽ tuyên án bầu Kiên và các bị cáo.

..............................................................................
Điều kỳ lạ trong vụ án “bầu” Kiên

Điều kỳ lạ trong vụ xét xử bầu Kiên là các vị quan tòa chắc chắn nghe thấy nhiều ý kiến có lý của các luật sư và các bị can. Nhưng chẳng có gì xảy ra, thậm chí ông Kiên còn bị gán thêm “tội ngoan cố không nhận tội” và có thể phải chịu hình phạt nặng hơn!
Hãy chỉ xem xét việc kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện KSND Tối cao xác định ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) đã chỉ đạo làm biên bản của HĐQT về việc bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát mà ACBI đang sở hữu để cung cấp biên bản đó cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Mục đích chính để công ty này tin và ký hợp đồng mua cổ phần của Công ty ACBI, chiếm đoạt 264 tỷ đồng.

Thực tế, số cổ phiếu này ACBI đang thế chấp cho ACB. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát nên bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vậy thì, hãy tập trung vào sự lừa đảo, nếu có!

Sáng 30.5, tại tòa ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thừa nhận Hòa Phát có sơ suất hành chính (về việc báo cáo thương vụ cho lãnh đạo của họ) và ông xác nhận “không có chuyện anh Kiên lừa tôi”. Nói cách khác, bên mà cáo trạng cho là “bị lừa”, là “người bị hại” nói mình không bị lừa, họ không kiện bên kia. Với tình tiết này bất kỳ ai có hiểu biết sơ đẳng cũng thấy cáo trạng đó không có cơ sở và phải được rút lại.

Việc Hòa Phát mua cổ phần của ACBI là một giao dịch dân sự, bên Hòa Phát nói bên kia không lừa mình, tưởng như vậy tòa phải xóa ngay cái tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà cáo trạng muốn ép cho ông Kiên, nhưng hình như họ vẫn muốn giữ nguyên tội danh đó.

Có thể thấy trong vụ án này những tội chính được quy là do sự tù mù của luật pháp. Những vấn đề dân sự hãy để các bên liên quan kiện nhau ra tòa dân sự. Chưa có ai kiện ai mà đã cố ép cho người ta tội lừa đảo là một việc chỉ làm tổn hại đến uy tín của ngành tư pháp. Nếu cứ hiểu theo cách thông thường rằng, khi các bị cáo ngoan ngoãn nhận bất cứ tội nào do cáo trạng đưa ra sẽ được cho là “thành khẩn” và có thể được hưởng “khoan hồng” với mức án nhẹ hơn thì đấy chính là cách nhanh nhất để hủy hoại nền móng của ngành tư pháp.

Đạo đức kinh doanh, tập quán quản trị chưa tốt là chuyện hoàn toàn khác với chuyện hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Các nhà làm luật hãy làm những luật tốt hơn và các quan tòa hãy xử theo đúng luật. Làm khác đi thì chính họ có lỗi (vì làm luật tồi) hay đang phạm tội (vì xử sai). Hủy một cáo trạng không làm mất uy tín của tòa mà ngược lại cho thấy tòa đang làm việc hết sức công minh, khách quan.
..............................................................................
Đại án bầu Kiên: Tàn cả một “dàn” đại gia
Cả một dàn lãnh đạo gần trọn bộ lãnh đạo cao cấp nhất: Chủ tịch, tổng giám đốc cho tới các thành viên HĐQT, ban điều hành... với nhiều thành tích được vinh danh đang chờ phán quyết cuối cùng của tòa. 
Tất cả đều bị đề nghị án phạt, từ treo 3 năm cho tới 30 năm tù.Một “dàn” đại gia đã “tàn”?
Bước ngoặt
Sau hơn 1 tuần xét xử, Viện Kiểm sát đã đưa ra các mức án đề nghị cho các bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) với 4 tội danh có hình phạt chung là 30 năm tù. Các bị cáo khác bị buộc tội "cố ý làm trái", với ông Lý Xuân Hải 12-14 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ 7-8 năm; Trịnh Kim Quang 6-7 năm; ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn cùng 3 năm tù treo.
Hầu hết các luật sư đều cho cho rằng mức án đề nghị với các bị cáo là nặng. Cho tới thời điểm này, các mức án đưa ra mới chỉ là đề nghị của VKS. Tuy nhiên, những đề nghị này cũng là kết quả của một quá trình điều tra gần 2 năm trời với hàng núi tài liệu được xem xét.
Điều này cho thấy một thực tế là các bị cáo - cả dàn cựu lãnh đạo của Ngân hàng ACB sẽ nhận được những phán quyết tương xứng với những sai lầm họ mắc phải.
Thời gian tạm giam gần 21 tháng đối với ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải hay gần 1 tháng đối với các cựu lãnh đạo còn lại cũng là một khoảng thời gian cách ly với cộng đồng và là bước ngoặt trong đời sống doanh nhân của họ.
Đây thực sự là cú sốc với giới doanh nhân bởi trong dàn lãnh đạo nói trên có nhiều người có tài, từng được vinh danh ở nhiều nơi, nổi trội ở nhiều lĩnh vực và từng là đối tượng để nhiều doanh nghiệp lớn trong nước muốn có được để theo đuổi chiến lược phát triển của mình.
Trong giới đầu tư, nhiều người vẫn tỏ sự ngưỡng mộ đối với một số doanh nhân trong vụ án này. Họ ngưỡng mộ về tài năng và trình độ, cũng như đóng góp của họ cho sự phát triển của ACB.
Những phán quyết cuối cùng cũng sắp được đưa ra. Đúng hay sai sẽ được pháp luật phán xét công bằng. Rất có thể những cựu lãnh đạo của một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam sẽ thụ án trong một thời gian dài. Và như thế, sự vấp ngã của cả một đội ngũ lãnh đạo này đã chấm dứt giai đoạn huy hoàng của một lớp đại gia lừng lẫy trong giới kinh doanh.
Vang bóng một thời
Tạo ra sự nuối tiếc đáng kể nhất có lẽ là nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải. Cuối phiên xét xử ngày 28/5, luật sư Vũ Thị Thiên Ngọc bào chữa cho ông Lý Xuân Hải trình bày một loạt về nhân thân bị cáo này với những bằng cấp sáng giá, danh hiệu, đạo đức... và cho rằng đây là những tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX lưu tâm.
Cả một dàn lãnh đạo với nhiều thành tích được vinh danh đang chờ phán quyết cuối cùng của tòa.
Thực tế cho thấy, ông Lý Xuân Hải là một lãnh đạo tài năng trong lĩnh vực ngân hàng. Trong nước, giới tài chính cũng đánh giá cao về vị "thuyền trưởng" này, nhất là về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn ra giỏi. Ông Hải cũng là một người có triết lý sống rõ ràng và biết rằng phải chiến thắng lòng tham và sự sợ hãi... Mặc dù vậy, thực tại nhiều khi phũ phàng, những sai pham đã đẩy ông Hải đối mặt với mức án 12-14 năm tù.
Ông Phạm Trung Cang - nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB cũng dừng bước lãnh đạo một cách khá đáng tiếc. Trước vụ bầu Kiên, ông Cang từng nắm giữ khá nhiều chức vụ tại ACB, từ phó chủ tịch, thành viên Hội đồng sáng lập, thành viên Hội đồng tín dụng cho tới phó chủ tịch Hội đồng đầu tư.
Cũng sau khi bầu Kiên bị bắt, ông Cang cũng từ nhiệm khỏi vai trò Chủ tịch kiêm Người đại diện pháp luật ở Công ty cổ phần Tân Đại Hưng - DN "con đẻ" của ông và Phó chủ tịch Ngân hàng Eximbank.
Nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Lê Vũ Kỳ cũng là một người có trình độ học vấn rất cao - tiến sỹ toán lý tại Nga, là một trong các "trụ cột" ở ACB và là người tạo nền móng về CNTT cũng như hệ thống NH cốt lõi cho cho ngân hàng này.
Ông Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cũng là một lãnh đạo nổi trội. Với gần 20 năm gắn bó với ACB và nhiều năm ở Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), và 10 năm trên bục giảng Đại học Kinh tế TP.HCM, ông Quang được biết đến như một chuyên gia tài chính thực thụ, vừa có lý thuyết vừa thực tế.
Còn với ông Trần Xuân Giá, không chỉ giới đầu tư mà rất nhiều người biết đến ông. Ông là cựu chủ tịch ACB, người đứng đầu ngân hàng này. Trước khi đến với doanh nghiệp, ông Giá là quan chức, nguyên là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và là "cha đẻ" của một trong những bộ luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp.
"Đi làm doanh nghiệp" ở một lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, theo ông là, để có thêm những kinh nghiệm, từ đó có thể đóng góp thêm phần nào đó trong việc hoàn thiện bộ luật mà ông chủ trì soạn thảo.
"Nhân vật chính" trong vụ án là ông Nguyễn Đức Kiên là người có đời sống kinh doanh có lẽ sôi động nhất, ông làm lãnh đạo ở nhiều đơn vị và quản lý hàng chục nghìn tỷ đồng. Dòng tiền và lợi nhuận quá lớn có thể là một phần khiến ông phải đứng trước tòa như hôm nay.
Một phiên tòa liên quan tới rất nhiều người, trong đó có cả một giàn lãnh đạo, một lớp đại gia làm nên ACB.
Người "còn lại" sau cơn giông tố có lẽ chỉ còn ông Trần Mộng Hùng, cựu chủ tịch ACB và ông Đỗ Minh Toàn. Và họ đang gánh trách nhiệm lèo lái con tàu ACB đi tiếp qua giai đoạn sóng gió.
..............................................................................
Đại diện Viện kiểm sát 'bắt bài' bầu Kiên
Buổi sáng 30/5, đại diện VKS đã đối đáp lại phần bào chữa các luật sư của bị cáo để bảo vệ quan điểm truy tố của mình.
“B&B kê khai không đầy đủ để trốn thuế”
Đối với hành vi kinh doanh trái phép thông qua 5 cty, đại diện VKS cho rằng, theo Điều 9 của Luật DN, phải kinh doanh theo đúng ngành nghề đăng ký.
“Phải hiểu rằng, khi không có mã ngành nghề thì vẫn phải đăng ký kinh doanh. Việc bổ sung ngành nghề là của các cơ quan chức năng”, lời vị đại diện VKS.

 Dù tại tòa và tại CQĐT, bị cáo cho rằng không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng. Cty Thiên Nam được kinh doanh sản phẩm tái sinh, Nguyễn Đức Kiên chỉ thực hiện thông báo lệnh đến ACB...
Về việc này, VKS đưa ra ý kiến: Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo cty Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ACB là trung gian, Thiên Nam không được NHNN cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Điều này được quy định tại Điều 2,3,4, quy định 03, ngày 8/1/2006 của thống đốc NHNN.
Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản của bị cáo Kiên là kinh doanh trái phép.
Đối với tội trốn thuế, VKS cho rằng: Công ty B&B không được kinh doanh vàng theo giấy phép. Nguyễn Thúy Hương là cá nhân, không được đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hương cũng không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định của Nhà nước.
Hương không giao dịch gì với ACB nhưng lại được hưởng 99% lợi nhuận (B&B được hưởng 1% lợi nhuận của hợp đồng ủy thác). Cty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của Hương thu được lợi nhuận hơn 68 tỷ đồng.
Cty B&B đã không kê khai nộp thuế cho Hương mà chuyển luôn tiền lợi nhuận cho Hương, sau đó Hương lại chuyển số tiền đó cho Kiên. Điều này vi phạm chi tiết Luật Thuế TNCN.
Năm 2009 và 2010 B&B đã kê khai nộp thuế nhưng không kê khai số thuế trên kinh doanh vàng phát sinh. Giám định Bộ Tài chính kết luận về hợp đồng kinh doanh vàng này với số thuế trên 25 tỷ đồng.
Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ là bà Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác với Nguyễn Thúy Hương (hợp đồng không hợp pháp) để trốn thuế 25 tỷ đồng.
Theo VKS, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Kiên đã chỉ đạo vợ ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái để chuyển lợi nhuận của B&B sang cho Hương, sau đó Hương chuyển lại số tiền cho Kiên. Hành vi của Kiên phạm tội Trốn thuế.
“Chuyển nhượng số cổ phiếu đã bị mang thế chấp”
Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đại diện VKS đối đáp: Tại tòa, bị cáo Kiên khai đã thỏa thuận với ông Trần Đình Long và bán lại 20 triệu cổ phần cho ông cty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Nguyễn Đức Kiên khai ông Long biết chuyện 20 triệu cổ phiếu bị thế chấp, có sự hoán đổi cổ phiếu nên Kiên không phạm tội lừa đảo.
Theo VKS, tại tòa ông Long và ông Dương vẫn khẳng định, khi đàm phán mua cổ phần chỉ đàm phán về giá cả, không biết 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp. Ở đây bị cáo Kiên đã có sự gian dối.
Việc này không liên quan đến việc hoán đổi cổ phiếu giữa ông Long và bị cáo Kiên. Ông Kiều Chí Công, giám đốc thép HP cũng khẳng định, khi ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phiếu, bên ông Kiên cam kết tính hợp pháp của 20 triệu cổ phiếu nên đã chuyển hợp đồng ký, đóng dấu.
Cty TNHH MTV thép HP đã chuyển trả hơn 26 tỷ cho phía ông Kiên, sau đó ông Công mới biết việc 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp nên đã có đơn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ sự việc và đòi lại số tiền trên.
Vẫn theo đại diện VKS, dù biết số cổ phiếu bị thế chấp nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên chuyển nhượng số cổ phiếu trên.
Cty TNHH MTV Thép HP trả cho ACBI hơn 24 tỷ đồng, số tiền này Kiên đã chỉ đạo nhân viên sử dụng.
Bị cáo Yến, Thanh phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình bởi: kế toán có quyền thực hiện độc lập chuyên môn kế toán; còn bị cáo Thanh đã làm không làm hết chức năng nhiệm vu của mình, khi ký hợp đồng không kiểm tra xem cổ phiếu đã được giải chấp chưa.
“Luật sư cho rằng Kiên không chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng của thép HP bởi số tiền này chuyển vào ACB, nhưng lợi nhuận của ACBI là có lợi nhuận của Kiên nên bị cáo phải chịu trách nhiệm... Bị cáo đã có các hành vi gian dối”, lời đại diện VKS.
Bảo vệ quan điểm truy tố các bị cáo tội Cố ý làm trái, đại diện VKS cho rằng: ACB đã không làm đúng trách nhiệm của mình.
Qúa trình gửi tiền của ACB là không đúng quy định và bị Huyền Như chiếm đoạt. Đó là mối quan hệ biện chứng nhân quả, việc truy tố hành vi này là có căn cứ.
VKS khẳng định, vụ Huyền Như được xem xét xử lý ở vụ án khác nên không đề cập đến việc ai phải trả lại số tiền này, chỉ khẳng định hậu quả số tiền bị chiếm đoạt.
“Việc tách vụ Huyền Như là đúng luật, luật sư cho rằng án chồng án là dùng đại ngôn, không phù hợp với hoạt động bình thường của cơ quan tố tụng”, lời vị đại diện VKS.
Đại diện VKS cũng cho biết, không chỉ viện dẫn công văn 350 để cáo buộc các bị cáo mà còn đánh giá các chứng cứ khác. Việc truy tố các bị cáo về tội Cố ý làm trái là có căn cứ.
VKS khẳng định vai trò chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên và cho rằng, nếu bị cáo này không đồng ý thì ý kiến của HĐQT cũng không được thông qua.
Đối với cáo buộc các bị cáo là đồng phạm, VKS khẳng định, hành vi của các bị cáo vì lợi ích nhóm, lợi ích ACB. Biết sai nhưng vẫn làm, cho nên ở đây có yếu tố đồng phạm.
Trong phần tranh luận, chiều 30/5, các luật sư tiếp tục đưa ý kiến về phần đối đáp nêu trên của VKS.
..............................................................................
Bầu Kiên đòi tự bào chữa thay luật sư
Sau khi luật sư của mình vừa trình bày xong một phần bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã có ý kiến với HĐXX, đòi tự bào chữa. HĐXX cho biết, theo quy định, luật sư bào chữa trước rồi mới đến phần trình bày của bị cáo.

Chiều 27/5, phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần tranh luận. HĐXX dành thời gian để các luật sư bào chữa cho các bị cáo bị cáo buộc tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Bị cáo đòi bào chữa thay luật sư


Ông Ngô Huy Ngọc - luật sư của Nguyễn Đức Kiên trình bày phần bào chữa cho thân chủ của mình:
Theo ông Ngọc, tại thời điểm bị cáo Kiên bị quy kết phạm tội, sau đó rất lâu hợp đồng giữa ACB và Cty Hòa Phát vẫn tiếp tục thực hiện, các bên vẫn đang thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Các DN đang thực hiện giao dịch dân sự.

Theo luật sư, quy kết việc bị cáo Kiên chỉ đạo lập khống biên bản họp là không chính xác. VKS cho rằng, HĐQT của ACB không họp mà lập biên bản họp thì gọi là lập khống.

Theo luật sư, trong Luật DN có quy định, hình thức họp HĐQT, không cần phải tuân theo hình thức họp của các DN hiện nay; Luật đưa ra quy định- có thể họp dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có họp bằng văn bản, thể hiện ý chí của những người tham gia cuộc họp. Cuộc họp này là có thật, đúng ý chí của những người tham gia. Việc cho rằng lập biên bản họp khống chỉ là sự suy diễn.

Vẫn theo luật sư Ngọc, VKS cho rằng, do tin tưởng ACB nên 21/5/2012, đại diện thép Hòa Phát ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 200 tỷ đồng. Theo hồ sơ, sau 18 ngày số tiền mới được chuyển, nó liên quan đến việc hoán đổi cổ phần cổ phiếu giữa ông Trần Đình Long và ông Kiên.

Trong cáo trạng và hồ sơ vụ án không nói điều này. Việc hoán đổi 20 triệu cổ phần bằng hơn 200 tỷ đồng không trái pháp luật. “Quy kết ông Kiên chiếm đoạt tiền của Hòa Phát là quá đau đớn: Luật dân sự quy định, quyền và nghĩa vụ phát sinh là doanh nghiệp chịu chứ không phải cá nhân”, luật sư trình bày.

Đối với vấn đề đánh giá và sử dụng chứng cứ: luật sư cho rằng, hợp đồng giữa ACB và Hòa Phát là dân sự, nếu có tranh chấp, không tự giải quyết được thì dùng trọng tài kinh tế hoặc kiện nhau ra tòa chứ không phải dùng đến công an. Cũng theo ông Ngọc, từ hợp đồng kinh tế đang sử dụng bình thường lại dùng để chứng minh vụ án rằng bị cáo Kiên phạm tội lừa đảo là không thỏa đáng. “Đã có sai lầm từ giai đoạn khởi tố điều tra vụ án” - LS Ngọc nói.

Luật sư: Ông Thanh và bà Yến không phạm tội

Bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, VKS đề nghị mức án quá nặng đối với bị cáo Thanh. Theo luật sư này, hành vi của ông Thanh thì có nhưng tội danh thì còn phải xem xét. Luật sư Thanh đưa ra quan điểm, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì ông Trần Ngọc Thanh không lừa dối, không có mục đích, không được ăn chia, không thống nhất ý chí, không thỏa thuận với ông Kiên, chỉ đơn thuần là thừa hành ý kiến lãnh đạo, chỉ là người làm công ăn lương với số tiền 5 triệu đồng/ tháng.

Luật sư cho rằng, ông Thanh không có quyền đề xuất ý kiến, luôn phải tuân thủ ý kiến chỉ đạo của ông Kiên. Bản thân ông Kiên cũng xác nhận ông Thanh chỉ làm theo chỉ đạo của ông ta.
“Tại phiên tòa, anh Công không biết anh Thanh là ai. Tôi tạm thời đánh giá hợp đồng 0105 là hợp đồng dân sự. Và đã là hợp đồng thì phải được thỏa thuận, bàn bạc với nhau. Nhưng trên thực tế anh Công và anh Thanh không biết nhau.
Và tôi cho rằng bên A và B bàn bạc thỏa thuận rất rõ trên hợp đồng nhưng thực ra họ lại không biết nhau. Các điều khoản thỏa thuận là người khác thỏa thuận và thỏa thuận như thế nào thì anh Thanh không biết.
Việc ông Kiên ký nháy vào hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu, đồng nghĩa với việc bị cáo Thanh chỉ là người thừa hành”, lời luật sư.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, ông Phạm Thanh Phong trình bày: Tôi có chung quan điểm với luật sư của bị cáo Thanh, cho rằng, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện và buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của người thuê lao động là ông Kiên...


Theo luật sư này, việc nhận chỉ đạo không phải là việc tiếp nhận ý chí của người chỉ đạo. Bị cáo Yến lập biên bản là theo mẫu. Làm theo chỉ đạo mà bị quy kết vai trò đồng phạm là không thỏa đáng.
16h15 phiên tòa tạm nghỉ sau khi ông Nguyễn Đức Kiên đòi tự bào chữa thay luật sư của mình.
..............................................................................
Xét xử bầu Kiên: Cần xem xét lại tổng thể hành vi của các bị cáo

Trong phiên xét xử "Bầu" Kiên và đồng phạm chiều 28.5, các luật sư cho rằng vụ án này xảy ra trong hoàn cảnh rất phức tạp, luật quy định còn nhiều khiếm khuyết, CQĐT có lúng túng trong việc giải quyết… nên cần có cái nhìn tổng thể để xem xét hành vi của các bị cáo.


Các luật sư bào chữa cho "Bầu" Kiên và đồng phạm cho rằng các cáo buộc cho thân chủ mình đều chưa thoả đáng.

Bào chữa cho ông Trịnh Kim Quang, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng có những tình tiết mới đã xuất hiện so với hồ sơ, được xem xét công khai nhưng đại diện VKS không đề cập. Theo đó, trong quá trình tố tụng, quyết định khởi tố bị can Trịnh Kim Quang là vi phạm điều 126 luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, quyết định này không ghi những nội dung quan trọng ngày lập biên bản họp HĐQT, không ghi rõ luật Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 có hiệu lực từ 1.1.2011…

Điều này khiến cho khi đối chiếu thời điểm xảy ra hành vi và thời điểm áp luật đã thấy các CQĐT đã tự cho mình áp dụng luật TCTD và thông tư 02 của NHNN, như vậy, quyết định khởi tố bị can là không đủ căn cứ pháp luật.

Về hành vi chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền của ACB, hành vi của các thành viên HĐQT không trái với điều 106 luật TCTD do luật này có hiệu lực từ 1.1.2011 nên không có tác dụng hồi tố với hành động xảy ra trước đó. Việc ủy thác này lúc đó chịu điều chỉnh của Luật TCTD 1997, quyết định 742 của Thống đốc NHNN. Việc ủy thác trong giai đoạn này không gây ra bất kỳ thiệt hại nào.

Ngoài ra, VKS tối cao đã buộc phải thừa nhận rằng trước ngày 1.1.2011 không cấm các TCTD gửi tiền vào TCTD khác mà còn cho phép. Điều này đã được ghi vào hồ sơ bổ sung. Không thể nào việc NHNN chậm ban hành văn bản hướng dẫn lại có nghĩa rằng các văn bản đã được Quốc hội thông qua lại không được phép áp dụng và không có nghĩa làcác TCTD phải dừng các hoạt động khi chưa được hướng dẫn.

Cho đến nay, NHNN cũng chưa có văn bản hướng dẫn nào về việc TCTD ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào TCTD khác. Có nghĩa là điều này là điều đương nhiên mà các TCTD được thực hiện nên NHNN không cần văn bản hướng dẫn. Thực tế, ACB đã thực hiện điều này từ năm 2008.

Luật sư nhấn mạnh: Đây là một thực tế rất bất cập trong công tác quản lý hành chính của nước ta. NHNN phải tự xác định trách nhiệm của mình trong việc quản lý hệ thống ngân hàng. Giả sử ACB phải chờ hướng dẫn của NHNN thì chính NHNN đã không thực hiện tròn trách nhiệm của mình. Nếu ACB sai, phải xử lý như thế nào? Chính NHNN cũng nói chưa có chế tài xử lý. Vậy VKS không có căn cứ để xử lý về mặt hình sự đối với các bị can.

Luật sư Tâm tiếp tục bào chữa về chủ trương đầu tư cổ phiếu của HĐQT ACB là đầu tư vào các cổ phiếu tốt có thanh khoản cao nhưng VKS dường như đã cố gắng hướng các lời khai của những nhân chứng tại tòa để chứng minh rằng chủ trương của HĐQT ACB là đầu tư vào cổ phiếu ACB thông qua ACBI. Song chính nhữngnhân chứng này cũng đã giải thích lại lời khai trong bản điều tra.
Kết luận lại, luật sư cho biết vụ án này xảy ra trong hoàn cảnh rất phức tạp, trong khi luật quy định còn nhiều khiếm khuyết, CQĐT có lúng túng trong việc giải quyết, cho nên cần có cái nhìn tổng thể về thị trường tài chính và luật pháp để xem xét hành vi của các bị cáo.
..............................................................................
Luật sư đề cập hậu quả 'án chồng án'

Chiều 28/5, phiên xử bầu Kiên tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho nhóm bị cáo bị truy tố tội 'Cố ý làm trái'. LSNguyễn Danh Tín nhận định: "Xảy ra tiền lệ án chồng án, không phù hợp với nguyên tắc tố tụng. Đây chính là hậu quả của việc tách vụ án Huyền Như ra khỏi vụ án bầu Kiên”.


Trong phần bào chữa của mình, nhiều luật sư đề cập đến trách nhiệm của NHNN trong việc để xảy ra sai phạm; đề cập đến sự bất cập của hệ thống pháp lý chưa theo kịp thực tế...
Các luật sư có chung quan điểm: Ở tội 'Cố ý làm trái', hành vi làm trái, không thể tách rời việc làm của Huyền Như chiếm đoạt tiền. Đây là nguyên nhân dẫn đến tranh luận phiên tòa ngay từ đầu. Trước đó, vào sáng cùng ngày, luật sư Nguyễn Danh Tín, người bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang (những người bị cáo buộc tội Cố ý làm trái) khẳng định: Cáo buộc của cáo trạng chưa hội đủ yếu tố pháp lý.

Theo luật sư, điều luật để áp dụng đối với tội Cố ý làm trái chỉ áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn. Để thỏa mãn tội danh này, phải thỏa mãn điều kiện chủ thể phải là người có trách nhiệm, quyền hạn, phải có chủ ý hành động, bỏ mặc hậu quả xảy ra.

Các chủ thể phải cố tình làm khác với quy định của Nhà nước, biết là trái nhưng vẫn làm, dẫn đến việc gây ra thiệt hại. Nếu thiếu các yếu tố trên thì không đủ cơ sở buộc tội các bị cáo. Ý thức và hành vi của các bị cáo Kỳ, Quang, Cang đều không thỏa mãn. “Chúng ta đã có một rừng luật nhưng vẫn thiếu... Sự phán xét công minh hôm nay sẽ là một tiền lệ tốt hoặc xấu trong thời gian tới. Nguyên tắc chung là công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Nó còn là thông lệ quốc tế trong kinh doanh”, lời vị luật sư.

Luật sư Phùng Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ trình bày: Việc truy tố không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, thiếu cơ sở thực tế và pháp lý. Luật sư cho rằng, ông Kỳ và những người khác không có chức vụ quyền hạn, vì thế không có quy định cụ thể nào. Bị cáo Kỳ không có chức vụ quyền hạn, cũng không làm trái, hậu quả chủ thể không gây ra.
Luật sư cho rằng, đối với tội "Cố ý làm trái", bắt buộc phải có quan hệ nhân quả, hậu quả là từ việc cố ý làm trái gây ra, lỗi phải là cố ý chứ không phải vô ý; Người phạm tội phải nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, mong muốn hậu quả xảy ra, hành vi phải gây ra hậu qủa. Trong vụ án này, các bị cáo chưa thỏa mãn hành vi phạm tội.

“Xảy ra tiền lệ án chồng án”

Chiều 28/5, luật sư Nguyễn Minh Tâm bổ sung phần bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ. Ông Tâm khẳng định: Quyết định khởi tố bị can đối với một số thành viên HĐQT, trong đó có bị cáo Cang là không đủ căn cứ pháp luật.

Theo luật sư, không thể tách rời việc làm của Huyền Như chiếm đoạt tiền của ACB. Đây là nguyên nhân dẫn đến tranh luận phiên tòa ngay từ đầu.“Hôm nay, để xác định hành vi của một số bị cáo trong HĐQT ACB thì phải làm rõ được hậu quả thiệt hại của ACB. Vậy, hậu quả thiệt hại của ACB trở thành đối tượng chứng minh. Xảy ra tiền lệ án chồng án, không phù hợp với nguyên tắc tố tụng. Đây chính là hậu quả của việc tách vụ án Huyền Như ra khỏi vụ án bầu Kiên”, lời vị luật sư.

Luật sư trình bày tiếp: Đối với hành vi ủy thác cho nhân viên gửi tiền, gây thiệt hại 718 tỷ đồng của bị cáo Quang, không có hiệu lực hồi tố đối với hành vi xảy ra trước đó.Luật sư nêu quan điểm đồng ý với ý kiến của luật sư Hoàng Đôn Hùng.“Dù không đề nghị khởi tố nhưng cho rằng, NHNN sai phạm thì chính NHNN phải xác định trách nhiệm của mình”, lời của luật sư.

Luật sư Tâm chốt lại phần bào chữa của mình: “Vụ án Nguyễn Đức Kiên mang tính chất phức tạp vì nó liên quan đến những vấn đề mà nền kinh tế đang mắc phải. CQĐT đã lúng túng trong việc ứng xử. Ngay cả cơ quan chuyên môn về tài chính tiền tệ khi trả lời cũng không phân biệt được các khái niệm, vậy làm sao buộc các bị cáo của chúng tôi hiểu biết để hành xử cho đúng? Phải có cái nhìn tổng thể thực trạng pháp luật và sự vận hành tổng thể tài chính tiền tệ mới có được cái nhìn thấu đáo”.

Ngoài ra, các luật sư Lưu Văn Tám, Nguyễn Ngọc Chi, Vũ Thị Uyên cũng lần lượt trình bày phần bào chữa của mình.

Các luật sư đều cho rằng thân chủ của mình không phạm tội "Cố ý làm trái".
..............................................................................
Xử bầu Kiên: Các bị cáo bị áp dụng hồi tố?
Chiều 28/5, phiên tòa Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Trong phần lớn bài bào chữa của mình, luật sư Nguyễn Minh Tâm cùng một số luật sư khác cho rằng, các bị cáo đang bị áp dụng chế định hồi tố.

Luật sư Tâm cho rằng, các bị cáo đang có dấu hiệu bị áp dụng hồi tố.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) cho rằng, quá trình theo dõi vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới. “Tuy nhiên, trong phần kết luận, chúng tôi rất tiếc khi không thấy kiểm sát viên đề cập đến” – ông Tâm nói.
Nói đến những sai phạm về hình thức, luật sư Tâm cho rằng, quyết định khởi tố bị can đối với ông Quang vi phạm Điều 126 Bộ luật TTHS. Thứ nhất, quyết định đã bỏ qua những nội dung quan trọng: Không ghi ngày lập biên bản HĐQT (22/3/2010, thông qua chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền), không ghi rõ Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, không ghi thời điểm Huỳnh Như chiếm đoạt số tiền tại Vietinbank.
Đây là những thông tin rất quan trọng, bởi nếu đối chiếu vào thời điểm phạm tội và thời điểm có hiệu lực của Luật Các tổ chức tín dụng, sẽ thấy, cơ quan chức năng đang áp dụng hồi tố đối với các bị cáo. Do vậy, theo quan điểm của luật sư, đây là quyết định khởi tố bị can không đúng quy định của pháp luật. Từ những sai sót trên, sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình tố tụng sau này.
Tiếp đến, thời điểm tách, nhập vụ án, luật sư Tâm cho rằng, có nhiều điều bất ổn. Việc đang xét xử Huỳnh Thị Huyền Như, song lại mở tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm dẫn đến tình trạng “án chồng án”. “Trong phần kết luận, đại diện cơ quan truy tố cho rằng, hậu quả vụ án này đã được xác định ở một vụ án khác. Đây là cách tiếp cận và giải quyết rất có vấn đề” - luật sư Tâm phân tích.
Theo luật sư Tâm, việc cáo trạng thể hiện, rõ ràng là không truy tố hành vi ký, thông qua chủ trương ủy thác, và bỏ qua những mốc thời gian có trước khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhưng khi kết luận, đại diện cơ quan viện kiểm sát lại đưa những hành vi này vào.
Dẫn chứng tiếp về “cách hành xử” bất nhất của đại diện cơ quan truy tố, luật sư Tâm nói thêm, cáo trạng chỉ truy tố ông Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB) về hành vi “thông qua” cùng các thành viên khác trong việc đầu tư cổ phiếu, và không truy tố quá trình thực hiện đầu tư cổ phiếu.
Hành vi của các thành viên HĐQT ký, thông qua vào 22/3/2010 là không trái pháp luật, không trái Luật Các tổ chức tín dụng. Bởi, luật này có hiệu lực từ 1/1/2011. Hơn nữa, chủ trương này phù hợp với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cùng các văn bản hướng dẫn khác của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, không có điều luật nào cấm việc ngân hàng ủy thác cho nhân viên đi gửi tiết kiệm. Và, hành vi này phù hợp với điều lệ của ACB. “Trước ngày 1/1/2011, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm ngân hàng ủy thác cho cá nhân gửi tiền tiết kiệm” – luật sư Tâm khẳng định.
Cũng theo luật sư Tâm, “khi luật mới ban hành, nhưng chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn, các cá nhân, tổ chức hoàn toàn được phép thực hiện tiếp các kế hoạch đã và đang triển khai trước đó. Đây là một thực trạng đang diễn ra hằng ngày”. Trên thực tế, Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ nhiều năm trước khi ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Luật sư Tâm thể hiện sự nhất trí cao với quan điểm của luật sư Hoàng Đôn Hùng, khi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải tự xác định trách nhiệm của mình một cách rõ ràng liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động ủy thác.
Nói đến hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Tâm khẳng định, Huyền Như nếu có, thì đó là lừa đảo chiếm đoạt tiền của Vietinbank, chứ không phải từ “túi” của ACB. Và thực tế, chính ngân hàng ACB cũng chỉ đòi Vietinbank chứ không đòi Huyền Như bồi hoàn thiệt hại. Vì vậy, nếu hành vi “bị mất” hơn 718 tỷ đồng, sẽ không phải từ câu chuyện cố ý làm trái.
“Hôm qua, vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng “vấn đề hậu quả không xem xét ở đây”, vậy xin thưa viện kiểm sát, các bị cáo bị cáo buộc tội danh Cố ý làm trái, vậy hậu quả ở đâu ạ? Tính nhân quả của hành vi phạm tội và hậu quả của tội đó ở đâu ạ?” – ông Tâm đặt câu hỏi về phía các công tố viên. Với những phân tích kể trên, luật sư Tâm cho rằng, bị cáo Trịnh Kim Quang không phạm tội Cố ý làm trái.
..............................................................................
Luật sư: Ông Tuấn không phải chịu trách nhiệm về số tiền Huyền Như chiếm đoạt

Chiều nay (28/5), phiên toà xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm tiếp tục được diễn ra. Cuối phiên tòa sáng nay, HĐXX đã đồng ý sẽ cho “bầu” Kiên đứng lên để tự bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

"Bầu" Nguyễn Đức Kiên trước tòa

17h30: Toà tuyên bố phiên xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm tạm nghỉ và 8h30 sáng mai sẽ tiếp tục.

16h45: Nói trước HĐXX, Luật sư Nguyễn Đình Hưng trình bày, về khoản tiền 718 tỷ đồng là hậu quả mà cơ quan công tố cáo buộc cáo bị cáo trong tội Cố ý làm trái.

Ông Hưng cho rằng, theo cáo buộc của viện kiểm sát, nguyên nhân mất tiền do nhân viên ACB chỉ làm việc và giao dịch thông qua cá nhân Huyền Như chứ không thông qua Vietinbank.

Ông Hưng cho rằng, nếu theo lập luận này, các nhân viên ACB khi đến Vietinbank làm việc phải gặp Giám đốc và phó Giám đốc. Trong đó, trên thực tế, gửi tiền cho ngân hàng, mọi người chỉ tiếp xúc với nhân viên và làm các thủ tục, hồ sơ và các vấn đề liên quan. Việc ký duyệt phải do lãnh đạo ngân hàng. Do vậy, nhân viên ACB không gặp lãnh đạo Vietinbank là điều hiển nhiên. “Đây là trách nhiệm quản lý nhân viên”, ông Hưng nói.

Luật sư Hưng cũng cho rằng, việc tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá dẫn tới hạn chế trong việc tham gia tố tụng. Ông Hưng cho rằng, cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 ra Nghị quyết về việc ủy thác tiền gửi thì luật các tổ chức tín dụng 2010 còn chưa có. Do vậy là sao quy kết các bị cáo vi phạm điều 106 của luật các tổ chức tín dụng.

16h30: HĐXX bắt đầu làm việc trở lại với phần bào chữa của luật sư Lưu Văn Tám, người bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn. Luật sư Tám cho rằng, viện kiểm sát chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội chứ chưa đề cập xem xét đến các chứng cứ mới có tính chất giảm tội trong phần xét hỏi. Về trường hợp của Lý Xuân Hải bị cáo buộc hành vi đầu tư cổ phiếu ở Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, tại Ngân hàng ACB, ông Trần Xuân Giá – Chủ tịch HĐQT ACB có quy định, tất cả chủ trương của HĐQT thông qua đều phải bằng văn bản. Tại văn bản họp HĐQT không hề có văn bản nào nói về chủ trương mua cổ phiếu của ACB.

Đối với hành vi mua cổ phiếu của ACB thông qua Công ty Chứng khoán ACBS, bị cáo Hải không biết và khi biết sự việc này Lý Xuân Hải đã có ý phản đối.

16h10: Toà nghỉ giải lao ít phút trước khi trở lại phiên xét xử.
15h45: Luật sư Vũ Huệ Chi, đồng bảo vệ cho luật sư Huỳnh Quang Tuấn trình bày rằng, viện kiểm sát cho rằng, Huỳnh Quang Tuấn tham gia cuộc họp với chức danh phó giám đốc. Tuy nhiên, trong biên bản, ông Tuấn không được ký tên, ông này cũng không được hỏi, không được có ý kiến vậy nên ông Tuấn tham gia thực chất chỉ với tư cách “khách mời”.
Việc Huỳnh Quang Tuấn trở thành thường trực HĐQT là do Phạm Trung Cang rút khỏi HĐQT nên ông Tuấn được đề nghị thế chỗ. Việc này được thống đốc ngân hàng nhà nước chấp thuận.
Về việc chiếm đoạt tiền, Huyền Như khai là do ý muốn cá nhân, không liên quan gì đến HDQT của ACB. Vậy nên, không có mối quan hệ nhân quả giữa việc Huỳnh Quang Tuấn trở thành thường trực HĐQT và việc Huyền Như chiếm đoạt.
Luật sư Chi không đồng ý với việc quy kết ông Tuấn phải chịu trách nhiệm về số tiền Huyền Như chiếm đoạt.
15h30: HĐXX mời luật sư Kiều Vũ Thị Uyên người bảo vệ cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trình bày quan điểm bào chữa.
Luật sư Uyên cho biết ông Tuấn không có quyền hạn, hay quyết định gì. Việc ông Tuấn có được tham gia cuộc họp ngày 22/3/2010 thì đây cũng là cuộc họp định kỳ. Tại cuộc họp này ông Tuấn không có ý kiến, tác động gì đến việc uỷ thác. Điều này đã được ACB xác nhận bằng công văn, ông Trần Xuân Giá cũng đã xác nhận bằng văn bản với luật sư về trường hợp của ông Tuấn.
Ông Huỳnh Quang Tuấn không được phân công việc uỷ thác gửi tiền nên không có quyền hạn ngăn cản việc uỷ thác. Trong trường hợp ông Tuấn đồng tình với việc uỷ thác cũng là uỷ thác đúng luật chứ không trái luật.
Theo luật sư Uyên, việc đồng phạm của bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trong vụ án, ông Tuấn không cùng chung ý kiến, ông Tuấn không có vai trò trong thực hiện hành vi, không làm chủ mưu chỉ huy việc uỷ thác, gửi tiền, không tạo điều kiện. Ông không thể là đồng phạm trong việc cố ý làm trái.
Trong suốt quá trình thẩm vấn, ông Tuấn luôn trung thực, hợp tác với cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Luật sư xin HĐXX cân nhắc trường hợp của ông Huỳnh Quang Tuấn.
15h05: Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ cho biết, bị cáo này không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Có thể thấy rõ chủ trương dùng tiền của ACB gửi tín dụng vào ngày 22/3/2010 là biện pháp cho hoạt động đang diễn ra. Việc Lê Vũ Kỳ phản đối cũng không có tác dụng.
Đối với số tiền 718 tỉ đồng, ngay trong bản nội dung điều tra và kết luận của cáo trạng, Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân.
Hành vi phạm tội của Huyền Như do bị làm ăn thua lỗ, do cần tiền. Việc mất tiền là điều không mong muốn.
Hoạt động nhận tiền gửi là hoạt động cốt lõi của nhiều ngân hàng, việc thu hồi hay chưa thu hồi được không phải trách nhiệm của HĐQT ACB.
14h10: HĐXX bắt đầu làm việc. Luật sư Nguyễn Minh Tâm – Đoàn luật sư TP HCM trình bày phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang.
Ông Tâm cho biết, việc buộc tội ông Trịnh Kim Quang là vi phạm bộ luật tố tụng hình sự. Trong quyết định khởi tố bị can, không ghi rõ ngày lập biên bản họp HĐQT là ngày 22/3/2010 mà chỉ ghi chung là biên bản họp cũng như không ghi rõ luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày nào, đây là điều quan trọng để xem xét đánh giá hành vi có vi phạm luật không. Ngoài ra, không ghi đầy đủ việc Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo tiền qua tài khoản của ACB.
Nói về việc uỷ thác tín dụng, theo luật sư Tâm phân tích, việc cơ quan có thẩm quyền của ngân hàng nhà nước chậm ban hành văn bản hướng dẫn, không có nghĩa hoạt động được Quốc hội cho phép lại không được hoạt động.
Luật sư ví dụ, luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành 2013 nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Bộ tư pháp đã đề nghị Chính phủ cho áp dụng luật và được phê duyệt. “Về nguyên tắc, khi luật đã có hiệu lực mà chưa có văn bản, các cá nhân, tổ chức không cần phải dừng lại các hoạt động mà luật đã cho phép”, luật sư nói.
Luật sư cho rằng, việc định tội ông Trịnh Kim Quang của viện kiểm sát không có căn cứ. Ngân hàng nhà nước không quy định cụ thể với hoạt động uỷ thác.
Luật sư cũng cho rằng, công văn 350 thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Văn bản này không phải văn bản giải thích luật, không phải để hiểu điều 106 trong luật tổ chức tín dụng.
Luật sư bảo vệ cho ông Trịnh Kim Quang phân tích, đối với hành vi Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB là nguyên nhân dẫn đến tranh luận từ đầu phiên tòa, phải xác định trách nhiệm dân sự của ACB và trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank.
Theo vị luật sư, để xác định hành vi của thường trực HĐQT có vi phạm hay không thì phải chứng mình hậu quả thiệt hại của ACB. Thiệt hại này đang trở thành kết quả của 2 vụ án, tạo nên hiện tượng gọi “án chống án”, một tiền lệ chưa có trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
“Có lẽ xác định được vấn đề này nên trong phần luận tội, VKS đã xác định: Vì hậu quả thiệt hại ở vụ án khác, nên không xét đối với hậu quả của vụ án này”,lời của luật sư Tâm.
Trong phiên xét xử buổi sáng ngày 28/5, phần lớn thời gian tập trung vào việc 4 luật sư của “bầu” Kiên thay nhau bổ sung các luận cứ, chứng cứ đề bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi Trốn Thuế và Cố ý làm trái.
Sau khi các luật sư trình bày xong, ông Nguyễn Đức Kiên đã xin phép được đứng lên tự bào chữa và được HĐXX chấp thuận. Tuy nhiên, HĐXX đề nghị ông Kiên chờ đợi sau khi luật sư bảo vệ cho các bị cáo còn lại trình bày xong.
Nhiều người tỏ ra “hiếu kỳ” trước việc ông Nguyễn Đức Kiên xin được tự bào chữa và liệu rằng 4 vị luật sư tham gia bảo vệ có cứu được “bầu” Kiên khỏi vòng lao lý hay không. Trước đó, Sau khi nêu các tội danh, đại diện viện kiểm sát nêu rõ, đề nghị cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên một thời gian dài với những mức án cao với những gì bị cáo gây ra. Tổng hình phạt chung cho 4 tội danh của ông Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.
Đối với bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải yến có thể giảm tội danh nhưng cũng cần cách lý khỏi xã hội một thời gian dài. Cụ thể, Trần Ngọc Thanh phạt 9 đến 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thị Hải Yến phạt 7 đến 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với bị cáo Lý Xuân Hải, xét thấy nhân thân tốt, xem xét giảm nhẹ mức án. Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho Lý Xuân Hải là 12-14 năm cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý tín dụng 3-5 năm.
Đối với Lê Vũ Kỳ, có nhiều năm quản lý hoạt động kinh doanh của ACB, đồng ý ký biên bản họp HĐQT, ký thông báo cho nhân viên uỷ thác gửi tiền, chủ trương cấp tín dụng cho ACB mua cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 1000 tỉ đồng. Xét về nhân thân, bản thân chưa có tiền án tiền sự, quá trình xét xử nhận ra sai lầm, xem xét giảm nhẹ. Đề nghị Lê Vũ Kỳ là 7 đến 8 năm tù về tội cố ý làm trái
Đối với Trịnh Kim Quang, vì lợi ích nhóm đã đồng ý chủ trương uỷ thác gửi tiền và cấp tín dụng để mua cổ phiếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ, đề nghị cách ly khỏi xã hội. Đề nghị Trịnh Kim Quang mức phạt 6 đến 7 năm tù cố ý làm trái
Đối với bị cáo Phạm Trung Cang, có thể xem xét giảm mức thấp nhất, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Đề nghị Phạm trung Cang mức phạt là 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo
Đối với Huỳnh Quang Tuấn, mặc dù không ký vào biên bản họp HĐQT nhưng ông Tuấn không ngăn cản việc uỷ thác nên là việc đồng phạm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, xét thấy hành vi, giảm nhẹ mức thấp nhất, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Viện Kiểm sát đề nghị mức phạt đối với Huỳnh Quang Tuấn là 3 năm tù cho hưởng án treo.Đối với ông Trần Xuân Giá đã tách vụ án nên không đề nghị.
 ..............................................................................
Luật sư: "Truy tố ông Kiên tội lừa đảo là không có căn cứ"
Cuối phiên tòa xét xử bầu Kiên và đồng phạm sáng nay (27/5), đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra kết luận các tội danh và đề nghị các mức án cho các bị cáo. Chiều nay, HĐXX sẽ chuyển sang phần tranh tụng.



Bị cáo Kiên và đồng phạm tại phiên tòa chiều ngày 28.5.

16h10: Trước khi toà nghỉ giải lao, ông Nguyễn Đức Kiên đứng lên nói rằng, xin được tự bào chữa về tội của mình. “Tôi hiểu rất rõ nhưng tôi cho rằng, ý kiến của luật sư có thể ảnh hưởng đến trường hợp của tôi”, ông Kiên nói.

15h35: Luật sư Ngô Huy Ngọc, bảo vệ cho “bầu” Kiên đứng lên để trình bày quan điểm về tội Lừa đảo và Trốn Thuế, luật sư cho rằng không có việc lừa đảo, vì các bên vẫn đang thực hiện nghĩa vụ của mình và đang thực hiện việc thanh lý hợp đồng. Thời điểm ông Kiên bị bắt thì hợp đồng vẫn đang còn hiệu lực. Luật sư Ngọc cho rằng, việc Viện kiểm sát (VKS) truy tố ông Kiên về tội Lừa đảo là không có căn cứ pháp luật vì các lý do: Căn cứ để VKS cho rằng lập biên bản khống vì không có cuộc họp nào nhưng vẫn có biên bản. Luật sư phân tích không phải lập biên bản khống vì, trong luật doanh nghiệp có quy định, được phép tổ chức các cuộc họp HĐQT dưới nhiều hình thức, có hình thức thể hiện các thành viên của HĐQT bằng văn bản nên không phải biên bản khống.

Về nội dung, cuộc họp là có thật, việc sở hữu 20 triệu cổ phiếu của Thép Hoà Phát cũng là thật. Việc lập biên bản khống chỉ là sự suy diễn.Theo luật sự, việc ông Kiên đứng ra ký văn bản là hoàn toàn đúng pháp luật. Người bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh, ý chí chuyển nhượng hoàn toàn phù hợp với ý chí của HĐQT, các bên đều thừa nhận sở hữu cổ phiếu của ACBI và chưa hề chuyển nhượng và chỉ có thế chấp tại ACB. Theo luật sư, cáo trạng cho rằng sau khi thu được 264 tỉ đồng, ông Kiên đã làm chứng từ để chi trả nợ và sử dụng riêng là rất mơ hồ, tạo ra cho người đọc hiểu rằng có hành vi gian dối.

Luật sư trích dẫn cáo trạng có đoạn: “Do tin tưởng ACBI đang sở hữu 20 triệu cổ phần nên ngày 21/5/2012, ông Công đại diện Thép Hoà Phát đã ký hợp đồng và chuyển 20 triệu cho ACBI”. “Ghi như vậy dễ gây hiểu nhầm là ông Công ký xong thì chuyển ngay nhưng theo hồ sơ thì 18 ngày sau mới chuyển nhượng”, luật sư nói.

Luật sư phân tích, khi tạo lòng tin cho Hoà Phát, không phải chỉ ngày 21/5/2012 mà đã có nhiều giao dịch với nhau từ rất lâu rồi. Bởi không thể chỉ một giao dịch đơn giản lại có thể lấy được 264 tỉ đồng của Hoà Phát. Đây là một quy kết quá đau đớn. Theo luật sư, trong toàn bộ cáo trạng của viện kiểm sát không hề có phần nào nói về thế nào là chiếm đoạt. Việc ký kết 21/5/2012 là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chứ không phải cá nhân với doanh nghiệp. Trong hợp đồng cũng không có yếu tố trục lợi. Việc chuyển nhượng 264 tỉ chỉ là giao dịch của hai pháp nhân chứ không phải cá nhân. Cá nhân chỉ có thể chịu trách nhiệm khi dùng hợp đồng làm công cụ chiếm đoạt, chiếm đoạt tiền làm của riêng. Ông Kiên không hề có can hệ vào số tiền 264 tỉ đồng.

15h30: Luật sư Phạm Thanh Phong bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến đứng lên bày tỏ quan điểm, việc thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên chuyển nhượng cổ phần của bà Nguyễn Thị Hải Yến không phải chịu trách nhiệm vì trước đó không có sự thống nhất và tiếp nhận ý chí của nhau.

Về ý chí, bà Yến không có ý định chiếm đoạt, về hành vi chỉ thực hiện và buộc phải làm theo chỉ đạo của công ty với tư cách là người làm công ăn lương. Đối với cáo buộc của viện kiểm sát cho rằng, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và thực hiện chủ trương bán 20 triệu cổ phiếu mà ACBI sở hữu, luật sư phân tích rằng, biên bản không phải được lập khống mà là văn bản nội bộ của công ty. Việc thực hiện chỉ căn cứ theo hợp đồng ngày 21/5/2012 giữa ACBI và Thép Hoà Phát.

15h: Sau phần bào chữa của Luật sư Nguyễn Thị Minh Thanh, ông Trần Đình Tuấn, luật sư bảo vệ cho bị cáo Trần Ngọc Thanh cũng đứng lên khái quát tiểu sử hoạt động của ông Trần Ngọc Thanh tại ACB cũng như quá trình tham gia vào việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu. Theo luật sư Tuấn, việc hoán đổi cổ phiếu do thư ký và chủ tịch HĐQT đã ký trước nên ông Thanh ký chỉ là thủ tục.

Về các hành vi ký uỷ nhiệm chi, ông Trần Ngọc Thanh đã khai tại bút lục 014538 như sau: “Việc ký chuyển 264 tỉ đồng là do cô Yến đưa hồ sơ lên, ông Kiên đã đồng ý và tôi chỉ thực hiện theo thủ tục chứ không có quyền quyết định gì”.

14h30: HĐXX bắt đầu làm việc, "bầu" Kiên xuất hiện tại toà với chiếc áo sơ mi trắng, cầm theo tập tài liệu và liên tục cúi xuống đọc. Mở đầu phiên xét xử, Luật sư Nguyễn Thị Minh Thanh tham gia bào chữa cho Trần Ngọc Thanh cho biết, qua những phần thẩm vấn những ngày qua, hình phạt viện kiểm sát đưa ra là quá nặng.

Bị cáo Thanh chịu hình phạt như vậy là chưa tương xứng với hành vi, luật sư không đồng tình với mức án đưa ra với ông Trần Ngọc Thanh. Theo luật sư, ông không phải đồng phạm chiếm đoạt 264 tỉ đồng từ thép Hoà Phát. Ông Thanh không chiếm đoạt tiền, không ăn chia, không được hưởng lời. Ông Thanh cũng không được bàn bạc với ông Nguyễn Đức Kiên, không có ý chí thống nhất mà chỉ đơn thuần là tuân lệnh lãnh đạo để thực hiện công việc.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét việc ông Thanh chỉ là lao động, làm công ăn lương, chịu sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Kiên. Việc đại diện cho công ty ký hợp đồng mua bán cổ phiếu vì ông Thanh là giám đốc, chủ trương ký hợp đồng là của Ông Kiên. Ông Thanh hoàn toàn không biết về giá bán, phương thức chuyển nhượng.

Luật sư bảo vệ cho ông Trần Ngọc Thanh tiếp tục cho biết, việc lập biên bản họp HĐQT chỉ là ý chí của HĐQT, ông Thanh không tham gia và đàm phán giá bán, chuyển nhượng.
Ông Thanh chỉ ký hợp đồng sau khi ông Kiên đã ký nháy, ông Thanh với tư cách giám đốc chỉ ký cho đúng thủ tục.

Cáo trạng của VKS truy tố lừa đảo là chưa đúng vì hành vi lừa đảo phải thoả mãn hai điều kiện là có hành vi lừa dối và có tài sản chiếm đoạt. Ông Thanh không phải việc 20 triệu cổ phiếu vì do bà Nguyễn Thị Hải Yến quản lý.

Tại bút lục, 0144 và 104572 thể hiện rõ việc bán cổ phiếu chỉ do bà Yến quản lý và bàn giao cho ông Kiên chứ ông Thanh không hề hay biết. Bút lục này trùng hợp với lời khai của bà Yến tại toà.

Trong buổi chiều ngày 27/5, HĐXX sẽ tiếp tục xét xử vụ án "bầu" Kiên và các đồng phạm với phần tranh tụng. Trong phần này, sẽ có sự đối đáp của 3 bên giữa bị cáo, luật sư bảo vệ và HĐXX.

Trước đó vài giờ đồng hồ, vào cuối phiên xét xử sáng nay (27/5), Đại diện viện kiểm sát đã đọc bản kết luận vụ án, trong đó nêu rõ Nguyễn Đức Kiên vi phạm 4 tội danh gồm: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế. Ông Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù giam.

Trong nhóm bị can, đối với bị cáo Lý Xuân Hải, xét thấy nhân thân tốt, xem xét giảm nhẹ mức án. Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho Lý Xuân Hải là 12-14 năm cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý tín dụng 3-5 năm.

Đối với Lê Vũ Kỳ, có nhiều năm quản lý hoạt động kinh doanh của ACB, đồng ý ký biên bản họp HĐQT, ký thông báo cho nhân viên uỷ thác gửi tiền, chủ trương cấp tín dụng cho ACB mua cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 1000 tỉ đồng. Xét về nhân thân, bản thân chưa có tiền án tiền sự, quá trình xét xử nhận ra sai lầm, xem xét giảm nhẹ. Đề nghị Lê Vũ Kỳ là 7 đến 8 năm tù về tội cố ý làm trái

Đối với Trịnh Kim Quang, vì lợi ích nhóm đã đồng ý chủ trương uỷ thác gửi tiền và cấp tín dụng để mua cổ phiếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ, đề nghị cách ly khỏi xã hội. Đề nghị Trịnh Kim Quang mức phạt 6 đến 7 năm tù cố ý làm trái
Đối với bị cáo Phạm Trung Cang, có thể xem xét giảm mức thấp nhất, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Đề nghị Phạm trung Cang mức phạt là 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo
Đối với Huỳnh Quang Tuấn, mặc dù không ký vào biên bản họp HĐQT nhưng ông Tuấn không ngăn cản việc uỷ thác nên là việc đồng phạm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, xét thấy hành vi, giảm nhẹ mức thấp nhất, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Viện Kiểm sát đề nghị mức phạt đối với Huỳnh Quang Tuấn là 3 năm tù cho hưởng án treo.
 ..............................................................................
Các cơ quan quản lý kinh doanh lúng túng vì bầu Kiên... viện dẫn luật


Tại tòa, bầu Kiên khẳng định có gần một triệu doanh nghiệp được thành lập thì một nửa trong số này có hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp khác. “Luật không yêu cầu đây là ngành nghề kinh doanh. Theo điều 13 Luật DN 2005, các doanh nghiệp được quyền góp vốn vào các doanh nghiệp khác”- bầu Kiên nói.
Với cùng một câu hỏi “việc đầu tư góp vốn kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu của công ty khác có phải đăng ký kinh doanh không”, đại diện các cơ quan chức năng có mặt tại tòa đều lúng túng không trả lời được và… đùn đẩy cho nhau.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM cho biết, Sở chưa thể khẳng định việc này. Sở đã hỏi Bộ KHĐT và Bộ KHĐT đã hướng dẫn Sở phải hỏi… Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể. Sở sau đó đã có văn bản hỏi Bộ Tài chính nhưng đến nay cũng chưa có phản hồi. Phát biểu quan điểm cá nhân, vị này cho rằng DN chỉ được phép hoạt động trong những ngành nghề đã đăng ký. Việc góp vốn vào DN khác đã có quy định tại Luật DN, đây là hoạt động bình thường của DN.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng để trả lời câu hỏi việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu có phải đăng ký kinh doanh hay không thuộc nhiều cơ quan, đề nghị Quý tòa hỏi Bộ KHĐT, Bộ Tài chính.

Với cùng câu hỏi này, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước ấp úng nói: Để trả lời câu hỏi này phải là người có thẩm quyền. HĐXX đề nghị vị này về nghiên cứu, mai trả lời tòa vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến việc có cấu thành hành vi vi phạm của bị cáo Kiên. Đại diện Cục quản lý kinh doanh (Bộ KHĐT) cho biết, Tổng cục thống kê có xếp mã đối với hoạt động góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu, tuy nhiên, việc xếp mã chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. “Việc xác định hoạt động này có phải ngành nghề kinh doanh hay không từ đó xác định DN có phải đăng ký kinh doanh hay không? Trả lời câu hỏi này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính”- vị này cho biết.
..............................................................................
Viện Kiểm sát kết luận "bầu" Kiên trốn thuế, kinh doanh trái phép
Ngày hôm nay (27/5), HĐXX chuyển sang phần tranh luận, VKS đề nghị mức án với các bị cáo.


11h05: 
VKS cũng kết luận, trong vụ án này, Kiên giữ vai trò chính, đối với tội Cố ý làm trái, Kiên giữ vai trò chủ mưu.

Nắm cổ phần lớn tại Ngân hàng ACB, nên Kiên giữ vai trò tiên quyết trong các quyết định của ACB. “Các Nghị quyết của HĐQT thực chất là chỉ đạo của bầu Kiên”, VKS nói.

Với vai trò, tội danh truy tố, VKS đề nghị cần cách ly bị cáo một thời gian dài.

11h00: Đối với hành vi cố ý làm trái, thông qua cuộc họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010, các bị cáo đã có hành vi ủy thác tiền gửi số tiền 718 tỷ đồng.

Việc các bị cáo thực hiện thông qua Nghị quyết ủy thác trái với quy định của NNHH về ủy thác tiền gửi và trái với luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực ngày 1/1/2011 và các văn bản liên quan.


Đối với số tiền 718 tỷ đồng, sau khi đưa ra những lập luận về sự việc, VKS cho rằng, ACB phải chịu trách nhiệm về số tiền này. Số tiền này bị thất thoát là do các bị cáo đã cố ý làm trái…


10h50: Đối với hành vi cố ý làm trái, thông qua cuộc họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010, các bị cáo đã có hành vi ủy thác tiền gửi số tiền 718 tỷ đồng.

Việc các bị cáo thực hiện thông qua Nghị quyết ủy thác trái với quy định của NNHH về ủy thác tiền gửi và trái với luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực ngày 1/1/2011 và các văn bản liên quan.


Đối với số tiền 718 tỷ đồng, sau khi đưa ra những lập luận về sự việc, VKS cho rằng, ACB phải chịu trách nhiệm về số tiền này. Số tiền này bị thất thoát là do các bị cáo đã cố ý làm trái…

10h40: 
Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Ngọc Thanh, Trần Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên đã có chủ trương bán 20 triệu cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Số cổ phần, cổ phiếu này đang bị phong tỏa nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện chuyển nhượng để thu về số tiền 264 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được cơ quan điều tra thu hồi và trả lại cho Tập đoàn Hòa Phát.

Tại tòa và tại cơ quan điều tra, Kiên không nhận tội và cho rằng, việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần là hợp với quy định pháp luật.

Căn cứ vào tài liệu điều tra và tại phần xét hỏi tại tòa, VKS khẳng định, Thanh và Yến chỉ làm theo chỉ đạo của Kiên, không được hưởng lợi. Tuy nhiên, Thanh và Yến biết cổ phần, cổ phiếu bị phong tỏa nhưng vẫn thực hiện hành vi. “Bị cáo Thanh và Yến bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức”.

Theo VKS, hành vi của các bị cáo đủ truy tố theo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

10h30: Đối với tội trốn thuế:  
Viện kiểm sát cho rằng, nhằm lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Công ty B&B đã thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) với công ty B&B để chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho cá nhân, nhằm trốn thuế hơn 25 tỷ đồng. Hành vi này của Kiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội trốn thuế.

10h20: Theo đại diện VKS, hành vi của Nguyễn Đức Kiên đối với các công ty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức không đúng với quy định đăng ký kinh doanh, lợi dụng kinh doanh vàng, cổ phần, cổ phiếu.

Đối với việc kinh doanh trái phép thông qua Công ty Thiên Nam. Công ty này không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện kinh doanh vàng. 


Mặc dù tại phiên tòa cũng như tại cơ quan điều tra, Kiên phủ nhận việc kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng… Tuy nhiên chiếu theo quy định, văn bản pháp luật, việc kinh doanh giá vàng cũng chính là kinh doanh vàng.

VKS kết luận: Hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, cổ phần cổ phiếu,.. tại 6 công ty của Kiên đủ bị quy kết tội kinh doanh trái phép.

10h10: HĐXX tiếp tục làm việc. Mở đầu phần tranh luận, Đại diện VKS đưa ra kết luận truy tố đối với các bị cáo. 
Theo đó, ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố với 4 tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế.

6 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại NHTMCP Á Châu và một số công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh gồm:

Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB), Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

2 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ).

Kèm theo bản kết luận điều tra là hồ sơ vụ án gồm 121 tập được đánh số thứ tự từ 01 đến 28.638 và các phụ lục.

9h55: Tòa tạm nghỉ. Sau khi thẩm vấn bị cáo Trần Ngọc Thanh về việc ủy thác tiền gửi, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và chuyển sang phần tranh luận.

9h50: Thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như và Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó Phòng kho quỹ Ngân hàng ACB) về số tiền hoa hồng trong việc thực hiện ủy thác tiền gửi từ ACB sang Vietinbank, bà Ngọc cho biết, việc thực hiện ủy thác tiền gửi được thỏa thuận với Huyền Như theo lãi suất 14%. Theo thỏa thuận này, số tiền hoa hồng của việc ký gửi 718 tỷ đồng là hơn 10 tỷ đồng.

“Số tiền hoa hồng này, Ngân hàng ACB được hưởng. Khoản tiền này được chuyển cho các cá nhân. Các cá nhân vẫn chưa chuyển lại cho Ngân hàng ACB”, bà Ngọc nói.

9h45: HĐXX đặt câu hỏi với đại diện ngành thuế để làm rõ tội trốn thuế của bị cáo theo cáo trạng.

Theo Tổng cục thuế, trong hai năm 2009-2010, có đoàn thanh tra toàn diện đối với Công ty B&B. Thời điểm đó người ký biên bản thanh tra thuế là Nguyễn Đức Kiên.


Nội dung thanh tra về việc chấp hành pháp luật thuế. Trong năm 2009-2010, khẳng định doanh nghiệp B&B đều làm ăn có lãi. Nguyên tắc là phải nộp thuế doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, đoàn thanh tra dựa trên hồ sơ khai thuế của các đơn vị. Nếu có một khoản không khai thuế thì thanh tra không thể phát hiện được.

Như vậy, khoản thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa B&B, em gái bầu Kiên và Ngân hàng ACB được cơ quan điều tra phát hiện, Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính nói.

9h30: HĐXX đặt câu hỏi với đại diện NHNN về việc ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB. Theo đại diện NHNN, thời điểm Ngân hàng ACB ủy thác 19 nhân viên đi gửi tiền thì chưa có bất kỳ giấy phép nào về ủy thác tiền gửi đối với Ngân hàng này.  Theo đại diện NHNN, theo luật tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng không được kinh doanh ngoài các hoạt động của ngân hàng và giấy phép kinh doanh. Chiếu theo các quy định này, cùng với Quyết định 742 của NHNN đối với ACB về ủy thác cho vay, đại diện này khẳng định, thời điểm này chưa có văn bản nào cho phép ACB thực hiện ủy thác tiền gửi căn cứ trên: giấy phép,điều lệ, quy định…



9h20: Luật sư thẩm vấn bầu Kiên để làm rõ hơn hành vi trốn thuế. Luật sư đặt vấn đề: Trong năm 2009, ngoài việc ủy thác đầu tư giữa B&B và Ngân hàng ACB và Ngân hàng ACB với em gái bầu Kiên thì có phát sinh các khoản phát sinh thuế nào nữa không? 
“Bầu” Kiên: Ý kiến của Tổng cục thuế không phù hợp với chức năng của Tổng cục thuế theo Nghị định của Chính phủ. Thanh tra viên giám định không đầy đủ, không chính xác, không định quy định.  Cho đến trước khi bị bắt, Cục thuế, chi cục thuế chưa có ý kiến nào về việc B&B trốn thuế.


Luật sư: Các nghiệp vụ phát sinh năm 2009, B&B đã kê khai đầy đủ theo thuế doanh nghiệp hay chưa? 

Bị cáo Kiên: B&B thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật.

Kiên đồng thời đề nghị HĐXX bổ sung văn bản trả lời của Tổng Cục thuế đối với Chi cục thuế Đống Đa về vấn đề thuế của B&B còn thiếu trong hồ sơ vụ án.

Tiếp tục đặt câu hỏi với Tổng Giám đốc B&B về nghĩa vụ kinh tế khác không trong năm 2009, bà Đặng Ngọc Lan (vợ “bầu” Kiên) cho biết: Không phát sinh trong năm 2009.



9h10: Luật sư đặt câu hỏi về tội danh Trốn Thuế. Đại diện Chi cục Thuế Đống Đa trả lời của luật sư vấn đề thuế của công ty B&B có vi phạm gì không trong năm 2009. 
Đại diện này cho biết B&B không có vấn đề gì về thuế trong năm 2009. Tội trốn thuế của bị cáo Kiên theo cáo trạng do Cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện.


Trả lời câu hỏi của luật sư về hành vi trốn thuế của bị cáo theo cáo trạng, đại diện Tổng cục thuế nói, số tiền 25 tỷ đồng trốn thuế tại Công ty B&B là kết quả giám định viên từ các hợp đồng ủy thác.



8h52: Phiên tòa tiếp tục khi luật sư đặt ra hàng loạt câu hỏi với Công ty ACBS, ACI, Ngân hàng ACB về vấn đề cổ phần, cổ phiếu.


8h48: Luật sư đặt câu hỏi với đại diện NHNN.  Trả lời câu hỏi của luật sư về quy định trong cấp thẻ tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết: Việc cấp tín dụng cũ và mới không có thay đổi nhiều.

Còn đối với trái phiếu doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết, chưa rõ ràng lắm là đã cấp tín dụng hay không. Đại diện NHNN cho biết, thông tin ông đưa ra dựa vào luật tổ chức tín dụng. 

Đại diện NNHH cũng cho biết, việc kinh doanh trái phiếu có cấp giấy phép, trong đó có nghiệp vụ cấp phiếu: Tất cả các tổ chức tín dụng thực hiện nội dung ghi trong giây phép, không được thực hiện ngoài giấy phép. “Cho nên việc mua trái phiếu doanh nghiệp phải được ghi trong giấy phép”, đại diện ngày giải thích.


8h40: Luật sư Uyên tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Phạm Trung Cang. 
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Cang cho biết: Sau ngày 31/12/2010, bị cáo chuyển từ ACB sang ngân hàng khác. Bị cáo Cang cho biết không còn nhận được thông tin nào về việc ủy thác tiền gửi. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền, bị cáo Cang cho biết cũng không có thông tin.

8h35: Luật sư Uyên đặt câu hỏi đầu tiên với bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB) . Đối với câu hỏi về suy nghĩ của bị cáo gì về hành vi ủy thác tiền gửi, Tuấn nói: Nghĩ đơn giản về việc ủy thác gửi tiền, tôi biết được một số thông tin về ủy thác gửi tiền sau cuộc làm việc của HĐQT với cơ quan giám sát ngân hàng.

Theo Tuấn, việc ủy thác chưa chắc đã sai theo một số văn bản pháp luật. Đồng thời, theo điều lệ của Ngân hàng ACB, đơn vị này có chức năng ủy thác gửi tiền. 

Đồng thời điều 106, Luật các tổ chức tín dụng 2010, được ủy thác nhưng với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Đến năm 2011, NHNN vẫn chưa có quy định nào về ủy thác. Cho nên việc ủy thác theo một số văn bản cũ là không sai.

Đối với trách nhiệm trong việc ủy thác, bị cáo Tuấn từ chối trách nhiệm vì cho rằng mảng này không phải do mình quản lý.

8h30: Tòa bắt đầu làm việc. Theo đơn đề nghị của luật sư, xét thấy một số kiến nghị của luật sư và một số câu hỏi chưa được trình bày, nên tòa tiếp tục quay lại phần xét hỏi.


8h00: Các bị cáo có mặt tại Tòa. Phiên xét xử hôm nay vẫn chưa bắt đầu.  Ngày hôm qua (26/5), HĐXX và các luật sư tham gia tố tụng tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về các hành vi truy tố như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Kinh doanh trái phép, Trốn thuế…

Khẳng định trước tòa, "bầu" Kiên nói: "Tôi không phạm tội như cáo trạng ghi. Tôi không làm điều gì ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của đất nước”.

Ngày hôm qua, HĐXX cũng kết thúc phần xét hỏi, sáng nay (27/5), HĐXX chuyển sang phần tranh luận, VKS đề nghị mức án với các bị cáo.

..............................................................................

"Bầu” Kiên: "Tôi không thiếu tiền để chiếm đoạt tài sản"

Khẳng định tại phiên tòa xét xử chiều nay (26/5), ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, không có nhu cầu, không thiếu tiền để phải chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty thép Hòa Phát.

Trong phiên xét xử chiều ngày 26/5, trước hàng loạt câu hỏi của luật sư liên quan đến việc lừa tiền tập đoàn Hòa Phát, ông Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định rằng: “Tôi không tin rằng ở Việt Nam này có ai lừa được anh Long. Chúng tôi đã hợp tác với nhau nhiều dự án lên đến nhiều ngàn tỷ và chưa có tranh chấp nào bao giờ. Tôi tin vào năng lực quản trị của anh Long, với trách nhiệm là chủ tịch Hòa Phát, anh ấy có trách nhiệm nắm được các việc làm của cấp dưới. Tôi tin anh Long biết”.

Ông Kiên cũng nhấn mạnh rằng, ông không có nhu cầu để chiếm đoạt 264 tỉ đồng, “Tôi không thiếu tiền để chiếm đoạt tiền của ai. Tôi không chiếm đoạt tiền của Hòa phát vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm điều này”.

Người đàn ông đầu bạc cũng cho biết thêm, vào thời điểm ACBI góp vốn vào Hòa Phát, ông là đại diện lớn thứ 2 góp vốn vào sau các cổ đông nước ngoài. Bởi vậy, ông hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành của ban lãnh đạo HPG, tin anh Long như một người đồng cấp.
“Nếu anh Long không phải là bạn tôi, thì tôi có thể xác định ngay tôi là người bị hại trong vụ này vì: CTCP Thép Hòa Phát đã tự động xác nhận việc chuyển nhượng khi không đủ điều kiện, Thép Hòa phát đã tự động xác nhận chuyển nhượng cổ phiếu của ACBI khi chưa chuyển tiền”, lời ông Nguyễn Đức Kiên

Ông Kiên cho rằng, vì là bạn bè, nên ông không hề có ý kiến nào khác trong suốt 21 tháng mà chỉ nói trong quá trình thực hiện hợp đồng, có sai sót rất nhỏ của anh Dương, nếu không ông có quyền kiện Công ty Một thành viên Thép Hòa Phát.

Về phía bị can Nguyễn Thị Hải Yến, ông Kiên rất thông cảm với cách trả lời của bị cáo Yến vì: “Yến là bạn học của em gái tôi từ bé, là học sinh của bố mẹ tôi, tôi coi như em, không đổ trách nhiệm cho Yến nhưng Yến chịu áp lực của CQĐT nên có chỗ không chính xác. Tôi nghĩ không cần phải chứng minh sự không chính xác đó, không phải đổ lỗi cho nhau”.
“Tôi kinh doanh gần 30 năm, không có bất kỳ khoản vay cá nhân nào. Tài sản của tôi nếu không xảy ra vụ án này thì là nhiều ngàn tỷ, nên không có bất kỳ khó khăn tài chính nào.”, ông Kiên khẳng định.
..............................................................................
Bầu Kiên: "Không rõ vì sao tôi bị bắt"

Cựu lãnh đạo ACB Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào 5 tài liệu thu thập và không đưa 2 tài liệu quan trọng khác vào hồ sơ là làm sai bản chất sự việc.\

Ngày 26/5, TAND Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm với sự tham gia xét hỏi của các luật sư. Về cáo buộc lợi dụng việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty ACBI với Công ty Thép Hoà Phát để chiếm đoạt 264 tỷ đồng, như các lần thẩm vấn trước, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tiếp tục khẳng định ban đầu không đồng ý song vì mối quan hệ thân tình với chủ tịch tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long mới chấp nhận. Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện chuyển đổi theo đúng thoả thuận và không có hành vi gian dối nào trong việc chuyển nhượng.

Về việc Giám đốc và Kế toán trưởng của ACBI cùng bị quy kết lừa đảo trong phi vụ này, bị cáo Kiên với tư cách chủ tịch HĐQT ACBI đã nhận hết tội về mình. "Tôi trực tiếp chịu trách nhiệm, anh Thanh và chị Yến không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào”, bầu Kiên nói.
Có mặt tại tòa, đại diện Công ty Thép Hoà Phát cũng cho rằng có sơ suất khi hai bên ký hợp đồng. Vị này trình bày không thể trả lời được việc bầu Kiên có ý định lừa đảo 264 tỷ đồng hay không từ hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu này.

Tiếp tục trả lời luật sư về hành vi trốn thuế, bầu Kiên cho rằng bản giám định của cơ quan thuế dùng làm căn cứ buộc tội là không đúng. Theo bị cáo, việc giám định thuế thu nhập phải trên tất cả các hợp đồng của công ty trong năm đó và phải căn cứ quy định thời điểm xảy ra. Công ty B&B, tại thời điểm đó, theo quy định pháp luật được miễn giảm thuế. “Chỉ căn cứ 5 tài liệu mà cơ quan điều tra cung cấp cho cơ quan giám định Bộ Tài chính là không đủ”, bầu Kiên nói và cho rằng với trí nhớ tốt của mình đã phát hiện hai tài liệu quan trọng không được đưa vào hồ sơ, theo nội dung đó tiền lỗ của B&B vào ngày 31/12/2010 là 268 tỷ đồng.

"Đây là những tài liệu, theo bị cáo, thể hiện đúng bản chất của công ty nếu thiếu thì sai bản chất sự việc", ông Kiên nói. Theo lập luận của bị cáo này, Công ty B&B do bị lỗ 168 tỷ đồng nên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về vấn đề trên, đại diện Giám định viên Bộ Tài chính Nguyễn Quang Hưng cũng cho rằng, căn cứ 5 hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp không thể xác định chính xác số thuế thu nhập doanh nghiệp của một doanh nghiệp. Trong trường hợp nếu các hoạt động kinh doanh khác kê khai thuế đầy đủ thì vẫn có thể tính riêng thuế và cộng vào số thuế của hoạt động kinh doanh thuế đầy đủ.

Còn bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Kiên cũng là giám đốc Công ty B&B cho biết thời gian đó chưa nắm được tình hình cụ thể nên muốn uỷ quyền cho người khác tại công ty trả lời. Toà bác bỏ đề nghị này và bà Lan đã xin trả lời trong phần thẩm vấn chiều nay.

Cũng trong phần trả lời thẩm vấn của các luật sư, bị cáo Kiên cho biết "không rõ vì sao bị bắt". Theo trình bày, vai trò của bị cáo tại ACB cần phải được phân biệt tại 2 thời kỳ. Từ năm 1993 đến 2008, bị cáo là Phó chủ tịch HĐQT tại đây và sẽ chịu trách nhiệm với phần việc của mình. Từ năm 2008 trở đi, do giữ vị trí khác nên ông không chịu trách nhiệm gì. “Tôi không được quyền và trên thực tế không chỉ đạo ai, bất kỳ thành viên nào trong Hội đồng thường trực ACB”, bị cáo Kiên nói.

Đại diện Ngân hàng ACB tại toà cho biết không có thiệt hại như cáo trạng truy tố, vì thế "không có yêu cầu gì về việc thiệt hại đối với bầu Kiên và các thành viên Hội đồng thường trực ngân hàng ACB”.

Theo cáo buộc với việc uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền, ngoại tệ ở những tổ chức tín dụng cùng chủ trương đầu tư cổ phiếu, những cán bộ lãnh đạo hàng đầu của ACB là Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Quang Tuấn đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.400 tỷ đồng. Họ bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
..............................................................................

Bầu Kiên "lách luật" thế nào để đầu tư cổ phiếu?

Sáng 26/5, HĐXX tập trung làm rõ hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng. Theo đó, một chiêu “lách luật” được tòa làm rõ: Khi không được trực tiếp mua cổ phiếu, “bầu” Kiên xoay sở bằng việc hợp tác đầu tư.

Trước đó, cuối năm 2009, thường trực hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã ban bố thông báo: “Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lời. Thường trực hội đồng quản trị chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này”.

Không được mua thì xoay sang...hợp tác

Thực hiện nội dung này, “bầu” Kiên đã chỉ đạo Cty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. Do hiểu luật không cho phép Cty ACBS mua cổ phiếu Ngân hàng ACB (Cty ACBS là Cty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ, và Bộ Tài chính có quy định: “Cty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của cty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của cty chứng khoán”), Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty cổ phần Đầu tư Á Châu (Cty ACI) và Cty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Cty ACI-HN) do ông Kiên làm chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, để đầu tư mua cổ phiếu.

Đơn cử như hành vi ngày 1/12/2009, Hội đồng đầu tư Cty ACBS gồm các ông Lê Vũ Kỳ, Đỗ Minh Toản, Nguyễn Ngọc Chung ký nghị quyết cho phép Cty ACBS hợp tác với Cty ACI để đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng. Nghị quyết này đã được Nguyễn Đức Kiên phê duyệt với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB.

Theo cáo buộc từ Viện KSND Tối cao, để Cty ACBS có tiền mua cổ phiếu, theo chỉ đạo của “bầu” Kiên, Ngân hàng ACB đã cho KienLongbank vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng và cho Vietbank vay liên ngân hàng 500 tỷ đồng, để KienLongbank và Vietbank cho Cty ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức mua trái phiếu của Cty ACBS. Với hành vi này, theo kết luận của cơ quan truy tố, việc Ngân hàng ACB chuyển tiền cho Cty ABCS thông qua việc cho KienLongbank và Vietbank vay tiền liên ngân hàng dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.

Bằng các hành vi tương tự, cơ quan điều tra khẳng định, hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông Trần Xuân Giá (đã được tạm đình chỉ vụ án), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải (Tổng GĐ Ngân hàng ACB) và hành vi tổ chức việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng.

“Luật sư tạm ngồi xuống, lát hỏi”

Đó là những “điều chỉnh” từ HĐXX đối với phần thẩm vấn của luật sư. Khá nhiều luật sư bị cho là đã hỏi lại những nội dung mà tòa đã hỏi trước đó. Ngay lập tức, vị chủ tọa lên tiếng: “Luật sư tạm ngồi xuống, lát hỏi. Mời các luật sư khác”.

Liên quan đến những thiệt hại của Ngân hàng ACB, một luật sư đã đặt câu hỏi về phía đại diện Ngân hàng ACB: “Đến giờ phút này, phía ACB đã có văn bản nào yêu cầu ông Nguyễn Đức Kiên bồi thường thiệt hại chưa”, “Dạ chưa” – vị đại diện Ngân hàng ACB lên tiếng.
Trước khi tòa tạm nghỉ, luật sư đặt câu hỏi với đại diện Tổng cục Thuế liên quan đến nội dung hợp đồng ủy thác giữa Cty B&B và Nguyễn Thúy Hương (em gái “bầu” Kiên). Theo đó, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng: “Mọi việc phụ thuộc vào kết quả điều tra và phán quyết của tòa án”.

Ở nội dung này, cơ quan chức năng xác định, Cty B&B (vợ “bầu” Kiên – bà Đặng Ngọc Lan làm đại diện) đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Hương, với nội dung đầu tư vào việc kinh doanh vàng. Và đây là hợp đồng ủy thác không hợp pháp, do Cty B&B không có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

..............................................................................

Bắt đầu xét xử đại án bầu Kiên


Sáng mai (16-4), theo kế hoạch, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP.HCM và TP Hà Nội.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (phó chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) làm chủ tọa. 20 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

9 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm:
Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị đưa ra xét xử về 4 tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm:
- Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
- Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)
- Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
2 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:
- Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
- Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội )
Trước đó, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, TAND TP Hà Nội đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
TAND TP Hà Nội kiến nghị Viện KSND TP Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) và bốn người khác về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2007 ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị hội đồng quản trị Ngân hàng ACB lập hội đồng sáng lập ACB do ông Kiên làm phó chủ tịch.
Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB.
Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn thành lập sáu công ty do chính ông là chủ tịch hội đồng quản trị/ hội đồng thành viên gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN).
Mặc dù 6 công ty này không được cấp phép kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn điều hành các công ty này kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền lên tới 21.490 tỉ đồng.
Cáo trạng thể hiện từ tháng 6 đến tháng 9-2011, Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718,908 tỉ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7-13%/năm. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt.
Trong đó, hành vi của ông Phạm Trung Cang đã cùng các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn ký vào biên bản họp thường trực hội đồng quản trị Ngân hàng ACB ra chủ trương dùng tiền của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra là 1.696 tỉ đồng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"