Ở đâu xét khen thưởng cuối năm như cơ quan tôi?

(Kienthuc.net.vn)- Ở cơ quan tôi, sếp có quyền đổi trắng thay đen mà không cần đếm xỉa tới các quy định của pháp luật cũng như góp ý của nhân viên trong cơ quan.

Thậm chí, khi có người phản ứng cách xét danh diệu “Chiến sĩ thi đua” của cơ quan vì trái với quy định của pháp luật, sếp phó còn nói trắng phớ: “Đây là dịp tôi thể hiện có chức phải có quyền”.

Mr Bean cũng lắc đầu ngao ngán

Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm là cơ quan tôi lại nhốn nháo cả lên trong bình việc xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Là công chức trong một cơ quan Nhà nước tại Lâm Đồng, song chúng tôi không được nói lên chính kiến của mình, hoặc có lên tiếng thì mọi chuyện vẫn vậy, ý sếp đã quyết thì không gì có thể thay đổi được.

Theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, quy định các danh hiệu thi đua đối với cá nhân là: Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt 2 tiêu chuẩn: “Lao động tiên tiến” và có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có giải pháp công tác, có đề tài nghiên cứu hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định thành lập. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

Tuy vậy, ở cơ quan tôi, luật của Nhà nước phải chào thua “lệnh” của Hội đồng thi đua, khen thưởng. Chỉ cần “Hội đồng tín nhiệm” là được, bất kể người đó có đạt được các tiêu chí như luật định hay không. Vì vậy năm 2011, đồng chí Thủ trưởng cơ quan tôi khi nhận bằng khen của tỉnh mới “giật mình” hỏi lại Hội đồng thi đua, khen thưởng của cơ quan rằng: “Tôi không đăng ký sao lại đạt”?.

Trong khi có 2 cán bộ 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” lại không được bình xét với lý do là Hội đồng quên nên sót! (?)...

Năm 2012 này, Hội đồng thi đua cơ quan có 9 người (3 Thường trực, 6 trưởng ban) thì 7 người là thành viên Hội đồng đạt danh hiệu thi đua cấp cơ sở trở lên, 2 người tự nhận lao động tiên tiến!...

Đối với nhân viên quèn chúng tôi, “nằm mơ” để đạt những danh hiệu trên cũng không đến lượt. Bởi vậy, sau mỗi lần bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm cơ quan tôi lại râm ran, thậm thụt bàn tán. Bao nhiêu danh hiệu những người trong Hội đồng giành hết, họ lập Hội đồng bình xét cho có hình thức chứ không dựa vào bất cứ tiêu chí nào được quy định trong Luật thi đua, khen thưởng.

Qua nhiều năm công tác tại cơ quan, tôi thấy các ông trong Hội đồng hầu hết tự bỏ phiếu tín nhiệm cho mình và gạch tên những người khác là xong. Không ít người suốt năm lao động miệt mài, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp không ít sáng kiến hay cho cơ quan và được người đứng đầu bộ phận ghi nhận, tuyên dương nhưng lại bị Hội đồng bác bỏ.

Thế là nảy sinh bao chuyện dở khóc dở cười từ việc bỏ phiếu tín nhiệm của “Hội đồng”.

Chẳng hạn, năm 2011, một cán bộ ở bộ phận Kế toán khi được “Hội đồng” bất ngờ tín nhiệm là “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, trong thế bí đành đăng ký một sáng kiến cho hợp thức hóa là: “Áp dụng tốt phần mềm kế toán trong công viêc”!.. Đáng lẽ đây là nhiệm vụ mà cán bộ này phải làm nhưng cơ quan phải bỏ tiền ra mua để nhẹ bớt việc thì lại trở thành “Đề tài khoa học” và nghiễm nhiên trở thành “Chiến sĩ thi đua” vì có “sáng kiến”.

Tại cuộc họp “Công bố kết quả bình xét thi đua năm 2012”, một cán bộ cơ quan tôi phát biểu: “Việc bình xét theo kiểu “diễn cải lương” như trên là sai quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Tôi không nhất trí…”. Và có 4/5 ý kiến phát biểu không đồng tình với cách xét của “Hội đồng”, lúc này một người là thành viên trong “Hội đồng” thấy được sự vô lý trên nên xin được không nhận danh hiệu “Chiến sẽ thi đua”. Lý do là: “Tôi thấy áy náy vì toàn là lãnh đạo đạt, còn lính thì không có ai đạt cả!..”.

Tuy nhiên vị lãnh đạo phụ trách thi đua, khen thưởng chủ trì cuộc họp vẫn giữ rất vững quan điểm. Ông cho rằng: “Đây là kết quả cuối cùng, nếu đồng chí nào không đồng tình thì góp ý để năm sau làm tốt hơn”.

Vậy là mọi ý kiến đóng góp của đám nhân viên chúng tôi lại một lần nữa bị bỏ ngoài tai.

Thực ra, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” không làm nên điều gì to tát nhưng cái cảm giác bị người khác phủ nhận sự nỗ lực thực sự của mình trong cả một năm phấn đấu khiến con người ta không tránh khỏi sự ngán ngẩm, tủi thân. 
Cao Diên

Nhận xét

  1. Hi chiến sĩ "thi đua" là "thua đi" mà bạn. Ông xếp bạn nói đúng đó: “Đây là dịp tôi thể hiện có chức phải có quyền”.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"