Từ môc bảng triều Nguyễn - Hé lộ nguyên nhân vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định năm 1833

Mộc bản triều Nguyễn là tài liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại và được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới”. Đây là khối tài liệu quý giá và có tính chính xác về lịch sử đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt – Lâm Đồng). Trong rất nhiều vấn đề mà khối tài liệu này hàm chứa, có nội dung về việc vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định.

Gia Định, mà người ta vẫn thường gọi Sài Gòn – Gia Định (nay thuộc quận Bình Thạnh – Tp. HCM) là cái tên đã trở nên thân quen với nhiều người Việt Nam nói chung và các thế hệ người Nam Bộ nói riêng. Tuy nhiên, để đi đến tên gọi Gia Định thì vùng đất này cũng trải qua rất nhiều biến cố về tên gọi. Chúng ta hãy quay ngược lịch sử về năm 1833 để thấy được vì sao Minh Mạng (vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn) lại cho gọi lại cái tên Gia Định.

Ngược lại lịch sử để thấy tên gọi Gia Định cũng trải qua nhiều biến cố. Năm 1779, sau khi đánh lấy lại vùng đất Gia Định từ quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) đã chia toàn miền Nam lúc bấy giờ ra thành một trấn (Hà Tiên) và 4 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Trường Đồn và Long Hồ). Tất cả các dinh trấn này đều chịu sự cai quản của Phủ Gia Định. Năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh chọn Sài Gòn làm nơi đóng đô của mình, và gọi là Gia Định kinh. Kinh đô này chỉ tồn tại từ năm 1790 đến năm 1801, vì sau khi lấy được Phú Xuân (Huế ngày nay) vào năm 1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã dời đô ra đấy rồi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long và sáng lập ra vương triều phong kiến cuối cùng của nước ta (triều Nguyễn).

Năm (1802), vua Gia Long cho đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, đồng thời cho các dinh cũng đổi thành các trấn, gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Tất cả các trấn này nằm dưới sự cai quản của trấn Gia Định. Năm 1808, vua Gia Long định lại bờ cõi, phân địa giới toàn lãnh thổ Việt Nam ra làm 4 dinh gồm 25 trấn, đồng thời lại chia làm hai miền Bắc Nam, gọi là Bắc Thành (Miền Bắc) và Gia Định Thành (Miền Nam) để tiện việc cai quản. Trấn Gia Định lại được đổi thành Gia Định Thành. Gia Định Thành lúc này cai quản 5 trấn gồm: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang. Về mặt hành chính của Gia Định Thành, đứng đầu là Tổng trấn, có hai phụ tá là Hiệp Tổng trấn và Phó Tổng trấn. Tổng trấn đầu tiên của Gia Định Thành là Nguyến Văn Nhơn (Nhân), và vị Tổng trấn cuối cùng là Lê Văn Duyệt.


 Mộc bản triều Nguyễn nói về Dụ của vua Minh Mạng về việc cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định vào năm 1833

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), sau khi Lê Văn Duyệt từ trần, nhà vua bãi bỏ chức Tổng trấn và triều đình đã chia khu vực Miền Nam ra làm 6 tỉnh là: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên (gọi chung là Nam Kỳ lục tỉnh), và không đặt một viên quan nào cai trị chung cho cả lục tỉnh nữa. Đơn vị hành chính Gia Định Thành kể như bị xóa sổ từ đó.

Lại nói về mối quan hệ giữa vua Minh Mạng và Tổng trấn Gia Định cuối cùng là Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt đã có nhiều công lao giúp vua Gia Long đánh đổ nhà Tây Sơn để lập ra nhà Nguyễn. Vì thế mà Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng ngũ khai quốc công thần của vương triều Nguyễn. Lê Văn Duyệt sống và làm quan dưới hai đời vua nhà Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng. Ngoài việc giúp vua Gia Long lật đổ nhà Tây Sơn, Lê Văn Duyệt còn có công lao ổn định triều chính và đảm nhận cai quản vùng đất phía Nam của đất nước. Sau này dưới sự cai quản của Lê Văn Duyệt, vùng đất phía nam đã trở thành một vùng đất trù phú. Không những thế, uy danh cũng như tiếng tăm của Lê Văn Duyệt vang khắp đất nước thời bấy giờ làm cho các lực lượng đối lập và các nước lân bang rất kính nể và lo sợ khi có ý định đối đầu với nhà Nguyễn.

Sau khi vua Gia Long băng hà, Lê Văn Duyệt vẫn được vua Minh Mạng giao cho nhiều quyền hành trong triều đình và Lê Văn Duyệt đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Lê Văn Duyệt là người có quyền uy trong triều đình, ông từng giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành 2 lần: từ 1812 đến 1815 (triều vua Gia Long) và từ 1820 đến 1832 (đời vua Minh Mạng). Trong các vị khai quốc công thần thì Lê Văn Duyệt được tiên triều cho quyền “nhập triều bất bái” (tức vào triều không phải lạy) nên sau này khi vua Gia Long mất Lê Văn Duyệt không chịu lạy vua Minh Mạng. Khi Lê Văn Duyệt còn sống, giữa ông và vua Minh Mạng đã có những mâu thuẫn nhưng do Lê Văn Duyệt có quyền uy lớn trong triều đình nên vua Minh Mạng không làm gì được. Khi vua Minh Mạng trị vì đất nước, mối quan hệ giữa nhà vua và Lê Văn Duyệt bề ngoài thì vẫn êm đẹp nhưng bên trong đã cho thấy có sóng ngầm triều chính.

Từ khi con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định) vào năm 1833, vua Minh Mạng thường ban trách Lê Văn Duyệt, dù ông đã mất. Khi cuộc nổi loạn ở thành Phiên An của Lê Văn Khôi bị triều đình đàn áp thì cũng là lúc chuyện tư thù của Minh Mạng và Lê Văn Duyệt được phát ra. Cho dù Lê Văn Duyệt đã không còn nhưng với những gì vua Minh Mạng còn ấp ủ trong lòng từ lúc trước thì việc kết tội Lê Văn Duyệt là khó tránh khỏi, vì dù sao đi nữa Minh Mạng cũng là một người đứng đầu triều đình. Cuối cùng, sau nhiều biến cố đã xảy ra, Lê Văn Duyệt đã phải nhận cái án ngay trên ngôi mộ của mình. Mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng và bị xiềng xích với 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết). Có lẽ ở bên kia thế giới, Lê Văn Duyệt cũng không biết được rằng khi ông mất đi, đã có một bản án được thực hiện ngay trên ngôi mộ của mình. Cũng cần nói rằng, đây là vụ án có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Và cũng từ vụ án của Lê Văn Duyệt, vua Minh Mạng bắt đầu có định lệ về việc cấm thái giám không được tham gia triều chính.

Sách “Đại Nam thực lục” phản ánh về vụ án Lê Văn Duyệt (người  làm Tổng trấn Gia Định cuối cùng của triều Nguyễn)

Sau biến cố thành Phiên An bởi cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định. Sự kiện này được đánh dấu bởi Dụ của vua Minh Mạng trong Mộc bản triều Nguyễn.

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 102, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chép rằng: Đổi tỉnh Phiên An làm tỉnh Gia Định. Vua dụ Nội các rằng: “Nguyên sáu tỉnh Nam Kỳ, đều gọi chung là Gia Định. Đó là do Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế (vua Gia Long) ta, đặc ơn ban cho tên tốt ấy. Từ khi nổi lên ở miền đông thổ đến giờ, nhân dân sở tại từ lâu được yên trong cảnh vô sự. Năm ngoái, chia đặt tỉnh hạt, nhân đó đổi trấn Phiên An làm tỉnh Phiên An. Gần đây, nghịch Khôi giữ thành làm phản, dần đã dẹp yên, nên đổi là Gia Định để lấy lại cái tên tốt ấy, khiến cho nhân dân thuộc tỉnh từ đây về sau, đều được hưởng phúc thái bình lâu dài”.

Qua Mộc bản cho ta thấy rằng, vua Minh Mạng đã cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định là sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa chiếm thành Phiên An của Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt – người đã từng hai lần làm Tổng trấn Gia Định). Nói xa hơn, có thể vua Minh Mạng đã vì chuyện tư thù với cha con Lê Văn Duyệt nên mới có việc đổi tên như vậy, bởi dù sao ông cũng là người đứng đầu một vương triều, nhà vua có quyền làm việc gì mình muốn. Những mâu thuẫn với cha con Lê Văn Duyệt có thể đã đeo đuổi trong tâm trí của ông mà vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn chưa có cơ hội dể thực hiện chuyện tư thù. Sau cuộc khởi nghĩa chiếm thành Phiên An của Lê Văn Khôi, khi cơ hội đến và vua Minh Mạng đã thực hiện để xua tan sự uất ức mà bấy lâu nay ông vẫn nung nấu. Bên cạnh đó nhà vua còn cho rằng cái tên Phiên An không mạng lại nhiều may mắn nên đã cho đổi thành tỉnh Gia Định với hy vọng cái tên này sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp. Đó cũng là việc làm giảm đi vai trò quan trọng của cha con Lê Văn Duyệt đối với vùng đất Gia Định bởi vua Minh Mạng không muốn mọi người nhắc lại một trong những vết gợn của triều đình khi bị Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An cũng như không muốn mọi người nhớ đến công lao to lớn của Lê Văn Duyệt (một người đối địch trong mắt nhà vua) đối với vùng đất Gia Định. Qua Mộc bản triều Nguyễn đã hé lộ một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định vào năm 1833 là chuyện tư thù của nhà vua với cha con Lê Văn Duyệt – Lê Văn Khôi.
L.K

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"