Hồ Xuân Hương lại “lâm bệnh”

Hồ Xuân Hương là thắng cảnh nổi tiếng của TP Đà Lạt, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Hồ xuân Hương đang bị ô nhiễm trầm trọng
Nhưng trong những năm gần đây, nước trong hồ thường bị nổi váng xanh và bốc mùi hôi thối. Chính quyền địa phương đã áp dụng rất nhiều biện pháp để khắc phục, thậm chí năm 2010 còn cho nạo vét hồ nhưng vẫn không trị được tận gốc. Và từ giữa tháng 10 đến nay, “căn bệnh cũ” này lại đang tái diễn.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tảo lam (một loài tảo độc) phát triển quá mức do nước hồ bị ô nhiễm. Mỗi khi có nắng, hiện tượng quang hợp diễn ra thì mặt nước hồ chuyển sang màu xanh rêu, còn mùi hôi thối là do tảo bị phân hủy. “Hồ Xuân Hương ô nhiễm chủ yếu do nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản đều đổ trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý” - ThS Lâm Ngọc Tuấn (ĐH Đà Lạt) nhận định.

Hồ Xuân Hương có chu vi hơn 7 km và diện tích mặt nước là 38 ha. Đây là một công trình nhân tạo, được hình thành từ khi người Pháp bắt đầu xây dựng Đà Lạt (đầu thế kỷ XX).
Bà Nguyễn Thị Anh Hoa, Trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng), cho biết thêm: “Không loại trừ một số đơn vị, cơ quan đã xả ngầm nước thải xuống hồ. Ngoài ra có thể hồ còn bị ô nhiễm từ việc các khu vực xung quanh và sân golf đồi Cù sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Chúng tôi đang yêu cầu lãnh đạo sân golf báo cáo việc họ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào, từ đó tìm ra biện pháp bảo vệ hồ thích hợp”.
Theo ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, hồ Xuân Hương đã có hiện tượng ô nhiễm từ năm 2003. Kết quả quan trắc cho thấy nước hồ có hàm lượng nitơ và phốt pho rất lớn. “Hồ Xuân Hương chứa khoảng 800.000 m3 nước, bốn hồ lắng xung quanh chứa gần 100.000 m3, lưu lượng nước đi qua hồ hằng năm lên đến 30 triệu m3. Do vậy cần phải chống ô nhiễm từ gốc (khu vực thượng nguồn), trong cả hệ sinh thái chứ không phải chỉ xử lý tại hồ” - ông Ngự nói.
Theo UBND TP Đà Lạt, hiện các hệ thống xả thải ra mặt hồ đều do cấp tỉnh quản lý. TP đã đề nghị Sở TN&MT kiểm tra việc xả thải của các hộ sản xuất kinh doanh và dịch vụ để sớm xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Mới đây, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã kiến nghị cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh cho các khu dân cư; di dời các cơ sở sản xuất rượu bia, rau hoa ở khu vực đầu nguồn.
CAO DIÊN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” CỦA HÀN MẶC TỬ

“CẮT TÓC KÍCH DỤC” – HOÀNH HÀNH TP ĐÀ NẴNG

Từ bài thơ "Đôi dép" ngẫm về tình yêu "Đôi lứa"