Lâm Đồng: Thầy giáo bị đuổi việc oan đã thắng kiện


Sau hơn 6 năm đi tìm công lý, ngày 17/09/2013 thầy giáo – Luật sư Lê Cao Tánh, đã thắng kiện trong vụ  kiện “Tranh chấp kỷ luật sa thải” giữa ông Trường THPT Bán công Nguyễn Du, Đà Lạt. Những người chứng kiếm phiên tòa (chủ yếu là học trò cũ của thầy) thốt lên rằng: “Cuối cùng chân lý đã được bảo vệ, “Thầy” lại được làm thầy” mà chúng tôi không khỏi xót xa!



Từ một cái tát…
 Ngày 31-12-2004, ông Lê Ngọc Sử, Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du, ký hợp đồng làm việc số 56 có thời hạn không xác định với ông Lê Cao Tánh. Sau hai năm công tác yên ổn tại trường, sáng 12-12-2006, học sinh Nguyễn Hoàng Minh Trí, Lớp 10B2 đã vô cớ xúc phạm ông Lê Cao Tánh. Ông Tánh đưa học sinh này về phòng giám thị của trường và hỏi lý do thì được học sinh này trả lời là chửi một người bạn nào đó ở Trại Mát, cách trường khoảng 10km vì người bạn này vay tiền không trả... Nghe học trò giải thích quanh quẩn, ông Tánh đã không giữ được bình tĩnh và tát Trí mấy cái vào mặt làm cho Trí chảy máu mũi.
Vài ngày sau, ông Lê Cao Tánh bị hiệu trưởng ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Sau đó, nhà trường đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với ông. Đầu năm 2007, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng đã ra quyết định sa thải ông Lê Cao Tánh.


Từ khi thua kiện trước tòa lao động sơ thẩm lẫn phúc thẩm, thầy giáo Tánh theo học nghiệp vụ Luật sư, và nay trở thành luật sư của văn phòng luật sư Bá Tánh ở TP Đà Lạt
... Phiên tòa … nghiệt ngã.

Không đồng ý với quyết định trên, ông Lê Cao Tánh đã làm đơn khiếu nại tới Ban Giám hiệu Trường THPT Bán công Nguyễn Du. Tháng 7-2007, ông khởi kiện vụ án lao động ra TAND TP Đà Lạt. Trong đơn kiện, ông yêu cầu tòa án xử hủy quyết định sa thải, buộc nhà trường bố trí cho ông làm việc trở lại, đồng thời bồi thường cho ông các thiệt hại phát sinh. Ty nhiên, không biết dựa vào đâu mà tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Lâm Đồng) lẫn sơ thẩm (TAND TP Đà Lạt) đều “xử” Trường Nguyễn Du thắng kiện, thầy Tánh phải chấp hành quyết định sa thải của Trường này. Không đồng tình với phán quyết của 2 phiên tòa trên, ông Tánh tiếp tục làm đơn Giám đốc thẩm. Tháng 6-2011, Viện KSND tối cao đề nghị tòa lao động TAND tối cao đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng lẫn sơ thẩm của TAND TP Đà Lạt. Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, hành vi đánh học sinh của thầy giáo bị sa thải chỉ có thể xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương, (theo khoản 1a, Điều 84 Bộ luật Lao động) hay chuyển công việc khác trong thời hạn tối đa sáu tháng (theo khoản 1b, Điều 84 BLLĐ).
... Công lý được bảo vệ
Ngày 27/09/2011, TAND tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp kỷ luật sa thải” số 05/2011/LĐ-GĐT giữa ông Lê Cao Tánh và Trường THPT Bán công Nguyễn Du, Đà Lạt. Theo quyết định này, TAND tối cao đã hủy cả hai bản án sơ thẩm số 03/2008/ST-LĐ ngày 28-4-2008 của TAND TP Đà Lạt và bản án phúc thẩm số 01/2008/LĐ-PT ngày 16-9-2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 17-9-2013, TAND TP Đà Lạt đã mở phiên tòa sơ thẩm lần hai để xét xử vụ án. Căn cứ vào Điều 85 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002, 2006, HĐXX cho rằng các hành vi vi phạm của ông Tánh không thuộc trường hợp xử lý kỷ luật sa thải và do vậy, quyết định sa thải của nhà trường không đúng quy định. HĐXX đã xử buộc nhà trường phải nhận ông Tánh trở lại làm việc, thanh toán cho ông số tiền lương từ ngày bị đuổi việc oan đến nay (khoảng 232 triệu đồng), cũng như khôi phục mọi chế độ bảo hiểm cho ông. Ngoài ra, nhà trường còn phải đăng tin xin lỗi ông trên báo trung ương và địa phương ba kỳ liên tiếp.
“Kỳ án” ở Trường THPT Bán công Nguyễn Du, Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng đã có hồi kết, có phán quyết đúng người, đúng tội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt câu hỏi: Nếu như ông Lê Cao Tánh không kiên trì để đi tìm công lý thì sẽ ra sao? Với cách làm việc của cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương như vậy, ai sẽ bảo vệ người bị oan ức?

Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"