Lâm Đồng: Theo VietGAP lúa năng suất cao

(Dân Việt) - Năm 2012, thực hiện chủ trương của Bộ NNPTNT về việc phát triển “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP.
Bước đầu cho thấy, sản xuất lúa theo quy trình này là hướng đi đúng để nông dân nâng cao giá trị cây lúa.
Năng suất tăng, chi phí giảm
Nông dân Cát Tiên thu hoạch lúa VietGAP.
Hai mô hình trình diễn cánh đồng mẫu theo hướng VietGAP được tỉnh Lâm Đồng triển khai tại xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) và xã Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) với hơn 70ha lúa của 170 hộ nông dân tham gia dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật cũng như hỗ trợ đầu tư của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng. Kết quả, tại xã Tư Nghĩa năng suất lúa mô hình đạt bình quân 65 tạ/ha/vụ (năng suất lúa bình quân của cả xã trong cùng khu vực vào khoảng 52,53 tạ/ha/vụ), tại xã An Nhơn đạt 70 tạ/ha/vụ (năng suất lúa bình quân của xã khoảng 47 tạ/ha/vụ). Nhờ đạt năng suất cao hơn và chi phí đầu tư sản xuất thấp hơn, nên lợi nhuận của nông dân từ mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP đạt từ 17-18 triệu đồng/ha/vụ - cao hơn so với các mô hình sản xuất nông dân vốn đã và đang áp dụng tại địa phương từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ.
Với kết quả đạt được, trong thời gian tới hai huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên sẽ triển khai nhân rộng mô hình này với quy mô diện tích từ 500-700 ha/năm.
Môi trường trong sạch nhờ “lúa VietGAP”
Hiện tại mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại Cát Tiên và Đạ Tẻh chỉ mới áp dụng với giống lúa OM 4900 với mật độ sạ 120kg/ha. Nông dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật tại địa bàn hướng dẫn một số kỹ thuật canh tác; hướng dẫn công thức NPK cụ thể tại địa phương và cách tính toán theo từng loại phân cho nông dân hiểu để ứng dụng. Anh Diệp Duy Tân, thôn Phước Sơn, xã Phước Cát II cho biết, sản xuất lúa sạch và an toàn, có giá trị kinh tế cao là điều mà các thành viên trong thôn luôn hướng đến.
Anh Nguyễn Hiền, thôn Cát Lâm, xã Phước Cát I (huyện Cát Tiên) thì cho biết, nhờ VietGAP anh hiểu rõ hơn về phương pháp 3 giảm 3 tăng. Nếu trước đây, lượng giống được anh sử dụng cho mỗi ha thường là từ 150kg trở lên, đến nay khi áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng, lượng giống chỉ còn lại từ 100-120kg. “Điều quan trọng nữa là khi áp dụng biện pháp này, quá trình quang hợp của cây lúa sẽ được thuận lợi hơn, hạn chế sâu bệnh hại tấn công, giúp anh tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế”- anh Hiền cho biết.
Cao Diên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"