Đến Đà Lạt - Nhặt hoa rơi ....Thấy lòng buồn không bến bờ!

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến Đà Lạt là nhắc đến xứ sở của sương mù, thành phố của ngàn hoa, thành phố của tình yêu..., là chốn dừng chân tuyệt vời cho lữ khách thập phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây có một điều dễ nhận thấy là nhiều danh thắng của Đà Lạt đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Đầu tiên hãy nhắc đến hồ Xuân Hương và hồ Than Thở. Đây là hai hồ nước nổi tiếng của Đà Lạt từng đi vào thơ ca, nhạc họa với những vần thơ nhẹ nhàng tinh tế và những nốt nhạc trầm bổng khiến bao người phải xuyến xao. Nhưng từ quá khứ đến hiện tại lại là một tỷ lệ nghịch khiến chúng ta phải giật mình. Hồ Xuân Hương là viên ngọc giữa TP Đà Lạt với một vẻ đẹp không thể tả hết bằng lời. Nhắc đến Đà Lạt là người ta nói ngay đến hồ Xuân Hương. Đơn giản vì nó là trái tim chi phối từng nhịp đập trong sự sống của thành phố.

Hồ Xuân Hương - bị tảo lam đang tấn công!
Ấy vậy mà những tác động con người đang làm cho hồ Xuân Hương  phải chịu cảnh “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hồ Xuân Hương bị ô nhiễm nặng bởi phải gánh chịu đủ loại chất thải làm cho nguồn nước không còn sạch sẽ như trước. Trên mặt nước là đủ thứ rác thải khiến nhiều người phải rùng mình. Thực tế cho thấy nguồn nước hồ Xuân Hương đã thay đổi màu nhiều lần do bị ô nhiễm nặng. Nhiều người dân nơi đây không khỏi xót xa về chuyện đó. Và khi trái tim thành phố bị loạn nhịp, cả một cơ thể Đà Lạt ắt cũng sẽ “hắt hơi sổ mũi”.
Còn hồ Than Thở thì đang trong tình trạng báo động trầm trọng. Hồ Than Thở nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 5km về phía Đông. Xưa kia đây là một điểm rất đẹp thu hút nhiều du khách bởi nơi đây gắn liền với một huyền thoại tình yêu được truyền tụng bao đời. Thế nhưng ngày nay hồ Than Thở chỉ như một cái “ao làng” đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Hồ Than Thở nằm cạnh làng hoa Thái Phiên là một trong những nguyên nhân khiến hồ bị ô nhiễm do chất thải và chất hóa học từ thuốc trừ sâu và phân bón thải ra. Nhiều hộ dân không ngừng lấn chiếm dần diện tích nên hồ ngày càng nhỏ đi. Trước đây hồ Than Thở có diện tích gần 9ha nhưng nay chỉ còn hơn 3ha. Nhiều người đã lấy cái tư lợi mà không biết mình đang “bóp cổ” hồ Than Thở. Hãy cứu lấy hồ Than Thở khi chưa quá muộn, nếu không một ngày không xa nữa hồ Than Thở sẽ bị xóa sổ trên bản đồ của Đà Lạt.

Hồ Than Thở đang bị rác tấn công!
Thác Cam Ly cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng được nhắc đến nhiều với biết bao mỹ từ để miêu tả, là địa chỉ mà trước đây khi lên Đà Lạt du khách cũng không bỏ qua vì ngay trong lòng thành phố có một dòng thác đẹp tự nhiên. Nhưng sự thi vị đó nay đã không còn mà thay vào đó là lời khuyên hãy đeo thật nhiều khẩu trang trước khi đến thác để tránh phải ngửi  mùi hôi thối. Chính vì tình trạng ô nhiễm báo động nên khu du lịch thác Cam Ly nằm trong số những khu du lịch có lượng khách tham quan thấp nhất Đà Lạt.
Mỗi ngày chỉ lèo tèo vài du khách có thị hiếu muốn biết thác này như thế nào ghé qua, nhưng họ đến rồi đi nhanh vì không thể chịu được mùi ô nhiễm. Những số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng cho biết thác Cam Ly rơi vào tình trạng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh với mức độ ngày càng nặng. Các thông số đánh giá mức độ ô nhiễm đều vượt chuẩn gấp nhiều lần.

Thác Cam Ly bốc mùi hôi thối!
 Thung lũng Tình Yêu xưa nay là một biểu tượng nổi tiếng, nó góp phần tạo nên những điều kỳ diệu cho Đà Lạt và đã được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998. Thung lũng Tình Yêu là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến với Đà Lạt. Mỗi năm, khu du lịch này đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan. Nhưng hiện nay danh thắng này đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng do tình trạng “thiếc tặc” khoét ruột thắng cảnh. “Thiếc tặc” đào đường hầm có nhiều cửa ăn thông với nhau, dài hàng trăm mét len lỏi trong lòng Thung lũng Tình Yêu để khai thác thiếc.
Người ta liên tục phát hiện ra các đường hầm mà “thiếc tặc” đào ngầm dưới Thung lũng Tình Yêu để khai thác thiếc trái phép. Vì lợi nhuận quá lớn nên “thiếc tặc” không từ bất cứ thủ đoạn nào để đục khoét Thung lũng Tình Yêu làm cho trong lòng nó như một con đê bị mối làm tổ và có thể sập bất cứ lúc nào.

Thiêt tặc hoành hành Thung lũng tình yêu!
Điều đáng nói là nạn “thiếc tặc” đã phát hiện từ một vài năm trước đây nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính quyền địa phương vẫn không giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó cũng cần đề cập đến việc thông đã bị chặt quá nhiều làm cho cảnh quan của Đà Lạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thông là một phần để tạo nên “linh hồn” Đà Lạt và người ta vẫn gọi thành phố này là “xứ sở thông reo”. Vậy nhưng, trước áp lực phát triển, thông Đà Lạt đang bị con người đốn hạ để làm các công trình, khu du lịch hay khai thác khoáng sản. Đi quanh Đà Lạt vẫn còn thấy nhiều gốc thông vẫn còn mủ ứa ra.

Rừng thì mỗi ngày mỗi trọc thêm!
Những rừng thông như là lớp vỏ che chắn và gìn giữ sự mát mẻ, trong lành cho Đà Lạt nhưng đang bị “xẻ thịt”. Trước đây nhiều người từng gắn bó với Đà Lạt vẫn cảm thấy tự hào vì khắp thành phố chỗ nào cũng có sự hiện diện của thông mà mọi người vần thường nói “rừng trong phố” bởi nhiều ngôi nhà nằm dưới được che chắn bởi những tán lá thông mát mẻ. Giữ được những rừng thông thì Đà Lạt mới giữ được nét riêng của mình. Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhắc nhở lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng rằng: “Đà Lạt không phải của riêng người Đà Lạt-Việt Nam chỉ có một Đà Lạt!”. Và Đà Lạt đang dần tự đánh mất mình, bởi thông mất-Đà Lạt sẽ mất! Tự nhiên thoảng trong đầu một câu hát trong một bài hát rất hay về Đà Lạt: “Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ, nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ”.

                                                                                                                                           Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"